Người Việt Khắp Nơi

Du khách Việt quì xin trả lại tiền mua iPhone 6

Wednesday, 05/11/2014 - 06:56:41

Bài báo cho biết đây là lần thứ nhì trong vòng một tuần, tiệm Mobile Air bị tai tiếng vì hành động đối xử không tốt đối với khách hàng.

Tiệm Mobile Air, nơi xảy những vụ tai tiếng với khách hàng ở Singapore. (Straits Times)


SINGAPORE – Một tiệm bán điện thoại đã gây tiếng xấu cho tiệm, sau khi bị đưa lên báo về một hành động không tốt đối với khách hàng. Tiệm này nằm trong khu phố Sim Lim Square ở thành phố Singapore.
Theo tin đăng trên mạng của nhật báo Straits Times ngày thứ Tư theo giờ địa phương, một du khách Việt Nam đã rời tiệm Mobile Air mang theo sự đau lòng vì bị mất một số tiền tương đương với hơn hai tháng lương của anh, và anh cũng không mua được chiếc điện thoại iPhone 6 để tặng bạn gái như anh từng mơ ước.
Bài báo cho biết đây là lần thứ nhì trong vòng một tuần, tiệm Mobile Air bị tai tiếng vì hành động đối xử không tốt đối với khách hàng.
Trong vụ mới nhất, anh Phạm Văn Thoại là một công nhân từ Việt Nam. Anh đến Singapore để tìm mua điện thoại cho bạn gái. Vì không biết tiếng Anh khi mua máy, cuối cùng anh Thoại phải quì gối trong tiệm để năn nỉ các nhân viên hãy lấy lại máy và bồi hoàn tiền cho anh. Thế nhưng tiệm chỉ trả lại dưới phân nửa số tiền mà anh đã trao để mua máy.
Bản tin cho biết Thoại đến đây cùng với bạn gái nhân dịp nghỉ mát. Anh có ý định mua iPhone 6 để tặng bạn gái nhân ngày sinh nhật của cô. Anh đã phải trả $950 đô-la Singapore (gần $740 Mỹ kim).
Thế nhưng trước khi được cầm máy rời tiệm Mobile Air, anh bị các nhân viên yêu cầu phải đóng thêm $1,500 lệ phí bảo đảm cho máy (warranty). Lệ phí này được viết bằng tiếng Anh trong hợp đồng mua máy mà anh đã ký tên.
Khi kể lại chuyện này với ký giả của một nhật báo địa phương, tờ Hoa ngữ Lianhe Zaobao, anh Thoại, 30 tuổi, đã bật khóc. Anh nói, “Tôi chỉ là một công nhân, lương có $200 một tháng. Số tiền $950 là bằng mấy tháng lương. Đây là một món tiền rất lớn đối với tôi. Tôi thật sự buồn quá vì chuyện này.”
Thoại nói rằng anh đã ký tên trên hợp đồng nhưng không thể hiểu hết hợp đồng vì tiếng Anh của anh rất giới hạn. Anh cũng tưởng rằng Singapore là một nơi an toàn để mua sắm.
“Khi họ hỏi tôi rằng tôi muốn mua bảo đảm cho một năm hay hai năm, tôi tưởng là máy được tự động bảo đảm một năm, thế nên tôi nói một năm. Ông ta không nói là tôi phải trả tiền cho một năm bảo đảm,” Thoại nói với báo Zaobao.
Nhân viên đã yêu cầu anh phải đóng lệ phí bảo đảm, bằng không anh không được rời tiệm với máy.
Phạm Văn Thoại kể lại rằng anh đã quì gối, năn nỉ họ trả lại tiền cho anh, thế nhưng các nhân viên chỉ đứng cười.
Cuối cùng họ đồng ý trả lại $600 mà thôi. Lúc đó cô bạn gái đã nhất định không rời tiệm nếu họ không trả hết số tiền $950. Cô đã gọi cảnh sát.
Khi cảnh sát đến điều tra, Mobile Air nói là anh Thoại đã ký giao kèo, và theo giao kèo thì họ chỉ trả cho anh $70 mà thôi.
Sau khi có sự can thiệp của Hội Bảo Vệ Người Tiêu Thụ tại Singapore (viết tắt CASE), tiệm đã trả cho anh $400, tức là còn thiếu $550.
“Tôi sẽ trở về quê hương trong hai ngày, và tôi không muốn gây rắc rối, thế nên tôi quyết định chấp nhận số tiền bồi hoàn đó,” anh Thoại kể. Anh cũng không biết chắc CASE có lấy được phần còn lại của số tiền hay không.


Phạm Văn Thoại

CASE cho biết tiệm Mobile Air này đã có ít nhất 14 khiếu nại từ khách hàng từ tháng Bảy đến tháng Chín vừa qua. Đó là một trong những số khiếu nại cao nhất đối với các tiệm bán lẻ tại Singapore.
Trong tuần qua, tiệm Mobile Air đã bị đưa lên báo liên quan đến một vụ mua bán không thành thật khác xảy ra cho một phụ nữ từ Trung Quốc. Phụ nữ này đã kiện tiệm ra tòa và được thắng kiện. Tòa đã yêu cầu Mobile Air phải trả lại $1,010 cho phụ nữ. Tiệm đã đồng ý trả lại hết thảy số tiền nhưng trả bằng tiền cắc. (vđ)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT