Thế Giới

Đức Giáo hoàng kêu gọi tôn trọng các nhóm thiểu số

Wednesday, 29/11/2017 - 09:15:06

Trong bài diễn văn, Đức Giáo Hoàng cho biết, “Tôi cũng muốn chuyến thăm là thăm hết thảy người dân Miến Điện, và là lời khích lệ cho tất cả những ai đang làm việc để xây dựng một xã hội công bằng, hòa giải và bao dung.”


Đức Giáo Hoàng Francis đang dự một buổi lễ với Ngài Bhaddanta Kumarabhivasma, chủ tịch của Tăng Đoàn Maha Nayaka tại Yangon ngày thứ Tư, 29 tháng 11, 2017. (Vincenzo Pinto/ Getty Images)


NAY PYI TAW - Đức Giáo Hoàng Francis đã tránh nhắc đến từ “Rohingya” để nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo sống tại Miến Điện, và cũng không nói đến vấn đề kỳ thị và áp bức. Nhưng ngụ ý trong lời lẽ của ngài rất rõ ràng trong thông điệp để lại trước khi rời Miến Điện ngày thứ Tư.

Đức Giáo Hoàng Francis đã nói chuyện với các viên chức lãnh đạo tại sảnh đường Trung tâm Hội Nghị Quốc Tế ở thủ đô mới Nay Pyi Taw. Hiện diện với ngài có bà Aung San Suu Kyi người đã đoạt giải Nobel Hòa bình, các thành viên trong chính phủ và các đoàn ngoại giao.

Giáo Hội Công Giáo ở Miến Điện đã xin Đức Giáo Hoàng đừng nhắc đến “Rohingya” trong bài diễn văn, để không gây thêm bạo động trong một đất nước dân chủ còn non trẻ, nơi quân đội vẫn có thế lực lớn. Đức Francis đã chấp nhận yêu cầu này, nhưng ngài vẫn không bỏ qua một lời kêu gọi rõ ràng rằng phải bảo vệ các nhóm thiểu số.

Trong bài diễn văn chào mừng, bà Suu Kyi nói về vùng đất mà người Rohingya sinh sống, nhưng cũng không nhắc đến từ “Rohingya.”

Bà nói, “Trong nhiều thử thách mà chính phủ chúng tôi phải đối phó, vấn đề ở Rekhine được thế giới chú ý nhiều nhất. Khi cân nhắc các vấn đề lâu dài về xã hội, kinh tế và chính trị mà chúng tôi từ lâu đã đánh mất sự tin tưởng và thông hiểu của cộng đồng quốc tế, thì chúng tôi thấy rõ sự hòa hợp và hợp tác giữa các cộng đồng khác nhau ở Rakhine, sự hỗ trợ của người dân cũng như của những người bạn mong muốn đất nước chúng tôi thành công, đúng là những điều vô giá. Món quà Đức Giáo Hoàng mang đến là sự thông cảm và khích lệ. Chúng tôi sẽ trân quí và ghi khắc những lời của ngài trong thông điệp mừng Ngày Hòa bình Thế giới 2017.”

Trong bài diễn văn, Đức Giáo Hoàng cho biết, “Tôi cũng muốn chuyến thăm là thăm hết thảy người dân Miến Điện, và là lời khích lệ cho tất cả những ai đang làm việc để xây dựng một xã hội công bằng, hòa giải và bao dung.”

Sau khi nói đến vẻ đẹp cùng tài nguyên thiên nhiên của đất nước này, Đức Francis nhắc lại rằng “người Miến Điện đã phải chịu quá nhiều đau khổ, và vẫn còn chịu đau khổ bởi xung đột trong nước vốn đã tồn tại quá lâu và tạo nên sự chia rẽ quá sâu sắc.”

Ngài nói tiếp, “Quốc gia này đang làm việc để phục hồi hòa bình và do đó, việc chữa lành những vết thương phải là ưu tiên hàng đầu về chính trị và tâm linh.”

Đức Giáo Hoàng nhắc đến nỗ lực của chính phủ và Hội Đồng Hòa Bình Panglong “đã đưa đại diện các nhóm lại với nhau trong nỗ lực chấm dứt bạo động, để xây dựng sự tin tưởng và bảo đảm việc tôn trọng quyền lợi của tất cả những ai xem mảnh đất này là quê nhà.”

Ngài cũng nhắc lại rằng “hòa bình và hòa giải chỉ có thể tiến tới khi có sự tận tâm với công lý và tôn trọng nhân quyền. Và phải giải quyết xung đột qua đối thoại chứ không phải dùng vũ lực. Tương lai của Miến Điện phải là hòa bình, một nền hòa bình đặt trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền của mọi thành viên trong xã hội, tôn trọng từng nhóm sắc tộc và căn tính của họ, tôn trọng luật pháp, và tôn trọng nền dân chủ cho phép mỗi người mỗi nhóm, không trừ một ai, được đóng góp hợp lý vào lợi ích chung.”
Theo Liên Hiệp Quốc, người Rohingya, nhóm sắc tộc thiểu số Hồi giáo ở Miến Điện, là một trong những nhóm thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới. Có tới 600,000 người Rohingya đã phải chạy thoát khỏi Rakhine để đến nước Bangladesh láng giềng, và trong vài ngày tới, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp một đoàn đại diện của họ tại Bangladesh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT