Đời Sống Việt

Đông Du Ký: Singapore, Brunei, Thái Lan (Tập 2)

Wednesday, 07/09/2016 - 10:24:45

Chia tay với Singapore, một đảo quốc nhỏ bé nhưng phồn thịnh, chúng tôi sẽ lên du thuyền và nơi ghé đầu tiên là Muara thuộc đảo quốc Brunei

Bài PHƯỢNG VŨ

Bác tài xế tới đón chúng tôi ở khách sạn sớm hơn hẹn gần 1 giờ, làm chúng tôi chưa kịp chuẩn bị hành lý xong, nhưng ông vui vẻ ngồi đợi. Chúng tôi đoán hình như dân Á châu không có thói quen cho tiền tip, gặp khách Mỹ cho tiền tip nên họ thích. Trên đường đi tới bến cảng, tôi để ý thấy màu xanh phủ nhiều trên các đường phố, ngay cả các bức tường cũng phủ đầy các loại dây leo, càng nhiều màu xanh thì không khí càng trong lành vì nó hút C0 2 và nhả Oxy. Đâu như đất nước Việt Nam tôi có bao nhiêu cây xanh cả 100 tuổi vẫn bị chặt đốn đi không thương tiếc ở Hà Nội và cả Saigon. Nhắc tới Saigon tôi mới nhớ tới trên đường phố Singapore tôi thấy rất nhiều bích chuong dán khắp nơi “SG 50”. Nhìn thấy chữ SG là tôi lại liên tưởng tới Saigon của tôi, khi đi ngang 1 tấm bích chương tôi hỏi thăm tài xế về ý nghĩa của nó. Thì ra SG là chữ viết tắt của Singapore. Tự nhiên tôi thấy SG gần gũi với mình vì nó có chữ viết tắt giống Sài Gòn. Số 50 là kỷ niệm 50 năm SG độc lập.

1. Phi hành đoàn Brunei toàn nữ 100/% (từ phi công trưởng , 2 phụ tá... ) đã lái chiếc Boeing 787 Dreamliner, máy bay dân sự chở khách, từ Brunei bay đến Saudi.


Chia tay với Singapore, một đảo quốc nhỏ bé nhưng phồn thịnh, chúng tôi sẽ lên du thuyền và nơi ghé đầu tiên là Muara thuộc đảo quốc Brunei

Đảo Quốc Brunei
Lần đầu tiên nghe đến Brunei, tôi không hề có một khái niệm gì về nó, chẳng biết nó ở đâu, lớn nhỏ ra sao? Chẳng qua vì hành trình của chuyến đi có ghé Brunei, thì ghé cho biết thôi. Nhưng khi ghé Brunei rồi, tôi mới thấy học hỏi được bao điều mới lạ và tầm nhìn của tôi về thế giới chung quanh phong phú hơn rất nhiều. Brunei đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và đối với tôi qua chuyến đi này với bao nhiêu điểm đến thì Brunei là điểm đến thú vị nhất.

“Long xa”



Không nhộn nhịp như Singapore, Brunei có một vẻ đẹp mộc mạc hiền hòa nhưng không kém phần thu hút. Đến với Brunei, bạn không chỉ được ngắm nhìn những cung điện nguy nga của hoàng gia, những chùa chiền lấp loáng ánh vàng y chói lóa, mà còn có những trải nghiệm thích thú về đất nước, con người Brunei. Và cách cai trị dân của hoàng gia Brunei làm tôi vô cùng thán phục.

Nếu Singapore mà chúng tôi vừa chia tay phải gồng mình để vươn đến sự giàu có với những tòa nhà chọc trời, những khu tài chính và khu thương mại buôn bán sầm uất, náo nhiệt, thì trái lại bạn sẽ tìm thấy nơi đây một Brunei không nhà chọc trời, không nhà máy. Người dân ở đây có một cuộc sống rất thanh thản êm đềm và hiền hòa, họ không phải lo lắng "cơm áo gạo tiền" cho cuộc sống hằng ngày vì tất cả đã có vua (chính quyền) lo cho họ. Có lẽ vì vậy nên vương quốc Hồi giáo Brunei có tên đầy đủ là nước Negara Brunei Darussalam. Theo ngôn ngữ Malay, “Brunei Darussalam” có nghĩa là nơi ở của hòa bình. Brunei được mệnh danh là vùng đất của hòa bình nhất trên thế giới với tỷ lệ tội phạm thấp nhất.
Cô hướng dẫn viên đón đoàn chúng tôi lên xe và gửi lời chào mừng mọi người đến thăm đất nước cô. Cô trông giản dị, nhỏ nhắn kiểu dân VN, nhưng nói chuyện tiếng Anh lưu loát và có duyên. Cô có vẻ tự hào vế đất nước cô, niềm tự hào thực sự chứ không phải tự hào theo tinh thần AQ của Lỗ Tấn, hay kiểu CSVN tự hào với “những cuộc kháng chiến thần thánh đã đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào”, rồi bây giờ bao nhiêu quan to chức lớn đều cho con cái chuồn qua Mỹ du học hay tìm mọi cách để định cư lại Mỹ. Điều này trở thành một phong trào đến nỗi một quan chức lớn nhà nước phải thú nhận trong một buổi họp quan trọng: “Không ai trong chúng ta không có con đi Mỹ học, tôi cũng vậy..”..

Thoạt đầu cô HDV giới thiệu về đất nước Brunei: Với một diện tích lãnh thổ 5.765 km2, Brunei có khoảng 400.000 cư dân, trong đó 64% là người Mã Lai, 20% là người Hoa và 8% còn lại thuộc các bộ tộc, với khoảng 60% dân số sống tại vùng đô thị. Thủ đô của Brunei là Bandar Seri Begawan Area với khoảng 46.000 dân, những khu vực quan trọng khác gồm thành phố cảng Muara, những vùng sản xuất dầu lửa Seria và Kuala Belait. Brunei có khí hậu nhiệt đới - cận xích đạo, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và mưa nhiều với 75% diện tích là rừng cây tạo nên cảnh phố - rừng gần gũi, hài hòa, đã được mệnh danh là “hòn ngọc xanh” của Đông Nam Á.

Ngày 1-1-1984, Brunei tuyên bố độc lập, chính thức trở thành một nhà nước quân chủ lập hiến. Đó cũng là ngày vương quốc Brunei được thành lập, một nước độc lập trẻ nhất thế giới. Mặc dù Brunei Muara là huyện nhỏ, thủ đô Bandar Seri Begawan nằm ở đây

Nếu so sánh với Singapore mà chúng tôi vừa ghé thăm thì Brunei có diện tích lớn gấp 10 lần Singapore, nhưng dân số thì chỉ bằng 1/10 SG nên cuộc sống ở đây êm đềm, không cần xây nhà cao tầng, dân vẫn có chỗ ở thoải mái. Ai muốn xây nhà, chính phủ cho free đất để xây, nếu ai không có nhà ở, chính phủ cung cấp nhà cho ở. Khi xe bus chạy ngang một khu nhà ở khá khang trang sạch sẽ, cô chỉ cho chúng tôi biết đó là nhà chính phủ cấp cho người không có nhà để ở. Do đó ở Brunei không có người vô gia cư (homeless), không có người thất nghiệp. Ai muốn làm việc chỉ cần đưa thẻ công dân Brunei là sẽ được sắp xếp việc làm ngay. Thu nhập bình quân đầu người của Brunei là hơn 50.000 USD, cao hàng thứ năm thế giới . Với nền kinh tế ổn định và vững chắc, người dân Brunei không phải đóng thuế. Nói tới thuế tôi lại nhớ tới câu chuyện mới xảy ra ở VN vì nghèo quá, không đóng nổi thuế mà gia đình chị Toàn (Thanh Hóa) chỉ còn có 1 cái giường tre để làm chỗ ngủ cho cả nhà ban đêm, cũng bị cán bộ thu thuế tháo ra lấy đi, mặc cho chị khóc lóc van xin níu lại. Sao thấy còn tệ hơn cảnh bi đát của chị Dậu thiếu thuế trong “Tắt Đèn” thời Pháp thuộc, mà CSVN tự hào đã đánh đuổi được!!

Vua Brunei



Nhà Vua và hoàng gia rất quan tâm đến cuộc sống của người dân, vua lại chú trọng đặc biệt về giáo dục. Trẻ em từ mẫu giáo cho tới trung học đại học đều miễn phí. Trong khi đó, tin mới nhất của đài VOA cho biết dân biểu tình ở vùng tâm điểm vụ "cá chết" là Kỳ Anh yêu cầu cho con họ được đi học miễn phí trong năm nay vì cha mẹ quá đói rách, nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương đáp ứng! Đó là thiên đường XHCN VN. Ở Brunei sau đại học ai muốn ra nước ngoài học thêm, chính phủ sẽ cấp học bổng cho đi học và còn cho thêm tiền tiêu vặt khoảng 1000 B$/1 tháng. Sau khi du học bao nhiêu năm, trở về người đó sẽ làm việc cho nhà nước bấy nhiêu năm. Ví dụ nếu đi học ở Anh 4 năm thì về nước người đó sẽ làm việc cho nhà nước ít nhất 4 năm. Sau đó muốn ở lại nước hay đi làm việc ở bất kỳ nước nào trên thế giới, chính phủ đều đồng ý.

Nghe tới đây ai cũng thấy mê quá, đúng thiên đường là đây! Một người nêu câu hỏi:
- Nếu lỡ ốm đau bệnh tật thì sao?

- Mọi chi phí y tế người dân chỉ trả giá tượng trưng 1 đô la Brunei (BND), từ những bệnh thông thường cho đến những bệnh hiểm nghèo. Với những căn bệnh nặng vượt ngoài khả năng chữa trị của các bệnh viện tại Brunei, người bệnh sẽ được chuyển sang Malaysia hoặc Singapore để chữa trị. Mọi chi phí cho người bệnh và người thân chăm sóc kèm theo đều được chính phủ chi trả.
- Nguồn kinh phí ở đâu mà chính phủ lo cho xuể?

- Brunei là quốc gia có trữ lượng dầu thô và khí thiên nhiên rất lớn, việc khai thác dầu từ những năm 1930 đã nhanh chóng đưa Brunei từ một đất nước bé nhỏ thành một siêu cường về kinh tế, có thu nhập đầu người cao nhất vùng Đông Nam Á. Nền kinh tế của đất nước này phát triển chính yếu dựa vào dầu thô và khí thiên nhiên, chiếm 96% thu nhập quốc dân. BND (Brunei dollar thường được viết tắt theo kí hiệu đồng đô la là $, hoặc được viết B$ để phân biệt với các đơn vị tiền tệ dùng đô la khác (1 $US = 1,36 B$). Đô la Brunei có tỷ giá trao đổi cố định theo tỉ lệ 1:1 với đô la Singapore. Singapore là một trong những đối tác thương mại lớn của Brunei. HDV cho biết giá xăng ở đây rất rẻ: 50C/1 lít, dầu 39C/1 lít. Đa số người dân ở đây đều có tối thiểu 2 xe (1 xe đi làm, 1 xe đi chơi cuối tuần). Cô chỉ cho chúng tôi thấy hôm nay là ngày thường mọi người đi làm nhưng nhà nào cũng có xe để trước nhà hay trong garage.

Sự thịnh vượng và sung túc của vương quốc Brunei có được như ngày hôm nay chính là nhờ nguồn dầu mỏ khổng lồ trên vùng đảo Borneo. Tôi chợt nhớ lại ngày xưa khi VN mới khám phá ra có mỏ dầu, cả nước vui như Tết. Bà hiệu trưởng trường tôi khi nhận được tin thềm lục địa Việt Nam đã khai thác và có dầu lên, mừng quá công bố tin đó một cách long trọng trong phiên họp hội đồng giáo viên mà nước mắt rưng rưng! Bà khiến mọi người cũng xúc động theo, tưởng là phen này dân VN sẽ thoát cảnh nghèo khổ, xăng dầu tha hồ rẻ, xài thoải mái Nhưng đâu ngờ mấy mươi năm sau mỏ dầu được khai thác, dân nghèo vẫn nghèo, xe và xăng thì còn đắt hơn bên Mỹ. Nếu không được như Brunei thì ít ra đời sống người dân cũng đỡ cơ cực hơn, trẻ em được đến trường học đàng hoàng. Có đâu phải đu dây qua suối, qua sông đến trường. Mới đây lại có tin 1 em bé trai 11 tuổi treo cổ tự tử vì bố mẹ nghèo quá không đủ tiền mua nổi cho em 1 bộ đồ để đi học. Nghe sao mà đau lòng quá mức!

Cô HDV cho biết ở Brunei quyền lợi của mọi người dân đều bình đẳng, không hề có sự phân biệt giữa người giàu, người nghèo. Mọi người đều được cư xử giống nhau. Có đâu như bên Việt Nam mọi bổng lộc quyền lợi đều dành ưu tiên cho thành phần con ông cháu cha, dù chúng có ngu dốt chúng cũng vẫn hưởng ưu tiên hơn con người dân.

Nghe cô HDV kể về đất nước Brunei của cô, ai cũng mê quá, nhưng cô nhấn mạnh tất cả mọi quyền lợi mà cô kể từ nãy tới giờ chỉ dành cho công dân Brunei mà thôi! Thế là nhiều người trên xe đồng loạt hỏi:
- Làm thế nào để vô công dân Brunei?

- Cái này thì khó, vì công dân Brunei được hưởng rất nhiều phúc lợi từ chính phủ, nên không phải ai cũng dễ dàng vô công dân. Ở Brunei mãn đời cũng không vô được công dân. Ngược lại không ai muốn từ bỏ quốc tịch Brunei (So sánh với VN theo bản tin mới nhất cho biết trong năm qua hơn 4.500 người từ bỏ quốc tịch V.N.) .

- Lấy vợ lấy chồng người Brunei hay sinh ra tại Brunei có được vô công dân không?
Cô HDV cho biết cô sinh ra ở Brunei, ba cô người Tàu, má cô người Brunei, nên cô mới được là công dân Brunei, nghĩa là phải 1 người cha hay mẹ là công dân Brunei thì đứa trẻ sinh ra ở Brunei mới được xem là công dân. Chứ đâu dễ như Mỹ, hễ cứ sinh ra trên đất Mỹ là công dân Mỹ, nên dẫn tới tệ trạng bao nhiên bà bầu (nhất là Trung Cọng) lén trốn ở lại Mỹ, sinh con, để con trở thành công dân Mỹ. Còn lấy vợ lấy chồng thì chỉ nghe cô trả lời là phải là hôn nhân thực thụ. Còn ở Mỹ hôn nhân giả để vô công dân thì lền khênh (thậm chí có giá biểu đàng hoàng, nghe nói từ 35000 - 40.000$/ 1 người)

Có lẽ Brunei là một trong những quốc gia ít dân cư nhất thế giới, nhưng lại là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Hiện Brunei là chủ nợ lớn của nhiều cường quốc, trong đó có Anh, nợ lên tới 160 tỉ USD. Hèn gì hôm trước trong lễ khai mạc thế vận hội Rio 2016, khi phái đoàn đại diện Brunei đi ngang, nghe xướng ngôn viên giới thiệu: Vua Brunei là người giàu nhất hành tinh (tôi ngạc nhiên vì không phải người Mỹ, không phải người Dubai... vậy mà từ trước tới giờ tôi cứ lầm tưởng.... đúng là đi 1 ngày đàng học 1 sàng khôn). Không đi, không mở rộng tầm nhìn cứ tưởng người Mỹ là giàu nhất, công dân Mỹ là ngon nhất, sống ở Mỹ là sung sướng nhất....té ra trật lất!

Khi chạy vào thủ đô Bandar Seri Begawan nằm cạnh sông Brunei, xe đưa chúng tôi ngang dinh thự Hoàng Gia được xem là lớn nhất thế giới với diện tích là 2.200.000 square feet. Cánh cổng và huy hiệu của nhà vua cũng được mạ vàng lấp lánh. Xe dừng ở một nơi gần đó để du khách có thể xuống chụp hình bên cạnh dòng sông với dinh thự lấp lánh ánh vàng ròng ở phía xa. Hoàng cung Istana Nurul Iman có mái vòm làm bằng vàng thiết kế theo kiểu Hồi giáo Malaysia. Sàn cung điện được lát bằng đá cẩm thạch nhập từ 38 nước trên thế giới. Cung điện này được xây dựng vào năm 1984 với chi phí khoảng 400 triệu mỹ kim.

Trên đường đi thăm viện bảo tàng Hoàng Gia, xe đi ngang một trang trại ngựa thật lớn của nhà vua. HDV chỉ cho chúng tôi thấy những con ngựa ở trong chuồng được phân làm nhiều loại khác nhau, và đều được chăm sóc cẩn thận. “Chơi ngựa” là 1 trong những sở thích của nhà vua (ông có hơn 300 con ngựa). Khi đến Viện Bảo Tàng Hoàng Gia, chúng tôi đi theo HDV và phải bỏ giày dép ở ngoài. Ngay phần chính của tiền sảnh VBT chúng tôi thấy nhiều phụ nữ mặc y phục Hồi giáo có khăn trùm đầu đứng rải rác để quan sát, không cho du khách rờ đến những cổ vật (lọng, khung kiệu, bàn thờ...) nhưng chụp hình thì được. Phía bên trong là hình ảnh các vua, các hoàng hậu và hoàng tộc từ nhiều đời trước. Vua hiện nay Hassanal Bolkiah sinh ngày 15 tháng 7 năm 1946, là vị Sultan thứ 28 của Brunei. Ảnh của vua được trưng bày rất nhiều từ thời nhỏ, cho đến thời du học ở Anh, rồi về nước và kế vị vua cha. Quốc vương Brunei có tổng tài sản gần 20 tỷ USD, giàu nhất thế giới, có bộ sưu tập xe hơi lên tới 7.000 chiếc, nổi bật nhất là chiếc Rolls-Royce dát vàng 24 carat giá 14 triệu USD, độc nhất vô nhị trên thế giới. Ông có chiếc máy bay riêng hiệu Boeing 747 với giá 400 triệu và sử dụng khoảng 120 triệu USD để tân trang bằng vàng ròng và pha lê thương hiệu nổi tiếng Lalique. Ngày 11.3.2013, quốc vương Hassanal Bolkiah đã tự lái máy bay riêng của mình đến Washington D,C để hội đàm cùng Tổng Thống Obama về các vấn đề hợp tác dầu khí và biến đổi khí hậu. Ông Obama đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Bolkiah: “Tôi nghĩ có lẽ ông ấy là nguyên thủ duy nhất trên thế giới tự điều khiển một chiếc Boeing 747.”
Nghe giới thiệu về sự giàu có, sang trọng của vua, bạn tôi thầm thì, "Ông này chắc đẻ bọc điều". Tôi cười, “Không phải bọc điều mà là bọc vàng,” vì ở xứ sở ông, vàng hình như chỉ là 1 thứ kim loại thường, nên thấy lấp lánh vàng chóe khắp nơi. Một chị đi chung đoàn người Việt gốc Tàu Chợ Lớn coi bộ rành về phong thủy nói với tôi:

- Ai mà số tử vi hạp với màu vàng thì nên chọn đến đây ở cho hạp phong thủy.
Tôi cười đùa:
- Vậy sao! Hình như hồi nhỏ má tôi nói tử vi tôi rất hạp màu vàng, nhưng vì tôi sinh lầm đất nước, nên bây giờ mới thành kẻ lưu dân, chứ nếu sinh ở Brunei thì bây giờ tôi có thể tặng bạn bè mỗi người 1 chiếc Rolls-Royce loại thường xài chơi rồi.

Vậy là để lấy hên cho hạp với màu vàng phong thủy, tụi tôi kéo tới chụp hình ở công viên mà phía sau có hình quả cầu vàng và chiếc buồm cũng được mạ vàng ròng sáng chóe. Biết đâu nhờ “vía ánh vàng” đó, kiếp sau mình được sinh ra làm dân Brunei thì sao? Ngay cả ở công viên nước lúc nãy vừa đi ngang, HDV cho biết cả 4 trụ đỡ bồn nước cũng được mạ vàng luôn. HDV cũng chỉ cho chúng tôi xem 1 sân vận động lớn và cô cho biết vua đã từng cho mời Micheal Jackson (đắt giá nhất thời đó) sang đây biểu diễn một show ca nhạc hoành tráng và người dân được mời xem tự do.

Vua Brunei tuy giàu có quá sức, ông hưởng thụ sự giàu có, nhưng dân cũng được hưởng theo. chính phủ cho nhập gạo từ Thái Lan, bò từ Úc... và chính phủ gánh 1/2 giá. Vua Brunei cai trị biết thương dân lo cho dân ấm no, ăn ngon, học hành tới nơi tới chốn. Cái này thì chữ dùng đúng nhất khi nói về "chính quyền là cha mẹ dân", nên lo cho dân đủ mọi điều. Nhìn lại VN thì, “Dân chết mặc dân, tiền quan bỏ túi”. Vua và hoàng gia luôn quan tâm tới đời sống và nguyện vọng người dân. Vua đi thăm dân, dân đưa thư trực tiếp tận tay vua, vua bỏ túi, về đọc nghiên cứu và tìm cách giải quyết. Vì vậy dân chúng rất yêu mến, kính trọng vua và hoàng gia Brunei.

Sau đó chúng tôi được đưa đến thăm 1 đền thờ Hồi giáo. Brunei gia nhập Hồi giáo từ thế kỷ 15 và Hồi giáo trở thành quốc giáo nên hàng năm tại Brunei vẫn diễn ra nhiều lễ hội mang đậm màu sắc Hồi giáo như tháng chay Ramadhan, lễ hội Hari Raya Aidilfitri... Nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Hồi giáo. Brunei được mệnh danh là xứ sở của các thánh đường Hồi giáo với cả trăm ngôi thánh đường có kiến trúc đặc trưng với màu trắng cẩm thạch và mái hình chóp dát vàng lộng lẫy, thận chí nạm cả kim cương. Ngoài Islam là quốc giáo, Brunei cũng có một số tôn giáo khác như Phật giáo, Cơ-đốc giáo.
HDV cho biết mỗi năm Brunei có 1 tháng ăn chay. Trong tháng đó mỗi ngày từ khi mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn không được ăn bất cứ thứ gì kể cả uống nước. Con nít thì ăn chay nửa ngày. Tôi hỏi thăm xem phụ nữ Hồi giáo có bị bắt che mặt không? Cô cho biết luật lệ Hồi giáo ở đây tương đối cởi mở, chứ không khắt khe như ở Trung Đông. Cô cũng theo đạo Hồi nhưng cô mặc thường phục (quần jean, áo sơ mi) khi đi học, đi làm. Chỉ những ngày lễ đặc biệt thì mới mặc trang phục burka (loại áo choàng trùm kín từ đầu tới chân). Thời gian gần đây tại Đức, Pháp và một số nước Âu châu đã bắt đầu có lệnh cấm mặc burka nhằm bào đảm an ninh. Lúc nãy khi thăm VBT hoàng gia, tôi thấy các phụ nữ Hồi giáo ở đó cũng không trùm khăn che mặt.Đúng là xứ Hồi giáo Brunei có tinh thần cởi mở, đặc biệt là bản tin “Dấu ấn lịch sử ở Brunei” tháng 5/2016 đăng tin lần đầu tiên một phi hành đoàn toàn nữ 100/% (từ phi công trưởng , 2 phụ tá... ) đã lái chiếc Boeing 787 Dreamliner, máy bay dân sự chở khách, từ Brunei bay đến Saudi. Trong khi phụ nữ ở Saudi và các xứ Trung Đông không thể đi học và làm bất cứ việc gì mà không có sự giám sát của quý ông. Tôi theo tinh thần tôn trọng các tôn giáo, nhưng quả thật Hồi giáo "hà hiếp" phụ nữ quá đáng, thậm chí ngay việc vào các đền thờ Hồi giáo, phụ nữ phải đi cửa nhỏ bên hông và đứng phía hành lang bên ngoài (tôi có kinh nghiệm ở Ai Cập) nên từ đó đi du lịch ở đâu có đền thờ Hồi giáo, tôi chỉ đứng bên ngoài, để phản đối thái độ coi thường phụ nữ.

Tuy là có tiến bộ như vậy nhưng HDV cho biết đạo Hồi ở Brunei cho phép 1 ông được lấy 4 vợ. Nghe tới đây, nhiều người trong đoàn đã đùa;

- Bà nào muốn vô công dân Brunei thì đi kiếm ông nào ở đây mới có 3 vợ nhào vô làm vợ thứ 4 để trở thành công dân Brunei.

Mấy bà phản ứng liền:
- No, thanks. Ai mà thèm, cử tưởng bở, ngó mấy ông Hồi giáo thấy lộ rõ bộ mặt độc tài phát xít đủ ớn xương sống. Nên nhớ "không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Cả xe cười vang rân, sẵn dịp tôi hỏi thêm về tình trạng vợ con của vua Brunei hiện tại. Cô HDV cho biết: “Hiện vua đã có 3 vợ, ngài có 7 công chúa và 5 hoàng tử”. Tôi thắc mắc, “Vua ở một lúc với 3 bà?” -”Không, ly dị bà này, rồi mới đi cưới bà khác và đã cưới tới lần thứ 3” - “Vậy thì cũng tạm được, chứ tưởng đâu bắt cá 3 tay.”

Ỏ Brunei rất ít xe bus và taxi (cả Brunei chỉ có khoảng 50 chiếc taxi). Nếu không đi theo đoàn thì kiếm được 1 taxi phải đợi cả gần nửa giờ mới có. Nhịp sống ở đây rất chậm, ai mà cứ quen sống nhanh, nhất là ở Mỹ, muốn thực tập “sống chậm” chắc phải ở Brunei.

Brunei là 1 quần đảo lớn thứ 3 thế giới, có 161km bờ biển với nhiều bãi biển còn nguyên sơ rất hấp dẫn đối với khách du lịch, nhưng ngành du lịch biển Brunei khó phát triển bởi những quy định và cấm kỵ ngặt nghèo của đạo Hồi đã khiến người dân Brunei không biết đến thú tắm biển. Thật là uổng phí! Tắm biển theo đạo Hồi thì phụ nữ phải mặc Burkini, loại áo tắm trùm kín người, chỉ chừa mặt bàn tay và bàn chân. Việc này đang là 1 đề tài tranh cãi rất “hot” hiện nay ở Châu Âu. Việc chính quyền Pháp ra lệnh cấm mặc Burkini đã thúc đẩy thương vụ bán các loại áo này tăng cao chưa từng thấy. Nó trở thành đề tài lớn cho cuộc tranh cử TT của Pháp sắp tới. Thật là 2 thái cực về áo tắm: 1 bên thì hở hang quá, 1 bên thì “bưng bít” quá, thôi cứ trung dung là được.

Nhìn chung Brunei có quá ít điểm tham quan, quá ít các hoạt động mang tính giải trí cộng đồng. Đất nước này cấm bia, rượu, thuốc lá nơi công cộng và cứ sau 10 giờ đêm là đường sá vắng tanh nên du khách chỉ có thể... đi ngủ sớm. Một Brunei như thế rõ ràng không phải là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người.

Trước đây nghe nói tới quốc gia Hồi giáo là thấy sợ, nhất là sau những vụ khủng bố dã man của những người tự xưng là Hồi Giáo xảy ra khắp thế giời. Nhưng khi đến thăm Brunei, tôi nhìn thấy thực tế vẫn có một quốc gia Hồi giáo hiền lành, một quê hương thanh bình với những con người nhu hòa và rất mực hiếu khách. Một đất nước được ông Trời ưu đãi về dầu khí, nhưng tình người trong đất nước ấy cũng đáng cho mọi người ngưỡng mộ. Một ông vua biết thương và lo cho đời sống người dân như trong chuyện cổ tích ngày xưa. Một đất nước có vẻ như là một "thiên đường hiền lành đạo đức" trong thế giới ta bà ô trọc này. Có phải vì thế mà Thượng đế đã chúc phúc cho họ chăng? Bên cạnh đó Brunei còn là một vương quốc thân thiện, nhiều dịp lễ trong năm hoàng cung mở rộng cửa tiếp kiến thần dân và du khách; một đất nước trầm mặc với nền văn hóa Hồi giáo cổ kính và những ngôi thánh đường tráng lệ tuyệt mỹ; một đất nước bảo tồn môi trường thiên nhiên hoàn hảo với những cánh rừng nguyên sinh chạy dài dọc theo hệ thống đường cao tốc rất phong phú chủng loại động, thực vật quý hiếm và những bãi biển đẹp tự nhiên rất thu hút tình yêu thiên nhiên của con người... Tất cả làm thành một Brunei kỳ diệu rất đáng để mọi người thử một lần khám phá.
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT