Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm nhạc Lê Văn Khoa: Mở đầu một kỷ nguyên mới cho âm nhạc Việt Nam

Tuesday, 26/11/2013 - 07:57:07

Hơn một ngàn khán giả đã đến dự đêm nhạc “Lê Văn Khoa: Một Đời Âm Nhạc”tại rạp La Mirada Theatre vào tối thứ Bảy 23 tháng 11, 2013 và đã cùng đứng lên nhiều lần để hoan nghênh những màn trình diễn quá xuất sắc của hàng trăm nghệ sĩ

Trân Hương


Một nửa dàn vĩ cầm tí hon. (Hình Tony Phạm và Lê Minh Khải)


Toàn thể những nghệ sĩ trong chương trình “Lê Văn Khoa: Một Đời Âm Nhạc” chào khán già: 3 nhạc trưởng Lê Văn Khoa, Nguyễn Khánh Hồng và Trần Chúc, các ca sĩ đơn ca, dàn vĩ cầm tí hon, Hugo Nguyễn, ban hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng, các MC. (Hình: Tony Phạm và Lê Minh Khải)


Hugo Nguyễn, 7 tuổi, với “Nếu Có Ai Hỏi Em.” (hình Tony Phạm và Lê Minh Khải)



Ba nhạc trưởng. (Hình: Hà Nguyễn)


Bích Vân với “Mơ Về Quê Tôi.” (Hình: Hà Nguyễn)



Ban tứ ca VAP với “Se Chỉ Luồn Kim.” (Hình: Hà Nguyễn)



Ngọc Hà với “Memory.” (Hình: Hà Nguyễn)



Dương cầm thủ trẻ Nguyễn Vân Anh.



Teresa Mai và Phạm Hà. (Hình: Hà Nguyễn)


Toàn thể những nghệ sĩ trong chương trình “Lê Văn Khoa: Một Đời Âm Nhạc” chào khán giả: 3 nhạc trưởng Lê Văn Khoa, Nguyễn Khánh Hồng và Trần Chúc, các ca sĩ đơn ca, dàn vĩ cầm tí hon, Hugo Nguyễn, ban hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng.
 
Hơn một ngàn khán giả đã đến dự đêm nhạc “Lê Văn Khoa: Một Đời Âm Nhạc”tại rạp La Mirada Theatre vào tối thứ Bảy 23 tháng 11, 2013 và đã cùng đứng lên nhiều lần để hoan nghênh những màn trình diễn quá xuất sắc của hàng trăm nghệ sĩ - trong đó có sự góp mặt của rất nhiều bạn trẻ - qua những bản hòa tấu hợp xướng cũng như những ca khúc của Lê Văn Khoa và những tác giả khác.

Teresa Mai, Nguyễn Vân Anh, Bích Vân, Hugo Nguyễn, dàn vĩ cầm tí hon của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, những nhạc sĩ Việt trẻ trong dàn nhạc giao hưởng..., tất cả sự góp tiếng góp tài trong buổi nhạc vinh danh nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa vừa qua của những nhân vật trẻ vừa kể trên đã đem đến cho khán giả một niềm xúc động và hy vọng sâu xa. Vinh danh một nhà soạn nhạc lão thành đã dâng hiến trọn đời cho nghệ thuật và giáo dục, đồng thời cũng đón nhận và mở cửa cho những tài năng âm nhạc trẻ của cộng đồng, đó là ý nghĩa của buổi nhạc “Lê Văn Khoa: Một Đời Âm Nhạc,” cũng là ngày phát hành cuốn sách nặng ký “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam” với hằng trăm bài viết về con người và nghệ thuật của Lê Văn Khoa.

Chắc chắn người Việt hạt Orange không ai còn xa lạ với nhà soạn nhạc kiêm nhiếp ảnh gia kỳ cựu Lê Văn Khoa. Ông năm nay đã 80 tuổi và đã dành trọn cuộc đời cho những sinh hoạt nghệ thuật, cũng như là tác giả của những bản hòa tấu khúc, ca khúc, hòa âm phối khí xuất sắc, đặc biệt là đều mang tâm hồn Việt Nam. Lê Văn Khoa là nhân tài hiếm có của Việt Nam mà hiện vẫn chưa được “appreciate” đúng mức vì tác phẩm của ông đòi hỏi một trình độ hiểu biết nào đó về nghệ thuật để thưởng thức.

Teresa Mai xuất sắc với giọng soprano trong ca khúc “Nessun Dorma” trích từ vở opera “Turandot,” Nguyễn Phúc Hải tuyệt diệu với tấu khúc vĩ cầm “Nocturne” của Lê Văn Khoa, Bích Vân lôi cuốn và mạnh mẽ trong ca khúc “Mơ Về Quê Tôi” của Lê Văn Khoa và “Dòng Sông Xanh” của Johann Strauss II lời của Phạm Duy, ban hợp xướng 65 caviên Little Saigon Choral với 3 ca khúc do Lê Văn Khoa viết hoặc hòa âm, và đặc biệt nhất là Hugo Nguyễn, 7 tuổi, với ca khúc “Nếu Có Ai Hỏi Em” của Lê Văn Khoa hát cùng dàn vĩ cầm Việt Nam tí hon và dàn nhạc lớn. Đây là những cao điểm của chương trình, nhận được “standing ovation” hay những lời hoan hô nồng nhiệt nhất. (Xin đón xem bài tường thuật chi tiết của phóng viên Băng Huyền trên trang Văn Nghệ của báo Viễn Đông thứ Bảy 30/11 sắp tới).

Không ai không nhận thấy sự góp mặt ngày càng nhiều của những nghệ sĩ Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Hoa vào sân khấu nghệ thuật cổ điển của thế giới, điển hình là những tài năng nổi bật như Midori, Liang Liang, Tan Dun... Càng có nhiều nhân tài góp mặt vào sân khấu thế giới, càng chứng tỏ mức thành công của cộng đồng mà họ đại diện. Nghệ thuật cổ điển vô hình trung được coi như thước đo của mức thành công ấy. Với 38 năm có mặt trên nước Mỹ từ sau cuộc đổi đời 1975, thế hệ người Việt thứ hai đã trưởng thành và đã “branching out”, đi học nhiều ngành nghệ thuật khác nhau. Kết quả là chúng ta hiện có một đội ngũ nghệ sĩ xuất sắc, chỉ chờ dịp chúng ta mở cửa cho họ, từ đó họ sẽ có cơ hội tham gia các sân khấu thế giới.

Vậy cộng đồng Việt hải ngoại đã sẵn sàng chưa để tạo môi trường trình diễn cho đợt sóng nghệ thuật mới này? Đây là một câu hỏi cần được chúng ta trả lời.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT