Đạo và Đời

Đức tin trong ý nghĩa của Phật giáo

Wednesday, 22/03/2017 - 07:45:35

Khía cạnh thứ nhì vượt quá một xu hướng; đó là một ước vọng muốn hiểu biết nhiều hơn nữa, đưa sự học hỏi vào thực hành, theo tấm gương của vị đại sư, và từng chút từng chút một, đạt đến sự toàn hảo đó.

Bài THẦY MATTHIEU RICARD

(Ông Jean Francois Revel là một giáo sư triết học có uy tín thuộc viện Hàn Lâm Pháp, còn Matthieu Ricard là một tiến sĩ sinh vật học tại viện Pasteur Paris. Họ là cha con. Vị triết gia vốn vô thần đã không khỏi ngạc nhiên khi con ông bỗng một ngày kia bỏ ngang sự nghiệp đầy hứa hẹn tại viện Pasteur để sang Tây Tạng tu học Phật giáo. Thầy Ricard trở thành một tăng sĩ, giữ vai trò thị giả của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hai cho con từng có một cuộc đàm đạo, đối đáp đầy trí tuệ ở một tu viện tại Phương Đông, đưa đến việc ra đời một cuốn sách dày cả 500 trang, cho thấy cái nhìn của người Tây Phương về triết lý Phật giáo. Dưới đây là trích đoạn từ một trong hơn 500 trang của cuốn Tăng Sĩ và Triết Gia do Linh Thụy chuyển ngữ, được nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành tại Quận Cam năm 2000.)

Bìa cuốn Tăng Sĩ và Triết Gia ấn bản tiếng Ý.


Phật Giáo phân biệt bốn khía cạnh khác nhau trong đức tin.
Thứ nhất là cảm giác của sự sáng tỏ và phấn chấn trỗi dậy khi nghe được lời dạy tâm linh, hoặc cuộc đời của Đức Phật, hoặc một vị đại sư nào đó. Đó là một loại thích thú rất hiển nhiên.

Khía cạnh thứ nhì vượt quá một xu hướng; đó là một ước vọng muốn hiểu biết nhiều hơn nữa, đưa sự học hỏi vào thực hành, theo tấm gương của vị đại sư, và từng chút từng chút một, đạt đến sự toàn hảo đó.
Khía cạnh thứ ba là khi niềm tin trở thành sự xác tín, sự đoan quyết đó đạt đến nhờ vào sự phối kiểm của chính bản thân về hiệu lực của lời giảng dạy và hiệu quả của con đường tâm linh, do chính ta đạt được sự thỏa mãn tăng tiến và một cảm giác đầy đủ. Tương tự như khi khám phá được một quang cảnh càng ngày càng thấy đẹp hơn khi được vào bên trong đó.

Cuối cùng, khi nhận ra trong bất kỳ cảnh huống nào lòng xác tín vẫn không hề mâu thuẫn hoặc cho thấy là sai lầm, chính là lúc ta đạt đến một sự ổn cố trong thực hành và nhờ đó có khả năng áp dụng vào bất cứ điều gì xảy đến trong đời, dù thuận lợi hay không. Sự quả quyết đó trở thành một bản chất tự nhiên thứ nhì của ta, và đức tin trở nên bất thối chuyển.

Đó chính là bốn giai đoạn của đức tin Phật Giáo, không phải là một bước nhảy vọt mà một thiện tri thức phải làm, mà là kết quả của một sự khám phá dần dà và chứng nghiệm đi đến xác quyết rằng con đường tâm linh thật sự đã mang đến quả vị.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT