Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đọc "Thiền Tông Qua Bờ Kia" của Nguyên Giác Phan Tấn Hải

Friday, 10/11/2017 - 08:45:43

Trong lời thưa, tác giả viết rằng, "Tác phẩm được viết trong hạnh phúc vô cùng tận, và tác giả muốn chia sẻ hạnh phúc với độc giả trong nỗ lực đọc lại lời Đức Phật dạy."

 Ra mắt hai sách Phật học tại Chùa Bát Nhã
"Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh" của Đào Văn Bình, và "Thiền Tông Qua Bờ Kia" của Nguyên Giác, được tổ chức bởi Tổng Vụ Pháp Chế thuộc Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, từ 2 giờ đến 6 giờ chiều thứ Bảy, 18 tháng 11, tại Chùa Bát Nhã, 4717 West First Street, Santa Ana, CA 92703. Có sự tham dự của HT Thích Nguyên Trí, HT Thích Nguyên Siêu; văn nghệ với nhạc sĩ Cao Minh Hưng và nhạc sĩ Trần Chí Phúc. Liên lạc (714) 878-3739

Bài BÍCH NGA

Ông Nguyên Giác Phan Tấn Hải sinh ngày 22 tháng Hai, 1952 tại Sài Gòn. Hiện là chủ bút của tờ Việt Báo ở Nam California và trang tin vietbao.com. Ông đang cư ngụ tại Westminster, Quận Cam. Ông từng cộng tác với nhiều báo như Tập San Nghiên Cứu Triết Học (Đại học Văn Khoa, Sài Gòn), Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Việt Báo, Tạp chí Giao Điểm, Giác Ngộ và nhiều báo khác. Ông từng góp bài trong một số tuyển tập Văn học nhiều tác giả.

Ông xuất bản cả thảy chín cuốn sách về Phật Giáo và Thiền. "Thiền Tông Qua Bờ Kia" là cuốn sách thứ mười. Sách dày 345 trang, ấn loát rất mỹ thuật theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, do Ananda Viet Foundation xuất bản và Amazon phát hành.

Trong lời thưa, tác giả viết rằng, "Tác phẩm được viết trong hạnh phúc vô cùng tận, và tác giả muốn chia sẻ hạnh phúc với độc giả trong nỗ lực đọc lại lời Đức Phật dạy."

Trong phần giới thiệu, cư sĩ Tâm Diệu thuộc Thư Viện Hoa Sen, cho biết, "Thiền Tông Qua Bờ Kia là một tuyển tập về các pháp hành Phật giáo với nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa các trường phái, bộ phái, qua đó tác giả khảo sát về các phương pháp tu tập trong Phật Giáo, từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản như pháp thiền hơi thở đến phức tạp như pháp thiền trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời khi Đức Phật còn tại thế, nhưng phần lớn các pháp thiền thuộc dòng Thiền truyền thừa được lưu truyền từ các tổ sư."

Cư sĩ Tâm Diệu nhận xét, "Trước khi đi vào các pháp môn tu tập phức tạp, tác giả dành nửa đầu cuốn sách để nói về sự lan tỏa pháp thiền chánh niệm, từ núi rừng về thành thị, từ Á sang Âu, sang Mỹ; từ chùa, viện len vào trường học, nhà giam, đến công sở, quốc hội và chính quyền lẫn quân đội… Hiện nay tại Bắc Mỹ và Châu Âu, Thiền Phật Giáo được các nhà giáo dục và khoa học lược bỏ phần giáo lý để còn lại pháp Chánh Niệm nhằm đáp ứng nhu cầu cho tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính và tôn giáo."

Tuy nhiên, theo cư sĩ Tâm Diệu, tác giả cũng không quên nhấn mạnh đến Giới, bước đi đầu tiên trong ba môn học của nhà Phật: Giới, Định và Huệ. Nhất định là phải giữ giới trước. Nếu không có giới chẳng thể tu thiền được cũng như không có huệ được. Giới sinh Định và Định sinh Huệ. Tác giả cho rằng việc giữ giới là quan trọng nhất. Giữ giới là ưu tiên hàng đầu, không những cho hàng xuất gia mà còn cả hàng Phật tử tại gia nữa. Giới còn thì Đạo Phật còn. Thực hành thiền Chánh Niệm hay bất cứ pháp hành thiền nào một cách miên mật tức là giữ giới (thiền giới).



Để khẳng định như thế, tác giả Nguyên Giác Phan Tấn Hải hỏi rằng, "Suốt 2,000 năm hầu như không tu thiền Vipassana, tại sao Phật giáo vẫn gắn bó với rất nhiều dân tộc? Hiển nhiên, đó là do chư tăng nghiêm túc giữ giới, học kinh. Hãy hình dung, nếu quý Thầy phá giới, Phật giáo có thể biến mất chỉ trong vòng vài thập niên. Nhưng khi quý thầy giữ giới và tụng đọc kinh điển, Phật giáo vẫn trường tồn suốt hai thiên niên kỷ trong khi thiền tập "bị bỏ lơ và bị bỏ quên." (Bài thứ 12)

Vậy pháp Chánh Niệm hiện nay đang thực hành phổ thông tại các trường học ở Úc, Hoa Kỳ, Canada và Anh như thế nào? Cô giáo Jen Leslie hướng dẫn 21 em trong một lớp tập thiền đơn giản (áp dụng từ lớp tiền-mẫu-giáo cho hết lớp 5). Cô nói, "Các em hãy chú tâm vào hơi thở, hơi vào và hơi ra nơi mũi. Nếu muốn, có thể nhắm mắt. Ghi nhận lồng ngực phồng lên và xẹp xuống với từng hơi thở vào và ra."

Ngoài thiền Chánh Niệm đi vào các trường học, Thiền tập cũng đang được huấn luyện trong quân đội Hoa Kỳ, nhưng, theo tác giả họ chỉ áp dụng một phần nhỏ pháp thiền Phật giáo là "giữ tâm tỉnh thức không phán đoán." Là khi đi thì biết là đi, khi ngồi thì biết là ngồi, khi niệm khởi thì biết là niệm khởi, khi niệm diệt thì biết là niệm diệt… chỉ quan sát chuyển biến ở thân thọ tâm pháp, mà không cần phán đoán đúng hay sai. Chánh niệm là chỉ biết mà không có sự phân biệt.

Bắt đầu từ bài thứ 14, tác giả đưa người đọc đi tìm pháp hành. Pháp hành phổ biến hiện nay ngoài pháp hành chánh niệm như đã trình bày ở trên còn có pháp "ở đây và bây giờ" mà người đọc thường biết đến là "Hiện Pháp Lạc Trú." Đức Phật dạy rằng: "Quá khứ không truy tìm. Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận. Tương lai lại chưa đến, Chỉ có pháp hiện tại. Tuệ quán chính ở đây."

Câu hỏi được tác giả đặt ra là: "Có phải pháp hiện tại mà Đức Phật nói đến là bây giờ và ở đây? Có thực rằng chánh niệm là để tâm vào 'bây giờ' được không? Khi mà thực tướng cái 'bây giờ' là ảo tưởng, và cái 'ở đây' thực ra là mơ hồ, vì không chỉ rõ ở đâu trên thân và tâm, vì chúng ta chỉ có thể để tâm vào cái 'ở thân' hay 'ở tâm,' hay chỉ có thể để tâm vào cảm thọ (niệm thọ) hay vào hơi thở (một phần của niệm thân)."
Tuy nhiên, tác giả cũng cho biết đoạn kinh này hay những đoạn kinh tương tự khác đều có nghĩa là "buông bỏ cả ba thời." Hãy giữ tâm vô sở trụ, đừng dính mắc tâm vào quá khứ, hiện tại hay tương lai. Chính Đức Phật đã dạy như thế trong Kinh Pháp Cú kệ 348 và Kinh Kim Cương.

Từ "Hiện Pháp Lạc Trú" với ý nghĩa buông bỏ, tác giả đưa người đọc về với pháp tu không có gì để nắm giữ, một pháp tu khá phức tạp. Nói là pháp tu nhưng thực ra theo Thiền Tông, là không có một pháp tu nào hết. Cốt yếu chỉ là giữ tâm vô sở trụ. Không trụ vào bất kỳ nơi đâu, không trụ vào bất kỳ pháp nào, xa lìa tất cả những dính mắc. Chỉ cần buông bỏ hết thân và tâm.

"Thiền Tông Qua Bờ Kia" cho độc giả biết pháp "Ưng Vô Sở Trụ" trong kinh Kim Cương có mặt từ thời kỳ bình minh của Phật Giáo qua kinh Atthakavagga và kinh Parayanavagga tức kinh "Con đường đến bờ bên kia." Hai kinh này được tìm thấy trong hệ Pali, Kinh Tiểu Bộ và được các nhà học Phật xếp vào thời kỳ Phật Giáo Sơ Thời (Early Buddhism). Có một điều đặc biệt là các kinh này không mở đầu với câu "Như thị ngã văn" và thường là những kinh ngắn gọn, trực tiếp, không nói gì về Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thiền, Thất Giác Chi.

Có thể nào độc giả ứng dụng pháp tu này trong đời thường?
Tác giả cho biết rất dễ dàng. "Đức Phật dạy rằng hãy luôn tỉnh giác, hãy nhìn thế giới là rỗng rang không thực tướng, và hãy ưng vô sở trụ. Cốt tủy là như thế. Bây giờ, bạn hãy lắng nghe dịu dàng từng hơi thở của bạn, tuổi thọ chúng ta đang ngắn dần từng hơi thở đó. Bạn hãy lắng nghe dịu dàng từng hơi thở xem, hãy cảm nhận vô thường đang ngấm vào ngay nơi hơi thở đó… Ngay khi bạn tu như thế, tức khắc là an lạc."
Cư sĩ Tâm Diệu kết luận rằng, "Điều chúng tôi cảm thấy thích thú là cuốn sách này trình bày rõ ràng nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các trường phái và tông phái Phật giáo. Chúng tôi xin chúc mừng Cư sĩ Nguyên Giác về tác phẩm này với công trình khảo sát và dịch thuật rất cẩn trọng của ông. Chúng tôi cũng ước mong độc giả sẽ tìm được lời hướng dẫn - và nguồn cảm hứng để chọn cho mình một pháp hành. Vì chỉ có pháp hành mới giúp cho hành giả chúng ta an trú tâm và an tịnh nội tâm."
Các tác phẩm đã xuất bản:

- Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ - 1990
- Thiền Tập - Biên dịch
- Ba Thiền Sư - Tác giả: John Stevens, Nguyên Giác dịch Việt
- Chú Giải Về Phowa - Tác giả: Chagdud Khadro, Nguyên Giác dịch Việt
- Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn
- Cậu Bé Và Hoa Mai - Tập truyện ngắn
- Ở Một Nơi Gọi Là Việt Nam - Tập thơ
- Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh - Tập truyện ngắn
- Teachings From Ancient Vietnamese Zen Masters
- Teachings and Poetry of the Vietnamese Zen Master Tue Trung Thuong Sy (1230-1291) (Song ngữ)
- Tran Nhan Tong (1258 - 1308): The King Who Founded A Zen School (Đức Vua Sáng Tỏ Một Dòng Thiền) Song ngữ
- The Zen Teachings of Master Duy Luc (Song ngữ)
- Thiền Tập Trong Đời Thường

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT