Thế Giới

Di tích cho thấy dân Đại Hàn từng dùng người để tế thần

Monday, 26/06/2017 - 10:14:34

Việc chôn sống các nạn nhân với những vị vua băng hà, để phục vụ các ngài trong thế giới bên kia, là một tục lệ được biết rõ trong các nền văn hóa Triều Tiên cổ đại.


Hai bộ xương có từ thế kỷ thứ 5 được tìm thấy dưới các bức tường của Wolseong (Nguyệt Thành), tại Gyeongju ở Nam Hàn, thủ đô của cựu vương quốc Silla. (Taemin Choi/ AFP)


SEOUL - Theo các viên chức cho biết, bằng chứng về việc dùng con người làm hy lễ tế thần, nhằm bảo đảm sự thành công của các dự án xây dựng thời cổ đại, đã được tìm thấy lần đầu tiên tại một địa điểm ở Nam Hàn.

Hai bộ xương có từ thế kỷ thứ 5 đã được tìm thấy bên dưới những bức tường của Wolseong (Nguyệt Thành, nghĩa là Lâu Đài Mặt Trăng), tại Gyeongju ở Nam Hàn, thủ đô của vương quốc Silla thời xưa, theo cơ quan Quản Trị Di Sản Văn Hóa của Seoul cho biết.

Nữ phát ngôn viên Choi Moon-Jung của Viện Nghiên Cứu Di Sản Văn Hóa Quốc Gia Gyeongju nói với hãng tin AFP, “Đây là bằng chứng khảo cổ học đầu tiên cho thấy văn hóa dân gian về tục dùng con người làm hy lễ, cho những cuộc xây nền móng của các tòa nhà, đập nước, hoặc bức tường, là những câu chuyện có thật.”

Việc chôn sống các nạn nhân với những vị vua băng hà, để phục vụ các ngài trong thế giới bên kia, là một tục lệ được biết rõ trong các nền văn hóa Triều Tiên cổ đại.

Người ta vẫn chưa biết rõ các nạn nhân ở Wolseong bị giết như thế nào. Những cuộc nghiên cứu thêm đang được thực hiện. Nhưng dường như họ không bị chôn sống.

Nhà nghiên cứu cao cấp Park Yoon-Jung nói, “Phán đoán từ sự kiện không có dấu hiệu của việc chống cự khi họ bị chôn, hẳn họ bị chôn khi họ bất tỉnh hoặc đã chết.

Văn hóa dân gian cho thấy con người đã được hiến tế để xoa dịu thần linh, và cầu khẩn chư thần bảo đảm rằng các cấu trúc được xây dựng sẽ tồn tại lâu dài.”

Hai bộ xương ấy được tìm thấy nằm bên cạnh nhau, dưới góc phía tây của những bức tường bằng đá và đất của tòa lâu đài. Một bộ xương ngước mặt lên, còn bộ xương kia quay mặt và hai cánh tay hơi hướng về phía bộ xương thứ nhất.

Vương quốc Silla là một trong ba vương quốc xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên trong thiên niên kỷ thứ nhất. Rốt cuộc Silla chinh phục hai nước kia, để thống nhất lãnh thổ trong năm 668. Sau đó vương quốc bị chia tách, và cuối cùng bị áp đảo vào năm 935.

Những di vật từ thời kỳ này bao gồm một số kho tàng văn hóa quý giá nhất của Triều Tiên, và các di tích lịch sử của Gyeongju là một địa điểm lớn thu hút nhiều du khách.

Xét nghiệm DNA và những cuộc xét nghiệm khác đang được thực hiện trên những bộ hài cốt ấy, để xác định các đặc tính thể lý, sức khỏe, lối ăn uống, và các thuộc tính di truyền của họ.

Trong số những di vật khác, có những tấm bảng khắc bằng gỗ, và những bức tượng người và động vật thế kỷ thứ 6, trong đó có một bức tượng có khăn quàng cổ và quần áo tương tự như những những thứ y phục được mặc trong nền văn minh Sogdiana ở Trung Á thời cổ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT