Thế Giới

Điều tra vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc

Friday, 09/03/2018 - 09:58:38

Vụ ám sát ông Skripal được cho là khá tương đồng với sự việc của ông Alexander Litvinenko, một cựu điệp viên KGB và là một người chỉ trích Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Ông Litvinenko chết ở London năm 2006, sau khi uống một tách trà bị bỏ chất độc phóng xạ polonium-210.

SALISBURY - Vào hôm thứ Sáu, chính phủ Anh đã đưa một số chuyên gia quân sự đến tháo dỡ các vật dụng bị nhiễm độc, tại thành phố nơi một cựu điệp viên nhị trùng của Nga và con gái ông bị tấn công bằng chất độc thần kinh. Ông Sergei Skripal, 66 tuổi, người từng cung cấp tin tức mật của Nga cho Anh quốc, và con gái Yulia, 33 tuổi, hiện vẫn đang được chăm sóc đặc biệt, sau khi họ được tìm thấy bất tỉnh trên một băng ghế vào trưa ngày 4 tháng 3, tại thành phố Salisbury.
Khoảng 180 binh sĩ, bao gồm một số chuyên gia hóa học, đã được gởi đến Salisbury để di dời các xe cứu thương, một số xe hơi khác, và các đồ vật có liên quan đến vụ tấn công. Cảnh sát cũng phong tỏa nghĩa trang Salisbury, nơi chôn cất thi hài bà Liudmila, vợ ông Skripal, và các nhân viên trong trang phục phòng độc đã dựng lều phía trên ngôi mộ này. Bộ Quốc Phòng Anh cho biết, cơ quan này đang hỗ trợ cuộc điều tra của cảnh sát, bằng cách cung cấp các nhà khoa học quân sự.
Vụ ám sát ông Skripal được cho là khá tương đồng với sự việc của ông Alexander Litvinenko, một cựu điệp viên KGB và là một người chỉ trích Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Ông Litvinenko chết ở London năm 2006, sau khi uống một tách trà bị bỏ chất độc phóng xạ polonium-210.

NATO tập trận pháo binh lớn ở châu Âu
ĐỨC - Hàng ngàn binh sĩ NATO đã bắt đầu cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn ở Đức, nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến. Khoảng 3,700 binh sĩ thuộc 26 nước thành viên NATO, gồm cả Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức đã được đưa tới thao trường Grafenwoehr, Đức, để tham gia cuộc diễn tập pháo binh "Dynamic Front 18.”
Cuộc diễn tập dự kiến kéo dài tới ngày 10 tháng 3, với sự tham gia của hàng loạt hệ thống pháo tự hành, pháo phản lực, súng cối, đến từ những đơn vị tinh nhuệ như Sư đoàn Bộ binh số 1 Hoa Kỳ, Sư đoàn Thiết giáp số 10 Đức, cùng các đơn vị pháo binh và yểm trợ từ Cộng hòa Czech, Pháp, Đức, Ba Lan, Anh. Tướng Timothy McGuire, phó Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ - Châu  Âu, cho biết mục đích của cuộc diễn tập là nhằm nâng cao năng lực của các đơn vị hỏa lực của Hoa Kỳ và đồng minh, trong việc hợp tác trên chiến trường thực địa.
Cuộc diễn tập diễn ra trong lúc có thông tin cho rằng NATO đang dự định tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ lớn nhất kể từ sau Chiến Tranh Lạnh, mang tên Trident Juncture, ở sát biên giới Nga vào mùa thu. Nga nhiều lần chỉ trích sự tăng cường hiện diện quân sự của NATO dọc biên giới, coi đây là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Tổng Thống Vladimir Putin trong năm 2017 cáo buộc NATO gây xung đột với Moscow, và đang sử dụng "sứ mệnh ngăn chặn Nga" như một cái cớ để điều động quân đội.

EU sẽ đáp trả thuế nhập cảng của Hoa Kỳ
BRUSSELS – Bộ Trưởng Thương Mại của Liên Âu hôm thứ Sáu cho biết, tổ chức này dự kiến sẽ được miễn trừ khỏi lệnh đánh thuế nhập cảng của Hoa Kỳ đối với thép và nhôm. Tuy nhiên, EU sẽ liên lạc với tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO để áp đặt các biện pháp đáp trả của riêng họ, nếu Washington thật sự thực hiện chính sách thuế này với EU. Trước đó vào thứ Năm, Tổng Thống Donald Trump chính thức ra lệnh đánh thuế nhập cảng 25% lên thép và 10% lên nhôm, nhưng miễn trừ cho Canada và Mexico. Đồng thời, ông Trump cũng để mở khả năng miễn trừ cho các đồng minh khác.
Lên tiếng tại diễn đàn chính sách ở Brussels, Bộ Trưởng Thương Mại EU Cecilia Mailstrom nói, bà hiểu được mối lo ngại của Hoa Kỳ về tình trạng dư thừa trong ngành sản xuất thép, nhưng bà cũng tin rằng việc tăng thuế nhập cảng không phải là cách để giải quyết tình trạng này. Bà Malmstrom cho rằng, lệnh đánh thuế của Hoa Kỳ là không phù hợp với các quy tắc của WTO, tổ chức trọng tài về thương mại quốc tế. Đại diện EU khẳng định, tổ chức này phải bảo vệ các ngành công nghiệp của họ, và sẽ trình lên WTO các phương pháp đáp trả trong vòng 90 ngày, nếu Liên Âu bị bao gồm trong lệnh đánh thuế của Hoa Kỳ. Bà Malmstrom dự kiến sẽ có cuộc họp với Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer tại Brussels vào thứ Bảy, và sẽ yêu cầu ông Lighthizer cho biết rõ về việc EU có bị đánh thuế nhập cảng hay không.

Hơn $10 tỷ của Libya ở nước ngoài mất tích
BỈ - Hơn $10 tỷ Mỹ kim của chính phủ Libya, bị đóng băng theo lệnh trừng phạt nhằm vào nhà độc tài Muamar Gaddafi, đã mất tích bí ẩn khỏi một ngân hàng ở Bỉ trong thời gian từ năm 2013 đến 2017. Truyền thông địa phương cho biết, vào tháng 11, 2013, 4 trương mục mở tại ngân hàng Euroclear ở Bỉ, thuộc về Quỹ đầu tư quốc gia Libya (LIA), Quỹ đầu tư ở nước ngoài của Libya (LFICO) có khoảng 16.1 tỷ Euro ($19.8 tỷ Mỹ kim) tài sản đóng băng. Đây là số tiền bị nghi có liên quan đến các hoạt động rửa tiền của chính quyền của nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, khi chính phủ mới của Libya tìm cách thu hồi số tiền này vào năm 2017, các trương mục chỉ còn lại hơn 5 tỷ Euro.
Ông Denis Goeman, phát ngôn viên Phòng công tố Brussels cho biết: “Chỉ còn hơn 5 tỷ Euro trong 4 trương mục mở tại ngân hàng Euroclear.” Tuy nhiên, Euroclear cũng từ chối giao trả số tiền còn lại. Nhà chức trách Bỉ được cho là đã được thông báo về sự “bốc hơi” của số tiền trong các trương mục này vào mùa thu năm 2017. Số tài sản này bị đóng băng từ tháng 3, 2011 theo quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Kể từ đó, chính phủ Bỉ cũng chưa từng cho phép “phá băng” cho các tài sản này.
Bảy năm kể từ sau cái chết của ông Muammar Gaddafi, chính quyền Libya vẫn đang lần theo dấu vết khối tài sản khổng lồ của chế độ Gaddafi. Các chuyên gia ước tính, khối tài sản này có thể lên tới hàng trăm tỷ Mỹ kim. Trong 42 năm nắm quyền, ông Gaddafi cùng người thân được cho là đã tích lũy số của cải khổng lồ nhờ nguồn tiền từ bán dầu mỏ. Ông Gaddafi bị lật đổ vào cuối tháng 8, 2011 và bị lực lượng nổi dậy giết chết sau đó.

Argentina phát lệnh truy nã 5 tàu cá Trung Quốc
BUENOS AIRES – Nhà chức trách Argentina đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với 5 tàu cá Trung Quốc, bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng biển của Argentina. Thông báo của lực lượng tuần tra Argentina ngày thứ Sáu cho biết, Thẩm Phán liên bang Eva Parcio de Seleme đã phê chuẩn lệnh truy nã quốc tế đối với tàu cá Jing Yuan 626 của Trung Quốc. Đây là con tàu bị phát hiện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Argentina ở ngoài khơi bờ biển Patagonia, và đánh cá trái phép ở đây vào ngày 22 tháng 2. Sau khi phát hiện tàu Jing Yuan, lực lượng Argentina đã yêu cầu con tàu này dừng hoạt động, nhưng các thuyền viên trên tàu đã tắt đèn và tìm cách bỏ trốn ra vùng biển quốc tế.
Một tàu tuần tra Argentina sau đó đuổi theo tàu Jing Yuan và nổ súng cảnh cáo. Cuộc truy đuổi diễn ra gần 8 giờ đồng hồ, trước khi Bộ Ngoại Giao Argentina yêu cầu lực lượng tuần tra ngừng lại. Trong lúc sự việc xảy ra, 4 tàu khác mang cờ Trung Quốc cũng tìm cách hỗ trợ cho tàu Jing Yuan bằng cách va chạm với tàu tuần tra Argentina.
Trung Quốc hiện có đội tàu cá đông nhất và có tầm hoạt động xa nhất thế giới, với 2,500 tàu và tiến hành gần 17 triệu giờ đánh bắt trong năm 2016. Khu vực hoạt động chủ yếu của các tàu này là ở ngoài khơi vùng biển phía nam Trung Quốc, vùng biển châu Phi và Nam Mỹ. Năm ngoái, các tàu cá Trung Quốc cũng bị bắt vì đánh cá trái phép ở Senegal, Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau. Hồi tháng 3, 2016, lực lượng Argentina từng đánh chìm một tàu cá trái phép của Trung Quốc, sau khi bắn cảnh cáo về phía mũi tàu và liên tục khuyến cáo qua radio.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT