Người Việt Khắp Nơi

Dạy và học tiếng Việt tại các trung tâm độc lập

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 07/01/2012 - 11:07:02

Chỉ miền Nam California, tính từ San Bernardino là cực Bắc đến Quận San Diego là cực Nam của tiểu bang, ước tính có khoảng 96 trường, trung tâm dạy Việt ngữ.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 3)

Băng Huyền/Viễn Đông


Lớp 1B tại Trung Tâm Hồng Bàng dành cho những người lớn tuổi, các em sinh viên
học đại học, trước không có cơ hội học tiếng Việt, nay quay lại học.
Lớp này còn có những người ngoại quốc (có người phối ngẫu là người Việt)
học để về nói chuyện với gia đình chồng (hoặc vợ), con cái... - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Theo lời ông Vũ Hoàng, phó chủ tịch ngoại vụ Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, một giảng viên Việt ngữ: “Kể từ năm 1978 khi hình thành phong trào dạy Việt ngữ tại miền Nam California, theo thời gian, phong trào càng ngày càng phát triển mạnh và lan rộng. Chỉ miền Nam California, tính từ San Bernardino là cực Bắc đến Quận San Diego là cực Nam của tiểu bang, ước tính có khoảng 96 trường, trung tâm dạy Việt ngữ. Và cứ mỗi cuối tuần, tùy mỗi nơi, khi là Thứ Bảy, khi là Chủ Nhật, giờ học cũng tùy theo mỗi nơi, sáng, trưa hoặc chiều. Giờ học ít nhất 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng rưỡi, với những lớp học theo từng cấp cho các em. Rải rác trong số khoảng 96 trung tâm, trường học ở các cơ sở tại nhà thờ Công giáo, Tin Lành, các nhà chùa Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, trung tâm không thuộc tôn giáo nào, với khoảng 1300-1500 thầy cô tình nguyện dạy tiếng Việt cho các em”.
Thầy Hoàng cho biết: “Trung bình một trung tâm có khoảng 230-250 em, có trung tâm lên đến 600- 700 em, ít nhất cũng có khoảng 80-100 em. Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam có khoảng 700 em, Trung Tâm Hồng Bàng có khoảng 800 em. Tổng cộng các trung tâm có khoảng 15-17 ngàn học sinh đến học hằng tuần. Để có đủ lớp học cho số lượng học sinh đông đảo, những trung tâm Việt ngữ phải thuê lại vào cuối tuần toàn bộ khuôn viên của một trường tiểu học hay trung học công lập”.

Học phí tượng trưng
Đa số học phí các nơi như chùa, nhà thờ hay các tổ chức cộng đồng, các trung tâm dạy tiếng Việt… đều quy định khác nhau, nhưng tiền đóng mỗi năm chỉ là hình thức tượng trưng.
Anh Michael Tô, cư dân thành phố Santa Ana, phụ huynh của hai cháu Minh Thư 5 tuổi và Bảo Châu 6 tuổi, hiện đang học tiếng Việt cấp mẫu giáo tại Trung Tâm Hồng Bàng, cho hay, vì anh thấy con của người anh trai và chị gái đã học tiếng Việt tại đây trong nhiều năm, nên vợ chồng anh cũng đưa con đến học tại trung tâm này.
Anh cho biết lệ phí anh đóng cho mỗi cháu là 200 Mỹ kim cho cả năm học, bao gồm tiền đồng phục, sách thì chỉ đóng thêm 10 Mỹ kim. Anh cho rằng, cũng như bao phụ huynh khác, anh rất tri ân các thầy cô đã thành lập ra những trung tâm dạy tiếng Việt như Trung Tâm Hồng Bàng. Theo anh, tiền để đóng cho cả năm học không nhiều, nó chỉ đủ để trả tiền thuê chỗ để trung tâm mở lớp học (địa điểm ngay tại trường Bolsa Grande High School, thành phố Garden Grove), và để duy trì một số họat động phụ trợ khác của trung tâm.
Thầy Mai Hiếu Trực (trung tâm trưởng của Trung Tâm Hồng Bàng) cho biết: “Trung tâm có ban điều hành lo về những hoạt động của trung tâm, về chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, về sinh hoạt của trường, chăm lo cho thầy cô, và quan trọng nhất là giữ mối liên lạc với các phụ huynh, để đưa đến sự hỗ tương của gia đình và học đường. Nếu thiếu sự gắn bó, chung sức này, thì không cách nào giúp các em học tiếng Việt tiến bộ được. Vì phần lớn các em học tại đây khá, luôn luôn có sự chú ý của cha mẹ ở nhà khuyến khích dạy dỗ thêm, thì mới nói và viết thông thạo được”.
Các lớp học tại Trung Tâm bắt đầu từ 1 giờ 30 đến 3 giờ 30 vào ngày Chủ Nhật hằng tuần, có giờ giải lao khoảng 15 phút.
Trung Tâm Hồng Bàng hiện có 8 cấp lớp, từ mẫu giáo đến lớp 7. Mỗi cấp lớp có nhiều lớp. Mẫu giáo có 4 lớp. Lớp 1 có 7 lớp. Cấp lớp 2 có 4 lớp. Cấp lớp 3 có 3 lớp. Cấp 4 có 3 lớp. Cấp 5 có 2 lớp. Cấp 6 có 1 lớp, và 1 lớp cấp 7. Có khoảng 50 thầy cô đang phụ trách giảng dạy, cho 25 lớp. Trung bình mỗi lớp có ít nhất 25 học sinh, nhiều nhất là có lớp lên đến 40 em.
Trung Tâm có lớp 1B là dành cho những người lớn tuổi, các em học sinh học đại học, trước không có cơ hội học tiếng Việt, nay quay lại học. Có những người ngoại quốc (có người phối ngẫu là người Việt) học để về nói chuyện với gia đình chồng (hoặc vợ), con cái... Họ đưa con đến học và họ cũng vào học luôn.
Khi họ học và nói được tiếng Việt với cha mẹ vợ/chồng, tình liên lạc càng thêm mật thiết hơn nhiều, thay vì chỉ nói “Hi Dad”, “Hi Mom”…
Thầy Trực cho biết bản thân thầy cũng có hai người con rể theo học tại Trung Tâm này, để thắt chặt tình thân với gia đình bên vợ nhiều hơn.
Thầy Trực nói thêm: “Bên cạnh chương trình học, Trung Tâm Hồng Bàng còn có những họat động ngoại khóa để các em vừa có thêm niềm vui, vừa có dịp áp dụng tiếng Việt mình đã học. Thí dụ như chương trình văn nghệ Đêm Hồng Bàng được tổ chức hằng năm vào khỏang tháng 4, với các tiết mục múa, hát, họat cảnh do các em và thầy cô thực hiện. Ngoài ra còn có các kỳ triển lãm về văn hóa, lịch sử Việt Nam, các cuộc thi viết văn, viết chính tả giữa các trung tâm Việt ngữ…”.
Thầy Trực nói: “Tôi quan niệm tiếng Anh, các em rất dễ hấp thụ, nhưng tiếng Việt nếu đã quên rồi, thì khó trở lại. Thành ra luôn luôn cố gắng giữ được chừng nào hay chừng ấy. Thế hệ chúng tôi khi qua rồi, có thể thế hệ kế tiếp sẽ mai một đi, không thể đoán trước được, nhưng hiện tại chúng tôi luôn cố gắng duy trì bằng hết tâm huyết của mình”.
Trung Tâm Minh Đức có cơ sở hoạt động tại Hội Trường Lê Văn Trung, tọa lạc ở số 14072 Chestnut Street, Westminster, đây cũng là hội trường của Châu Đạo Cao Đài California.
Anh Ngô Thiện Đức, trung tâm trưởng Trung Tâm Minh Đức cho biết: “Thanh Niên Hội Cao Đài thành lập Trung Tâm Việt Ngữ Minh Đức đã hơn 6 năm qua. Các em đến đây học tiếng Việt, chỉ thuần học chữ và văn hóa Việt Nam, chúng tôi không hề giảng giáo lý Cao Đài. Chúng tôi chỉ giảng giáo lý vào mỗi tháng cho những con em của các đạo hữu Cao Đài. Hiện trung tâm có từ 85-90 em, có khoảng 50 em con em nhà đạo, còn lại là những em không thuộc đạo Cao Đài”.
Về chi phí, phòng ốc, anh cho biết: “Nhờ phòng ốc tại nơi trung tâm dạy cho các em là của Châu Tộc Đạo cho trung tâm mượn, nên không phải tốn lệ phí thuê mướn nơi học. Vì vậy, trung tâm chỉ thu lệ phí 40 Mỹ kim để lo sách vở, bút viết cho các em. Vào cuối năm học, để có quà thưởng cho các em, trung tâm phải kêu gọi phụ huynh đóng góp và Châu Tộc Đạo giúp thêm một ít. Ngoài ra Châu Tộc Đạo còn cho các em một bữa ăn trưa miễn phí vào buổi học hằng tuần”.
Anh Ngô Thiện Đức nói thêm: “Các em học tiếng Việt tại Trung Tâm Minh Đức vào ngày Chủ Nhật, từ 9 giờ 30 sáng tới 11 giờ 30 trưa. Sau khi các em ăn trưa xong, 12 giờ sẽ ra sinh hoạt ngoài trời, chơi những trò chơi tập thể với nhau (mỗi tháng một lần). Hoặc chơi trò chơi sinh hoạt trong lớp học (diễn ra hằng tuần). Hầu hết các trò chơi đều được sử dụng bằng tiếng Việt, giúp các em thêm gắn bó với nhau và có dịp trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt nhiều hơn”.
Anh Đặng Ngọc Trân, phụ huynh của cháu Adeline Quỳnh Ngân Hồng Đặng (lớp 4, chương trình học sinh năng khiếu đặc biệt GATE), kiêm hội trưởng hội phụ huynh của lớp dạy tiếng Việt tại Viện Việt Học, đã chia sẻ: “Chương trình dạy tiếng Việt của Viện được 4 năm rồi, riêng hội phụ huynh chỉ mới hình thành được năm ngoái thôi. Một năm học, phụ huynh đóng 150 Mỹ kim, còn sách là 15 Mỹ kim. Còn lại những quà thưởng cho các em, thức ăn giờ giải lao… đều do thầy cô đài thọ hết. Vì vậy, khi tôi được mời làm hội trưởng hội phụ huynh, tôi đề nghị phụ huynh đóng góp tiền cho việc này, thay vì để thầy cô phải bỏ tiền túi ra. Vì các thầy cô dạy Việt ngữ đều dấn thân vì công việc chung, tất cả đều không nhận bất cứ thù lao nào”.
Anh Trân nói: “Tôi thấy chương trình học tiếng Việt của Viện Việt Học rất hay, ngoài dạy tiếng Việt cho các cháu, các thầy cô còn cùng phối hợp với phụ huynh tổ chức những chương trình ý nghĩa, như lễ tạ ơn cha mẹ. Dịp này, chúng tôi có dạy cho các em múa và hát, chúng tôi còn mời phụ huynh, ông bà của các em đến dự, và cho các em phục vụ các món ăn cho cha mẹ, ông bà của mình”.
Anh Trân giải thích: “Khi các em học tiếng Việt, không chỉ học chữ, mà còn học văn hóa Việt, qua những bài hát, trò chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị những chương trình ngoại khóa, như kết hợp cùng Viện Việt Học soạn kịch lịch sử Hội Nghị Diên Hồng, cho các em đóng Trần Quốc Toản. Với mong muốn giới thiệu cho các em ngay từ nhỏ những anh hùng lịch sử Việt Nam, qua hình thức kịch, hoạt cảnh, bài hát, múa… để các em sẽ dễ dàng tiếp thu hơn. Nếu sợ các em không hiểu, chúng tôi sẽ lồng vào song ngữ Anh-Việt, để các em hiểu được văn hóa Việt Nam mà tự hào. Chúng tôi nghĩ, mình cứ tải những thông tin này cho các em, đến một lúc, khi khôn lớn các em sẽ tìm hiểu thêm, khi đó các em tiếp thu được nhiều hơn. Còn nếu chúng ta đợi các em khôn lớn mới nói, các em sẽ không nghe đâu. Lúc ấy, các em sẽ chỉ biết Washington hay Lincoln hơn là Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Toản…”.


Các em học tiếng Việt tại trung tâm Minh Đức trong giờ sinh hoạt ngoại khóa
sau giờ học hằng tuần - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Giáo viên tự nguyện
Hầu hết các giảng viên dạy tại các trung tâm, các lớp Việt ngữ đều là những người tự nguyện, hy sinh thời gian nghỉ ngơi của mình. Họ không nhận bất cứ khoản thù lao nào, mà còn tốn tiền đổ xăng để đến dạy tại trung tâm vào những ngày cuối tuần. Họ còn bỏ tiền riêng ra mua thêm kẹo, bánh, những phần thưởng để khuyến khích các em học giỏi trong lớp sau mỗi tháng, để “dỗ dành” các em đừng nghỉ học…
Những tấm lòng vì “mầm non” Việt Nam tại hải ngoại đã bền bĩ như thế suốt bao năm qua. Nhiều thầy cô có “thâm niên” dạy 20 năm, hoặc 30 năm tại các trung tâm, mà vẫn không từ nan bất kỳ khó nhọc nào.
Nhà văn Quyên Di, giáo sư thỉnh giảng khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Đông Nam Á tại đại học University of California Los Angeles (UCLA) và đại học California State University Long Beach (CSULB), cho biết: “Giáo viên dạy tiếng Việt tại các trung tâm này đa phần là các cựu giáo chức, từng dạy học tại Việt Nam, có trình độ sư phạm vững vàng, và một số phụ huynh có khả năng dạy học, khi đưa con đến học tiếng Việt, đã xin tình nguyện làm giáo viên cho trường luôn”.
Ông nói tiếp: “Thêm vào đó, có thêm hai thành phần mới: những sinh viên mới ra trường hoặc còn đang đi học, đã tình nguyện làm thầy cô giáo dạy tiếng Việt. Có những hội sinh viên Việt Nam phụ trách việc giảng dạy cho cả một trung tâm Việt ngữ. Thí dụ, các bạn sinh viên thuộc hội VNLC (Vietnamese Language and Culture) của đại học UCLA phụ trách dạy Việt ngữ cho trung tâm Việt ngữ Hùng Vương.
“Những cựu học sinh của các trường Việt ngữ trở lại làm phụ giáo, rồi sau đó trở thành giáo viên chính, dạy tiếng Việt cho các thế hệ đàn em. Đây cũng là cách để những giáo viên trẻ này ôn lại tiếng Việt thêm vững vàng hơn”.
Ông Quyên Di nhận xét: “Ngoài tấm lòng yêu tiếng Việt, và muốn truyền dạy ngôn ngữ văn hóa Việt đến cho các em, các thành phần giáo viên tại những trung tâm Việt ngữ đều có những ưu điểm và khuyết điểm.
“Các giáo viên vốn là giáo viên ở Việt Nam và các phụ huynh thiện chí đều rất thông thạo tiếng Việt. Tuy nhiên, những vị này có thể gặp trở ngại trong giảng dạy, do khả năng Anh ngữ giới hạn và phương pháp giảng dạy đã cũ, không thích hợp với trẻ em hiện đang học trường Mỹ.
“Các giáo viên trẻ mới tham gia việc giảng dạy, rất thông thạo Anh ngữ, nên không gặp trở ngại trong việc truyền đạt đối với học sinh, nhưng kiến thức và vốn tiếng Việt lại có giới hạn”.
Nhà văn Quyên Di cũng cho biết thêm, chính vì những giới hạn về kiến thức và khả năng giảng dạy của các giáo viên, mà một vài tổ chức giáo dục của cộng đồng thường tổ chức hằng năm những khóa huấn luyện và tu nghiệp giáo chức giảng dạy Việt ngữ, mà Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California là một điển hình.
Khoảng đầu tháng 8 hằng năm, tổ chức này mở khóa Huấn Luyện Và Tu Nghiệp Sư Phạm, số học viên tham dự có năm lên đến trên 300 người, thuộc mọi tiểu bang có đông người Việt tụ tập về. Bản thân nhà văn Quyên Di, ngoài việc giúp giảng dạy trong những khóa huấn luyện và tu nghiệp này, ông còn đi không dưới 12 chuyến trong mỗi năm, đến những tiểu bang khác để giúp các khóa tương tự. - (BH

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT