Bình Luận

Đình chiến

Monday, 03/12/2018 - 09:16:42

Trong suốt buổi họp, tổng thống đã né tránh những người muốn làm thân với ông, đã lạnh lẽo cười nhạt với các lãnh tụ đồng minh, và hủy bỏ một cuộc họp báo, vịn cớ ông muốn giữ im lặng để tỏ lòng tôn kính Tổng Thống George H.W. Bush, vừa qua đời.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong khuôn khổ cuộc họp G20 - G là group - G20 là Nhóm Nhị Thập Hùng- (20 cường quốc trên thế giới), hai nước lớn thuộc loại siêu cường -Mỹ và Tầu- tuyên bố đình chiến; cuộc chiến tranh giữa họ với nhau thuộc loại trade war -chiến tranh thương mại- do Tổng Thống Donald Trump khai chiến.
Trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử nhân loại, đình chiến vẫn là loại tin vui cho loài người. Chiến tranh thương mại bắt đầu vào lúc gần 5 giờ sáng ngày thứ Sáu mùng 2 tháng Ba, 2018 với bức chiến thư tổng thống viết và công bố, nhưng không thèm gửi cho quốc gia nào cả.
Ông chỉ phổ biến một góc nhìn, một quan điểm của riêng ông, mà mọi người vẫn phải hiểu là ông hạ chiến thư.
Donald J. Trump: When a country (USA) is losing many billions of dollars on trade with virtually every country it does business with, trade wars are good, and easy to win. Example, when we are down $100 billion with a certain country and they get cute, don't trade anymore-we win big. It's easy!

Dịch: Khi một quốc gia (như Hoa Kỳ) thua lỗ mỗi năm nhiều tỉ mỹ kim trong giao dịch ngoại thương với mọi quốc gia khác, thì một cuộc chiến ngoại thương là cần thiết, và thắng cuộc chiến đó là chuyện quá dễ. Một điển hình: Chúng ta thua lỗ $100 tỉ, trong giao dịch thương mại với một quốc gia nào đó, thì chỉ cần ngưng hoạt động ngoại thương với quốc gia đó là hết thua lỗ. Bí quyết thắng lợi chỉ giản dị như vậy thôi. Thật là dễ!

Mà quả dễ thật; bỏ không đến casino nữa là hết thua bạc; dễ mà còn vô cùng hợp lý. Tổng thống đã làm như vậy -ngưng giao thương với mọi quốc gia trên thế giới, đánh thuế nặng hàng hóa ngoại nhập để bảo vệ kinh tế Hoa Kỳ.
Ông khám phá ra nghệ thuật làm giầu cho Hoa Kỳ là ngưng ngoại thương bằng cách đánh thuế TARIFF nặng mọi mặt hàng từ bất cứ nước nào, gửi vào bán cho khách hàng Mỹ, như ông đã từng khám phá ra nghệ thuật làm giầu cho riêng cá nhân ông, là cứ đừng đóng thuế lợi tức hàng năm, dù lợi tức nhiều đến đâu.
Thuế TARIFF đem đổ vào ngân khố hàng trăm tỉ bạc -nguồn lợi mà mọi vị tiền nhiệm của Trump đều lười không chịu thu.

Nhưng chỉ 10 tháng sau -ngày mùng 1 tháng Chạp, 2018, tổng thống tuyên bố ngưng chiến với Tầu, quốc gia bán sản phẩm Tầu vào Mỹ nhiều nhất, nhưng cũng là quốc gia mua sản phẩm của Mỹ nhiều nhất.
Ông giận dữ, đeo mặt nạ ngồi đối diện với Tập Cận Bình, dự tiệc mừng tái lập ngoại thương, ngồi đó với họ Tập, nhưng ông vẫn thích đối diện với ông thái tử Saudi Arabia, -Mohamed- người có đôi tay đỏ máu, mầu mà tổng thống ưa thích.


Bữa tiệc vui tái lập ngoại thương, với Trump - người chủ chiến không vui.

Cả hai vị quốc trưởng đồng thanh kêu gọi “đình chiến,” tái lập giao thương, nhưng chỉ riêng ông Trump không vui; ông Tập Cận Bình chấp nhận sẽ mua thêm sản phẩm Mỹ để không làm gia tăng chênh lệch trên cán cân ngoại thương.

Cuộc thỏa hiệp được thực hiện trong bữa steak dinner đãi Nhóm Nhị Thập Hùng, và được công bố trong một tuyên ngôn của Tòa Bạch Ốc, như một bước đột phá đúng hơn là một cuộc chiến tranh bị ngăn chặn.
Hai nhà lãnh tụ Tầu, Mỹ chỉ đồng ý ngưng chiến, chứ không thân thiện hơn trên mọi lãnh vực khác. Tuy nhiên, cái bắt tay gượng gạo giữa ông Trump và ông Tập vẫn được Bạch Cung gọi là một thành công lớn, làm tạm ngưng cuộc chạy đua dài về xung đột kinh tế.

Dù sao 'Nó' -cái bắt tay không thân thiện đó- vẫn trấn an thị trường tài chính đang hốt hoảng, và những nông dân Mỹ đang méo mặt, vì những núi nông phẩm không biết bán cho ai.

Không ai cần làm gì cả, tổng thống chỉ thản nhiên không thèm thực hiện lời đe là ông sẽ tăng thuế TARIFF từ 10% lên 25% đánh trên khối hàng trị giá $200 tỉ, nhập cảng từ Trung Quốc, trong lúc ông Tập cho quý vị tu sĩ Tầu không phải chấm rau lang trong nước muối nữa, vì đậu nành Mỹ sẽ lại tràn ngập thị trường Tầu, nước tương sẽ ê hề cùng với tình tự Mỹ-Hoa tiếp nối.

Để đỡ bẽ, tổng thống giao một kỳ hạn 90 ngày cho Trung Quốc để ký kết với Mỹ một thương ước toàn diện, nếu Tầu không lè lẹ, ông đổ quạu lại tăng thuế Tariff lên mức 25%.

Nhưng ông vẫn o bế ông Tập bằng một câu ông tuyên bố với truyền thông trong lúc hầm hầm ngồi đối diện với ông kia.

Tổng thống nói, “Liên hệ giữa chúng tôi vô cùng đặc biệt; tôi nghĩ là tình tương liên đó sẽ đưa đến một tình trạng tuyệt hảo cho Trung Quốc và cho cả Hoa Kỳ.”

Ông Tập đồng ý, "Chỉ bằng cách cộng tác với nhau, hai chúng tôi mới phục vụ được quyền lợi của nhân loại."
Tổng thống tha thuế cho ông Tập làm mọi người cùng vui, nhân viên của cả hai phái đoàn xúm lại vỗ tay hoan nghênh tổng thống; đối với tổng thống thì sự thỏa thuận này là một kết thúc lạc quan cho chuyến ông đến tham dư cuộc họp G-20.

Trong suốt buổi họp, tổng thống đã né tránh những người muốn làm thân với ông, đã lạnh lẽo cười nhạt với các lãnh tụ đồng minh, và hủy bỏ một cuộc họp báo, vịn cớ ông muốn giữ im lặng để tỏ lòng tôn kính Tổng Thống George H.W. Bush, vừa qua đời.

Hy vọng cuộc thí nghiệm 'chiến tranh kinh tế' dài 10 tháng giúp tổng thống trưởng thành hơn với bài học giao tranh, để thấu hiểu là khả năng gây tổn thất cho đối phương, không hề mang tính đơn phương.
Mỹ có khả năng đánh thuế Tariff lên hàng Tầu, thì Tầu cũng biết cách làm cho hàng Mỹ ế nhệ, không bán được vì quá mắc.

Đình chiến cũng giản dị như lý thuyết chiến tranh ngoại thương của tổng thống nêu lên trong bản twitter thượng dẫn mà thôi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT