Đời Sống Việt

Đi Thăm Thủ Đô “Mexico City“

Thursday, 11/02/2016 - 08:24:59

HDV cho biết năm 1985 thành phố Mexico chịu một cơn động đất lớn, thành phố hiện nay chúng ta đang sử dụng là thành phố mới xây lên sau cơn động đất, còn thành phố cũ hiện nằm dưới lòng đất, chỉ có một số tòa nhà lớn như viện bảo tàng là còn tồn tại.

(Hành Hương kính Đức Mẹ Guadalupe Phần 2)

Phượng Vũ

Hôm nay là ngày cuối cùng chúng tôi ở lại thành phố Mexico, buổi sáng HDV cho chúng tôi đi thăm một vòng thành phố. Sau đó tự do, ai muốn trở lại viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalup thì xe bus sẽ đưa đến đó. Thành phố Mexico được xem là thành phố lâu đời nhất của châu Mỹ, và cũng là thành phố nói tiếng Spanish lớn nhất thế giới. Mexico City là thủ đô, là trung tâm chính trị văn hóa, giáo dục, kinh tế lớn của nước Mexico. Thành phố hiện nay có 21 triệu dân, hệ thống xe bus, xe điện hoạt động rộng rãi và liên tục khắp nơi nhưng cũng không đáp ứng hết được nhu cầu của người dân. Hệ thống metro mỗi ngày chuyên chở trên 6 triệu lượt người đi làm với giá 5 pesos/1 vé. Thành phố có nhiều đường nhỏ lại đông xe nên thường xảy ra nạn kẹt xe. Nhiều tòa chung cư mọc lên ở khắp nơi, đi ngang một chung cư cao 15 tầng, HDV hỏi chúng tôi thử đoán chừng xem có bao nhiêu người ở trong đó? - 22,000 người. Quả là một con số đáng nể. Tôi hình dung chung cư như những cái hộp mà con người như lũ kiến hằng ngày chui ra chui vào những chiếc hộp bé xíu đó!



HDV cho biết năm 1985 thành phố Mexico chịu một cơn động đất lớn, thành phố hiện nay chúng ta đang sử dụng là thành phố mới xây lên sau cơn động đất, còn thành phố cũ hiện nằm dưới lòng đất, chỉ có một số tòa nhà lớn như viện bảo tàng là còn tồn tại. Đa số những tòa nhà cổ do các kiến trúc sư Ý xây thì vẫn còn giữ được, khác với kiến trúc Tây ban Nha bị chìm dưới lòng đất. Hiện nay thành phố có 3 nguồn kinh tế lớn:

1- Hãng dầu hỏa Pemex, các cây xăng ở đây đều mang nhãn hiệu đó
2- Nguồn tiền do thân nhân gửi về từ các nước trên thế giới, nhiều nhất là Mỹ. Biên giới Mỹ - Mễ khá dài, nên dân Mễ vượt biên qua Mỹ dễ dàng hơn là ngày xưa dân Việt Nam vượt biên. Ở Cali tôi thấy di dân lậu đứng đầy một số góc đường hoặc gần Home Depot, một hình thức giống như “chợ người”. Ai cần thì ra gặp họ rồi thương lượng, có thể thuê giờ, buổi hoặc cả ngày... tùy theo nhu cầu. Họ trẻ và có sức khỏe nên sẵn sàng làm những việc nặng hay khuân vác như sửa nhà, dọn nhà, cắt cỏ làm vườn... và nhận tiền mặt với giá rẻ. Nhưng so với đời sống bên Mễ cũng cao hơn rất nhiều lần, nên dịch vụ gửi tiền về Mễ mọc lên khắp nơi, gần như chợ Mễ nào cũng đều có dịch vụ chuyển tiền về Mễ.

3- Du lịch : Phần lớn là nhờ Đền thánh Đúc Mẹ Gudalupe. HDV cho biết chỉ trong ngày kính Đức Mẹ Guadalupe 12/12 vừa qua đã có 10 triệu người đến viếng Đền Thánh, đó là chưa kể khách hành hương tới quanh năm.

Dọc đường chúng tôi thấy rất nhiều người bán trái cây tươi, họ cắt sẵn sạch sẽ, bỏ vô bọc ny lon cột lại, đựng trong rổ mời khách, nhất là những lúc kẹt xe, thành ra ở đời nhiều khi cái bất tiện của người này lại là điều thuận lợi cho người khác. Tôi thấy hơi giống ở VN dọc đường bán thơm Bến Lức, bán mía ghim, cóc, ổi... Mexico là xứ nhiệt đới nên trái cây họ cũng gần giống như VN: xoài, thơm, dưa hấu, nho... Bỗng HDV lưu ý chỉ cho chúng tôi thấy một người đứng bên đường, mặc quần áo lịch sự đang quay “cylender” để phát ra nhạc thật to cho khách đi đường nghe, rồi người ta cho tiền bỏ vô cái hộp kế bên. Ăn xin ở đây coi bộ cũng văn minh lịch sự như một nghề. Hình như người Mễ thích nghe nhạc thật ồn, ai đã từng là hàng xóm của người Mễ chắc thấm thía điều này. Đúng là mỗi nước đều có một nền văn hóa khác nhau, nhưng họ cũng có những “phong tục” thật dễ thương. Tôi nhớ lại hôm qua khi đến viếng một đền Đức Mẹ khác, đang đứng ngoài cổng nhà thờ thì thấy một xe limousine trắng sang trọng đỗ xịch tới và nhiều xe khác đỗ tiếp theo. Tôi nói với bạn, “A, tụi mình sắp được xem đám cưới”, cửa xe Limousin được mở ra, một cô dâu thật trẻ xinh đẹp bước xuống, nhưng chúng tôi đợi hoài chẳng thấy chú rể đâu. Hỏi thăm mới biết đây không phải đám cưới mà là lễ “Quinceanera” một lễ nghi trưởng thành cho cô gái trong ngày sinh nhật thứ 15 của mình , đánh dấu sự kết thúc của tuổi thiếu niên và sự khởi đầu cho tuổi trưởng thành, thường đi kèm với sự gia tăng mức độ độc lập được phép từ phía cha mẹ. Ngoài ra văn hóa ẩm thực của họ cũng có nhiều điều thú vị. Trưa hôm qua HDV đưa đoàn ghé vào một quán ăn bên lề đường nhưng khá rộng rãi, có 2 dãy bàn nên thực khách có thể ngồi đến vài chục người. Thức ăn ở đây đều rất tươi vì được làm tại chỗ trước mặt khách. Người thợ đứng ở một góc bàn đang nhồi bột, ngắt ra từng viên lớn rồi lăn, cán cho mỏng, xong bỏ lên cái bếp than hồng bên cạnh để nướng lên, cho ra lò những cái Taco nóng hổi. Cạnh đó là 2,3 cái chảo cũng đang bắc trên bếp rực than hồng với các anh đầu bếp nhanh tay bỏ vào chảo hành tây, cà chua cắt nhỏ, cà rốt, ớt xanh rồi tới phần chọn lựa: thịt bò, thịt gà hay cá, tùy theo chọn lựa của khách. Khi món ăn bưng ra bàn còn nóng nghi ngút khói trông thật hấp dẫn, khiến tôi là người không thích món Mễ mà cũng thấy bị lôi cuốn muốn ăn xem sao? Thành thử những món ăn ngon không phải là ở các nhà hàng sang trọng mà là ở góc phố, vỉa hè. Mỗi lần về Saigon, tôi hay được học trò dẫn đi kiếm mấy món ốc 8 món hoặc bún riêu, gỏi cuốn... trong các hẻm nhỏ, ngồi những bàn thấp với các ghế đẩu nhưng thức ăn thì ngon tuyệt. Hay buổi tối tìm ở một góc phố, mua trái bắp nướng trên than hồng quẹt chút mỡ hành, ăn vào mà thấy chút ấm áp tình quê hương qua những món ăn dân dã nhưng nhớ mãi không bao giờ quên.



Mexico là một thành phố đông dân, phương tiện lưu thông còn hạn chế, nhưng họ tự hào đã tổ chức được hai sự kiện lớn có tính cách toàn thế giới là Olympic (1968) và World Cup (1986). Nói tới World Cup, tôi mới nhớ ra dân Mễ cũng say mê đá banh như dân Việt Nam, có lẽ còn hơn. World Cup 2014 vừa rồi, dân VN ở Cali ghiền coi đá banh được coi trực tiếp tất cả các trận đấu là nhờ coi ké đài Mễ, nhờ đó mà trái tim chúng tôi được lăn theo trái banh trong những pha gay cấn và hồi họp nhất của World Cup vừa qua. Được cái coi đá banh cũng dễ hiểu, nên không cần biết tiếng Mễ vẫn coi hào hứng được như thường. “Gracias, amigo!”

Sau đó chúng tôi đến viếng nhà thờ chính tòa của Mexico City. Ngôi nhà thờ này cũng được xây dựng từ thế kỷ thứ 16. Đây phải kể là ngôi thánh đường lâu năm nhất ở Châu Mỹ. Thánh đường này cổ kính, rộng lớn và đẹp, giống cách cấu trúc của những Vương Cung Thánh Đường ở Âu Châu. Trong nhà thờ có 3 cung thánh chính và 14 nhà nguyện nhỏ ở hai bên Trong nhà thờ, người ta không cho phép du khách chụp hình vì sợ làm hư những tấm tranh vẽ lâu đời. Ngoài ra, ánh sáng của máy hình có thể làm đen các hình ảnh chạm bằng vàng. Những ai đến đây lần đầu tiên đều say sưa chiêm ngắm những công trình nghệ thuật chạm trổ và điêu khắc tuyệt tác của ngôi Vương Cung Thánh Đường này. Các vị Giám Mục được chôn cất trong nền nhà thờ. Vị Giám Mục địa phương được chôn cất đầu tiên ở trong nhà thờ là Giám Mục Juan Zumarraga. Ngài chính là vị Giám Mục đã được thấy phép lạ của Đức Mẹ Guadalupe in trên áo choàng của Thánh Juan Diego.

Ngay trước nhà thờ chính tòa là một công trường rộng lớn, tôi thấy khắp công trường treo những tấm bảng vải “Wifi - Free”, vậy là còn văn minh hơn nhiều thành phố ở Mỹ rồi. Một khối lượng đông người đang xếp hàng rồng rắn, tôi hỏi thăm mới biết là họ xếp hàng để được vào trượt băng free trong mùa lễ lớn. Nhìn kỹ lại thì quả là một khu rộng lớn phía trong là “sân trượt băng”, giống như năm nào ở Saigon, người ta cũng làm sân trượt tuyết cho giới trẻ chơi và đã thu hút rất đông người. Nghĩ cũng lạ, người ở xứ lạnh thấy tuyết rơi và đóng băng thì sợ, muốn chạy về miền nắng ấm. Còn người ở miền nắng ấm thì lại thích nhìn cảnh tuyết rơi và đi trượt băng. Đúng là “khó chiều lòng người” thiệt!

Sau khi dâng thánh lễ ở một nhà nguyện nhỏ, lúc ra ngoài bắt đầu thời gian được tự do, ai muốn trở lại TTHH Đức Mẹ Guadalupe thì ra điểm hẹn để lên xe bus. Ở cái sân rộng phía ngoài chung quanh nhà thờ chính tòa, người ta bày hàng la liệt dưới đất bán đủ loại hàng vừa lạ, vừa rẻ, nên có sức thu hút rất mạnh mẽ đối với phụ nữ mê shopping. Thật là nan giải vừa muốn shopping, lại vừa muốn trở lại Đền Thánh Đức Mẹ, nên đôi khi “chọn lựa” không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chắc chắn là không thể bỏ Đức Mẹ được rồi, nhưng đã tới đây mà không mua được gì cả thì cũng ấm ức làm sao! May quá có vài người đi lạc tìm chưa ra, nên tôi vội vàng chạy nhanh ra khu bán hàng mua được cái mũ đội ấm mùa đông cho "cục cưng" cháu ngoại là đủ vui rồi!

Lần này chúng tôi trở lại Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe với thời gian thong thả hơn, khách hành hương ngày thường cũng ít nên không còn cảnh chen lấn nữa. HDV đưa chúng tôi trở lại khu đặc biệt đi qua cầu thang cuốn để chiêm ngắm kỹ càng hơn bức ảnh Đức Mẹ (original) đã in hình trên tấm áo choàng của Juan Diego và cô kể lại nhiều chi tiết hơn về Bức Ảnh độc đáo, “có một không hai” này. Những kỹ thuật khoa học hiện đại đã trưng bày ra nhiều sự kỳ diệu về bức hình Đức Mẹ Guadalupe được in trên áo choàng của Thánh Juan Diego vào ngày 12 tháng Chạp năm 1531: sự cấu kết của bức hình đến nay vẫn làm cho nhiều nhà chuyên môn kinh ngạc. Tiến sĩ Philip Callahan chụp ra 40 bức hình của bức Tượng Ảnh bằng tia hồng ngoại tuyến. Sau đó kết luận rằng bức ảnh nguyên thủy là một bức ảnh tuyệt vời không thể giải thích nổi. Đó không phải là tác phẩm của con người.

Vào năm 1936, Friz Hahn, giáo sư ở Mexico, lấy hai sợi chỉ từ tấm áo gởi cho Tiến sĩ Richard Kuhn, khoa trưởng phân khoa Hóa Học Đại Học Kaiser Wilhelm (Đức) và là người được giải thưởng Nobel về Hóa Học (1938) sau khi nghiên cứu cùng với các giáo sư của phân khoa đã đi đến kết luận là màu sắc của các sợi chỉ không nằm trong danh sách những màu sắc mà họ đã nghiên cứu và hiểu biết. Năm 1951, họa sĩ Charles Salinas de Chavez quan sát bằng kính lúp một bức hình được chụp lại. Bất chợt ông tìm thấy trong mắt phải của bức hình có hình bán thân của một người đàn ông. Đó là hình ảnh của Juan Diego, con mắt đã thâu hình ảnh với những nét cong phản chiếu trong con ngươi như con mắt của một người đang sống. Hình ảnh trong mắt của bức hình cũng được bác sĩ Javier Torroella Bueno nghiên cứu kỹ lưỡng và cũng đi đến kết luận là chiếc áo choàng của Thánh Juan Diego đã chớp lại hình của Đức Mẹ theo như định luật quang học và chớp ảnh. Chiếc áo đã như tấm phim chớp lại hình ảnh Đức Mẹ khi Thánh Juan Diego đứng trước mặt Đức Mẹ.

Màu xanh trên khăn choàng của Đức Mẹ trông như mới, mặc dù với sức nóng của khí hậu nhiệt đới là xứ Mexico đáng lý ra đã bị phai mờ từ lâu, màu hồng của chiếc áo cũng phản chiếu ánh sáng tuyệt đẹp. Ngoài ra bức hình còn có khả năng tự vệ chống lại những phá hoại vô ý, vụng về cũng như có ác ý. Ví dụ điển hình vào năm 1790 khi lau chùi khung kính bao che bức hình họ đã làm đổ chất acid nitric ở góc trái áo choàng đến nay vẫn còn nhìn thấy được, nhưng chiếc áo không hề bị hư hại bởi chất acid mà dấu acid cứ mờ dần với thời gian.

Sau đó HDV dẫn chúng tôi tới nơi có một hộp khung kính lớn trong đó có di tích một cây thánh giá bằng đồng bị cong do sức nóng của quả bom nhằm phá hoại Bức Ảnh Đức Mẹ. Sáng ngày 14 tháng 11 năm 1921 vào lúc 10 giờ 30, Luciano Perez, một người thợ, mang đến một bó hoa đặt dưới bàn thờ trong thánh đường trước tượng Đức Mẹ. Anh ta vừa bước ra khỏi thánh đường thì quả bom giấu trong bó hoa phát nổ. Sức nổ làm sập bàn thờ, cong cây thánh giá bằng đồng, vỡ các chân đèn, các bình hoa và làm vỡ các cửa kính các dãy nhà lân cận, nhưng vòm kính bao che Bức Ảnh Đức Mẹ vẫn nguyên vẹn. Đức Mẹ vẫn ở đó như lời Đức Mẹ hứa qua bao thế hệ, để phù hộ giúp đỡ con cái Mẹ.

Năm 1979, hai khoa học gia Hoa Kỳ khám nghiệm bức hình linh thiêng bằng tia sáng quang tuyến. Báo cáo của họ xác nhận tính cách siêu nhiên của bức hình.

Sau đó, chúng tôi đi thăm Vương Cung Thánh Đường cũ, nơi này luôn có đặt Mình Thánh Chúa để bà con tới thờ lạy Chúa. Chúng tôi đi thăm nơi tương truyền là nhà của Juan Diego. Ở phía dưới có một hầm nhỏ là mộ của thánh Juan Diego. Nơi này trở thành một nhà nguyện nhỏ, trên tường nhà nguyện có những tấm bảng đồng ghi lại thời điểm 4 lần Đức Mẹ hiện ra với thánh Juan Diego. Tiếp theo sau, chúng tôi viếng nhà nguyện có cái giếng, nơi này là một trong bốn nơi mà Me Guadalupe hiện ra với thánh Juan Diego. Đến một chỗ dốc núi, dưới đất có những hình hoa bằng đồng rải rác khắp nơi, HDV cho biết đây là nơi có các hoa hồng mà Thánh Juan Diego đã hái theo lời Đức Mẹ để dâng lên Đức Giám Mục sở tại như là một dấu chỉ để Ngài tin vào lời nhắn của Đức Mẹ. Trên đỉnh đồi Tepeyac có một nhà nguyện nhỏ để tôn vinh Mẹ Guadalupe. Người ta làm một vườn hoa lớn có nhiều suối nước nhân tạo, có Thánh tượng Mẹ Guadalupe khá lớn và các thổ dân đến dâng lễ vật được rất đông người tới chiêm ngắm và chụp hình. Toàn thể khu vực Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe xứng đáng là một Trung Tâm Hành Hương lớn tầm cỡ thế giới.

Sau đó thời gian còn rộng rãi, chúng tôi trở lại Đền Thánh mới, nơi có Bức Ảnh Đức Mẹ Guadalupe ( original) để cầu nguyện và tâm tình với Đức Mẹ những buồn,vui, ưu tư trong cuộc sống. Nhu cầu tâm tình là một nhu cầu tinh thần quan trọng của con người. Khi người ta không còn ai để có thể tin tưởng chia sẻ tâm tình, con người dễ rơi vào trầm cảm và mất niềm tin vào cuộc sống. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh những người còn niềm tin vào sự linh thiêng của tôn giáo là những con người dễ có tâm hồn bình an, thoải mái. Bên cạnh đó, nếu có thể được, mỗi người cũng nên là nơi mà bạn, người thân có thể tin cậy để chạy đến tâm tình những lúc họ buồn khổ, bế tắc. Nhu cầu chia sẻ tâm tình là một nhu cầu rất lớn và đôi khi rất quan trọng. Và Đức Mẹ chính là người lúc nào cũng sẵn sàng “có mặt đó” để lắng nghe con cái Mẹ tâm tình và không bao giờ từ chối bất kỳ ai. Mẹ còn ban ơn, cứu giúp nữa
Buổi chiều đó, từ Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trở về, ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng, thoải mái vì có bao nhiêu tâm sự buồn sầu u uất “có những niềm riêng một đời giấu kín” cũng đã trút hết cho Mẹ nghe rồi.
***

Tối nay rảnh chúng tôi rủ nhau đi bộ đến shopping mall, mỗi ngày xe bus chở chúng tôi về gần tới hotel đều đi ngang qua một shopping mall lớn trang trí đèn rực rỡ,thu hút ánh nhìn của mọi người, nên chúng tôi hẹn với nhau ngày cuối sẽ đến đây. Chúng tôi tính vừa đi bộ vừa đi shopping luôn. Ai dè khi ra đường đi mới biết "thấy vậy mà không phải vậy". Đi xe bus thì thấy rất gần và dễ dàng, còn đi bộ tới công trường thấy có 5, 6 hướng chẳng biết hướng nào đúng, đành phải tới hỏi thăm cảnh sát chỉ đường giùm. Khi đi ngang một công viên thiếu ánh sáng, bạn nhắc tôi đi nhanh lên. Đang đi tôi chợt khám phá bên đường có một người homeless ngồi khuất trong bóng tối, nên khi vượt qua rồi, tôi mới nhìn thấy. Tôi bèn bảo bạn đợi tôi một chút để tôi quay lại cho ông ta tiền, bạn tôi cản, nhưng tôi đã nhanh chân chạy trở lại chỗ người homeless, mở bóp cho ông ta tiền rồi quay lại với bạn ngay. Không ngờ bạn nổi giận la cho một mách:

- Thành phố lạ, trời đêm, công viên vắng vẻ, vậy mà bạn dám chạy trở lại chỗ tối, đứng mở bóp cho tiền người ta, lỡ... Bạn có biết bạn vừa làm một việc quá sức nguy hiểm không? Từ đây tôi không đi với bạn nữa!
Tôi tiu nghỉu :

- Thôi mà! Đâu có sao đâu. Ít ra mình cũng đã cho người nghèo khổ ấy một niềm vui nhỏ trong đêm cuối năm.

Bạn giận bỏ đi một nước, tôi phải chạy theo sau. Tới khu shopping mall đèn đuốc sáng trưng, người ra vào mua sắm tấp nập. Mall này khá rộng lớn tới 4,5 tầng, mỗi tầng kinh doanh một mặt hàng khác nhau: Thực phẩm, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, kim khí điện máy... Đi một vòng,chắc không khí chung quanh vui vẻ, rộn ràng đã làm bạn bớt giận, bạn nắm tay tôi nói:

-Hồi nãy giận quá, nên mình nói hơi mạnh, nhưng bạn biết trong lòng mình không hề có ý “từ đây tôi không đi với bạn nữa”. Bỏ qua nghen!
Tôi cười:

-Bạn hết giận là mừng rồi, mình biết tại bạn lo cho mình nên mới vậy. Năm ngoái về Saigon, sau thánh lễ giao thừa, tôi đi phát bao lì xì cho mấy đứa trẻ bụi đời, đường phố. Đi những chỗ đường phố sáng trưng, đông người đâu gặp được mấy em, nên tôi cũng phải kiếm khu đường tối, chui vào mấy ngõ ngách mới gặp được mấy em. Có lẽ vì vậy nên tôi dạn quen rồi, mình làm việc tốt, Chúa sẽ gìn giữ mình. Bạn đừng lo!

Để giảng hòa, bạn rủ tôi rủ tới trước một tiệm kem "to go" mua kem ăn thử xem có ngon hơn bên Mỹ không? Giá ở đây cũng khá đắt: 1 ly kem nhỏ có từ 1 -3 vị khác nhau, giá từ 5 -7 $US. Ăn thấy không có gì đặc sắc, tôi thầm nghĩ, “ăn uổng tiền, để tiền cho người nghèo còn sướng hơn”. Đi lang thang nhìn giá cả thấy có vẻ đắt hơn bên Mỹ, nhưng vẫn có người mua sắm, tuy không đắt hàng. Trong mall cũng có nhiều cầu thang máy và cầu thang cuốn để khách hàng đi lên đi xuống cho thuận tiện. Cách thiết kế và đèn trang trí trước cửa và trong mall cũng khá bắt mắt. Đi loanh quanh một hồi mỏi chân, tụi tôi rủ nhau về. Vì vô một cửa, về ra cửa khác nên chúng tôi cẩn thận đưa “business card” của hotel ra để hỏi thăm nên quẹo trái hay quẹo phải để về hotel. Đi một hồi tới công trường, thấy 5, 6 hướng tôi nhận ra được hướng đi về hotel nhưng bạn tôi không yên tâm, cứ đòi kiếm ai hỏi thăm cho chắc ăn. Tôi đã hỏi 1 lần rồi, cái cô mặc đồ model lịch sự nhưng cô lắc đầu không biết tiếng Anh. Bỗng bạn tôi chỉ tay về 1 thanh niên đang đi gần đó:

- Chàng trai kia mặt mũi sáng sủa chắc biết tiếng Anh, bạn chạy tới hỏi thăm cho chắc ăn đi.
Chiều theo ý bạn, tôi lại gần đưa “business card” ra hỏi xem có phải đúng đường này đi về hotel không? May quá chàng trai biết tiếng Anh, sau khi đọc địa chỉ hotel, ngẫm nghĩ một chút rồi cười trả lời:
- Đúng rồi, đi đường này. Tôi cũng đang đi hướng này luôn, nên tôi sẽ đưa các bạn về hotel cho các bạn yên tâm.

Bạn tôi nghe nói vậy mừng quá, nói nhỏ vô tai tôi, “Bạn hiền ơi, chắc tại hồi nãy bạn tử tế với ông homeless, nên bây giờ mình gặp được người khác tử tế lại với mình đó!” Tôi nhìn bạn mỉm cười, “Chắc trong lòng bạn còn bị áy náy vụ la hồi nãy phải không? Mình quên rồi, bạn cũng quên đi nghen!"

Trên đường đi chúng tôi trò chuyện trao đổi với nhau. Chúng tôi tự giới thiệu là du khách từ Cali qua đây để viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe, đêm nay là đêm cuối cùng chúng tôi ở đây, sáng mai chúng tôi sẽ bay đi Cancun. Anh chàng cho biết là cư dân của thành phố này, mới tốt nghiệp đại học được 4 năm, hiện làm cho một công ty ở phía cuối phố, đang trên đường đi tới trạm xe bus để về nhà, không xa lắm. Anh tự hào vì quê hương anh có đền thánh Đức Mẹ Guadalupe nổi tiếng thế giới, anh hy vọng sẽ có ngày sang thăm nước Mỹ và ghé thăm bang Cali nổi tiếng về điện ảnh của chúng tôi. Đi một lát tôi đã nhìn thấy hotel ở bên kia đại lộ, nên dừng lại cám ơn và xin phép chia tay để băng sang đường, nhưng anh chàng không chịu:

- Tôi có thời gian và cũng không có gì vội vã, để tôi đưa các bạn sang tận cửa hotel cho an toàn, rồi về cũng chưa muộn.

Khi sang đường anh chàng tế nhị đi phía bên trái chúng tôi, vì làn xe đổ về từ hướng ấy. Lúc tới giữa đại lộ dòng xe đổi chiều, anh chàng nhẹ nhàng lách đi về bên phải. Một cử chỉ ga lăng nho nhỏ, biểu hiện sự che chở, bảo vệ đầy nam tính của chàng trai trẻ làm tôi cảm thấy bâng khuâng, có lẽ từ lâu lắm rồi với cuộc sống văn minh tất bật, những cử chỉ ga lăng lịch sự, làm cho cuộc sống dễ thương hơn, hình như đã vắng bóng! Cám ơn em, chàng trai trẻ tình cờ gặp trên phố trong đêm cuối năm, đã cùng chúng tôi đi chung một đoạn đường ngắn, nhưng em đã cho chúng tôi hưởng cảm giác tình người ấm áp, dịu dàng. Cám ơn em, người công dân trẻ của thành phố Mexico, đã cho tôi một ấn tượng đẹp về con người của “Mexico City” trước khi chia tay với nó. Sự tử tế của em đã làm cuộc sống chung quanh bỗng đẹp hơn lên, như lời Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói, "Hành trình của mỗi đời người sẽ mang ý nghĩa thăng hoa của một mùa xuân, khi nó được hướng dẫn bới lòng tử tế."

Xin chào tạm biệt em, chàng trai trẻ dễ thương và chào tạm biệt “Mexico City” thân thương của em. Hẹn có ngày gặp lại.

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT