Du Lịch

Dresden: bom và trà

Anvi/Viễn Đông Tuesday, 16/08/2011 - 08:04:46

Chả là, vào thời phục hưng thế kỷ 13, Dresden được nhắc đến như là một thành phố lớn trong vương quốc Đức. Kiến trúc baroque của thành phố đem lại cho nó biệt danh “Florence bên sông Elbe”

Dresden cách Berlin 124 dặm về hướng nam. Gần cuối chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi nhiều thành phố khác ở Đức bị ném bom và san phẳng, người dân Dresden vẫn tự tin là thành phố của họ được ngoại lệ vì mang tiếng là thành phố văn hóa và nghệ thuật.

Chả là, vào thời phục hưng thế kỷ 13, Dresden được nhắc đến như là một thành phố lớn trong vương quốc Đức. Kiến trúc baroque của thành phố đem lại cho nó biệt danh “Florence bên sông Elbe”. Thế kỷ 17, Dresden là thành phố Hoàng gia. Vua Friedrich August II xây dựng Dresden theo mô hình của thành phố Venice, với lâu đài và nhà thờ nằm hai bên bờ sông Elbe, và biến Dresden thành “thủ đô văn hóa” của châu Âu (2). Những di sản này thay hình đổi dạng chỉ trong một ngày.



Công trường trước mặt Nhà Hát Lớn – ảnh: Anvi/Viễn Đông

* Tranh cãi về Dresden


Từ đêm 13 tới trưa 14 tháng 2 năm 1945, sau 3 đợt tấn công, 768 máy bay ném bom của Phe Đồng Minh thả tổng cộng 2.646 tấn bom xuống thành phố Dresden. Các di sản kiến trúc được xây dựng qua mấy trăm năm ở trung tâm Dresden hầu như bị san phẳng hoàn toàn. Dân số thành phố lúc đó là 640 ngàn người; 25 ngàn người chết vì hơi nóng và nghẹt thở.
Trong lịch sử dùng không quân trong chiến tranh thế giới thứ hai, việc ném bom Dresden là sự kiện gây nhiều tranh cãi nhất. Nó là dấu mốc quan trọng cho thấy mức độ tàn bạo hơn của các phe trong việc ném bom chiến lược vào khu dân sự để đạt được mục đích quân sự. Nhiều người lý luận rằng, về mặt quân sự, Dresden là trung tâm hành chính và tình báo ở Mặt Trận Phía Đông của Đức. Nó cũng là thành phố kỹ nghệ quan trọng và được xếp hạng 20 trong danh sách những thành phố quan trọng nhứt về mặt đóng góp tài chính vào nỗ lực chiến tranh của Đức. Vì vậy việc ném bom Dresden góp phần vào nỗ lực của Phe Đồng Minh nhằm đưa chiến tranh đến hồi kết thúc (1).



Nhà Thờ Đức Mẹ – ảnh: Anvi/Viễn Đông

Trong lúc đó nhiều nhà sử học lại cho việc ném bom Dresden là một tội ác chiến tranh. Nhìn lại lịch sử, họ cho rằng việc ném bom Dresden không đem lại lợi ích quân sự gì. Theo họ, các nhà máy công nghiệp ở Dresden không có đóng góp quan trọng gì vào nền công nghiệp chiến tranh của Đức. Vậy mà Dresden bị thiệt hại về nhân mạng và vật chất nặng nề hơn cả Berlin - mặc dù Berlin bị tấn công nhiều lần hơn. Các nhà nghiên cứu này cho rằng sự việc ở Dresden chỉ cho thấy sự bất lực về quân sự của cả hai phe: Phe Đồng Minh thì đánh giá sai tầm quan trọng của Dresden, và Đức thì không lường được sức mạnh quân sự và sự tàn bạo của Phe Đồng Minh (3).
Lịch sử thì cứ luôn luôn gây tranh cãi và việc ném bom Dresden vẫn tiếp tục gây tranh cãi, các nhà nghiên cứu thì cứ tiếp tục nghiên cứu, còn khách du lịch vẫn cứ tiếp tục đi du lịch. Sau khi hai miền nước Đức thống nhất, Dresden (trước kia thuộc Đông Đức cũ) là thủ đô của tiểu bang Saxony, đồng thời là biểu tượng văn hóa của cả nước Đức. Các kiến trúc cổ ở Dresden dần dần được xây dựng lại. Sức hấp dẫn của Dresden đối với du khách là ở danh hiệu thành phố lịch sử ở Châu Âu của nó. Nằm ở trung tâm thành phố này là Nhà Thờ Đức Mẹ (Church Of Our Lady/Frauenkirche) - là điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Dresden.

* Nhà thờ, hay đài tưởng niệm?

Việc xây dựng lại Nhà Thờ Đức Mẹ từng là đề tài tranh luận gay gắt của người dân Dresden từ những năm 80. Nhóm chuộng văn hóa thì muốn xây lại nhà thờ. Họ chưa bao giờ công nhận Đông Đức cũ là một nước chính thức. Lý luận của họ là: việc xây dựng lại nhà thờ trong thời điểm nước Đức thống nhất có ý nghĩa hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải dân tộc. Cũng theo họ, nhà thờ mới là biểu tượng của nước Đức thống nhất, và là kiệt tác về kiến trúc của cả Châu Âu. Đồng thời lý luận này cũng nhấn mạnh vào nguồn gốc Saxon của Đức (*). Vì vậy tiền đóng góp xây dựng nhà thờ đến từ những người giàu có ở Đức, cũng như từ người giàu khắp nơi ở Châu Âu - những người mà có thể tìm thấy chút liên lạc xa xưa với những người dân Dresden đã xây dựng nhà thờ vào thế kỷ 18 (2).



“Tàn nhang” mặt ngoài Nhà Thờ Đức Mẹ – ảnh: Anvi/Viễn Đông

Trong khi đó lý luận của nhóm dân quyền tập trung vào việc bảo vệ di sản của Đông Đức cũ. Họ tin rằng Đông Đức cũ là một phần của lịch sử hiện đại của Đức và cho rằng nhóm văn hóa cố tình “dọn dẹp” lịch sử. Xây dựng lại nhà thờ là đánh bóng lại hình ảnh quá khứ vàng son của Đức, là biểu hiện của ước mơ muốn xây dựng một “thế giới lý tưởng”. Đó cũng chính là nỗ lực muốn chối bỏ lịch sử hiện đại của Đức. Họ muốn xây đài tưởng niệm chiến tranh chỗ nhà thờ đổ nát để ghi nhận sự tàn phá của chiến tranh ở Dresden, để nói lên sự vô nghĩa của chiến tranh, cũng như để tưởng nhớ tinh thần đấu tranh chính trị của người dân Đông Đức cũ - dưới thời Đông Đức cũ, những người biểu tình ôn hòa đòi thống nhất đã dùng nhà thờ đổ nát làm biểu tượng của mình (2).
Nhóm dân quyền sau cùng đồng ý với kế hoạch xây dựng lại Nhà Thờ Đức Mẹ, nhưng đòi hỏi bảo toàn càng nhiều khối đá cũ càng tốt. Kết quả của cuộc tranh cãi này là Nhà Thờ Đức Mẹ khi hoàn tất vào năm 2005 có bộ mặt “tàn nhang”. Hàng trăm khối đá bị cháy đen của nhà thờ cũ được dùng xen kẽ các tảng đá sa thạch màu sáng (2). Dưới mắt du khách, việc pha trộn màu các khối đá là hợp thẩm mỹ vô cùng, không làm giảm đi vẻ đẹp của nhà thờ tí nào. Vả lại, có ai lại không khuất phục trước vẻ đẹp uy nghi của đá chứ?



Bàn thờ chính bên trong Nhà Thờ Đức Mẹ – ảnh: Anvi/Viễn Đông

Khi đi vào bên trong nhà thờ, tôi nghĩ thầm, “ai mà không trở nên sùng đạo cho được khi đứng trong không gian thần thánh như thế này?”. Sàn đá lạnh câm thì giữ yên chân con người, còn vòm nhà cao ngút trời thì như hút hồn người ta vào cõi siêu hình. Nhưng mà có sùng tín đến đâu, khi tiếng gọi của dạ dày cất lên thì cũng phải thua. Vì thế mà tôi phải bắt đầu đi tìm thức ăn.

* Nhà hàng Việt Nam ở Dresden?
Bước ra khỏi cửa chính Nhà Thờ Đức Mẹ nhìn về phía sông Elbe là con hẻm nhỏ Munzgasse xinh xắn. Đường hẻm rộng khoảng 2 thước rưỡi, lát đá granite nâu, xám. Hai bên đường là các quán ăn hạng sang. Đi khoảng 40 mét đến cuối đường, du khách thấy bờ sông Elbe trước mặt. Con đường lớn ngăn cách con hẻm và bờ sông dành cho xe cộ là chính. Để có thể vừa ngắm cảnh bờ sông vừa ngắm Nhà Thờ Đức Mẹ trong không khí cổ kính và lãng mạn, khách du lịch có thể leo lên Sân Thượng Bruhl.



Cầu lên Sân Thượng Brühl nhìn từ hẻm Munzgasse – ảnh: Anvi/Viễn Đông

Cuối đường Munzgasse có 2 dãy bậc thang, một bên trái và một bên phải. Mỗi dãy có 2 tầng bậc thang. Leo 7 bước đến một đầu cầu thang, leo thêm 7 bước nữa là ra Sân Thượng Bruhl. Sân Thượng Bruhl là địa điểm được dân địa phương và khách du lịch rất ưa thích. Họ tụ tập ở đây để đi bộ vòng vòng, ngắm cảnh, ngắm người, và ăn uống vui chơi.
Tôi nhìn quanh, khách du lịch đi chơi trong khu phố cổ Dresden gần khu vực Nhà Thờ Đức Mẹ chỉ toàn là người da trắng, và thuộc loại “đứng tuổi” - những người có thể tiêu xài ở trong khách sạn và nhà hàng đắt tiền ở đây. Nhìn mỏi mắt mới thấy một vài du khách Nhật. Thế mà ngay bên trái dãy bậc thang, tôi sửng sốt thất một tấm bảng quảng cáo nhà hàng Hot Wok. Nhà hàng nằm cao giữa đường Munzgasse và Sân Thượng Bruhl. Đi đến đầu cầu thang nhìn sang trái là sân thượng của nhà hàng. Từ nhà hàng đi thêm 7 bậc thang nữa là ra Sân Thượng Bruhl. Nằm ở vị trí ăn khách như thế này lại là một nhà hàng Việt Nam ư?



Du khách trên Sân Thượng Bruhl – ảnh: Anvi/Viễn Đông

Nghe tên thì giống nhà hàng Tàu. Muốn biết thật hư, tôi ghé vào nhà hàng xem. Thấy một khuôn mặt Châu Á. Tôi hỏi anh có phải người Việt không và đây có phải nhà hàng của người Việt Nam không, anh phục vụ nói phải. Tôi thấy mừng và tự hào quá. Tôi bắt đầu nghĩ rằng, có lẽ người Việt mình bây giờ đã ở khắp mọi ngóc ngách trên trái đất rồi, không nên ngạc nhiên nữa. Thế thì thật là hay. Mà đây không phải là nhà hàng Việt Nam duy nhất. Trong khi đi bộ qua các con hẻm xuyên qua các khu nhà cổ và các siêu thị sang trọng, đắt tiền ở khu phố cổ Dresden, tôi thấy thêm một vài nhà hàng Việt Nam khác. Cái nào cũng trang trí hiện đại và thanh nhã.
Tôi ghé nhà hàng Hot Wok khoảng 7 giờ tối. Khách đầy sân thượng nhà hàng rồi, đặc biệt là những bàn dọc lan can sân thượng - vì đây là vị trí ngồi lý tưởng vừa có thể nhìn lên Sân Thượng Bruhl ngắm các tòa nhà cổ kính và trời, vừa có thể nhìn xuống đường hẻm Munzgasse. Tha hồ mà ngắm cảnh ngắm người. Vì thế mà mặc dù một vài bàn chính giữa sân còn trống, tôi đứng chờ thêm 15 phút để được ngồi bàn gần lan can. Tôi hỏi chuyện hai anh phục vụ. Cả Minh Vũ và Lê Ngọc Hùng đều là sinh viên đang theo học một trường đại học ở Dresden và đã ở đấy 2, 3 năm. Hai anh còn rất trẻ và đã có vài năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam. Họ nói chuyện hoạt bát và tác phong chững chạc vô cùng. Không những thế, nói chuyện có duyên và tiếu lâm lắm. Hùng giới thiệu bạn gái của anh, Kim Yến, cũng làm trong nhà hàng. Anh nói cô ấy nói tiếng Tàu như gió. Nếu gặp khách Tàu nào mà “lộn xộn” là cô “bộp” lại liền! Tôi nghe thế cũng kinh và phục. Thanh niên Việt Nam bây giờ tự tin và chịu khó học hỏi thật.



Sân Thượng Bruhl nhìn ra sông Elbe bên trái – ảnh: Anvi/Viễn Đông

Ngoài chuyện trên trời dưới đất, chúng tôi có nói đến chuyện chính trị giữa Việt Nam và Tàu, chuyện chống Tàu bằng cách tẩy chay hàng hóa Tàu. Rồi bàn chuyện giáo dục Việt Nam và giáo dục Đức. Rồi Vũ kể chuyện “vui” trong kinh doanh của người Việt ở Dresden. Khi nói đến chuyện văn hóa, Hùng hăng hái chia sẻ những kinh nghiệm và những bài học hay anh đã thu thập được trong thời gian sống và du lịch ở nước ngoài. Mắt anh sáng rỡ lên. Hùng bảo bây giờ thời đại mới, giới trẻ như anh suy nghĩ cởi mở lắm - không cứng ngắt hay theo định kiến gì cả. Rất nhiều bài học, nhiều ước mơ, và nhiều dự định trong tương lai. Tôi nghe, nhiều hơn là nói.
Khi ăn cơm xong, anh chủ nhà hàng biết khách Việt Nam nên mời uống trà. Không nhớ đây là lần thứ mấy tôi gặp người Việt Nam ngoài nước Mỹ, nhưng người nào cũng tốt như thế này, và đối xử thân tình lắm.



Sân Thượng Bruhl nhìn xuống hẻm Munzgasse về phía Nhà Thờ Đức Mẹ – ảnh: Anvi/Viễn Đông

Ăn uống no say. Tôi nhớ là tối nay, mình đã cười ha hả nhiều lần. Mình đã xúc động vì sự đối xử chân thành của người đồng hương. Rồi nữa, sự thành công của các nhà hàng Việt cho thấy người Việt Nam ở Dresden hội nhập vào xã hội mới rất thành công. Bây giờ là thế kỷ 21, Hùng, Yến, và Vũ đều là những đại diện xứng đáng của thanh niên thế kỷ 21. Tôi tin rằng cho dù ở môi trường sống nào, họ cũng đều cố gắng để thành đạt như thế. Ở Dresden đây, họ là những con người Việt Nam. Và tôi vui mừng thế vậy.

Ghi chú:
(*) Saxon: một giống dân từng sống ở địa bàn ngày nay là đông bắc Đức. Thế kỷ thứ 5, nhiều người Saxon hợp với người Angles và Jutes chinh phục Anh và lập ra giống dân Anglo-Saxon.
(1) Sebastian Cox. “The Dresden Raids: Why and How”. Firestorm – The Bombing of Dresden 1945. Eds. Paul Addison & Jeremy A. Crang. London: Pimlico, 2006. 18-61.
(2) Victoria Knebel. Preserve and Rebuild – Dresden during the Transformations of 1989-1990. Frankfurt: Peter Lang, 2007.
(3) Sonke Neitzel. “The City Under Attack”. Firestorm – The Bombing of Dresden 1945. Eds. Paul Addison & Jeremy A. Crang. London: Pimlico, 2006. 62-77.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT