Người Việt Khắp Nơi

Để tưởng nhớ ông Alcoh Wong - Vị ân nhân của Thuyền Nhân Việt Nam

Friday, 29/05/2020 - 10:02:17

Không ai biết đến cuốn sách Ông đã bỏ hết tâm huyết, cả tài chánh cá nhân, chỉ mong đoàn tụ những ngôi mộ thuyền nhân đau thương đến với than nhân của họ.

 

Chân dung Ông Alcoh Wong tại mộ phần của ông. (Hình: Trùng Dương)

 

Bài NGỌC ÂN

“Ngày 30 tháng 5, 2020 năm nay là sang năm thứ 15 ông Alcoh Wong rời xa chúng ta. Xin hãy giúp phổ biến những câu chuyện của Thuyền Nhân Việt Nam (Vietnamese Boat People - VBP) là cách nhớ đến ông Alcoh một cách ý nghĩa nhất.”

Từ Kuala Lumpur, Malaysia, Bà Quả Phụ Alcoh Wong gởi mẩu nhắn tin ngắn gọn nhưng đầy tiếc thương và xúc động đến nhóm Bidong Family chúng tôi, những cựu thuyền nhân Việt Nam qui tụ từ Bắc Mỹ, Âu Châu, Úc Châu, và cả Việt Nam, từng có may mắn gặp Bà Alcoh Wong năm 2017, nhân một chuyến về thăm lại những nơi trước đây từng là các Trại Tị Nạn ở Đông Nam Á, và đặc biệt đến viếng các Nghĩa Trang Thuyền Nhân Việt Nam dọc theo bờ biển phía Đông của Bán Đảo Mã Lai Á , theo “Sách Hướng Dẫn đến các Nghĩa Trang Thuyền Nhân Việt Nam” (The Guidebook of the Graveyards of the Vietnamese Boat People (VBP) Along the East Coast of Malaysia Penisula” được Ông Alcoh Wong soạn theo tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR, Hội Hồng Nguyệt Mã Lai Á MRCS, và tài liệu của chính Ông trong suốt gần 20 năm, 1978 tới 1995, tự tay ông chôn cất và lập mộ cho Thuyền Nhân Việt Nam.

 


Ông Alcoh Wong mất khoảng hai tháng sau khi cuốn Guidebook quí giá của ông được phát hành năm 2006. (Hình Ngọc Ân cung cấp)

 

Ông mất chỉ hai tháng sau khi sách Guidebook quí giá của ông được xuất bản vào tháng 3 năm 2006. Không còn Ông, tài liệu quí báu trên (trong đó Ông ghi lại từng tên Thuyền Nhân, ngày mất, địa điểm chôn cất, trên con thuyền vượt biên mang số mấy, nếu có giấy tờ trên xác thì mộ được ghi rõ họ tên, ngày sanh, và cả đặc điểm trên xác, lý do tử vong, hầu hết là chết chìm ngoài cửa biển Mã Lai) chìm vào quên lãng, không ai biết đến cuốn sách Ông đã bỏ hết tâm huyết, cả tài chánh cá nhân, chỉ mong đoàn tụ những ngôi mộ thuyền nhân đau thương đến với than nhân của họ.

Sau khi gặp Bà Wong năm 2017 tại Terengganu, nơi có những ngôi mộ tập thể lớn nhất của Thuyền Nhân Việt Nam, chúng tôi có dịp phổ biến sách trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí, website, cũng như được đưa tận tay đến các vị Dân Cử và Thống Đốc của Tiểu Bang California, khi Nghị Sĩ Tiểu Bang Janet Nguyễn đệ trình Dự Luật SB 895, sau đó được ký thành luật, Hành Trình Tìm Tự Do của Người Việt Tị Nạn phải được đưa vào sách Giáo Khoa của các trường học taị California.

 

Xác một con tàu sắt nằm trên bãi cát tại trại tị nạn Pulau Bidong 2016.

 

Ông Alcoh Wong bên cạnh một ngôi mộ tập thể.

 

Một trang trong hồ sơ ghi chép của ông Alcoh Wong mà một người bạn của ông còn giữ được trước khi in sách.

 

Mười-lăm năm sau khi vị Ân Nhân của Thuyền Nhân Việt Nam ra đi, tình cờ chúng tôi tìm được bài viết cuả Ký Giả Nhiếp Ảnh Kwong Wah Yit Poh, cô là người Úc gốc Hoa, viết để Tưởng Nhớ Ông Alcoh Wong, tháng 7 năm 2006, chỉ hai tháng sau khi Ông mất.

Dưới đây là bài viết của Kwong Wah Yit Poh:

“Để Tưởng Nhớ Alcoh Wong

“Chúng tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê ở một quán cà phê và trà teh & kopi Tarik ở Chinatown thuộc tỉnh bang Terengganu, Malaysia, thì một người đàn ông lớn tuổi đến hỏi chuyện, và bắt đầu giải thích cho chúng tôi nghe về lịch sử của địa phương, từng con phố, từng cửa tiệm đã được thành lập ra sao. Ông nói một cách thật nhã nhặn, điềm đạm, đầy khiêm tốn, nhưng cũng thật hãnh diện về Terengganu, càng vui hơn khi biết chúng tôi là du khách từ quốc gia khác đến.

“Quả thật, tôi có thể thấy qua câu chuyện, ông là người đầy kiến thức, uyên bác, nhưng lại không ngại mất thì giờ cho đám du khách chúng tôi (bao gồm cả hai đứa nhỏ con của người bạn trong nhóm.) Ông cảm ơn chúng tôi nhều lần đã chịu khó ngồi nghe chuyện của ông và mảnh đất và những người đã thành lập ra phố Tàu Terengganu. Ông cho biết tên ông là Alcoh Wong, thuộc Hiệp Hội Người Hoa tại tỉnh bang Terengganu, Ông cũng cho biết ông dành nhiều giờ để nghiên cứu về nguồn gốc của người Hoa đi tìm tự do, đến sinh sống, lập nghiệp ở đất Mã Lai, cũng như Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People VBP, và BP (Bidong People - những em nhỏ sinh ra trong tại tị nạn Pulau Bidong, thuộc tỉnh bang Terengganu)

“Tôi hết sức kinh ngạc và vui mừng tột độ, vì trước đó hai năm, tôi đã từng nhìn thấy xác của một con tầu trong một lần đi lặn ở vùng biển thuộc Terengganu, tuy rất muốn khám phá nguyên nhân và xuất xứ của con tầu, không ngờ trong dịp tình cờ này lại được có câu trả lời cho những gì tôi thắc mắc. Từ kinh ngạc, đến cảm phục lòng nhân ái của Ông Alcoh Wong. Ông giúp những cựu thuyền nhân Việt Nam tìm lại dấu tích, mộ phần của người thân của họ tử nạn khi vượt biển tìm tự do. Ông kể laị một cách ngậm ngùi nhưng đầy sống động về những chuyến đi tìm mộ phần này, đến nỗi tôi có cảm tưởng như đang được đi theo cuộc hành trình tìm lại quá khứ đầy gian nan, từ lục tìm hồ sơ khai tử từ các nhà thương dọc theo những nơi từng có người tị nạn Việt Nam trôi dạt vào, hồ sơ lưu của những cơ quan quốc tế như Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, Hội Hồng Nguyệt Mã Lai Á (tức Hội Hồng Thập Tự,) đặc biệt nhất là hồ sơ chôn cất thuyền nhân Việt Nam của Hiệp Hội Người Hoa Terengganu, do chính ông ghi chú và lưu giữ trong suốt gần 20 năm, từ 1978 đến 1990, gần 500 mộ phần tại các nghĩa trang dọc theo bờ biển phía đông của bán đảo Mã Lai Á, có những mộ cá nhân, có những mộ tập thể, hầu hết là được chôn cất trong những nghĩa trang của người Hoa.

“Chúng tôi chia tay trong sự lưu luyến chưa từng có trong cuộc đời, dù cả ông lẫn tôi không hề có mối liên quan cá nhân nào với thuyền nhân Việt Nam! Ông cho địa chỉ liên lạc, hào hứng nói về cuốn sách hướng dẫn đến các nghĩa trang có mộ Thuyền Nhân Việt Nam, cuốn sách ông tự bỏ tài chánh riêng ra để in ấn, phát hành, như một tài liệu hiếm hoi mà qua đó, ông hy vọng một ngày tất cả những ngôi mộ thuyền nhân đó được thân nhân, đồng bào của họ biết đến, chăm sóc, giữ gìn, như một phần quan trọng, nhân chứng cuả cuộc hành trình tìm tự do của người Việt Tị Nạn.

“Tháng 7 năm 2006 chúng tôi trở lại, không ngờ đã quá trễ, ông ra đi ngày 30 tháng 5, 2006, chỉ 2 tháng sau khi quyển sách ông ấp ủ được xuất bản. Ngồi viết những dòng này tưởng nhớ đến ông Alcoh Wong, dù chỉ một lần gặp, lòng nhân ái, vị tha, giúp người không một chút tư lợi của ông mãi mãi ở lại trong tôi.”

*

Ghi chú: từ 1975 tới 1990, trại tị nạn Pulau Bidong thuộc tỉnh bang Terengganu, Malaysia, đã đón nhận 252,390 thuyền nhân Việt Nam đến tạm trú trước khi được tái định cư ở đẹ tam quốc gia.

 

Tấm bia ghi khắc công đức của Ông Alcoh Wong. (Hình: Trùng Dương)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT