Mẹo Vặt

Đau đến mức nào?

Thursday, 13/10/2016 - 10:20:11

Cám ơn bạn đã tín nhiệm. Nghe bạn nói “cô Hằng chuyện gì cũng biết” làm em rất mắc cở. Thực ra, Hằng chỉ biết ba cái mẹo vặt, chứ chuyện lớn lại chẳng hiểu gì đâu. Để xem kho mẹo vặt có giúp gì cho bạn trong vấn đề này không nhé.

Bài VŨ HẰNG

Đề tài hôm nay là do độc giả gợi ý, như trong lá thư sau:

“Thưa cô Hằng, tôi có một vấn đề, nhỏ thôi nhưng tôi cứ thắc mắc mãi. Lẽ ra thì phải hỏi bác sĩ, nhưng nghĩ nó chẳng đáng gì, nói ra sợ mắc cở nên xin hỏi cô Hằng: Mấy hôm trước dẫn cháu bé vào nhà thương, khi họ hỏi cháu bị đau số mấy tôi chẳng biết phải nói làm sao, nên không trả lời mà nói sang chuyện khác. Sau này gặp mấy người bạn già, họ cũng nói như vậy. Thấy cô Hằng chuyện gì cũng biết, nên xin hỏi câu đó phải trả lời làm sao? Có gì quan trọng không mà sao cứ nghe mấy bác sĩ Mỹ hỏi hoài? Những cái lặt vặt này không biết hỏi ai, đành hỏi cô. Nếu có bắt cô làm bác sĩ bất đắc dĩ thì xin cô thông cảm.”

Bệnh nhân: “Số 1 tới số 10? Trả lời sao ta?”



Cám ơn bạn đã tín nhiệm. Nghe bạn nói “cô Hằng chuyện gì cũng biết” làm em rất mắc cở. Thực ra, Hằng chỉ biết ba cái mẹo vặt, chứ chuyện lớn lại chẳng hiểu gì đâu. Để xem kho mẹo vặt có giúp gì cho bạn trong vấn đề này không nhé.

Câu hỏi trên thường được nhắc tới trong phòng khám bệnh, khiến khá nhiều người trong chúng ta lúng túng. Vấn đề không phải là câu hỏi bằng tiếng Việt hay tiếng Mỹ, nhưng nằm ở chỗ chúng ta phải mô tả như thế nào cho sát với cảm giác của mình, nên ngay cả người Mỹ chứ chẳng phải riêng gì người Việt mới cảm thấy lọng ngọng. Vậy chúng ta thử xem các vị thầy thuốc khi đặt câu hỏi này thì họ chờ đợi cái gì?

Khi nghe bệnh nhân kêu đau, thầy thuốc cần biết nhiều chi tiết trước khi có thể điều trị. Vì thế, câu hỏi đầu tiên sẽ là: “Bạn đau ở mức số mấy từ 0 tới 10?”

Đa số bác sĩ chỉ nói vắn tắt như vậy, nhưng câu đó phải được diễn nghĩa như thế này: “Nếu đánh số từ 0 tới 10, trong đó 0 là không đau, 1 là đau nhè nhẹ, không đáng quan tâm, đau hơn chút là 2, hơn chút nữa là 3… cho tới mức đau thấu trời, đau thấy ông bà ông vải là số 10, thì cái đau của bạn hiện nay ra sao?”



Dù có được cắt nghĩa rõ như vậy, câu hỏi vẫn khó trả lời. Là vì, đau là một cảm giác chủ quan, không dễ thể hiện qua những con số cụ thể giống như kết quả đo huyết áp. Vì thế, để giúp chúng ta hiểu rõ ràng hơn, các thầy cô lại đồng ý cắt nghĩa thêm một bậc nữa bằng cách đưa ra hình ảnh những gương mặt với cái miệng tươi cười hay méo xệch (xem hình 1). Những bức hình này được dùng đồng bộ trong các bệnh viện và các phòng khám trên thế giới, để trẻ em và ngay cả người lớn có thể chỉ vào đó khi mô tả mức đau của mình. Những bức hình đó được giải thích thêm như sau:
- Số 0: Không đau gì cả, thể hiện qua miệng cuời
- Số 1 tới số 3: Có đau và khó chịu đôi chút, nhưng vẫn còn có thể sinh hoạt gần như bình thường được.
- Số 4 tới số 6: Cơn đau làm cho bạn khó tập trung, và ảnh hưởng tới các sinh hoạt thường nhật như đọc sách, xem TV, bắt điện thoại nói chuyện…

- Số 7 tới số 9: Đau nhiều, làm cho bạn phải bỏ hoặc hạn chế các sinh hoạt thể lý, mà cũng không thể tập trung suy nghĩ, hay vào bất cứ công việc gì ngoài cơn đau.

- Số 10: Đau khủng khiếp, đau đổ hào quang, đau thấu trời, đau thấy ông bà ông vải.
Mặc dầu các bác sĩ cần biết rõ ràng và chính xác, nhưng cơn đau thì vẫn là một cảm giác chủ quan, chỉ mình bạn có thể cảm nhận được, nên bạn hãy mạnh dạn đưa ra một con số chỉ mức độ theo cảm nhận của mình. Đừng sợ rằng mình nói không đúng nên từ chối trả lời. Các bác sĩ thừa biết rằng đây chỉ là nhận định chủ quan, nhưng đang lúc các thầy cô cần có một ý niệm thì chẳng thà mình đưa ra được một con số nào đó còn hơn là nói tránh sang chuyện khác.

Để mô tả cơn đau, và để giúp thầy thuốc chẩn bệnh đúng hơn, bạn nên chuẩn bị trả lời thêm những câu hỏi này:

- Đau như thế nào? Bạn có thể nói là đau quặn, đau nhói, đau rêm rêm, hoặc đau giật giật, đau như xót, đau như kim châm, đau như bị xoắn….

- Đau ở đâu? Cần phải chỉ ra chỗ đau. Chẳng hạn, đau lưng thì phần trên, phần dưới, hay ngang eo. Đau bụng thì trên rốn hay dưới rốn, bên phải bên trái…. Cơn đau tập trung một chỗ hay lan sang chỗ khác.
- Làm gì thì đỡ hơn? Hoặc, làm gì thì đau hơn? Nếu đã phải chịu đựng cơn đau kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều giờ, bạn nên để ý đến những động tác làm cơn đau nhẹ bớt, hoặc khi làm gì thì cơn đau trở nên nặng hơn. Thí dụ: Nằm nghỉ thì đỡ đau, hít hơi sâu thì đau hơn. Còn các động tác khác như đứng lên, ngồi xuống, vung tay vung chân thì thế nào?

- Cơn đau bắt đầu khi nào? Chắc chắn bạn sẽ bị hỏi câu này. Vì thế cần phải nhớ lại xem cơ đau bắt đầu khi nào? Chẳng hạn, bắt đầu đau khi tập thể dục mấy ngày trước, khi thức dậy vào sáng nay, khi đang ăn cơm trưa, khi uống xong ly nước mía với người bạn cũ….?
*
Mặc dầu mỗi hoàn cảnh mỗi khác, nhưng đó là những điều căn bản mà thầy thuốc cần biết về cơn đau. Hy vọng những hiểu biết “mẹo vặt” này phần nào giải quyết được “chuyện lớn” lướng vướng tâm trí bạn mấy ngày qua, và sẽ giúp bạn mạnh mẽ trả lời các thầy cô nhé.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT