Bình Luận

Dấu tay của Đại Úy Mike Pompeo

Friday, 03/01/2020 - 07:19:10

Hôm nay, trước khi vào bài, xin độc giả cho phép tôi giải thích hai chữ 'dấu tay' và 'đại úy' tôi viết trên cái tựa của bài báo này


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm nay, trước khi vào bài, xin độc giả cho phép tôi giải thích hai chữ 'dấu tay' và 'đại úy' tôi viết trên cái tựa của bài báo này, viết qua cái nghĩa bông đùa của loại bài 'bình luận thời sự'; 'đại úy' là cấp bực chót của ông lính thiết giáp Mike Pompeo, và 'dấu tay' là nghề tay trái của ông ta: nghề 'trùm Xịa'.
Hai cái nghề đó, mặc dù là nghề cũ, nhưng đã trở thành 'bản chất' của Mike Pompeo; tôi đinh ninh tin như vậy, vì những thứ 'chuyên môn' lỉnh kỉnh mình học đầu đời thường đeo theo mình cho đến ngày mình lìa đời.


Đại Úy Thiết Kỵ Mike Pompeo

Vì cái méo mó binh nghiệp đó, nên ngay ngày đầu tiên của năm 2020, sau khi đọc tin Ngoại Trưởng Pompeo tạm gác chuyến công du sang Ukraine để giải quyết những khó khăn vừa đột ngột xảy ra tại Baghdad, với cuộc biểu tình đốt tòa đại sứ Mỹ tại đó, tôi đã thấy đó là chuyện lạ.
Tôi để ý, rồi theo dõi tin tức xem ông ta đi đâu và đi làm gì, vì còn việc nào quan trọng hơn, gấp gáp hơn việc đi Ukraine, lo giải quyết việc truất phế tổng thống.
Đặc điểm của cuộc biểu tình tại Baghdad là sự tham dự của rất đông Chí Nguyện Quân -những người lính du kích do Iran tổ chức ra- họ mặc thứ quân phục không nhất thiết là đồng phục; nhưng họ rất lợi hại trong chiến tranh, có thể lợi hại hơn cả lính chính quy Iran.

Xem video thời sự trên truyền hình, người để ý vẫn thấy những người lính Iran tham dự biểu tình, không 'ngụy trang' bằng cách mặc thường phục, và hành động theo mệnh lệnh của người chỉ huy họ, những người đó cũng có mặt tham dự biểu tình.
Nói cách khác Chí Nguyện Quân Iran giả danh nhân dân Iraq, sử dụng quyền biểu tình của công dân Iraq để đòi 'Yankees Go Home', như 50 năm trước Việt Cộng đã hóa trang thành sinh viên Saigon, mang cái biểu ngữ 'Yankees Go Home', đuổi lính Mỹ về nước, để mặc chúng ở lại chiến trường nuốt sống Nam Việt.
Tối hôm sau mùng 2 tháng Giêng, 2020, truyền thông quốc tế loan tin, tướng Iran Qassim Suleimani bị drone Mỹ bắn chết, vài phút sau khi xuống máy bay tại sân bay Baghdad, và dùng xe di chuyển đến một địa chỉ nào đó.
Vừa ra khỏi sân bay, đoàn xe bị một chiếc drone MQ-9 Reaper của không quân Mỹ bắn, ít nhất hai chiếc xe bị bùng nổ, giết toàn bộ những người ngồi trong xe.


Chiếc drone MQ-9 Reaper của không quân Mỹ


Đám cháy đánh dấu cái chết của Tướng Suleimani Qassim Suleimani


Tướng Suleimani Qassim Suleimani

Truyền thông dùng chữ Major General -thiếu tướng- để chỉ định cấp bực của ông Suleimani, có thể không chính xác, vì vai trò của ông rất quan trọng: ông phụ trách hoạt động của toàn thể đơn vị Chí Nguyện Quân hoạt động trên mọi chiến trường ngoại vi Iran.
Chuyến du hành của ông qua Iraq bị chỉ trích là quá ỷ lại; ông tưởng là, vì những người lính Chí Nguyện Quân dưới quyền ông có thể tự do đốt tòa đại sứ Mỹ mà không phải nhận chịu bất cứ một hình thức trừng phạt nào, thì ông -vị tướng chỉ huy trưởng của mọi đơn vị Chí Nguyện- cũng có thể an toàn sử dụng máy bay đến Baghdad, để thị sát chiến trường Iraq.
Tôi tin là ngoại trưởng Pomeo đứng đằng sau cuộc tấn công giết ông Suleimani; dù Pomeo đến Iraq, hoặc không cần rời khỏi văn phòng ông tại Hoa Thịnh Đốn. Cuộc tấn công đó là một phối hợp tinh vi giữa tin tình báo, và đơn vị drone của Mỹ đặt trên lãnh thổ của Iraq.

Suleimani rời phi đạo Iran vào lúc mấy giờ, sử dụng chiếc máy bay nào, mang số mấy, đáp xuống phi trường Baghdad vào lúc mấy giờ; đoàn xe chờ đón Suleimani gồm mấy chiếc, số xe. Đoàn xe rời phi trường vào lúc mấy giờ, chiếc drone nghênh đón khách chờ tướng Suleimani tại khúc đường nào; anh phi công ngồi dưới đất nhấn nút bắn hỏa tiễn và thời điểm nào.
Tất cả những chi tiết tỉ mỉ đó không một đơn vị quân sự nào nắm vững và đầy đủ đến từng chi tiết nhỏ nhất -trừ Ngoại Trưởng Mike Pomeo.
Ngoài ông ra, không một nhân vật nào khác -kể cả Tổng Thống Trump- tổng tư lệnh quân đội- có khả năng thực hiện cuộc 'hành quân' phức tạp đó.


Từ tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad, đến địa điểm drone giết Suleimani chỉ trên 3 dặm đường.

Ký giả Michael Crowley viết, “Chuẩn thuận cho phép giết tướng Suleimani, là thái độ chấp nhận leo thang chiến tranh với Iran. Iran có thể để các đơn vị Chí Nguyện quân của họ tấn công các đơn vị Mỹ đang tác chiến ở ngoại biên; họ cũng có thể tấn công các quốc gia đồng minh với Mỹ -như Do Thái chẳng hạn.”
Tờ The New York Times nhận xét, “Hai vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump - George W. Bush và Barack Obama đã không làm những điều Trump làm -giết tướng lãnh cao cấp của Iran, dù có phải trả bằng cái giá leo thang chiến tranh.”
Nghị Sĩ Christopher Murphy viết trên Twitter, “Đành là Soleimani là kẻ đã tạo ra nhiều khó khăn cho Mỹ, nhưng hạ sát hắn ta mà không thảo luận với Quốc Hội, thì quả là Trump đã coi thường Quốc Hội. Ông ta có thể gây ra một cuộc chiến tranh giới hạn."
Ngoại Trưởng Iran, ông Javad Zarif lên án việc Mỹ giết Soleimani là hành động 'khủng bố quốc tế (international terrorism) nguy hiểm, đang đưa thế giới đến một tình hình 'leo thang chiến tranh' không tránh được.

Tuy nhiên, việc Iran đốt tòa đại sứ Mỹ trên lãnh thổ Iraq -quốc gia đang đồng minh với Mỹ- việc họ đưa lính Chí Nguyện vào biểu tình trên lãnh thổ Iraq, và việc Iran, Iraq mưu cầu hòa bình xé lẻ trong lúc Iraq vẫn đồng minh với Mỹ, vẫn nhận viện trợ Mỹ, quả là việc Mỹ không chấp nhận được.
Việc Pompeo giết Soleimani là đúng và cần thiết để giữ cho tình hình Iraq 'đóng băng' không thay đổi nữa, trong lúc ông ta còn bận đi xứ sang Ukraine tìm cách giúp tổng thống trong vụ án truất phế.
Sau đó ông mới rảnh tay, để đối phó với Iran. Pompeo là người gốc Ý; ông nội ông ta di dân sang Mỹ đầu thế kỷ thứ 19. Tôi đang tìm xem anh đại úy này học chiến thuật 'thần tốc tấn công' của tướng Đức Johannes Erwin Eugen Rommel bằng cách nào.


Rommel cũng là một tướng Kỵ Binh như đại tá Hà Mai Việt, và ông Việt cũng thích viết sách như Rommel, trong lúc Đại Úy Pompeo lại thích 'gỡ mối tơ lòng' cho Tổng Thống Tờ Rum Trump.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT