Đạo và Đời

Dọn đường cho Chúa

Wednesday, 13/12/2017 - 08:21:02

Mùa Vọng còn là mùa để người giáo dân biết chuẩn bị tâm hồn của mình đón mừng Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 hằng năm với tâm hồn thật sốt sắng và thánh đức.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Trước lễ mừng Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội Công Giáo có bốn Chúa Nhật Mùa Vọng. Trong bốn Chúa Nhật Mùa Vọng này chúng ta thường nghe các linh mục nhắc nhở cho giáo dân bốn ý nghĩa của Mùa Vọng:
1/ Nhắc lại thời gian dân Do Thái mong chờ Đấng Cứu Độ tới để giải phóng dân tộc mình thoát khỏi những áp bức, lầm than và giúp cho họ sống ngay thẳng trong sự công chính của triều đại Ngài.
2/ Nhắc cho người giáo dân biết rằng Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang trong ngày tận thế hay còn gọi là ngày phán xét. Ngày này không biết khi nào nhưng chắc chắn Chúa sẽ trở lại trong vinh quang của Ngài.


Trong bốn tuần của Mùa Vọng, màu tím tượng trưng cho sự cầu nguyện, sám hối và hy sinh, và màu trắng tượng trưng sự tinh khiết hay Chúa Kitô. (The Catholic Company)


3/ Mùa Vọng còn là mùa để người giáo dân biết chuẩn bị tâm hồn của mình đón mừng Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 hằng năm với tâm hồn thật sốt sắng và thánh đức.

4/ Một ý nghĩa nữa của Mùa Vọng đó là biết đón chờ Chúa tới từng giây từng phút trong cuộc đời của mình và luôn sẵn sàng tỉnh thức chờ đợi Chúa tới vào chính ngày tận thế của đời mình, đó là ngày chết, ngày từ giã trần gian của mỗi người.

Nếu nhìn vào thời gian của người Do Thái trông đợi Chúa Cứu Thế hay Đấng Cứu Độ thì chúng ta thấy đây là một sự chờ đợi đã có thật trong thời Cựu Ước. Qua các ngôn sứ, đặc biệt qua bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Isaia trong Chúa Nhật tuần này, tiên tri đã dùng Lời Chúa để loan báo cho dân biết rằng thời họ đang bị nô lệ nơi lưu đày sẽ được chấm dứt. Họ sẽ được trở về quê hương: “Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm. Hãy nói với Giêrusalem và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.”

Ngay sau khi dùng Lời Chúa để nhắc nhở dân chúng, tiên tri Isaia đã nhắc cho họ biết bổn phận của họ là phải dọn đường cho Chúa ngự đến: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo, hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề, hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa.”

Khi Gioan Tầy Giả xuất hiện, thì thời gian chờ đợi hầu như đã hoàn tất. Thánh Marcô khi bắt đầu cuối sách Phúc Âm của ngài viết về cuộc đời Chúa Cứu Thế, đã dùng lại chính lời kêu gọi sửa đường cho Chúa của tiên tri Isaia trên đây để giới thiệu về Gioan như là vị tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa.”

Như thế trong suốt lịch sử ơn cứu độ, lời mời gọi hãy dọn đường cho Chúa, bắt đầu từ các ngôn sứ trong thời Cựu Ước, cho tới Gioan Tầy Giả là vị ngôn sứ cuối cùng, lời mời gọi đó vẫn còn vang vọng cho tới ngày hôm nay trong Giáo Hội. Chính vì thế, trong Mùa Vọng, chúng ta được nghe nhắc lại lời mời gọi đó. Nhưng đừng để lời mời gọi chỉ là tiếng vang ở trong hoang địa. Nếu đó chỉ là tiếng vang ở trong hoang địa không đến được với cõi lòng chúng ta, thì Mùa Vọng sẽ không có ý nghĩa gì. Hố sâu vẫn cứ là hố sâu. Con đường quanh co sẽ không bao giờ được thẳng. Chỗ gồ ghề sẽ không bao giờ bằng phẳng. Những núi đồi ngăn cách sẽ không bao giờ được san bằng. Chúng ta vẫn còn có sự chọn lựa. Chúa sẽ giúp chúng ta.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT