Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Dấu vết Tiên - Rồng trong thế kỷ 21

Anvi Hoàng/Viễn Đông Friday, 27/01/2012 - 07:50:23

Nhìn quanh nhìn quất, dấu tích con rồng cháu tiên khi ẩn khi hiện; tìm xa e rằng khó thấy, chi bằng tìm gần xem sao – nhìn vào những điều rất gần gũi, đời thường.




Nhà soạn nhạc P. Q. Phan (Phan Quang Phục) – ảnh: Indiana University

LTS: Trong Giai Phẩm Xuân Viễn Đông Nhâm Thìn 2012, tác giả Anvi Hoàng đã viết về vở opera “Câu chuyện Thị Kính” của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục), cũng là phu quân của bà. Đây có thể nói là vở opera hoàn chỉnh đầu tiên của một nhà soạn nhạc gốc Việt, được nhạc viện Jacobs School of Music thuộc đại học Indiana University -Bloomington, nơi Giáo Sư Tiến Sĩ P.Q. Phan đang giảng dạy, đặt ông viết. Vở diễn được dự trù cho ra mắt vào mùa Xuân 2014, hiện nay đang trong giai đoạn diễn tập, dàn dựng. Vì tính cách độc đáo của vở opera “Câu chuyện Thị Kính”, nhật báo Viễn Đông đã mời bà Anvi Hoàng tiếp tục viết một loạt bài nữa, để quý độc giả có dịp tìm hiểu thêm về hình thức nhạc kịch opera, chèo, cũng như những nét đẹp văn hóa Việt Nam được thể hiện qua nghệ thuật. Sau đây là bài đầu tiên trong loạt bài này, mang tính tản mạn ngày đầu Xuân, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.


Dấu vết Tiên - Rồng trong thế kỷ 21

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Lịch sử, văn hóa Việt Nam đã hơn 4000 năm. Ảnh hưởng nước ngoài thì nhiều không kể xiết. Thay đổi qua thời gian cũng vậy. Nhìn quanh nhìn quất, dấu tích con rồng cháu tiên khi ẩn khi hiện; tìm xa e rằng khó thấy, chi bằng tìm gần xem sao – nhìn vào những điều rất gần gũi, đời thường.

“Tiên” ẩn mình

Ở Mỹ có tục mang họ của chồng sau khi kết hôn. Những phụ nữ đổi sang mang họ của chồng cũng chỉ làm như vậy vì đó là truyền thống và họ làm theo, chứ không suy nghĩ gì nhiều. Luật pháp Mỹ không có chỗ nào nói đó là điều bắt buộc. Truyền thống này vẫn còn đó. Nhưng ngày nay, có nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người đã thành đạt khi còn độc thân, nghĩ rằng việc từ bỏ họ của mình và mang họ mới là từ bỏ một phần tính cách và đặc tính con người mình, là công nhận mình bây giờ thuộc về người chồng. Vì suy nghĩ này mà họ không đổi họ sau khi lấy chồng. Theo tin báo USA Today đưa ngày 11-8-2009, 70% người Mỹ cho rằng sẽ tốt hơn cho người vợ nếu sau khi kết hôn, họ đổi sang mang họ của chồng. Trong lúc đó, 29% thì cho rằng người vợ nên giữ nguyên họ cũ. Việc giữ nguyên họ cũ là một truyền thống mới.
Nếu so sánh với người Mỹ trong trường hợp này, chẳng phải người Việt Nam đã hiện đại từ thuở nào rồi hay sao. Người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ họ của mình sau khi lập gia đình. Họ làm như vậy cũng chỉ vì đây là truyền thống mà họ theo, chứ chẳng ai suy nghĩ gì nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, tên họ là một phần của tính cách và bản sắc con người. Nếu suy nghĩ kỹ, về mặt xã hội, người đàn bà Việt Nam hẳn phải cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn khi không phải đổi họ sau khi lấy chồng như đàn bà phương Tây.
Trong khi ở Mỹ đến những năm 50 phong trào đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ mới phát triển mạnh, ở Việt Nam truyền thống lâu đời về việc giữ nguyên tên họ đàn bà phải chăng là một dòng chảy ngầm của máu “tiên” đã được lưu giữ qua thời gian? Thế mới nói thấy xa không bằng nhìn gần! Các bà các cô từ nay khi theo truyền thống này thì hãy nhớ tới ý nghĩa xã hội của nó với dòng máu “tiên” của mình để mà tận dụng và vươn lên nhé. Hy vọng là sẽ có thêm nhiều “tiên” của Việt Nam cất cánh bay lên.

“Rồng” trong dân
Người Việt Nam ai mà không biết chuyện Quan Âm Thị Kính. Có thể nói vở chèo Quan Âm Thị Kính là tài sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam: Quan Âm Thị Kính vừa rặt tính Việt Nam, vừa là tác phẩm do người dân quê Việt Nam góp phần sáng tác, vừa là tiếng nói thể hiện ước mơ và tâm tình của người Việt Nam qua bao đời.

Lịch sử “vui” của chèo
Giáo Sư (GS) kiêm nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Anh kể, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng “hát chèo” được nói trại ra từ “hát trào phúng”. Bỏ “phúng” đi thì còn “hát trào”. Ở miền Bắc, phát âm “hát trào” sẽ thành “hát chào”. Lâu dần trại ra thành “hát chèo”. Có thể có nhiều người tin rằng chèo bắt đầu hình thành từ thế kỷ thứ 10 là vì đó là thời kỳ Lý Công Uẩn muốn chấn hưng Việt Nam về nhiều mặt và phát triển chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. Việc kể lại lịch sử chèo cho nó bắt nguồn từ thế kỷ 10 là điều dễ hiểu và chấp nhận được. Có điều chắc chắn là chèo đã có trước hát bội.
Tuy nhiên không nên nhầm lẫn hát chèo/trào phúng này với một loại hát chèo mà đã tồn tại ở Việt Nam từ trước công nguyên. Loại chèo này gần với hát chầu văn và được dùng trong tang lễ, đúng ra là sau tang lễ, để gọi hồn người chết hoặc vinh danh người đã chết. Có thể tìm thấy hình khắc chạm của nghi lễ hát chèo này trên trống đồng Đông Sơn (2).
Cho dù là thế kỷ thứ 10 hoặc mười mấy, đối với người Việt Nam vở chèo Quan Âm Thị Kính cũng đã trải qua cả ngàn năm gần gũi, thân thuộc và được yêu thích. Chỉ có “rồng” hoặc “tiên” mới sống lâu đến thế!

Ngôn ngữ bình dân sắc sảo trong Quan Âm Thị Kính
Đọc Quan Âm Thị Kính, người ta không khỏi khâm phục những điều đặc sắc và tinh tế trong ngôn ngữ của vở chèo. Ngôn ngữ sâu sắc đó rải rác khắp trong tác phẩm. Hãy nghe Mãng Ông “khoe của” khi ông xuất hiện lần đầu:
Nhà tôi giàu dẩu dàu dàu
Xém mười trâu đầy một chục.
Lợn thì nhung nhúc
Kém mười chục đầy một trăm.
Gà chạy lăng xăng
Kém mười lăm con đầy chục rưỡi.

Trong túi rỗng tuếch, thế mà Mãng Ông lại có thể “nói không thành có” một cách dí dỏm và thông minh đến như vậy.


Thị Mầu sắp tán tỉnh Tiểu Kính Tâm – ảnh: IU Jacobs School of Music

Không những dí dỏm, ngôn ngữ của Quan Âm Thị Kính còn rất tinh tế. GS. P.Q. Phan cho rằng ngôn ngữ của Quan Âm Thị Kính vô cùng thông minh, lại hay chơi chữ mang nghĩa đôi. Một ví dụ anh rất thích là lúc Thiện Sĩ sang nhà Mãng Ông cầu hôn, chàng thư sinh nói với Mãng Ông: “Vậy con đến để trần duyên sự. / Văn thanh nhà cụ sinh nàng thục nữ, / Vậy con xin bán tử hầu người”. Mãng Ông nghe thế liền bảo: “Anh trần duyên sự chi mà lạ vậy? Tôi bằng này tuổi còn thiếu gì cái chết mà anh lại sang bán tử, sang bán cái chết cho tôi à?”.
Ý Thiện Sĩ muốn “bán tử” là sang làm con rể Mãng Ông, trong khi Mãng Ông thì cố tình chế giễu học trò như Thiện Sĩ muốn khoe chữ: “tử” là “con”, “tử” cũng là “chết” - xem ai hơn ai! Ngoài ra, đoạn Mãng Ông trả lời lại dùng văn xuôi thay vì là thơ, không thống nhất với thể loại văn của toàn bộ câu chuyện, cho thấy đây là phần được người dân quê thêm vào để gây cười. Nếu là do nhà nho viết thì đã không bỡn Thiện Sĩ như thế (2).
Vậy là dựa vào những phần được xem là thêm vào trong Quan Âm Thị Kính nhằm mục đích giải trí cho người dân quê, một phần tính lôi cuốn trong Quan Âm Thị Kính là dựa vào chất hài phát ra qua ngôn ngữ bình dân gắn chặt với đời sống bình thường của người nông dân Việt Nam. Có thể nói tác giả dân quê của Quan Âm Thị Kính có tài dựa vào đất “rồng” mà biến – ngôn ngữ càng gần đất thì càng bám rễ chặt vào lòng dân. Vậy nên Quan Âm Thị Kính có sức phổ biến và tồn tại lâu đời cho đến ngày nay.


Thị Kính lên niết bàn – ảnh: IU Jacobs School of Music

Âm nhạc đa dạng trong Quan Âm Thị Kính

Lại nói chuyện chèo vốn là một nghệ thuật sân khấu xuất phát từ nơi đồng ruộng và phải hợp thị hiếu khán giả của nó. Theo nhà viết kịch kiêm nhà nghiên cứu Vũ Khắc Khoan, “đa số khán giả nông dân muốn nghe và xem kể lại một câu chuyện cũ”, vậy cho nên chèo mang đặc tính tự sự. Theo nghiên cứu của ông, “đặc tính tự sự ảnh hưởng lớn đến […] nghệ thuật biểu diễn của người diễn viên chèo”. Theo đó, “lời nói nhiều khi không còn là lời nói thường để trở thành hoặc nói lối hoặc sử hoặc ca” (1). Nghĩa là vấn đề ca hát trong Quan Âm Thị Kính thay đổi rất đa dạng.
Theo đánh giá chuyên môn của mình, GS. P.Q. Phan cũng cho rằng âm nhạc trong vở Quan Âm Thị Kính là tinh vi nhất trong các vở chèo Việt Nam. Sự phối hợp các loại thể (hát, sử, nói, v.v.) và điệu (loại xuân mang điệu vui, loại nam mang điệu buồn) trong Quan Âm Thị Kính rất phức tạp - từ đó ta có hát cách, hát sắp, sử rầu, sử xuân, nói thường, nói lối, nói đếm, v.v.. Trong lúc đó, opera phương Tây chỉ có hoặc là 3 loại hát (aria - hát giai điệu hay, dễ nhớ; arioso - hát thường, giai điệu hay nhưng không có gì đặc biệt; recitative - hát nói), hoặc là nói (2).
Vậy cho nên âm nhạc đa dạng là một đặc tính văn hóa quý giá của Quan Âm Thị Kính và là thể hiện truyền thống văn hóa cao và lâu đời của Việt Nam. Đến ngày nay, dùng tiêu chuẩn phương Tây đánh giá thì âm nhạc trong hát chèo vẫn được xem là loại hình âm nhạc mang tính văn hóa cao. Truyền thống này chẳng phải là một biểu hiện của nguồn gốc “rồng” là gì!

Nhân vật mang tính tượng trưng cao trong Quan Âm Thị Kính
Cũng trong các vở chèo, rất nhiều khi, sự hiện diện của các nhân vật chỉ là để phê phán và chế giễu những lễ giáo giả dối trong xã hội. Vì vậy trong Quan Âm Thị Kính nhiều nhân vật xuất hiện ngắn, nhưng gây ấn tượng trong lòng người xem rất sâu đậm.
Ví dụ, Cụ Đồ đúng ra là nhân vật có học nhất trong làng. Việc của ông là chỉ bảo cho mọi người nên làm gì và không nên làm gì. Thế mà ông lại điếc. Không nghe được người khác nói gì thì biết đường nào mà bảo. Ông Thầy Bói có tài nhìn “thấy” được tương lai, thế mà lại mù. “Thấy xa” thì được nhưng nhìn gần thì chẳng thấy gì. Cụ Hương là người nhân đức, nhưng lại câm. Không nói được thì làm sao mà giúp người được! Trong phiên xử Thị Mầu chửa hoang, ba ông này chỉ toàn tranh cãi xem ai chức cao hơn ai, rồi giành ăn, chứ chả quan tâm gì đến công lý cho người dân gì cả (2).
Hình ảnh tương phản giữa tính cách và địa vị xã hội của những nhân vật này thật là nực cười. Và cái cười ở đây là do cố tình tạo ra. Bởi vì theo nhà nghiên cứu Vũ Khắc Khoan, hài hước là một đặc tính khác của chèo. Ông nhận xét rằng trong đa số trường hợp cái cười trở nên dí dỏm, đôi khi ác liệt với mục đích chế giễu những thói rởm, những tật xấu, những kẻ đạo đức giả. Do vậy, chèo phản ảnh rõ rệt mặt phải và mặt trái của xã hội nông thôn (1).
Cũng trong dòng suy nghĩ này, GS. P.Q. Phan nhận định rằng: “Chỉ có ở Quan Âm Thị Kính mới có nhiều đoạn hài hước như vậy, mà lại là chế giễu các nhân vật được xem là trụ cột trong xã hội. Nếu cắt bỏ tất cả các phần được xem là có thể đã được nông dân thêm vào, thì câu chuyện còn lại mang tính tôn giáo. Phần gốc này là loại bản văn nghiêm túc, trong khi những phần thêm vào lại mang tính dân gian là chính” (2).
Do đó, có thể nói rằng, là một tác phẩm của dân quê, Quan Âm Thị Kính tập hợp những tiếng nói phản ảnh thực tế xã hội: người dân quê đã tự đưa vào vở chèo những nhân vật mang tính cách tương phản thật đặc sắc như ba cụ ở trên, một mặt là để cười-phê phán xã hội, một mặt để kể-tâm tình. Còn dưới góc độ nghiên cứu văn hóa và xã hội, Thị Kính đại diện cho lối sống đứng đắn, mẫu mực, vị tha; vợ Mõ là tiếng nói của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội nhưng thông minh, đáo để; Thị Mầu là tiếng nói muốn phá vỡ sự kiềm chế của lễ giáo để đòi được tự do yêu đương. Cho dù là đàn ông hay đàn bà, tiếng nói của những người dân thường thấp cổ bé họng đều là tiếng nói tâm tình từ lòng dân.

Kết luận
Ở thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu Mỹ nghe chuyện Quan Âm Thị Kính thì há hốc mồm kinh ngạc: thế kỷ thứ mười mấy mà trong văn học Việt Nam có một nhân vật nữ chính được ca ngợi thế ư, và lại diễn tả các mối quan hệ xã hội phức tạp như thế à!
Câu chuyện Quan Âm Thị Kính được xem là chuyện của Đại Hàn, rồi được Việt hóa. Tuy nhiên, có lẽ người mình đặt bối cảnh câu chuyện ở Đại Hàn là để dễ bề chỉ trích thói xấu trong xã hội mình chăng? Chỉ biết chắc chắn một điều rằng Quan Âm Thị Kính là một tác phẩm dân gian mang tính lịch sử, văn hóa, xã hội cao. Lại được lưu truyền qua hơn ngàn năm đến tận bây giờ. Giá trị của Quan Âm Thị Kính vẫn còn nguyên, vẫn được người ở nước ngoài “sợ”. Không phải dân góp vào thì sao được như thế. Đó chẳng phải là máu “rồng” tiềm ẩn trong dân là gì!

Ghi chú:
(1) Vô danh thị. Vũ Khắc Khoan giới thiệu. Vở chèo Quan Âm Thị Kính. Đào Tấn: Hà Nội, 1966.
(2) Anvi Hoàng. Phỏng vấn với GS. P.Q. Phan. 10-09-2011.


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT