Đời Sống Việt

Đổi Quê Hương

Cao Thu Cúc/Viễn Đông Thursday, 07/03/2013 - 08:04:23

Tôi sẽ trồng ở vườn sau những cây rau mà tôi thích, tôi sẽ trồng cây cà chua, cây ớt, cây xà lách, cây cải, tôi sẽ trồng ở đó cây ngò thơm thơm, rau húng cay cay, tôi sẽ trồng ở đó một vườn cải cúc lên cao cả thước và nếu ăn không hết sẽ nở hoa trắng như vườn hoa marguerite..

Cao Thu Cúc/Viễn Đông

Tôi đang ở Mỹ.
Tôi đã đổi quê hương, đổi cả tên họ, đổi cả thói quen, cách sống, cách suy nghĩ, vì thế, tôi giải quyết chuyện của tôi theo cách ở đây.
Để giải quyết nỗi buồn không cây cảnh mỗi ngày cứ gậm nhấm tâm hồn tôi, và tiền thuê nhà mỗi tháng chồng chất lên vai con cái, tôi quyết định đi mua nhà.
Không có nhiều tiền, tôi quyết định mua một mobile home nhỏ ở khu dành cho người già. Vì như vậy tôi mới được hưởng quyền lợi dành cho người già như: giá ưu đãi, ở khu yên tĩnh, sạch đẹp, gần chợ, gần đường xe bus...
Dù chưa thực hiện được giấc mơ mua nhà, tôi đã bắt đầu vẽ ra khu vườn ở quê hương mới của tôi. Ở sân trước tôi sẽ trồng một dãy hoa hồng. Tôi sẽ trồng ở vườn sau những cây rau mà tôi thích, tôi sẽ trồng cây cà chua, cây ớt, cây xà lách, cây cải, tôi sẽ trồng ở đó cây ngò thơm thơm, rau húng cay cay, tôi sẽ trồng ở đó một vườn cải cúc lên cao cả thước và nếu ăn không hết sẽ nở hoa trắng như vườn hoa marguerite..


Kia là căn nhà của ước mơ?




Nhưng liệu tôi có ươm trồng được ở đó những tình cảm vui buồn gắn bó thân thương như tôi đã từng làm ở sân thượng nhà tôi ở Sài Gòn? Ôi đất đai cây cỏ cũng có tiếng nói riêng của chúng, tôi đã đổi quê hương rồi, liệu tôi có tìm được những cảm xúc cũ, cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng mỗi sáng tôi quên hết chuyện đời chỉ để ý đến vẻ đẹp của hoa lá cây cỏ? Khi tôi trồng cây hoa ngọc lan, hương thơm của nó không chỉ đem niềm vui đến cho tôi, cho gia đình tôi, mà còn là niềm vui cho bạn bè, cho lối xóm. Khi tôi chết đi, nó vẫn tiếp tục sinh tồn, được chăm sóc và phát triển. Đời sống lâu dài của nó sẽ mang theo cả sự sống lẩn khuất của tôi.
Khi tôi đến nhà một người bạn, thấy cây ngọc lan già cỗi, cây mai hơn trăm tuổi, gốc rễ sần sùi, nhưng cành lá uốn lượn nghệ thuật, tôi như thấy được hình bóng của những người đã hằng ngày chăm sóc, vui cười bên nó. Bạn tôi nói: Cây mai này ba mình quý lắm, ông chăm sóc nó hằng ngày. Hoa ngọc lan này mẹ mình rất thích, mỗi buổi sáng bà hay hái hoa cúng Phật và không quên dành một đóa hoa cho đầu tóc bới của bà. Còn ở đây, mọi người đều có đời sống riêng tư, mỗi nhà đều có giới hạn riêng, ai để ý đến nhà ai làm gì? Và sau khi chủ nhân của nó chết, ai còn để ý đến cây cỏ ngoài vườn?
Khu vườn đã đủ màu sắc, tôi vẽ thêm những sinh hoạt trong nhà bếp, nơi tôi có thể nối kết tình thương của gia đình, với những đứa con ở gần và không ở gần bên tôi. Tôi sẽ nấu những món ăn lúc nhỏ con tôi thích để Thứ Bảy, Chủ Nhật kêu các con lại ăn. Tôi sẽ làm những thứ bánh Việt Nam gởi cho những đứa con ở xa, để tụi nó đừng quên mùi vị quê hương...
Khi tôi nói như vậy, các con tôi đều kêu lên:
- Mẹ ơi, mẹ lỗi thời quá rồi. Mẹ không biết mẹ đang ở đâu hay sao? Nước Mỹ thiếu gì thức ăn ngon, ở Mỹ chỗ nào chẳng có người Việt, muốn ăn món Việt ở đâu mà chẳng mua được? Thôi mẹ cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi. Buồn thì kiếm chỗ đi du lịch cho vui.
Ôi thôi, đó cũng chỉ là giấc mơ.
Muốn mua nhà phải đi vào thực tế. Tôi vào Google đánh “Mobile home.com”. Thế là thấy cả ngàn ngôi nhà mobile home rao bán, giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn Mỹ kim. Bạn không thể tưởng tượng được đâu: một ngôi nhà chỉ có vài chục ngàn Mỹ kim thôi mà nhìn ảnh quảng cáo trông giống như Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, hai phòng ngủ, hai phòng tắm, bếp, phòng khách, phòng sinh hoạt đầy đủ, ngoài vườn thì bông hoa cây cảnh không thiếu. Con gái tôi nói:
- Không nhìn trong hình được đâu. Mình phải kêu người môi giới dẫn đi xem tận mắt mới được.
Phải rồi, trên Google mới chỉ là thông tin. Muốn mua nhà phải kiếm một người môi giới mua bán nhà, gọi là Realtor hay Agent dẫn mình đi coi tận mắt mới lựa chọn được.
Nhưng có nhà hay không có nhà đối với tôi có gì khác?
Gần đến những ngày lễ Halloween, Thanksgiving rồi Noel, tôi bắt chước mọi người dọn dẹp trang trí nhà cửa dù là nhà trọ. Trong khi làm việc này, tôi chợt nhận ra rằng, nếu tôi còn ở Việt Nam thì việc làm này sẽ vui hơn. Tôi sẽ làm cho nhà đẹp hơn để cho con tôi vui, để cho bạn bè tới thưởng thức, tôi sẽ cắm bình hoa, sẽ trồng chậu cây mà mọi người ưa thích, ý nghĩ đó sẽ đem đến cho tôi niềm vui náo nức, lâu dài hơn và rộng lớn hơn, và tôi chợt nhận ra rằng công việc sẽ đem đến cho ta niềm vui, và khi việc đó liên hệ, nối kết với nhiều người thì niềm vui càng lớn. Và tôi hiểu chị tôi, dù chồng đã từ trần rất sớm, không có con, chị vẫn vui sống, không buồn phiền, chị suốt ngày đi làm việc từ thiện, giúp kẻ nghèo, trẻ mồ côi, lập hội cứu giúp dân chài đảo Lý Sơn hằng năm bị thiên tai bão lụt, bị thần biển cướp đi bao người cha người anh người con. Và tôi cũng hiểu được vì sao các nhà khoa học, các bậc vĩ nhân, họ suốt đời cống hiến cho lợi ích của nhân loại mà họ vẫn thấy sống chưa đủ, làm chưa hết sức, họ vẫn muốn có cuộc sống dài hơn để làm nhiều việc hơn, những công việc đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại.
Bởi vậy, nếu bây giờ tôi có nhà, mọi công việc làm trong căn nhà đó cũng chỉ có tính cách tạm thời. Tôi phải tìm một việc làm khác, một mục đích khác mới giải quyết được nỗi buồn đổi quê hương của tôi.
Một hôm, một người bạn đến rủ tôi đi chơi, gặp vài người bạn của bạn, bạn tôi giới thiệu: - Đây là Lệ Chi, người hoạt động rất tích cực trong các hoạt động của chùa...
Trước khi chia tay ra về, Lệ Chi nói với tôi:
- Thu Cúc có rảnh không? Chủ Nhật có muốn lên chùa chơi không? Lệ Chi muốn nhờ Thu Cúc dạy tiếng Việt cho các em nhỏ ở chùa...
Dạy tiếng Việt là nghề của tôi. Tôi đã dạy tiếng Việt mấy chục năm ở trường Bùi Thị Xuân ở Đa Lạt, trường Gia Long trường Minh Khai ở sài Gòn. Dạy các em nhỏ càng vui. Tôi nhận lời ngay.
Lên chùa gặp Phật, gặp những người có thể cùng mình đi tìm một cái gì đó ngoài đời sống. Con đường đi đến đạo Phật là con đường đi của những người đặc biệt, những người có trí tuệ siêu phàm, có năng lực cứu nhân độ thế, nhưng cũng là đường đi của người yếu đuối, những người thất bại, những người gặp chuyện buồn không giải quyết được. Ở quê tôi, đạo Phật cũng là nơi quy tụ những người đã làm xong nhiệm vụ với gia đình với xã hôi, còn lại hai vợ chồng già, họ tìm một nơi thanh vắng, cất một am nhỏ, và suốt ngày vui với kinh kệ. Tôi còn nhớ rõ khi tôi còn học lớp đệ nhất ở trường Quốc Học ở Huế, một người bạn rủ tôi đến thăm cái am nhỏ của cha mẹ. Năm đó, P. là con út trong gia đình có nhiều con, đã tốt nghiệp tú tài và chuẩn bị vô đại học, cha mẹ P. thấy đã nhẹ gánh gia đình nên đã hòa nhập vào làng người già trên đường lên núi Ngự Bình, họ sống ở đó thanh lọc tâm hồn cùng với cây cỏ quanh vườn và tiếng kinh kệ vang lên không ngớt từ những ngôi nhà xung quanh.
Đạo Phật với phương pháp Thiền Định có thể giúp ta xua tan nỗi buồn phiền, giúp ta tìm ra chân lý của cuộc sống … Có phải đây là con đường tôi sẽ đi mới có thể giúp tôi lấy lại thăng bằng cho tâm hồn, lấy lại sự bình an vốn có như khi tôi còn sống ở quê nhà?

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT