Thế Giới

Đức Giáo Hoàng thừa nhận sai lầm ở Chile

Wednesday, 11/04/2018 - 07:59:25

Lá thư của Đức Giáo Hoàng không cho biết kết quả điều tra, nhưng nói rằng Ngài và các giám mục sẽ có “nhiều điều phải làm để khôi phục giáo hội.” Linh Mục Karadima đã bị đuổi khỏi giáo đoàn và Vatican, vì tội lạm dụng tình dục trẻ em, và bị kết tội năm 2010.

VATICAN – Vào ngày thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Francis thừa nhận Ngài đã có phán quyết “sai lầm nghiêm trọng” trong vụ lạm dụng tình dục ở Chile, và đã mời các nạn nhân - từng bị Ngài cho là không đáng tin cậy – đến thành Rome để xin họ tha thứ. Trong lá thư công bố cho dư luận, Đức Giáo Hoàng Francis cũng triệu hồi mọi giám mục Chile đến Vatican, để dự cuộc họp khẩn cấp về vụ tai tiếng vốn đã làm tổn hại danh tiếng Giáo Hội.
Theo Đức Giáo Hoàng Francis, “các thông tin không đầy đủ và không đáng tin cậy” đã khiến Ngài có phán quyết sai trong vụ cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan với Giám Mục Juan Barros, một tu sĩ được nhiều người biết tại Chile, và Linh Mục Fernando Karadima. Trong chuyến thăm Chile trước đây, trên đường quay lại Rome, Đức Giáo Hoàng Francis đã cáo buộc các nạn nhân là “vu oan,” khi họ muốn xét xử ông Barros. Sau khi bị các nạn nhân phản đối, Đức Thánh Cha Francis đã gởi nhà điều tra giỏi nhất của Vatican, Tổng Giám Mục Charles Scicluna, đến Chile để tìm hiểu vụ tai tiếng.
Lá thư của Đức Giáo Hoàng không cho biết kết quả điều tra, nhưng nói rằng Ngài và các giám mục sẽ có “nhiều điều phải làm để khôi phục giáo hội.” Linh Mục Karadima đã bị đuổi khỏi giáo đoàn và Vatican, vì tội lạm dụng tình dục trẻ em, và bị kết tội năm 2010.

Không quân Syria gởi máy bay sang căn cứ Nga
LATAKIA - Quân đội Syria đang gấp rút thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại về vũ khí, thiết bị, trong trường hợp bị Hoa Kỳ không kích. Không quân Syria đã chuyển một số chiến đấu cơ sang căn cứ quân sự Hmeymim do Nga quản lý ở tây nam tỉnh Latakia, nhằm bớt thiệt hại trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công của Hoa Kỳ. Hành động này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ dường như đang gấp rút chuẩn bị cho một đợt không kích nhằm vào Syria, sau khi quân đội nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta hôm 7 tháng 4, khiến 70 người thiệt mạng.
Một khu trục hạm Hoa Kỳ trang bị hỏa tiễn dẫn đường hiện có mặt ở đông Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria, trong khi chiếc thứ hai sẽ đến đây trong vài ngày tới. Các đồng minh của Hoa Kỳ như Pháp, Úc hay Ả Rập Saudi đều bày tỏ sự ủng hộ với các hành động quân sự ở Syria. Một nguồn tin địa phương cho biết, Không quân Nga và Syria hôm thứ Tư cũng thực hiện nhiều chuyến bay dọc bờ biển phía tây, nhằm theo dõi các hành động của Hoa Kỳ và đồng minh.
Từ hôm thứ Ba, toàn bộ các đơn vị quân đội của chính phủ Syria đã được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu cao. Quân đội Syria cũng gia cố hệ thống hầm hào, công sự tại các căn cứ trên khắp nước, để đề phòng nguy cơ bị tấn công. Hồi tháng 4, 2017, Hoa Kỳ đã phá hủy 20 chiến đấu cơ Syria trong cuộc tấn công vào một căn cứ ở tỉnh Homs.

Chiến hạm Anh tới Nhật giúp giám sát Bắc Hàn
TOKYO – Một chiến hạm Anh vừa đổi lịch trình hoạt động và đã đến Nhật vào thứ Tư, để gia nhập lực lượng thi hành lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn, liên quan đến chương trình nguyên tử và hỏa tiễn của nước này. Chiến hạm HMS Sutherland của Hải quân hoàng gia Anh đã đến Yokosuka, căn cứ chính của lực lượng phòng vệ hàng hải của Nhật, và cũng là cảng nhà của hạm đội 7 Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Nhật nói, tàu Sutherland sẽ góp phần vào các nỗ lực quốc tế để giám sát hoạt động thương mại trái phép trên biển của Bắc Hàn.
Tàu Sutherland đến Nhật trong bối cảnh 2 miền Triều Tiên chuẩn bị gặp mặt trong tháng này, và Tổng Thống Donald Trump dự kiến cũng sẽ gặp Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào đầu tháng 5. Ông Paul Casson, tùy viên quân sự Anh quốc tại Nhật, cho biết chiến hạm Sutherland là một phần của thông điệp quốc tế gởi đến Bắc Hàn, và con tàu này sẽ tham gia các nhiệm vụ giám sát trên vùng biển quanh Bắc Hàn trong khoảng 1 tháng. Ông Casson thêm rằng, lực lượng trên tàu Sutherland có đủ khả năng để kiểm tra các tàu khác nếu được yêu cầu.
Anh quốc cũng dự định sẽ gởi thêm 2 chiến hạm khác đến châu Á trong vài tháng tới, giúp nước này duy trì sự hiện diện liên tục trong khu vực. Tình trạng căng thẳng tại châu Á đã giảm nhiệt trong những tháng gần đây, sau khi Bắc Hàn tham gia Thế Vận Hội mùa đông ở Nam Hàn vào tháng 2. Sau sự kiện đó, Bắc Hàn lần đầu tiên nói rằng, nước này sẵn sàng thảo luận việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, khi ông Kim gặp ông Trump vào tháng tới.

Nga thông báo sẽ đưa quân tới Douma
MOSCOW - Quân đội Nga hôm thứ Tư cho biết sẽ chuyển binh sĩ tới thị trấn Douma, nơi được cho là bị tấn công hóa học hồi cuối tuần trước, nhằm bảo đảm an ninh. "Từ ngày mai, để bảo đảm an ninh và để giúp đỡ người địa phương, các đơn vị cảnh sát quân sự Nga sẽ được điều động tới Douma,” Trung Tướng Viktor Poznikhir, viên chức quân sự cấp cao Nga, nói trong một cuộc họp báo.
Ông Poznikhir cho hay, đến nay có 41,213 người đã rời khỏi Douma với sự hỗ trợ quân sự từ Nga. Thị trấn Douma, đông Ghouta, hiện là tâm điểm căng thẳng ở Syria sau cáo buộc chính quyền Tổng Thống Bashar al-Assad hôm 7 tháng 4 gây ra một cuộc tấn công hóa học tại đây, khiến khoảng 70 người thiệt mạng, bao gồm có cả phụ nữ và trẻ em.
Hoa Kỳ và đồng minh cho rằng Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng chính quyền Tổng Thống Assad bác bỏ mọi cáo buộc, và cho rằng phiến quân tung tin giả khi bị dồn vào đường cùng. Nga cũng phủ nhận cáo buộc từ Hoa Kỳ, khẳng định mọi cuộc tấn công nhằm vào Syria dựa trên những chứng cứ giả mạo là không thể chấp nhận, sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Israel sắp đạt thỏa thuận trục xuất di dân Uganda
TEL AVIV - Chính phủ Israel đang hoàn tất một thỏa thuận với Uganda, để trục xuất hàng ngàn di dân châu Phi sang nước này. Trước đó, Tel Aviv cũng thương lượng với Rwanda và cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, để tìm điểm đến cho những người bị trục xuất. Khoảng 4,000 di dân đã rời Israel để đến Rwanda và Uganda kể từ năm 2013, theo một chương trình tự nguyện rời đi. Tuy nhiên, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đang đối mặt với áp lực từ các cử tri cánh hữu, muốn ông phải trục xuất thêm nhiều di dân hơn nữa. Vào tháng 2, Israel bắt đầu phát thông báo cho các di dân nam giới từ Eritrea và Sudan, cho họ thời hạn 3 tháng để tham gia chương trình ra đi tự nguyện, với một vé máy bay và $3,500 Mỹ kim, hoặc sẽ bị bắt giam.
Chính phủ Israel trước đó cho biết sẽ khởi sự chiến dịch cưỡng ép trục xuất vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền đã khởi kiện chiến dịch này, và Tối Cao Pháp Viện Israel đã ra phán quyết tạm thời, cho phép các bên liên quan có thêm thời gian để tranh luận về kế hoạch trục xuất. Người di dân tiến vào Israel thông qua đường biên giới chung của nước này với Ai Cập, và thường sẽ được cấp visa tạm thời. Những người di dân đang tạo ra một vấn đề đạo đức khó xử đối với Israel, quốc gia vốn được coi là nơi dung thân của người Do Thái. Các nhóm nhân quyền tại Israel cho rằng, chính phủ có thể thu nhận khoảng 37,000 di dân đang có mặt tại nước này, hoặc tìm cho họ một điểm đến an toàn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT