Thế Giới

Du thuyền Na Uy phải di tản hành khách vì hư động cơ

Saturday, 23/03/2019 - 09:01:48

Thủy thủ đoàn sau đó khởi động lại được 1 động cơ, và con tàu thả neo ở cách bờ khoảng 2 cây số. Hành khách được cho là an toàn, nhưng việc di tản vẫn được thực hiện để đề phòng.

OSLO - Vào ngày thứ Bảy, trực thăng cứu nạn đã giúp di tản hàng chục người trên một du thuyền sang trọng, bị kẹt gần bờ biển phía tây Na Uy vì hư động cơ, trong lúc một cơn bão đang tiến gần khu vực. Cơ quan cứu nạn trên biển cho biết, du thuyền Viking Sky, với khoảng 1,300 hành khách và thủy thủ đoàn, đã gởi tín hiệu cầu cứu khi du thuyền bị sóng đẩy về phía đất liền.
Thủy thủ đoàn sau đó khởi động lại được 1 động cơ, và con tàu thả neo ở cách bờ khoảng 2 cây số. Hành khách được cho là an toàn, nhưng việc di tản vẫn được thực hiện để đề phòng.
Đến tối thứ Bảy giờ địa phương, chỉ mới có 87 người được di tản, và việc chuyển người bằng trực thăng tiếp tục được thực hiện suốt đêm. Tám trong số các hành khách được di tản đã bị thương nhẹ. Hành khách được đưa về một ngôi làng ở phía bắc thành phố Molde, thuộc vùng duyên hải tây Na Uy. Một tàu hàng với thủy thủ đoàn 9 người cũng bị hư động cơ ở gần đó, khiến cơ quan cứu nạn phải phân chia trực thăng để cứu người, làm trì hoãn việc di tản hành khách trên du thuyền.
Thời tiết gió bão khiến vùng biển Na Uy có sóng cao từ 6 đến 8 mét, sức gió 24 mét một giây. Cơn bão dự kiến chấm dứt vào sáng Chủ Nhật. Vùng biển phía tây Na Uy, có tên là Hustadvika, và các khu vực xung quanh, nổi tiếng là có thời tiết xấu và nước cạn với nhiều rặng san hô, gây nguy hiểm cho tàu bè.

Lực lượng Kurd tuyên bố tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo
BAGHOUZ – Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Hoa Kỳ hậu thuẫn hôm thứ Bảy đã giương cờ vàng tại Baghouz, ngôi làng tách biệt ven sông được cho là thành trì cuối cùng của phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS). "SDF tuyên bố đã xóa bỏ hoàn toàn điều gọi là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, và chấm dứt sự kiểm soát của chúng tại lãnh thổ cuối cùng là Baghouz,” Tổng tư lệnh SDF Mazloum Abdi nói trong tuyên bố chiến thắng.
Bắt nguồn từ một chi nhánh của al-Qaeda, ISIS đã chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria từ năm 2014, áp đặt chế độ cai trị kinh hoàng với những vụ chặt đầu công khai, cho đến khi bị đánh bại dần dần và phải rút về làng Baghouz.
Trong lễ mừng chiến thắng, lực lượng SDF đã diễn binh để tưởng nhớ 11,000 đồng đội đã chết trong những năm chiến đấu chống ISIS. Tuy cuộc chiến trên lý thuyết đã kết thúc, nhưng vào ngày thứ Bảy, một số vụ nổ súng và tiếng đạn pháo vẫn vang lên. Tư lệnh Abdi khuyến cáo rằng, mối đe dọa tiềm ẩn từ các tay súng trốn thoát vẫn còn tồn tại. Một số chiến binh ISIS được cho là đang lẩn trốn trong vùng sa mạc xa xôi của Syria, hoặc trà trộn vào thường dân trong các thành phố Iraq, thực hiện các vụ nổ súng và bắt cóc.
Hoa Kỳ tin rằng, thủ lãnh ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, cũng đang sống tại Iraq. Trong khi đó, các tổ chức cực đoan ở Afghanistan, Nigeria, và những nơi khác, không có vẻ gì là hết trung thành với Nhà Nước Hồi Giáo, và những kẻ ủng hộ ISIS ở phương tây vẫn có thể gây ra những vụ tấn công mới. Viên chức Hoa Kỳ thừa nhận, dù ISIS không còn lãnh thổ, nhưng phương tây vẫn còn rất nhiều việc cần làm để chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Venezuela công bố các cáo buộc chống lại viên chức đối lập
CARACAS – Chính phủ Venezuela vào ngày thứ Bảy đã công bố cáo trạng chống lại phụ tá hàng đầu của lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Bộ Trưởng Thông Tin Jorge Rodriguez đã xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia, tuyên bố ông Roberto Marrero là người cầm đầu một âm mưu thuê sát thủ từ Trung Mỹ đến Venezuela để thực hiện các vụ ám sát. Ông Rodriguez cũng đưa ra các ảnh chụp màn hình các tin nhắn trên điện thoại, nói rằng đây là bằng chứng cho thấy ông Marrero đang thương lượng việc trả tiền cho sát thủ.
Ông Marrero bị các đặc vụ tình báo bắt khỏi nhà vào đêm thứ Năm. Tổng Thống Nicolas Maduro cho đến nay vẫn kềm chế không bắt giữ ông Guaido, nhưng giới phân tích nói rằng vụ bắt ông Marrero là một ý định rõ ràng nhằm làm suy yếu phe đối lập. Trong khi đó, ông Guaido nói vụ bắt giữ là dấu hiệu cho thấy ông Maduro đang mất dần quyền lực.

Ít nhất 134 người Fulani bị giết tại Mali
BAMAKO – Các tay súng đã giết ít nhất 134 người thuộc dân tộc Fulani tại miền trung Mali vào ngày thứ Bảy, trong vụ tấn công tồi tệ nhất trong thời gian gần đây tại khu vực đang lún sâu vào xung đột sắc tộc. Vụ giết người xảy ra tại các làng Ogossagou và Welingara, diễn ra đúng lúc một viên chức Liên Hiệp Quốc đang đến thăm Mali, nhằm tìm kiếm giải pháp cho nạn bạo lực vốn đã khiến hàng trăm thường dân chết vào năm ngoái, và đang lan rộng khắp vùng Sahel của Tây Phi.
Ông Moulaye Guindo, thị trưởng thành phố lân cận là Bankass, nói rằng các tay súng mặc trang phục truyền thống của người Donzo đã bao vây và tấn công làng Ogossagou lúc 4 giờ sáng. Ít nhất 134 người đã chết tại làng này.
Một ngôi làng khác của người Fulani ở lân cận, làng Welingara, cũng bị tấn công, nhưng nhà chức trách chưa biết được số người chết. Trong những người bị giết có cả phụ nữ mang thai, trẻ em, và người già. Người Fulani được cho là có liên hệ với nhóm al-Qaeda.
Các tổ chức Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda và ISIS đã lợi dụng xung đột sắc tộc ở các nước Mali, Burkina Faso, và Niger, để chiêu mộ thêm thành viên trong những năm gần đây. Quân đội Pháp đã can thiệp vào Mali vào năm 2013 để chống phiến quân Hồi giáo, nhưng các nhóm này hiện đã phục hồi và gia tăng hiện diện tại miền trung Mali cũng như các nước láng giềng.

Pháp tiếp tục rối loạn với cuộc biểu tình Áo vàng
PARIS – Cảnh sát đã bắn hơi cay vào người biểu tình ở Paris, và nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra tại các thành phố khác trên khắp nước Pháp vào ngày thứ Bảy, cũng là đợt biểu tình thứ 19 liên tiếp của phong trào “Áo vàng,” chống lại Tổng Thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, với các đơn vị quân đội lần đầu tiên được điều động tại Paris để hỗ trợ cảnh sát, cuộc biểu tình được khống chế tốt hơn so với thứ Bảy trước, khi nhiều cửa hàng dọc theo đại lộ Champs Elysees bị đập phá và trộm cắp.
Cuộc biểu tình tại thủ đô nước Pháp vào ngày thứ Bảy nói chung diễn ra khá ôn hòa, tuy nhiên, vào buổi chiều, cảnh sát đã phải bắn hơi cay để giải tán người biểu tình, và một số người đã nổi lửa đốt các thùng rác.
Nhiều vụ đụng độ cũng xảy ra tại các thành phố như Lille, Lyon, Nantes, Toulouse, Montpellier, và Nice. Người biểu tình bị cấm đi vào đại lộ Champs Elysees trong tuần này, và Bộ Trưởng Nội Vụ Christophe Castaner nói lực lượng an ninh đã kiểm soát tốt đoàn người. Tính trên toàn nước Pháp, 40,500 người đã biểu tình trong tuần này, tăng lên so với 32,300 người vào cuối tuần trước.
Tuy nhiên, tại Paris, số người biểu tình lại giảm từ 10,000 vào tuần trước xuống còn 5,000. Các cuộc biểu tình dai dẳng đã làm ảnh hưởng tới kinh tế Pháp, và viên chức nước này đã phải hạ dự báo phát triển kinh tế từ 1.7 xuống 1.4% cho năm 2019.

Đánh bom tự sát ở Somali, một phụ tá bộ trưởng thiệt mạng
MOGADISHU – Vào chiều thứ Bảy, phiến quân al-Shabab đã mở cuộc tấn công lớn tại thủ đô Mogadishu của Somali, bắt đầu bằng một vụ đánh bom xe tự sát. Sau đó, các tay súng xông vào tòa nhà của Bộ Lao Động. Sau cuộc đấu súng kéo dài 1 giờ, lực lượng an ninh đã chiếm lại quyền kiểm soát tòa nhà. Phụ tá Bộ Trưởng Lao Động Saqar Ibrahim Abdalla đã thiệt mạng tại tầng 1 của tòa nhà, không lâu sau khi các tay súng xông vào, theo Cảnh sát trưởng Mohamed Hussein cho hay.
Ông Hussein thêm rằng ít nhất 10 người cũng bị thương vì cuộc tấn công mà phiến quân al-Shabab đã nhận trách nhiệm thực hiện. Tòa nhà của Bộ Lao Động cách không xa trụ sở cơ quan tình báo Somali. Al-Shabab, nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh mẽ nhất ở châu Phi, đã chiến đấu suốt nhiều năm qua nhằm thiết lập nhà nước Hồi giáo ở Somali. Nhóm thường xuyên thực hiện các vụ đánh bom tự sát nhằm vào những nơi công cộng, khách sạn và văn phòng chính phủ. Nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi đóng quân ở Mogadishu cùng những nơi khác tại Somali đã giúp lực lượng an ninh nước này chống lại phiến quân al-Shabab

Thủ đô của Kazakhstan đặt lại tên theo tên cựu tổng thống
NUR-SULTAN – Hôm thứ Bảy, quyền Tổng Thống Kazakhstan Kasym-Zhomart Tokayev đã ký sắc lệnh đổi tên thủ đô Astana thành thủ đô Nur Sultan, để vinh danh tổng thống vừa từ chức, cũng là tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Kazakhstan – ông Nur-Sultan Nazarbaev. Ông Nazarbaev tuyên bố từ chức ngày 19 tháng 3, và chuyển giao quyền lực cho ông Tokayev, vốn là chủ tịch Thượng Viện. Ông Tokayev sẽ đảm nhận vị trí nguyên thủ quốc gia cho đến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, dự kiến vào tháng 4, 2020. Trước đó, ngày 20 tháng 3, sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Tokayev đã đề nghị đổi tên thủ đô thành Nur-Sultan và được các thành viên quốc hội chấp thuận. Ngoài ra, ông Tokayev còn kêu gọi xây dựng tượng đài để vinh danh tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, và đặt tên các đường phố chính của các thành phố theo tên của ông.
Trong lịch sử, thủ đô mới Nur-Sultan hiện nay đã trải qua nhiều lần đổi tên. Trước năm 1961, thành phố được gọi là Akmolinsk, sau đó được đổi tên thành Tselinograd. Từ năm 1992 đến 1998 lại được đổi thành Akmolinsk. Gần đây nhất, từ năm 1998 cho đến 2019 là cố đô Astana. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ thời điểm công bố chính thức và từ nay Kazakhstan chính thức có tên thủ đô mới là Nur-Sultan.

Cháy xe bus ở Trung Quốc, ít nhất 26 người chết
HỒ NAM – Một xe bus từ tỉnh Hà Nam đã bốc cháy khi đi qua tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, hôm thứ Sáu, khiến ít nhất 26 người chết và 28 người khác bị thương, bao gồm 5 người đang nguy kịch. Nguyên nhân sự việc đang được điều tra. Trên chiếc xe gặp nạn có 53 hành khách, 2 tài xế và hướng dẫn viên du lịch. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng hơn 9 giờ tối giờ địa phương, tại thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Hai tài xế đã bị giam giữ để thẩm vấn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT