Người Việt Khắp Nơi

Dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ cách nay 30 năm

Băng Huyền/Viễn Đông Wednesday, 28/12/2011 - 11:43:01

Đây là những lợi điểm, vì việc học sinh học tiếng Việt mỗi cuối tuần 1, 2 tiếng thật ra không thấm vào đâu, phải có sự kèm cặp thêm của phụ huynh thì các em mới khá lên được”.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 1)

Băng Huyền/Viễn Đông



Cô giáo và các em học sinh cấp lớp 7 trong giờ học tại Trung Tâm Hồng Bàng 
ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Sau biến cố 1975, hàng trăm ngàn người Việt Nam bỏ nước, mang theo di sản văn hóa trong hành trang ra đi tìm tự do. Những cộng đồng Việt Nam được hình thành những năm sau đó ở Hoa Kỳ, trở thành những chiếc nôi nuôi dưỡng tiếng nói, văn hóa Việt Nam. Từ những lớp học ban sơ trong garage, phòng khách nhà riêng, việc dạy và học tiếng Việt đã phát triển trong hơn 3 thập niên qua, không những trong cộng đồng Việt Nam mà còn vào hệ thống giáo dục trung và đại học tại Hoa Kỳ. Những thầy cô giáo, phụ huynh có tâm huyết, ưu tư với tiếng Việt đều có nhiều nỗi trăn trở, những suy nghĩ về tương lai một ngôn ngữ đối với những thế hệ 1,5, thế hệ thứ hai, thứ ba...
Tháng Chín, khi những tiếng trống khai giảng niên học 2011-12 nổi lên trong các trường dạy tiếng Việt, cũng là lúc phóng viên Viễn Đông bắt đầu theo chân các em học sinh vào lớp, nói chuyện với các thầy cô giáo, gặp gỡ các sinh viên, học sinh, phụ huynh để tìm hiểu về lịch sử dạy và học tiếng Việt cũng như những vấn đề hiện nay trong việc giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa ở Hoa Kỳ. Cuối năm 2011 bắc cầu qua năm mới 2012, nhật báo Viễn Đông kính gửi đến quý độc giả loạt phóng sự nhiều kỳ của ký giả Băng Huyền về đề tài này.



Hai cô giáo trẻ Đan Vy và Ngọc Hiếu, dạy lớp 1A4 của Trung Tâm Hồng Bàng,
hai bạn trẻ này đã từng là học sinh của Trung Tâm Hồng Bàng,
nay quay về dạy lại các em nhỏ tại trung tâm - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Tiếng Việt đứng trong số 20 ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, là tiếng mẹ đẻ của người Việt và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Tiếng Việt là tiếng nói quốc hồn quốc túy, chuyên chở trong đó cả bề dày lịch sử, bề sâu văn hóa của người Việt Nam. Đó là một gia tài mà quê hương ưu ái dành tặng cho mỗi người con đất Việt. Bởi thế, đó cũng là sợi dây vô hình nhưng bền chặt, gắn kết bao thế hệ người Việt Nam, giữa những người cùng một quê cha, đất tổ. Dù gặp gỡ lần đầu ở một phương trời xa lạ, chỉ cần cất lên tiếng nói hay nhìn vào con chữ, người Việt Nam vẫn dễ dàng nhận ra nhau.
Người Việt Nam tại hải ngoại, tuy đã mất quê hương, nhưng còn lại ngôn ngữ. Đó là di sản ngàn đời của tổ tiên, là một kho tàng chứa đựng các yếu tố văn hóa để lưu truyền qua các thế hệ, là một phần căn cước về nguồn gốc, là một gạch nối với miền quê xa vời bên kia bờ đại dương.
Nơi đó vẫn còn những dấu tích khó quên của một thời chiến tranh bom đạn, ngục tù cộng sản mà thế hệ thứ nhất đã từng trải qua.
Vẫn còn đó những dấu tích trong ký ức tập thể về những chuyến vượt biên, vượt biển đầy cam go để đi tìm tự do, tìm “sự sống trong cái chết”.
Vẫn còn những câu chuyện của chặng đường phấn đấu sinh tồn và ổn định cuộc sống nơi quê hương mới, để ngày nay gầy dựng cho thế hệ thứ nhất, cho thế hệ tiếp nối một địa vị xã hội, khiến người bản xứ cũng phải chú ý đến và ngưỡng mộ.
Nhưng làm sao để giữ gìn tiếng Việt trên xứ người, giữ gìn và truyền lại văn hóa, tâm hồn Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư? Đây chính là mối ưu tư hàng đầu của những bậc phụ huynh Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất tại hải ngoại. Với họ, con em mình không nói được tiếng Việt, không đọc được tiếng Việt, không viết được tiếng Việt, tức là cây cầu nối với tổ tiên, nguồn cội không còn nữa.
Làm sao để thế hệ kế tiếp tại hải ngoại giỏi giang, thành đạt nơi quê hương mà họ được sinh ra, vẫn ý thức được mình là một người Việt Nam, tấm lòng vẫn luôn luôn hướng về cội rễ tổ tiên?
Làm sao để văn hóa di dân Việt Nam theo dòng thời gian, khi thế hệ thứ nhất vĩnh viễn về với cát bụi, sẽ không bị đồng hóa và chìm vào văn hóa xứ người?
Đây là những câu hỏi không dễ trả lời. Điều này cần rất nhiều bàn tay, khối óc, tâm sức của mỗi người Việt ở hải ngoại cùng vun đắp, dưỡng nuôi, truyền dạy và giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ tiếp nối.
Đây là một câu chuyện dài về một hành trình trong suốt hơn 30 năm qua. Trong phạm vi của bài viết kỳ này, phóng viên Viễn Đông xin gửi đến quý độc giả phần mở đầu của câu chuyện ấy, của chặng đường dạy và học tiếng Việt hơn 30 năm trước ngay tại thủ đô tị nạn của người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Chuyện được bắt đầu từ biến cố 30-4-1975 trên miền Nam Việt Nam.

Vài nét về sự hình thành của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ
Biến cố tháng Tư năm 1975 đã xua đẩy hàng triệu người dân Việt phải bỏ nước ra đi tìm tự do. Người Việt tị nạn có mặt hầu như khắp mọi nơi trên thế giới. Dù di tản hay vượt biên, hoặc ra đi theo các chương trình O.D.P., H.O., Con Lai; dù theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, căn cước chung của hầu hết người Việt hải ngoại trên thế giới (nói chung), tại Hoa Kỳ (nói riêng) đều là người Việt tị nạn cộng sản.
Theo tài liệu của cơ quan thống kê dân số Hoa Kỳ, vào năm 1980, con số người Việt tại Hoa Kỳ được khoảng 245.025 người. Đến năm 1990, con số này đã lên đến 614.547 người. Trong năm 2010 vừa qua, con số ấy đã là 1.548.449 người.
Từ ban đầu, các tổ chức sinh hoạt cộng đồng đã hình thành ngay từ khi các thuyền nhân mới đặt chân tới trại tạm trú nơi các trại tị nạn. Khi đã tạm ổn định nơi đất nước định cư, đồng hương Việt Nam đã tổ chức các sinh hoạt cộng đồng và tương trợ lẫn nhau. Kẻ đến trước tìm mọi cách để giúp đỡ người đến sau. Trong tinh thần tương trợ, đồng hương Việt ngày càng thêm gắn bó.
Lần hồi các hội ái hữu được thành lập để quy tụ những bà con đồng hương từ một địa phương ở quê nhà, những bạn học sinh cùng trường, những cựu quân nhân cùng một binh chủng hay cùng một đơn vị, v.v... Ngoài ra, những người di dân là tín đồ của các tôn giáo chính ở Việt Nam như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo đều có điều kiện dễ dàng, thuận lợi tổ chức những cơ sở cần thiết cho các hoạt động tâm linh của riêng tôn giáo mình.
Dù đến Hoa Kỳ sớm hay muộn, hầu hết những người Việt tị nạn dần dần đều có được một cuộc sống ổn định. Nhờ những đức tính truyền thống như tinh thần hiếu học, chịu khó làm việc, và chí tiến thủ, họ đã trở thành những thành viên có ích trong xã hội mới, góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng chung của Hoa Kỳ.

Viec dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ hơn 30 năm trước

Nhắc lại thời gian đầu của việc hình thành các lớp tiếng Việt tại miền Nam California, ông Quyên Di, giáo sư thỉnh giảng Khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Đông Nam Á tại đại học University of California Los Angeles (UCLA) và đại học California State University Long Beach (CSULB) cho biết: “Khi đặt chân đến một vùng đất xa lạ với những khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán, hầu hết những người Việt tị nạn đầu tiên tại Hoa Kỳ đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc hội nhập vào xã hội mới, nhất là trong lãnh vực tìm kiếm công ăn việc làm. Một số ít gia đình gốc Việt mới đến định cư, đã chủ trương ‘không nói tiếng Việt’, với quyết tâm hội nhập xã hội mới càng nhanh càng tốt. Họ e rằng cứ nói tiếng Việt, thì sẽ không giỏi tiếng Anh, và như thế không thể tìm được công ăn việc làm. Nghe nói rằng có những gia đình ghi rõ khẩu hiệu ‘gia đình tôi không nói tiếng Việt’ trong nhà”.
Ông nói tiếp: “Nhưng thống kê cũng như thực tế cho thấy, trẻ em nói chung và trẻ em Việt nói riêng, khi đến trường hay ra ngoài xã hội, vẫn nói được tiếng Anh trôi chảy sau một thời gian ngắn tiếp xúc với bạn bè.
“Khi một nhà giáo gốc Việt lên tiếng khuyến cáo, ‘Chỉ sợ đàn con quên tiếng Việt, đừng lo lũ trẻ dốt Anh văn’, thì hầu như ai cũng sực tỉnh và ý thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn tiếng Việt cho các thế hệ trẻ”.
Ông Vũ Hoàng, một giảng viên Việt ngữ và phó chủ tịch ngoại vụ Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, kể lại: “Trước đó, những người Việt trong nước vượt biên đến các trại tị nạn, cũng đã có mở một vài lớp Việt ngữ dạy tiếng Việt cho các em. Nhưng tại Hoa Kỳ, khởi xướng cho phong trào dạy tiếng Việt, chỉ bắt đầu vào năm 1978, ngay tại Nam California, nơi có số đông người Việt tập trung sinh sống nhiều nhất lúc bấy giờ”.
Theo lời giáo sư Quyên Di và thầy Vũ Hoàng thì vào lúc bấy giờ, không có trường lớp gì cả. “Lớp học là phòng khách của những gia đình sống cùng một khu chung cư, cứ thế luân phiên nhau. Tuần này là phòng khách nhà người này, tuần sau phòng khách nhà người khác. Hoặc có lớp học được mở tại gagare của những gia đình 'hảo tâm'. Những em trong gia đình không có phương tiện đưa đi học tiếng Việt, đã được một nhóm phụ huynh có xe đến đón, tập hợp các em lại, đưa đến lớp học ở gagare vào mỗi cuối tuần. Sau khi hết giờ, lại đưa các em về cho bố mẹ.
“Dần dà, mọi người mượn được văn phòng của các công ty nhỏ. Sau đó các em càng ngày càng đông. Khi đó, các thầy cô, đồng thời cũng là các phụ huynh đã đến các chùa, các nhà thờ xin được hỗ trợ nơi học. Các vị lãnh đạo tinh thần nhận thấy việc dạy tiếng Việt là quan trọng cho các em, nên đã nhiệt tình giúp đỡ.
“Giáo viên dạy các em hầu hết đều là những giáo viên ở Việt Nam trước đây. Sang Mỹ, không có điều kiện tiếp tục công việc cũ, nhưng vẫn nhớ trường, lớp, đã hướng dẫn cho các em. Cũng có một số phụ huynh học sinh, tuy chưa dạy học, nhưng đọc thông viết thạo Việt ngữ, đã tham gia dạy tiếng Việt.
“Ban đầu các thầy cô hoàn toàn không có bộ sách giáo khoa nào. Những tài liệu dùng giảng dạy đều do các thầy cô tự biên soạn, nhớ đến đâu, viết tới đó viết lại từ những bài trong quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư vốn đã thuộc lòng khi còn nhỏ. Dạy các em mặt chữ Việt, dạy cách đọc”.
Giáo sư Quyên Di và thầy Vũ Hoàng cho biết cũng nhờ các phụ huynh khi đó đều là những vị thuộc thế hệ di tản thứ nhất “vì vị nào cũng thông thạo Việt ngữ, cũng đều quyết tâm nói tiếng Việt trong nhà, giữ gìn truyền thống gia đình và bảo tồn tiếng Việt. Đây là những lợi điểm, vì việc học sinh học tiếng Việt mỗi cuối tuần 1, 2 tiếng thật ra không thấm vào đâu, phải có sự kèm cặp thêm của phụ huynh thì các em mới khá lên được”.
Theo lời giáo sư Quyên Di, thời điểm ban đầu, những sinh hoạt gia đình, cộng đồng và tôn giáo đã góp một phần lớn trong việc bảo tồn và phát triển tiếng Việt cho các thế hệ trẻ.
“Tại các nhà thờ, các chùa, thánh thất luôn luôn tổ chức được các trường dạy Việt ngữ cho con em vào ngày cuối tuần. Đây là một sự đóng góp rất quan trọng của các tổ chức tôn giáo trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam cho thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt hải ngoại. Kèm theo là việc tổ chức những hội đoàn thanh thiếu niên như Gia Đình Phật Tử, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, v.v..., sinh hoạt bằng tiếng Việt, đọc kinh và dự Thánh lễ bằng tiếng Việt để giúp giới trẻ có cơ hội được đào tạo sinh hoạt tập thể lành mạnh, tiến bộ cả về đức dục và trí dục. Ngoài ra, còn có những hoạt động từ thiện nhân đạo do các tín đồ thực hiện. Tôn giáo càng thêm thân thiết gắn bó với từng gia đình trong số các tín đồ của mình. Nhờ vậy mà nếp sinh hoạt cộng đồng càng thêm bền vững.
“Với sự đóng góp hết lòng bằng tâm sức, thiết tha gìn giữ tiếng Việt của nhiều cá nhân trong cộng đồng và chính từ những chuẩn bị ban đầu ấy, đã phát triển hàng chục trung tâm dạy Việt ngữ, để rồi vào năm 1987 đã có một Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California ra đời và vẫn đang hoạt động mạnh mẽ, với sĩ số học sinh lên đến hàng chục ngàn em theo học tại các trung tâm”.
Việc dạy tiếng Việt đã thành hình và phát triển, hoàn toàn nhờ ý thức bảo tồn và phát triển tiếng Việt của những đợt di dân đầu tiên. Mọi người không ngờ rằng 30 năm sau, phong trào dạy và học tiếng Việt đã phát triển lớn mạnh. Nếu ban đầu, dạy tiếng Việt chỉ trong những nhóm nhỏ, chỉ tồn tại nơi các trung tâm, các trường độc lập ngoài hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, thì 30 năm sau, tiếng Việt đã được đưa vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ và được tôn trọng ngang hàng với nhiều ngoại ngữ khác.
Nhưng bên cạnh những điều tích cực, vẫn còn không ít những mối trăn trở từ các thầy cô, phụ huynh, những người có tâm huyết với sứ mạng giữ gìn và phát huy tiếng Việt, văn hóa Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba. Nhiệm vụ và trọng trách này thật cam go, khó khăn hơn nhiều, so với thế hệ thứ nhất truyền dạy tiếng Việt cho con em thế hệ 1,5 vào thời gian đầu, cách nay hơn 30 năm.
Những vấn đề kể trên sẽ được bàn đến trong những bài tiếp theo. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT