Văn Nghệ

Đọc “Chinh Chiến Điêu Linh” của phóng viên Kiều Mỹ Duyên

Thursday, 25/03/2021 - 09:02:10

Kiều Mỹ Duyên là bút hiệu của một nữ sinh trung học Trưng Vương và sinh viên Luật Khoa, Viện Đại Học Sài Gòn.


Bìa sách Chinh Chiến Điêu Linh của phóng viên Kiều Mỹ Duyên. (Tủ sách TAT)


Bài TRẦN ANH TUẤN

Kiều Mỹ Duyên là bút hiệu của một nữ sinh trung học Trưng Vương và sinh viên Luật Khoa, Viện Đại Học Sài Gòn. Nhưng bà không hành nghề chuyên môn, mà trở thành nữ phóng viên chiến trường gan dạ và xông xáo cho các nhật báo ở Sài Gòn trong một thời gian dài, hơn 10 năm, cho tới ngày 30.4.1975.

Bà vượt biên rất sớm, và thoát khỏi Việt Nam ngay từ năm 1976. Định cư tại tiểu bang California, bà trở lại trường và đi vào ngành địa ốc từ năm 1984. Sau hơn 5 năm gây dựng cuộc sống mới nơi xứ người, bà nhờ một số thân hữu trong giới nhà văn nhà báo sưu tầm tài liệu để xuất bản Chinh Chiến Điêu Linh năm 1994.

Sách do tác giả tự xuất bản, có nhà thơ Nguyên Sa viết tựa, có hoạ sĩ Tạ Tỵ vẽ bìa, có nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh cung cấp hình ảnh, nhưng nội dung cho thấy sách không gì khác hơn là chép lại những bài báo của tác giả trong những năm đầu thập niên 1970 khi còn ở trong nước.

Thật vậy, chính tác giả là người tiết lộ sự việc này, khi bà cám ơn Nguyễn Hoà, một nhân viên người Việt làm việc tại Library of Congress, tức Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ ở Wasington D.C., đã cung cấp tài liệu.



Trần Anh Tuấn


Theo tôi đoán định, tài liệu đó là những số báo Công Luận, Hoà Bình, và Trắng Đen trong ba năm 1970-72 vì sách gồm những trang in mà thời điểm ghi rõ ba năm ấy, và phần giới thiệu tác giả ở trang bià sau ghi tên ba nhật báo kể trên.

Lấy vài thí dụ cho phép tôi kết luận sách chỉ là những bài phóng sự của tác giả trong thập niên 1970 chứ không phải sách được viết trong thập niên 1990 và xuất bản năm 1994.

Nơi trang 71, tác giả ghi nguyên văn: "Buổi sáng, sau khi gửi bài về toà soạn, tôi đến thăm đồng bào từ Quảng Trị chạy về Huế." Sách xuất bản năm 1994 thì còn toà soạn nào mà gửi nữa?

Hay trang 103-04: "Cho đến hôm nay..., vừa đặt chân đến Huế... Chúng tôi đến thẳng nơi Liên Đoàn (tức Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân). Các đơn vị đang thi tài một cách hào hứng..." Hay trang 182: "Hôm nay là ngày 7 tháng 2 năm 1972, tôi ra thăm thị trấn Gio Linh..." Rồi trang 121-23: "Hôm nay là ngày 5 tháng 7 năm 1972. Một ngày nắng thật đẹp... Đến 11 giờ, dòng sông Mỹ Chánh hiện ra trước mắt..."

Thời gian và cả thời tiết như thế, còn gì rõ ràng cụ thể hơn?!

Những gì tác giả cập nhật trong thập niên 1990 tại Hoa Kỳ có lẽ chỉ là những tiểu tựa đượm vẻ hoa mỹ khi đời sống đã an toàn và sung túc nơi xứ người, ngược hẳn với máu lửa và hy sinh trong các phóng sự chiến trường ngày nào của tác giả. Đó là những tiểu tựa Viên đạn đã lên nòng trang 17, Chiều mưa trên đồi sim trang 99, Bên dòng sông Dabla trang 217, Trên đỉnh Chu Pao trang 245, Chàng từ khi vào nơi gió cát trang 381...

Ngay người viết Tựa với lối văn kiểu cách bóng bẩy rồi kết luận, nguyên văn nơi trang 13: "Tôi rất yêu cuốn sách này của Kiều Mỹ Duyên" cũng không thành thật với độc gia,̉ vì ông hẳn phải biết nguyên ủy của tập giấy in dầy 400 trang mà tác giả nhờ ông viết Tựa!

Trở lại với loạt phóng sự đương thời của ký giả Kiều Mỹ Duyên được in lại thành sách, người đọc sẽ được biết một số trận chiến của Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Cách Dù, Biệt Động Quân, Không Quân, các sư đoàn bộ binh, và địa phương quân trong những năm 1970 trên toàn cõi VNCH, từ Quảng Trị cho đến Cần Thơ, Chương Thiện, và cả bên đất Cam Bốt.

Đây là những chiến thắng của nhiều binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà một người lính có thể đối đầu với 5-3 bộ đội miền Bắc non trẻ, ốm o, ngơ ngác mà tôi thấy trên đường Hồng Thập Tự ngay cửa Vườn Tao Đàn giữa Sài Gòn ngày 30.4.1975.

Chính những chiến thắng đó đã giữ cho VNCH không mất một tỉnh nào, hay một quận nào trong suốt thời gian 1960-75.

Điển hình của những chiến thắng đó là trận đánh kéo dài bốn ngày đêm mà địa phương quân tại chi khu Ba Tơ thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy lui cuộc tấn công của Cộng quân. Người nữ phóng viên chiến trường đã gặp tại đó một người vợ lính mang bầu và một em bé chưa đến 10 tuổi góp phần chiến thắng cùng chồng cùng cha nơi trang 51-52.

Phóng sự về trận Lệ Khánh gần Kontum kéo dài trong một tháng cũng đáng quý, ghi lại tinh thần bất khuất của Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân Biên Phòng mà đa số quân lính là người Thượng và chỉ huy trưởng căn cứ là Thiếu Tá Bửu Chuyển bị thương nhưng không chịu để kẻ địch bắt nên đã hy sinh.

Phóng sự này có thêm phần hiếm hoi, là đoạn cập nhật tại California cho biết đại úy Phan Thái Bình, chỉ huy phó căn cứ Lệ Khánh sau 11 tù tập trung (tác giả ghi là "tù cải tạo") đến được Hoa Kỳ ngày 10 tháng 6 năm 1993 trong đợt HO.18. Đoạn cập nhật thứ hai là tin tức một số bác sĩ tại Quân Y Viện Pleiku thời ấy đã thoát khỏi Việt Nam gồm Bùi Thế Khải ở Pháp, Nguyễn Huy Đạt ở New York, Nguyễn Thúc Cường ở Seattle, Phong ở Úc (tác giả không cho biết rõ tên tuổi người y sĩ này), và Ngô Thế Vinh, y sĩ trưởng của Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, ở Nam California.

Trở lại phần phóng sự trong thập niên 1970, nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên đã viết rất kỹ về trận Bình Long-An Lộc. Bà bắt đầu bài phóng sự bằng lệnh của Tổng Thống ngày 5.4.1972 yêu cầu Tỉnh Trưởng Bình Long là đại tá Trần Văn Nhựt trở về tỉnh nhà ngay vì tỉnh đang bị Cộng quân tấn công, dù đại tá Nhựt đang tham dự cuộc hội thảo về Bình Định và Phát Triển tại Vũng Tàu do chính Tổng Thống chủ tọa.

Với quân số của ba Công Trường 5, 7, và 9 (công trường là danh từ của Cộng Sản thay thế danh từ sư đoàn của ta) khoảng 30,000 người được yểm trợ bởi 100 chiến xa loại T54 và PT76, cùng hai trung đoàn pháo binh gồm nhiều hoả tiễn 122 ly, và một tiểu đoàn đặc công từ đất Miên tràn qua, lần lượt chiếm Lộc Ninh, Bố Đức, Kà Tum, Thiện Ngôn, Tống Lê Chân để tiến về chiếm An Lộc, thủ phủ của tỉnh Bình Long, làm thủ đô của cái gọi là Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam, hỗ trợ cho cuộc hòa đàm với Mỹ đang tiến hành tại Paris, Pháp.

Cuộc chiến Bình Long- An Lộc kéo dài tới 144 ngày, nhưng An Lộc hoàn toàn đổ nát vẫn đứng vững với nhiều thường dân, nhân dân tự vệ, nghĩa quân, địa phương quân, và quân nhân thuộc nhiều binh chủng phải hy sinh. Chiến thắng Bình Long- An Lộc đã để lại hai câu thơ trong quân sử QLVNCH:

An Lộc Địa Sử ghi chiến tích
Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.

Phóng sự hay nhất của ký giả Kiều Mỹ Duyên dài đến 30 trang (trang 147-77) là trận quân Dù và Thủy Quân Lục Chiến phối hợp đánh chiếm lại thành phố Quảng Trị và treo lại lá cờ Vàng trên cổ thành Đinh Công Tráng. Người treo cờ là binh I Hồ Khang đã hy sinh ngay sau khi treo, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ tại trại gia binh của Tiểu Đoàn 5 Dù tại Biên Hoà. Hồ Khang ra đi ngạo nghễ, anh ra đi với lời hô "Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm" sau khi thượng được lá quốc kỳ!



Hai bộ tem kỷ niệm chiến thắng Bình Long-An Lộc (phát hành ngày 25.11.1972) và chiến thắng Quảng Trị (phát hành ngày 24.2.1973). Bộ sưu tập TAT


Cảm động nhất và bùi ngùi nhất là phóng sự của Kiều Mỹ Duyên về người trung đội trưởng nghĩa quân quận Chương Mỹ tỉnh Chương Thiện năm 1971. Sự việc được trung tướng Ngô Quang Trưởng lúc ấy là Tư Lệnh Quân Đoàn IV kể lại cho người nữ ký giả biết.

Nguyên mỗi buổi sáng theo dõi báo cáo tình hình và kết quả chiến sự ngày trước đó, Tướng Trưởng thấy quận Chương Mỹ tỉnh Chương Thiện đêm nào cũng bắt được Việt Cộng và lấy được vũ khí nên một ngày bất ngờ, ông cùng một viên tướng Cố Vấn Mỹ xuống thăm quận để yêu cầu quận trưởng cho ông gặp người lập được chiến công như trong báo cáo.

Nguyễn Văn Mới, tên người đội trưởng nghĩa quân được lệnh trình diện, là một ông già chừng 65 tuổi, tóc bạc phơ và râu cũng đã bạc dài xuống ngực. Ông Mới trình diện trong bộ đồ trận bạc mầu và sờn rách, dáng người nhanh nhẹn, cặp mắt tinh anh, chỉ huy một toán nghĩa quân 20 người. Trung Tướng Trưởng và Thiếu Tướng Macown (sic!) lần lượt nói lời tuyên dương và khích lệ rồi gắn huy chương Việt Mỹ cho người chiến sĩ nghĩa quân 65 tuổi đời.

Tướng Trưởng sau đó còn đề cử ông Nguyễn Văn Mới vào phái đoàn chiến sĩ xuất sắc được đi thăm Đài Loan. Tại Đài Bắc, người nghĩa quân già được viên đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Trung Hoa Dân Quốc chủ tọa buổi tiếp đón phái đoàn Việt Nam xuống tận nơi ông Mới đang ngồi trong đám cử tọa để mời ông lên bàn chủ tọa, bên cạnh viên đại tướng chủ nhà.

Nếu năm 1971 số tuổi ông Nguyễn Văn Mới là 65 thì khi VNCH sụp đổ năm 1975, ông chưa tới 70 và rất có thể còn sống để chứng kiến sự đau buồn không những của cá nhân ông, mà còn của cả dân tộc. Người đọc không biết chuyện gì đã xảy đến với người anh hùng thôn dã quận Chương Mỹ tỉnh Chương Thiện, và số phận ông cùng gia đình thế nào trong tay bọn Cộng Sản tại địa phương. Nhưng điều tôi biết là anh hùng không bao giờ sợ chết và với họ, sự nhục còn đau hơn sự chết!

Các trận đánh thì thắng, nhưng cuộc chiến thì thua và ngày 30.4.1975 xảy ra vì đại tướng, trung tướng, và thiếu tướng miền Nam cao chạy xa bay. Nói như một trung tướng, trung tướng Vĩnh Lộc trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy, nguyên văn tôi còn nhớ: "Chúng nó chạy như chuột!"

Tuy vậy, cũng còn năm vị tướng giữ đúng truyền thống trong quân sử Việt Nam từ ngàn xưa, là giữ thành, thành mất, chết theo thành gồm thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, thiếu tướng Phạm Văn Phú, chuẩn tướng Lê Văn Hưng, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ và chuẩn tướng Trần Văn Hai. Phải thêm vào đây một chi tiết bi hùng: Phu nhân tướng Lê Nguyên Vỹ đã đề cập đến cái chết của chồng bà là đúng là phải, trong khi nuốt vào lòng sự đau đớn của người vợ mất chồng!

Mặt khác, tự sát chết theo thành thì nhiều không kể xiết trong hàng tá, hàng úy, hàng hạ sĩ quan, và hàng binh sĩ, hàng địa phương quân, nghĩa quân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa!

5.8.2017
(Trong Sử Việt Tại Bắc Mỹ 1975-2015 sẽ xuất bản)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT