Thế Giới

Đức Giáo Hoàng thăm Miến Điện, nơi bị tai tiếng vì sự đàn áp người Hồi Rohingya

Monday, 27/11/2017 - 11:50:18

Quan điểm của chính phủ Miến Điện là những người Hồi giáo ở Rakhine là những người gần đây di cư từ Bangladesh đến chứ không phải công dân thực sự của Miến Điện, còn nhiều người Rohingya nói rằng, họ đã sống ở đây nhiều thế hệ.


Đức Giáo Hoàng Francis đang được tiếp đón bởi một nhóm trẻ trong y phục truyền thống Miến Điện tại Phi Trường Quốc Tế Yangon, khi ngài đến đây ngày thứ Hai, 27 tháng 11. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Miến Điện. Sau ba ngày ở đây, Đức Giáo Hoàng sẽ bay qua nước láng giềng Bangladesh. (Vincenzo Pinto/ Getty Images)


YANGON - Đức Giáo Hoàng Francis đã đến Miến Điện, trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử thăm viếng quốc gia này. Ngài đến để khích lệ tinh thần cộng đồng Công Giáo thiểu số ở Miến Điện (Myanmar). Thế nhưng vấn đề người tị nạn Rohingya lại là vấn đề gây chú ý nhiều nhất đối với báo giới.

Đặt chân đến Yangon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, Giáo Hoàng Francis được chào đón bởi hàng ngàn người Công giáo mặc trang phục truyền thống rực rỡ đứng vẫy cờ với sự nô nức nồng nhiệt.

Những người đứng đón ngoài đường phố nói rằng Giáo Hoàng đang làm điều tốt đẹp cho mọi người ở Miến Điện và trên thế giới, vì ngài là người của hòa bình. Họ vui mừng vì đây là dịp hiếm có trong đời được thấy Đức Giáo Hoàng.

Nhiều cảnh sát chống bạo động được huy động đến bảo vệ chuyến thăm của Giáo Hoàng mặc dù không có dấu hiệu sẽ xảy ra biểu tình. Từ tháng Bảy, khi Vatican thông báo sẽ thăm Miến Điện, tình hình ở tỉnh bang Rakhine ngày càng tệ hơn. Hơn 623,000 người tị nạn Rohingya ở Miến Điện đã vượt qua biên giới sang Bangladesh kể từ cuối tháng Tám, sau một vụ bùng nổ xung đột giữa quân đội Miến Điện và các tay súng vũ trang ở Rakhine, một vùng nghèo khó ở phía tây Miến Điện.

Chính phủ Miến Điện nhiều lần bác bỏ cáo buộc rằng họ đang thực hiện một chiến dịch thanh lọc người Rohingya và cho rằng chính những tay súng nổi dậy gây ra thiệt hại trên diện rộng. Thế nhưng các nước Tây Phương đã chỉ trích Miến Điện rất nặng nề.

Các chuyên gia nói rằng chuyến viếng thăm của Giáo Hoàng Francis cần sự cân bằng giữa rất nhiều vấn đề khó khăn về tôn giáo, ngoại giao và nhân đạo, giống như việc phải bước đi trên một sợi dây thừng. Ngay cả các viên chức Vatican cũng khuyên Giáo Hoàng tránh dùng tên Rohingya. Họ lo ngại điều đó sẽ gây hại cho thông điệp về sự hòa giải tại đất nước mà đa số dân theo Phật Giáo.

Quan điểm của chính phủ Miến Điện là những người Hồi giáo ở Rakhine là những người gần đây di cư từ Bangladesh đến chứ không phải công dân thực sự của Miến Điện, còn nhiều người Rohingya nói rằng, họ đã sống ở đây nhiều thế hệ.

Câu hỏi được đặt ra là Giáo Hoàng sẽ chọn cách nào để thảo luận vấn đề Rohingya.
Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Rohingya, Giáo Hoàng kêu gọi giáo dân “hãy cầu nguyện cho những người anh em của chúng ta.” Trong đoạn thông điệp bằng video gửi đến Miến Điện tuần trước, Đức Giáo Hoàng không đề cập đến Rohingya mà nói về thông điệp lớn hơn là sự hỗ trợ lẫn nhau “như những con người trong gia đình chung nhân loại.”

Giáo Hoàng Francis sẽ dành ba ngày ở Miến Điện trước khi lên đường sang Bangladesh, nơi ngài sẽ gặp người tị nạn Rohingya tại thủ đô Dhaka. Tại Miến Điện, Giáo Hoàng sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi và Tổng Tư Lệnh quân đội Min Aung Hlaing. Giới phân tích cho rằng Giáo Hoàng cần gặp cả hai người này nếu ngài muốn truyền một thông điệp về lòng thương nhân loại. Giáo hoàng cũng sẽ có một buổi cầu nguyện tập thể tại sân vận động Kyaikkasan Grounds ở Yangon vào ngày thứ Tư.

Dù quan điểm của Đức Giáo Hoàng về cuộc khủng hoảng Rohingya sẽ là tâm điểm chú ý của báo chí nhưng ngài được dự đoán cũng sẽ kêu gọi trao quyền nhiều hơn cho vài triệu giáo dân ở Miến Điện.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT