Thế Giới

Duterte được bà Suu Kyi đón tiếp

Monday, 20/03/2017 - 10:42:00

Các quan sát viên bình luận là ông Duterte và bà Suu Ki là hai lãnh tụ Đông Nam Châu Á rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng theo “hai hướng khác nhau.”

Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã được bà Aung Sang Suu Kyi, Quốc Vụ Khanh của chính phủ Miến Điện đón tiếp tại thủ đô Naypyitaw của Miến Điện. Vẫn với giọng điệu vô cùng thách thức, ông Duterte lên tiếng bác bỏ các chỉ trích từ Châu Âu về chương trình trấn áp am túy đẫm máu của ông va nói, “Tôi đã tuyên bố là tôi sẽ không ngừng tay, tôi sẽ tiếp tục cho đến khi nào tên đầu sỏ băng đảng ma túy cuối cùng của Phi Luật Tân bị tiêu diệt.”
Các quan sát viên nhận thấy phong thái rất trầm tĩnh kiểu ăng lê của bà Suu Ki tương phản quá rõ với kiều cách “bốc lửa” của ông Duterte. Ông Duterte đang có chuyến đi thăm tất cả 9 quốc gia thành viên của khối ASEAN, vì năm nay Phi Luật Tân là Chủ tịch luân phiên của hiệp hội này.
Ông Duterte cũng hứa giúp $300,000 đô la viện trợ nhân đạo cho tỉnh Rakhine của Miến Điện, nơi có hơn 100,000 người dân thiểu số theo Hồi giáo phải di tản vì chiến sự. Các quan sát viên bình luận là ông Duterte và bà Suu Ki là hai lãnh tụ Đông Nam Châu Á rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng theo “hai hướng khác nhau.”

Nga yêu cầu Do Thái giải thích các phi vụ
Nga đã yêu cầu Đại Sứ Do Thái đến Bộ Ngoại Giao Nga vì các phi vụ tấn công của không quân Do Thái vào Syria trong tuần qua. Thứ Trưởng Mikhai Bogdanov của Bộ Ngoại Giao Nga đã xác nhận chuyện triệu tập Đại Sứ Gary Koren của Do Thái đến nhằm giải thích vụ Do Thái và Syria xung đột nhau khi hỏa tiễn phòng không của Syria bắn lên và hỏa tiễn chống hỏa tiễn của Israel bắn lại. Hai bên bắn nhau đã diễn ra tại một nơi khá gần với nơi trú đóng các binh sĩ Nga, khiến Bộ Ngoại Giao Nga bày tỏ quan ngại về vụ đụng độ này, diễn ra gần cổ thành Palmyra của Syria.
Có 180 quân nhân Nga đang làm việc gỡ mìn quanh cổ thành này. Trước đây Do Thái và Nga ngầm thỏa thuận nhau nhằm tránh va chạm giữa máy bay Nga và máy bay của không quân Do Thái trong vùng trời Syria vì Nga cũng tiến hành ném bom vào các vị trí đối kháng chính thể của Tổng Thống al-Assad nhưng Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái là ông Avigdor Lieberman cảnh cáo “Israel sẽ ngay tức khắc tiêu diệt hệ thống phòng không của Syria hay của Lebanon, nếu máy bay Do Thái lại bị tấn công.”

Hết kiểu chơi dại: thách thức cá sấu ở Úc
Hôm thứ Hai các viên chức Úc cho hay thanh niên 18 tuổi tên Lee de Paauw, đã nói với bạn bè là “cậu dám nhảy xuống một khúc sông đầy cá sấu” ở tiểu bang Queensland phía bắc Úc, và đã bị cá sấu xúm lại “mần thịt,” nhưng may mắn Lee được cứu kịp và đang từ từ hồi phục từ các vết thương do sấu cắn xé ở một bệnh viện.
Cũng tại khúc sông hung dữ vì cá sấu, người ta vớt được thi thể của một người đàn ông bị cá sấu ăn thịt. Cô Sophie Paterson, một nữ du khách Anh và bạn bè không nghĩ là de Paauw dám nhảy xuống sông sau lời thách thức của chính cậu ta, nhưng anh chàng nhảy thật. Chỉ vài giây sau một con cá sấu đã nhào tới.
Paterson kể, “Mọi chuyện rất nhanh, anh ta vừa rơi tòm xuống sông đã có tiếng la hét và máu đỏ khắp nơi.” Rất may mắn, thanh niên chơi dại quay được vào bờ và leo lên trước khi bọn cá sấu dìm anh ta xuống nước. Còn xác người đàn ông 35 tuổi là do ông đi câu cá một mình trên sông và bị một con cá sấu to tấn công.

Na Uy hạnh phúc nhất trên thế giới
Theo kết quả của một phúc trình mới nhất từ Liên Hiệp Quốc thì Na Uy đã “soán ngôi” của Đan Mạch để trở thành quốc gia hạnh phúc nhất trên hành tinh. Bản báo cáo có tên “World Happiness Report” ngoài các tiêu chuẩn đánh giá một quốc gia được xếp hạng, còn đưa ra lý do vì sao dân của một quốc gia cảm thấy hạnh phúc. Năm quốc gia đầu bàng lần lượt là Na Uy, Đan Mạch, Cộng Hòa Băng Đảo, Thụy Sĩ và Phần Lan, còn quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng, thứ 150, là Cộng Hòa Trung Phi.
Các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ chiếm đa số trong các hạng đầu, Hoa Kỳ xếp thứ 14 và Anh xếp thứ 19. Các quốc gia “cầm đèn lái” là những xứ trong khu vực nam sa mạc Sahara và các xứ có chiến tranh. Trong số 155 quốc gia được đánh giá, Syria xếp hạng thứ 152, Yemen và Sudan, vốn đang bị nạn đói trầm trọng đe dọa, xếp hạng 146 và 147. Các yếu tố chỉ số GDP, phúc lợi xã hội, tuổi thọ, tự do, rộng lượng và ít tham nhũng là các yếu tố gây ảnh hưởng mạnh nhất.

Kinh tế Iran phát triển kém
Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm thứ Hai đã chỉ trích mạnh mẽ thành tích phát triển kinh tế yếu kém của Iran và kêu gọi “cần phải làm sao khắc phục tình trạng này.” Lời nhận định của ông Khamenei là một đòn nặng giáng vào Tổng Thống Iran Hassan Rouhani, khi vào tháng 5 lại diễn ra cuộc bầu cử quan trọng ở Iran.
Thành phần bảo thủ của Iran luôn chỉ trích thành tích của chính phủ ông Rouhani, đặc biệt là thỏa thuận nguyên tử ông đạt được với các cường quốc thế giới về chuyện hủy bỏ các lệnh trừng phạt. Lãnh tụ Khamenei nói, “Tôi cảm nhận được mối đau khổ của tầng lớp bần cùng trong xã hội Iran, chính phủ có cố gắng song chưa đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng. Tình trạng vật giá leo thang và nạn thất nghiệp mạnh mẽ là những yếu tố khiến kinh tế iran càng thêm chật vật.” Trong số gần 80 triệu dân Iran có khoảng 3.2 triệu thất nghiệp, chiếm tỉ lệ 12.4%, tăng thêm 1.4% so với năm 2016.

Brexit sẽ không ảnh hưởng đến tương lai của EU
Vào thứ Tư tuần sau, nữ Thủ Tướng Anh Theresa May sẽ chính thức công bố với khối EU chuyện Anh quốc thhc khỏi khối này. Bà sẽ viết một lá thư gửi cho Hội Đồng Châu Âu, bày tỏ hy vọng chuyện Brexit và mối tương quan trong tương lai giữa EU và Anh sẽ được khởi động đàm phán sớm.
Theo Điều Lệ số 50, các cuộc thương thuyết về Brexit chỉ được chính thức khởi sự khi lãnh đạo Anh Quốc công khai nói với EU về chuyện này. Các lãnh tụ của EU sẽ gặp nhau tại Rome hôm thứ bảy tuần này, và chính phủ Anh Quốc thì loan báo sẽ khởi động tiến trình chính thức rời khỏi khối EU vào ngày 29 tháng 3.
Các lãnh đạo Châu Âu nói họ muốn kết thúc đàm phán chuyện Brexit với Anh trong vòng 18 tháng tới, để Quốc Hội Anh và Quốc Hội khối EU có thì giờ bỏ phiếu chấp thuận. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố với tờ báo Bild của Đức là “Anh nên từ bỏ hy vọng có được một thỏa ước mậu dịch với EU, nếu như họ khước từ các yêu cầu của EU đưa ra.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT