Người Việt Khắp Nơi

Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng với buổi trình diễn ca vũ nhạc tuyệt vời

Monday, 22/05/2017 - 10:09:31

“Vậy mà mấy đứa nhỏ mới sáu, bảy tuổi nó chơi mấy cái đàn như đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn sến gì đó nó khó dàn trời vậy, mà tụi nó chơi được mà lại chơi hay nữa nên tôi tâm phục, khẩu phục sự kiên nhẫn và tận tụy của mấy ông bà thầy, và dĩ nhiên là cũng khâm phục các con cháu mình chớ.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Thành lập vào năm 1989, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng với mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã đào tạo hàng trăm em thiếu nhi, thiếu niên Việt tại hải ngoại biết cách sử dụng những nhạc cụ dân tộc, biết đàn, biết hát, biết múa để phô diễn nét văn hóa nghệ thuật Việt Nam trên xứ người.


MC. Thúy Anh giới thiệu (từ bên phải) Giáo sư Nguyễn Mai, GS Châu (Đoàn Văn Nghệ DT Lạc Hồng), Thầy Huỳnh Phổ (Chủ Tịch TTVH Việt Nam) nhận bó hoa tri ân của Hội Phát Triển Nghệ Thuật. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ngày Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017 vừa qua, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng đã cống hiến cho đồng hương một buổi ca vũ nhạc thật tuyệt vời tại hội trường trường Warner (góc Newland – Westminster) đây cũng là Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam.

Chương trình được khai diễn lúc 12 giờ 30 trưa với hai MC Thúy Anh và Đức Khang. Ca sĩ, xướng ngôn viên Thúy Anh, người được đồng hương yêu mến gọi là “ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ,” còn Đức Khang, một em học sinh mới 17 tuổi “chưa biết yêu là gì,” lần đầu tiên làm MC, mỗi lần phỏng vấn mấy thiếu nhi Lạc Hồng, các cháu bé đều xưng “Con” khiến anh chàng MC tuổi teen đỏ cả mặt.


Các phụ huynh thích thú chụp hình các em biểu diễn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trong trang phục áo tứ thân đỏ chót, và nụ cười dễ mến, Thúy Anh ngay từ phút đầu đã làm cả trăm khán giả ngồi bên dưới thán phục khi cô giới thiệu tiết mục múa đầu tiên “Một Mẹ Trăm Con” do vũ sư Lưu Hồng dàn dựng, các em trong Ban Vũ Thiếu Nhi và Ban Trống Thiếu Nhi Lạc Hồng trình diễn; những em nhỏ chỉ mới 4, 5 tuổi nhưng nhờ sự tận tình huấn luyện của thầy Châu, Cô Mai... các em bé biểu diễn thật đẹp mắt và đầy tính nghệ thuật.

Để có hội trường đẹp và khang trang cho các em biểu diễn là nhờ thầy Huỳnh Phổ, Chủ Tịch Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam hỗ trợ, và có được những màn biểu diễn như hay như vậy là nhờ công khó dạy dỗ của giáo sư Châu và giáo sư Mai, vì thế Hội Phát Triển Truyền Thống Dân Tộc Lạc Hồng đã mời ba vị trên lên sân khấu để nói lời cảm tạ và trao tặng mỗi vị một bó hoa tươi.


Tiết mục Múa Nón do các em Ban Vũ Thiếu Niên Lạc Hồng trình diễn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Tiếp tục chương trình, Ban Hòa Tấu Thiếu Nhi Lạc Hồng trình diễn “Đăng Đàn Cung và Tòng Quân”. Theo lời MC Thúy Anh, Tòng Quân là bài quốc ca của các vua triều Nguyễn. Sau đó đến màn hợp ca “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, rồi em Ngọc Hạ mới hơn 10 tuổi, đơn ca bài “Quê Hương” với Ban Hòa Tấu Thiếu Nhi Lạc Hồng đệm nhạc. Các em Katherine, Cathy, Thanh Mai, Lily, Hoàng Nam, Jaelyn, Brianna, Lucy hòa tấu đàn tranh bài “Thu Hồ - Khổng Minh Tọa Lầu.”

MC Thúy Anh say sưa giải thích tại sao gọi là Khổng Minh tọa lầu. Có lẽ vì quá say sưa kể, Thúy Anh mấy lần nói lộn ông Khổng Minh Gia Cát Lượng thành ông Khổng Tử nhưng có lẽ nhiều người không để ý. Đến phần biểu diễn của Ban Vũ Thiếu Niên Lạc Hồng, các em gái ở tuổi dậy thì đã trình diễn màn múa nón “Lý Cây Bông” sáng tác của vũ sư Lưu Hồng, tiếp theo các em biểu diễn ca múa “Vỗ Cái Trống Cơm,” rồi đến dân ca ba miền: Cò Lả - Lý Sáo Quảng; Lý Cây Bông và Múa Xòe “Ngày Mùa.” Sau đó đến tứ ca “Ngợi ca quê hương” do các em Anh Thy, Kaitlyn, Jasmine, Stacy, rồi hòa tấu đàn tranh “Qua Cầu Gió Bay,” màn múa đũa “Tay Ngà Quay Tơ” thật điệu luyện. Em Emily và Kayla song ca “Hát Xẩm” và cuối cùng, Ban Hòa Tấu Thiếu Niên và Thiếu Nhi Lạc Hồng hòa tấu nhạc phẩm “Trống Cơm – Lý Ngựa Ô.”
Đặc biệt, sau mỗi tiết mục hai MC Thúy Anh - Đức Khang lại có màn phỏng vấn các nghệ sĩ tí hon và thiếu niên, và mọi người được nghe những câu trả lời rất thật, rất dễ thương của từng em. Thí dụ khi Thúy Anh hỏi một em “Tại sao gọi là đàn tranh?” Em ngó xuống phía dưới cầu cứu giáo sư Châu: “Thầy ơi đàn tranh là gì Thầy” làm mọi người cười vang. Buổi trình diễn của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng đã lôi kéo sự tham dự của mọi người từ đầu đến khi kết thúc.


Các em Thiếu Nhi Lạc Hồng biểu diễn đàn Tranh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Hai vị giáo sư âm nhạc là Thầy Châu và Cô Mai là những người tận tụy với Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng từ ngày đầu thành lập đến nay, Viễn Đông đã được giáo sư Nguyễn Mai chia sẻ, “Hôm nay là ngày trình diễn cho các em thiếu nhi, đặc biệt dành riêng cho các em; các em đang chuẩn bị hát bản Ơn Nghĩa Sinh Thành; chúng tôi dạy dỗ cho các em luôn biết thương yêu nhau và gìn giữ cái văn hóa dân tộc Việt Nam mình ở hải ngoại này. Chúng tôi, cũng nhân dịp này, qua nhật báo Viễn Đông, xin cám ơn tất cả các hội đoàn cũng như quý vị phụ huynh, đồng hương đã giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi để chúng tôi duy trì được Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng gần 30 năm với trên dưới 100 em từ 5, 6 tuổi đến 18, 19 tuổi. Những bài hát, những điệu nhạc mà chúng tôi hướng dẫn các em nó ăn sâu vào tâm hồn các em thành ra rất là dễ dạy.”

Ông Nguyễn Kim Nhật, cư dân Santa Ana có mặt tham dự chia sẻ cảm tưởng của ông với Viễn Đông khi xem các em Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng trình diễn, “Tôi hết sức khâm phục các vị thầy dạy các em. Tôi năm nay trên 60 tuổi ở nhà không biết làm gì, mua cây đàn và cuốn sách dạy đàn Guitar tiếng Việt về tự học nay ba bốn năm mà chưa đàn nổi một bản nhạc. Bà xã tôi bả cứ chọc quê tôi hoài.

“Vậy mà mấy đứa nhỏ mới sáu, bảy tuổi nó chơi mấy cái đàn như đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn sến gì đó nó khó dàn trời vậy, mà tụi nó chơi được mà lại chơi hay nữa nên tôi tâm phục, khẩu phục sự kiên nhẫn và tận tụy của mấy ông bà thầy, và dĩ nhiên là cũng khâm phục các con cháu mình chớ.

“Bởi vậy, tôi dặn ông trước, mai mốt đoàn này trình diễn ở đâu trong Quận Cam, ông nhớ lên báo đặng cho tôi đi coi. Sáng nào tôi cũng mở Radio nghe cô Ngọc Ân giới thiệu báo Viễn Đông và ngày nào cũng đọc tờ báo Viễn Đông rồi làm gì mới làm đó nghe.”


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT