Thế Giới

Đức cho Litva mượn tuyên ngôn độc lập quốc khánh

Wednesday, 17/01/2018 - 08:08:51

Theo các nhà sử học, có khoảng 5 bản tuyên ngôn độc lập đã được ký vào ngày 16 tháng 2, 1918, khi Litva bị Đức chiếm đóng. Dù vậy, dấu vết của các bản tuyên ngôn độc lập này đã biến mất.



VILNIUS - Đức đã cho Litva mượn lại bản tuyên ngôn độc lập bị thất lạc của nước này, để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc. Bản tuyên ngôn độc lập này được khai quật bởi một giáo sư Litva ở Berlin vào năm ngoái. Theo thỏa thuận, nó sẽ được phía Litva lưu giữ trong vòng 5 năm. "Tôi muốn cảm ơn những người bạn Đức đã bảo quản tài liệu này trong khoảng thời gian đầy biến động. Điều này có ý nghĩ rất quan trọng,” Tổng Thống Litva Dalia Grybauskaite nói trong lúc nhận lại bản tuyên ngôn độc lập ở thủ đô Vilnius vào ngày thứ Tư.
Bà Grybauskaite cũng viết trên mạng xã hội Twitter rằng, bản tuyên ngôn độc lập đã quay lại sau 100 năm thất lạc. Sự quay lại của bản tuyên ngôn độc lập đánh dấu một năm đầy các sự kiện để mừng 100 năm quốc khánh Litva, trong đó lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào ngày 16 tháng 2. Các lãnh đạo từ nhiều nước châu Âu cũng sẽ tham gia sự kiện này.
Litva từng là một trong những đế chế lớn nhất thời Trung Cổ, với vùng lãnh thổ rộng lớn từ Belarus đến Ukraine, Ba Lan và Nga. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1700, cùng với vương quốc Ba Lan, Litva bị phân chia thành những phần nhỏ. Nga đã kiểm soát vùng lãnh thổ của nước này cho đến khi chế độ quân chủ ở đây sụp đổ vào Đệ Nhất Thế Chiến. Theo các nhà sử học, có khoảng 5 bản tuyên ngôn độc lập đã được ký vào ngày 16 tháng 2, 1918, khi Litva bị Đức chiếm đóng. Dù vậy, dấu vết của các bản tuyên ngôn độc lập này đã biến mất.

Ấn Độ thêm vũ khí cho lực lượng bảo vệ biên giới
NEW DELHI Chính phủ Ấn Độ sẽ mua hơn 160,000 khẩu súng, trị giá $553 triệu Mỹ kim, để trang bị cho lực lượng đồn trú tại khu vực biên giới ở vùng cao, nơi đang có tranh chấp lãnh thổ, theo lời Bộ Quốc Phòng nước này cho biết hôm thứ Ba. Hội đồng quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch mua thêm 72,400 súng trường tấn công, và 93,895 súng carbine, với giá $553 triệu Mỹ kim, trong cuộc họp với sự chủ trì của Bộ Trưởng Quốc Phòng Nirmala Sitharaman.
Quyết định này được đưa ra vào 6 tháng sau khi New Delhi trải qua đợt đối đầu với Bắc Kinh, tại đường biên giới giữa Tây Tạng, Bhutan, và bang Sikkim của Ấn Độ. Bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết, các vũ khí mới sẽ được dùng để giúp lực lượng quốc phòng đáp ứng các yêu cầu điều động tại biên giới. New Delhi đã ký nhiều hợp đồng quốc phòng khá lớn, kể từ khi Thủ Tướng Narendra Modi chiến thắng áp đảo vào năm 2014.
Ấn Độ, nước nhập cảng hàng quốc phòng lớn nhất thế giới, đã đầu tư hàng chục tỷ Mỹ kim để nâng cấp kho vũ khí có từ thời Xô Viết, nhằm đối phó với các tranh chấp lãnh thổ kéo dài với các nước láng giềng là Trung Quốc và Pakistan. Trước cuộc đối đầu vào năm ngoái, Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra cuộc chiến ngắn ngủi vào năm 1962, cũng liên quan đến tranh chấp biên giới. Ngoài ra, New Delhi cũng đang vướng vào một xung đột khác ở vùng Kashmir, thuộc Himalaya, nơi khoảng 500,000 quân đang đồn trú. Kashmir bị phân chia giữa Ấn Độ và Pakistan, sau khi sự cai trị của chính quyền thực dân Anh chấm dứt vào năm 1947. Tuy nhiên, cả hai nước đều tuyên bố sở hữu toàn bộ khu vực này.

Cơ quan hỗ trợ tị nạn Palestine bị Mỹ cắt tài trợ
GAZA - Cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine đang đối phó trước cuộc khủng hoảng tài chính tệ hại nhất từ trước đến nay, sau khi Hoa Kỳ giảm đóng góp hàng chục triệu Mỹ kim. Vào hôm thứ Ba, Hoa Kỳ quyết định đóng băng $65 triệu trong ngân sách $125 triệu Mỹ kim dự kiến đóng góp cho Cơ quan viện trợ và phúc lợi UNRWA, hai tuần sau khi Tổng Thống Donald Trump dọa cắt viện trợ Palestine. Số tiền $60 triệu còn lại được phê chuẩn nhằm giúp UNRWA duy trì hoạt động.
"Hoa Kỳ đã thông báo đóng góp $60 triệu cho ngân sách chương trình. Hiện chưa có dấu hiệu tài trợ thêm,” ông Chris Gunness, phát ngôn viên UNRWA, Liên Hiệp Quốc, cho biết. Viên chức Hoa Kỳ khẳng định quyết định giảm tiền không nhằm gây áp lực với các lãnh đạo Palestine, mà để khuyến khích các nước khác tài trợ và giúp UNRWA cải tổ. "Việc giảm tài trợ đang dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử UNRWA,” ông Gunness nói. Trong năm tài khóa 2017, tính đến ngày 30 tháng 9, Washington đã hỗ trợ hơn $350 triệu Mỹ kim cho cơ quan này.
Ông Wasel Abu Youssef, thành viên Tổ chức Giải thoát Palestine PLO, đã lên án quyết định của Hoa Kỳ, cho rằng nước này muốn bác bỏ các quyền của người Palestine, và có liên quan đến việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ngày 6 tháng 12. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về khả năng UNRWA bị giảm hỗ trợ, bởi đây là "một yếu tố quan trọng giúp duy trì ổn định.” Trong khi đó, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi đóng cửa UNRWA.

Israel: Tòa đại sứ Mỹ sẽ về Jerusalem năm nay
JERUSALEM – Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu nói, ông chắc chắn rằng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ sẽ chuyển về Jerusalem trong năm nay, sớm hơn cả thời gian ước tính của các nhân viên trong chính phủ Trump. Lên tiếng hôm thứ Tư trước các phóng viên tháp tùng chuyến công du Ấn Độ, ông Netanyahu khẳng định tòa đại sứ Hoa Kỳ “sẽ được chuyển sớm hơn rất nhiều so với dự đoán… trong vòng năm nay.”
Vào cuối năm ngoái, Tổng Thống Donald Trump đã phá vỡ chính sách ngoại giao kéo dài nhiều năm của Hoa Kỳ, bằng cách tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, và hứa sẽ dời tòa đại sứ về thành phố này. Tuyên bố của ông Trump đã khiến nhiều người giận dữ, và gây ra làn sóng biểu tình tại nhiều quốc gia Hồi giáo.
Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố ông Trump không còn thích hợp để làm người trung gian cho tiến trình hòa bình. Trong khi đó, các viên chức Hoa Kỳ nói, ít có khả năng một tòa đại sứ sẽ được mở cửa tại Jerusalem, vào trước giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Nam Phi: Thành phố nổi tiếng sắp hết nước dùng
CAPE TOWN – Một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới, thành phố Cape Town của Nam Phi, hiện chỉ còn lượng nước dùng cho chưa đầy 100 ngày, nếu nạn hạn hán tại đây không giảm bớt. Thị trưởng thành phố, Patricia de Lille, đã kêu gọi người dân Cape Town nên tiết kiệm nước, để tránh “ngày zero,” tức ngày không còn giọt nước nào, được dự kiến là ngày 21 tháng 4. Tình trạng thiếu nước đã khiến nhà chức trách phải lập ra bản đồ tiêu thụ nước trên mạng, cho phép người dân kiểm tra thói quen sử dụng nước của hàng xóm, dựa trên hóa đơn tiền nước.
Bản đồ tiêu thụ nước này ngay lập tức đã bị chỉ trích, nhưng Hội đồng thành phố Cape Town cho rằng, mục tiêu của trang web là nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng nước. Với dân số khoảng 3.74 triệu người vào năm 2016, Cape Town là thành phố đông dân thứ nhì tại Nam Phi, chỉ sau Johannesburg. Sau 3 năm hạn hán liên tiếp, các con đập của thành phố hiện đang chỉ còn khoảng trên 36% nước, và 10% nước cuối cùng sẽ không phù hợp làm nước uống.
Ngoài việc yêu cầu người dân chú ý lẫn nhau trong việc sử dụng nước, thành phố Cape Town cũng chuẩn bị nhiều phương pháp, để đối phó với tình huống xấu nhất. Cư dân Cape Town có thể sử dụng nước được chở đến từ các tỉnh khác, thông qua 200 điểm phân phố trên khắp thành phố. Người dân sẽ được nhận tối đa 6.5 gallons nước 1 người 1 ngày, theo đề nghị tối thiểu của Tổ chức y tế thế giới WHO, để có đủ nước uống, nấu ăn, và giữ vệ sinh.

Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới chỉ trích Trump
GENEVA - Cách nhìn của Tổng Thống Donald Trump về thương mại thế giới sẽ bị thử thách vào tuần sau, khi ông tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới WEF tại Davos, Thụy Sỹ, theo một bài lý luận vừa được công bố vào thứ Tư. Bài viết “Bản tóm tắt các quan niệm sai lầm về cán cân thương mại” được công bố bởi các chuyên gia của WEF, và chủ yếu tấn công vào chiến lược American First của Tổng Thống Trump. Văn bản không nhắc trực tiếp đến tên ông Trump, nhưng nhắc đến lập trường của chính phủ Hoa Kỳ về giao thương quốc tế.
Tác giả của bài lý luận - gồm Giáo Sư Robert Lawrence của trường Harvard, và Giáo Sư Yeling Tan của trường Princeton - cho biết, quan niệm cho rằng “sự cân bằng thương mại của một quốc gia là chìa khóa cho thành công giao thương quốc tế” sẽ được trình bày và tranh luận tại Davos. Từ khi nhậm chức đến nay, Tổng Thống Trump đã phản đối tình trạng thâm hụt ngân sách giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, gây trở ngại cho Tổ chức thương mại thế giới bằng cách ngăn chận việc bổ nhiệm các cơ quan trọng tài, rút lui khỏi Hiệp ước đối tác Thái Bình Dương TPP, và đòi tái đàm phán hiệp ước thương mại Bắc Mỹ NAFTA.
Bản lý luận của Davos nói, chính phủ Trump tin rằng, tình trạng mua bán không công bằng là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại và mất việc làm. Tuy nhiên, các chính sách dựa trên tư tưởng này có thể gây hại nhiều hơn thay vì giúp ích cho người dân. Các tác giả của bài lý luận khẳng định tình trạng tương tự đã từng xuất hiện ở một số quốc gia, nhưng không cho biết các quốc gia này là nước nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT