Thế Giới

Đức, Gia Nã Đại, thế giới lên án bạo động ở Charlottesville

Monday, 14/08/2017 - 10:56:20

Những bản tường thuật truyền thông quốc tế cũng chú ý đến lòng căm ghét chủng tộc đặc biệt ở Mỹ gây ra bạo lực ở Charlottesville, và chỉ trích chính phủ Trump.


Nhiều người đã xúc động trong buổi lễ thắp nến truy niệm cô Heather Heyer vào chiều Chủ Nhật tại Charlottesville, Virginia. Một ngày trước đó, bạo động xảy ra giữa các nhóm thượng tôn da trắng và đám đông chống kỳ thị chủng tộc tại Charlottesville. (Win McNamee/ Getty Images)


BERLIN – Trong nhiều tháng qua, tình hình chính trị tại Hoa Kỳ được đưa tin hàng đầu trên khắp thế giới, phần lớn vì người ta cảm thấy bị thu hút, khó hiểu, và lo lắng về những gì đang xảy ra ở Mỹ.

Đến cuối tuần qua thì sự kinh hoàng và nỗi buồn đã chiếm ưu thế, khi người dân trên khắp thế giới cùng với dân Mỹ đã thắc mắc rằng tại sao tình trạng chia rẽ và thù hận đã trở nên quá tệ, đến nỗi xảy ra chết người trong một cuộc biểu tình có tính chất kỳ thị chủng tộc của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng. Bạo động xảy ra trong một thị trấn có trường đại học, khiến cho một phụ nữ bị thiệt mạng. Một thanh niên 20 tuổi đã lái một chiếc xe tông vào một đám đông chống lại những người kỳ thị da trắng. Anh ta bị buộc tội giết người bậc hai. Trong cùng ngày, hai cảnh sát viên cũng bị thiệt mạng, khi chiếc máy bay trực thăng của họ bị rớt.

Trong những quốc gia áp dụng luật lệ nghiêm ngặt để canh chừng những ngôn từ được coi là kích động lòng thù hận, cũng có những câu hỏi về chuyện tại sao những người chủ trương thượng tôn dân da trắng, có mang theo súng, lại được phép tụ tập và truyền bá một thông điệp nhắm mục tiêu vào các nhóm thiểu số tôn giáo và chủng tộc.

Ông Matthias Jahn, khoa trưởng luật hình sự tại viện Đại Học Goethe ở Frankfurt, nói với nhật báo Washington Post, “Hầu hết người Đức đều không thể hiểu rằng tại sao những cuộc tụ tập như ở Charlottesville lái có thể xảy ra ở Mỹ, vì chúng tôi đã học một bài học từ lịch sử về sự kỳ thị chủng tộc. Luật pháp luật của chúng tôi tập trung vào niềm tin mạnh mẽ rằng bạn phải ngăn cản kiểu phát ngôn này, trong một xã hội cam kết tuân thủ các nguyên tắc của sự đồng tồn tại dân chủ và hòa bình.”
Trong ngày thứ Hai, ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của chính phủ Đức, nói rằng bạo động diễn ra ở Charlottesville là “ghê tởm.” Ông mô tả các biểu tượng và khẩu hiệu được đưa ra trên đường phố - trong số đó có những dấu hiệu Đức Quốc Xã, và khẩu hiệu “Máu và Đất,” một câu thúc quân xung trận của Đức Quốc Xã - là “đối nghịch hoàn toàn với các mục tiêu chính trị của thủ tướng và toàn thể chính phủ nước Đức.”

Vào cuối tuần qua, Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada lên tiếng. Trong một mục đăng trên Twitter, ông nói, “Chúng tôi biết Canada cũng không hẳn không miễn nhiễm nạn bạo động và thù hận kỳ thị chủng tộc.”

Tại Jerusalem, Do Thái, các viên chức thuộc Yad Vashem, một viện tưởng niệm Nạn Nhân Diệt Chủng, nói rằng họ “rất lo ngại” về các biến cố ở Charlottesville. Họ báo động rằng “ý thức hệ bài trừ người Do Thái của Đức Quốc Xã là một tiền thân cho chính sách đưa đến cuộc giết người và hủy diệt sáu triệu người Do Thái.”

Cảm giác kinh ngạc cực độ đã được phản ảnh trong những mục tin tức gây hồi hộp, trong giới truyền thông ngoại quốc.

“Những bóng ma mà anh ta đã gọi về” là tựa đề của một bài vuết đăng trên báo Die Tageszeitung của Đức, nhắc tới nghi can James Alex Fields Jr., kẻ đã lái xe cán chết người phụ nữ, và “bóng ma” Đức Quốc Xã mà một cựu giáo viên nói rằng anh ta đã tôn vinh. Việc người ngoại quốc chấp nhận ý thức hệ Đức Quốc Xã đang gây bất an trầm trọng cho nước Đức. Trong suốt mấy thập niên, nước này đã cố gắng xóa bỏ dấu vết của một chương đen tối nhất trong lịch sử của Đức. Từ quá khứ đen tối của Đức Quốc Xã, nạn kỳ thị xuất hiện tại Hoa Kỳ qua những nhóm nhỏ mà nay công khai lên tiếng từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.

Những bản tường thuật truyền thông quốc tế cũng chú ý đến lòng căm ghét chủng tộc đặc biệt ở Mỹ gây ra bạo lực ở Charlottesville, và chỉ trích chính phủ Trump.

Báo Guardian tại Anh Quốc viết, “Tổng thống không thể đổ lỗi cho những người thượng tôn da trắng.”
Một tựa đề trang đầu trên nhật báo Libération tại Pháp viết rõ, “Tòa Bạch Ốc,” gợi ý rằng thái độ kỳ thị chủng tộc đang bùng lên ở Mỹ đã xuất phát từ chính phủ Mỹ của ông Trump.

Trong khi đó, giữa rất nhiều lời lên án, nhiều người nhấn mạnh rằng quyền tự do ngôn luận là một nguyên tắc nền tảng của Hoa Kỳ.

Mặc dù tố cáo thông điệp của các thành viên Tân Quốc Xã và Ku Klux Klan, những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận, chẳng hạn như Liên Đoàn Các Quyền Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ, cũng bênh vực quyền của các nhóm kỳ thị trong việc tổ chức cuộc xuống đường Unite the Right (Đoàn Kết Cánh Hữu), tại địa điểm của một pho tượng Confederate (Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ) được dự trù dẹp bỏ.

Thế nhưng cựu Tổng Thống Bill Clinton nói, “Ngay cả khi chúng ta bảo vệ quyền tự do ngôn luận và hội họp, chúng ta phải lên án sự hận thù, bạo động, và chủ trương thượng tôn người da trắng.”






Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT