Sức Khỏe

Đau tai khi đi máy bay

Friday, 22/11/2019 - 07:13:43

Những ngày mùa nghỉ sắp tới sẽ là mùa du lịch bận rộn nhất trong năm.

 

Những ngày mùa nghỉ sắp tới sẽ là mùa du lịch bận rộn nhất trong năm. Mà bây giờ, khi nói tới du lịch là nói tới chuyện đi máy bay vì đây là phương tiện di chuyển đường xa tiện dụng và thông thường nhất.
Tưởng tượng sau những thủ tục check in rất dài và phiền toái, bạn thở phào ngồi thoải mái trong lòng ghế. Nhưng khi máy bay cất cánh bay lên cao, bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu, ù và đau trong tai. Âm thanh chung quanh bỗng trở nên mờ mịt không rõ. Bạn đang bị chứng “tai máy bay” hay nói rõ hơn “đau tai khi đi máy bay”.

Triệu chứng

Chứng đau tai khi đi máy bay có thể xẩy ra ở một hay cả hai tai. Triệu chứng gồm có:
-Cảm giác khó chịu hay đau trong tai
-Tai cảm thấy nghẹt hay đầy
-Nghe kém đi
-Ù tai
-Chảy máu trong tai
-Chóng mặt

Nếu bị nặng hay kéo dài, bạn có thể bị thêm những triệu chứng sau:
-Đau tai dữ dội
-Thấy nghẹt trong tai giống như khi lặn xuống nước
-Thính lực bị giảm nhiều hay mất hẳn

Nguyên nhân

Phần tai giữa và tai ngoài của chúng ta ngăn cách bằng màng nhĩ (do đó, khi đi bơi ta không bị nước tràn vào tai trong). Nơi tai giữa có một ống gọi là eustachian tube. Ống này thông với mũi và miệng. Khi ta ngáp hay nuốt, ống này mở ra khiến không khí từ mũi và miệng vào tai giữa. Do đó, áp xuất không khí của tai giữa và tai ngoài bằng nhau và bạn không cảm thấy tai bị nghẹt hay gì cả. Tuy nhiên, khi máy bay cất cánh hay đáp xuống, có sự khác biệt giữa áp suất không khí của tai ngoài và tai giữa khiến màng nhĩ bị phồng lên hay kéo giật về sau khiến bạn bị đau tai và có những triệu chứng đã kể.
Cũng vậy, khi ống eustachian bị nghẹt, áp suất không khí của tai ngoài và tai giữa sẽ bị chênh lệch, bạn cảm thấy tai bị nghẹt. Màng nhĩ không rung động được nên âm thanh nghe không rõ và bệnh nhân cảm thấy đau tai vì màng nhĩ bị giãn ra.

Khi nào bị tai máy bay

1. Khi bị cảm, vì ống eustachian sẽ bị nghẹt do màng nhầy trong mũi và miệng sưng lên. Trẻ em dễ bị hơn người lớn vì ống eustachian của các em nhỏ hơn người lớn.
2. Khi bị viêm xoang hay bị dị ứng mũi, cùng nguyên tắc như trên.
3. Thợ lặn, người leo núi hay người trượt nước dễ bị tai nạn do thay đổi áp xuất này
4. Bị đánh mạnh vào tai hay rơi vào nước với tốc độ nhanh cũng sẽ bị “tai máy bay”.

Biến chứng

1. Màng nhĩ bị thủng
2. Nhiễm trùng tai
3. Mất thính lực
Tuy nhiên, bệnh này thường không nặng lắm và có thể tự chữa. Thính lực sẽ được phục hồi. Nếu bạn bị nặng và đau kéo dài, nên đi gặp bác sĩ.

Ngăn ngừa

1. Không đi máy bay khi đang bị cảm, nghẹt mũi hay nhiễm trùng tai
2. Dùng thuốc chống nghẹt mũi (mua tự do) xịt: khi bắt đầu cài dây nịt an toàn, xịt 4 cái vào một bên mũi trong khi bịt lỗ mũi bên kia. Trong lúc đó nên nhai kẹo cao su và nuốt nước miếng, bạn sẽ không cảm thấy vị đắng của thuốc xịt và làm cho thuốc gần ống eustachian hơn.
3. Tránh uống thuốc nghẹt mũi viên: các ông trên 50 tuổi khi uống thuốc nghẹt mũi có chứa chất pseudoephedrine có thể bị sưng tuyến tiền liệt bất thình lình, cần vào bệnh viện.
4. Uống thuốc chống dị ứng trước khi lên máy bay nếu bạn bị dị ứng.
5. Ngậm kẹo hay nhai kẹo cao su trong khi bay để nuốt nhiều. Ngáp cũng làm các bắp thịt co thắt khiến ống eustachian mở
6. Làm thông tai trong khi máy bay lên hay xuống: bằng cách thổi nhẹ trong khi bịt mũi và đóng miệng. Làm nhiều lần để quân bình áp suất của tai giữa và tai ngoài
7. Đừng ngủ trong khi máy bay đáp xuống: bạn cần nuốt nhiều lần trong lúc này để tai được thông.
8. Trẻ nhỏ: cho uống nước trong khi máy bay lên xuống để giúp các em nuốt nhiều. Cho uống Tylenol 30 phút trước khi máy bay cất cánh để giảm đau. Không dùng thuốc nghẹt mũi cho các em.
9. Cần hỏi bác sĩ trước khi bay nếu bạn mới bị mổ tai.
10. Dùng nút tai loại filtered để làm cân bằng áp suất từ từ. Có thể mua tại các nơi chữa bệnh tai hay ở phi trường.
11. Uống nhiều nước trước khi bay để tránh bị thiếu nước. Không nên uống cà phê hay rượu vì những thứ này làm co thắt các mạch máu khiến càng dễ bị vỡ các mạch máu nhỏ.

Tự chữa

Nếu bị nghẹt tai trong khi bay, bạn nên thử làm thông tai bằng cách hít vô rồi từ từ thở ra trong lúc bịt mũi và đóng miệng lại. Làm nhiều lần cho tới khi thấy dễ chịu. Nếu tai vẫn bị nghẹt nhiều giờ sau khi xuống máy bay, nên đi gặp bác sĩ.

 

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT