Thế Giới

Đạt Lai Lạt Ma hủy chuyến đi Botswana vì sức khỏe

Saturday, 12/08/2017 - 07:58:42

Trung Quốc không công nhận chính phủ lưu vong Tây Tạng, và không đàm phán với các người đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ năm 2010.



ẤN ĐỘ - Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, vừa phải hủy chuyến đi đến Botswana vì lý do sức khỏe. Trang web của Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm thứ Bảy cho biết, ngài đã viết thư cho tổng thống Botswana để bày tỏ sự tiếc nuối. Theo lịch trình, lẽ ra Đức Lạt Lai Lạt Ma sẽ đến quốc gia vùng nam phi này vào thứ Ba tới.
Chính phủ Trung Quốc, lâu nay vẫn gây áp lực buộc các nước khác không được tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã từng khuyến cáo Botswana về chuyến thăm. Thông cáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, Ngài cám ơn tổng thống và chính phủ Botswana, vì lập trường vững chắc của họ trong việc mời Ngài đến thăm quốc gia, bất chấp các áp lực mạnh mẽ nhằm ngăn cản việc này. Nam Phi, nước láng giềng của Botswana, trước đây từng từ chối không cấp visa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo thông báo của người đại diện Đức Đạt Lai Lạt Ma, từ vài tuần qua, Ngài đã cảm thấy rất mệt mỏi khi thực hiện công việc theo lịch trình. Các bác sĩ cũng khuyên Ngài không nên thực hiện các chuyến đi xa và dài ngày. Nhà lãnh đạo 82 tuổi từng có nhiều thông báo suy giảm sức khỏe tương tự trong những năm gần đây.
Bắc Kinh luôn cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn đưa Tây Tạng ly khai khỏi Trung Quốc, một điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn bác bỏ. Ngài phải rời khỏi Tây Tạng và sống lưu vong từ năm 1959, sau một cuộc nổi dậy thất bại chống lại chính sách cai trị của Bắc Kinh. Trung Quốc không công nhận chính phủ lưu vong Tây Tạng, và không đàm phán với các người đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ năm 2010.

Tây Ban Nha: Số di dân vượt biển gia tăng nhanh chóng
MADRID – Số lượng di dân tìm đường đến châu Âu thông qua bờ biển Tây Ban Nha đang gia tăng nhanh chóng, và có thể vượt qua cả số di dân nhập cư vào Hy Lạp trong năm nay. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết, 8,385 người di dân đã đến bờ biển Tây Ban Nha trong năm 2017, cao gấp đôi so với năm ngoái. Trong khi đó, Hy Lạp cho tới nay chỉ có 12,000 di dân đến bằng đường biển, giảm mạnh so với con số 160,000 người trong năm 2016.
Các chuyên gia vẫn chưa hiểu, vì sao con đường biển từ Morocco đến Tây Ban Nha lại bỗng nhiên trở thành lộ trình được nhiều di dân lựa chọn. Một trong các giả thuyết được đặt ra là vì con đường từ Lybia đến Ý, băng qua Địa Trung Hải, được cho là quá nguy hiểm vì tình hình bất ổn chính trị ở Lyia và sự gia tăng tuần tra của lực lượng châu Âu. Dù vậy, nước Ý hiện vẫn là điểm đến hàng đầu đối với các di dân muốn vào châu Âu, với 91,000 người đã đến nước này bằng thuyền trong năm nay.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt 3 người nghi là đao phủ của ISIS
ISTANBUL – Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ vừa bắt giữ 3 người đàn ông, được cho là những kẻ đã thực hiện các vụ giết người dưới danh nghĩa Nhà Nước Hồi Giáo. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bố ráp nhiều nơi tại các tỉnh ở khu vực đông nam, và bắt 3 nghi can “thuộc đội hành quyết của của ISIS.” Các chiến dịch chống khủng bố này được thực hiện, dựa theo kết quả điều tra về vụ 1 người Syria nổ súng tại tỉnh Sanliurfa vào tháng trước. Khẩu súng dùng trong vụ tấn công đã được tìm thấy trên người 1 trong 3 nghi can.
Các nghi can đã sử dụng tính năng trò chuyện của một trò chơi trên điện thoại, để liên lạc với các thành viên ISIS. Theo lời cảnh sát, các nghi can đang định thực hiện các vụ tấn công nhắm vào những người thuộc các lực lượng chống ISIS.

Người đàn ông già nhất thế giới qua đời
JERUSALEM – Ông Israel Kristal - người đàn ông cao tuổi nhất thế giới, đã chứng kiến hai cuộc thế chiến và sống sót trong trại tập trung Auschwitz của Đức – đã qua đời chỉ một tháng trước ngày sinh nhật thứ 144 của ông, theo gia đình cho biết hôm thứ Bảy. Ông Oren Kristal, một người cháu, cho biết ông Israel Kristal qua đời vào ngày thứ Sáu. Vào năm ngoái, tổ chức Guinness đã trao cho ông Kristal bản chứng nhận là người đàn ông cao tuổi nhất còn sống trên thế giới.
Ông Kristal ra đời trong một gia đình Do Thái tại thị trấn Zarnow ở Ba Lan năm 1903. Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, ông từng bị nhốt ở trại Auschwitz và nhiều trại tập trung khác. Người vợ đầu và 2 con của ông đã chết trong vụ diệt chủng của phát xít Đức. Ông Kristal là người sống sót duy nhất của đại gia đình của ông vào sau cuộc chiến.
Ông Kristal sau đó kết hôn và cùng vợ chuyển đến Israel vào năm 1950. Tại đây, họ xây dựng gia đình mới và thành công trong việc kinh doanh bánh kẹo. Gia đình của ông cho biết, ông Kristal không có bí quyết sống đặc biệt nào cả, và cũng không hiểu vì sao ông lại sống thọ như vậy.

Nhật điều động hệ thống phòng thủ chống Bắc Hàn
TOKYO – Nhật Bản hôm thứ Bảy đã điều động 2 hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot, sau khi Bắc Hàn tuyên bố lên kế hoạch phóng hỏa tiễn tầm xa bay qua lãnh thổ nước này để tấn công đảo Guam thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ. Hệ thống phòng thử PAC-3 được đặt tại 4 tỉnh Shimane, Hiroshima, Kochi và Ehime ở phía tây Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật cũng điều động hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Aegis trên tàu khu trục ở biển Đông Nhật Bản, nhằm sẵn sàng bắn hạ hỏa tiễn Triều Tiên.
Ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, cho biết hồi đầu tuần này rằng Tokyo "không bao giờ dung thứ" cho các hành động khiêu khích từ Bắc Hàn, và sẽ "có những biện pháp cần thiết" để tự bảo vệ mình. Nhật Bản trước đây chưa từng bắn hạ hỏa tiễn nào của Bắc Hàn. Vào năm 2009, hỏa tiễn Triều Tiên từng bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tuy không có tai nạn xảy ra, nhưng Tokyo đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Bình Nhưỡng. Khi đó, Bắc Hàn cho biết đó chỉ là vệ tinh viễn thông, nhưng Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn đều cho rằng đó là hỏa tiễn liên lục địa mà Bắc Hành thử nghiệm.
Căng thẳng tại khu vực bán đảo Triều Tiên gần đây đã leo thang, khi Hoa Kỳ và Bắc Hàn liên tiếp có những phát ngôn công kích lẫn nhau. Tổng Thống Donald Trump tuyên bố Bắc Hàn sẽ hối tiếc nếu bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ Hoa Kỳ, trong khi đó Nhật cũng cam kết sẽ bắn hạ bất cứ hỏa tiễn nào của Bắc Hàn nếu gây nguy hại tới lãnh thổ nước này.

Ấn Độ: 60 trẻ em chết trong bệnh viện do thiếu oxy
UTTAR PRADESH - 60 trẻ em đã tử vong tuần qua tại một bệnh viện ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc của Ấn Độ, do thiếu nguồn cung cấp khí oxy. Trường y tế Baba Raghav Das cho biết, 34 trẻ em chết ở khoa chăm sóc và hồi sức sơ sinh của bệnh viện trường, 12 em khác tử vong do viêm não. Các ca còn lại không rõ nguyên nhân. Theo giới truyền thông, một số ca tử vong là do thiếu oxy, khi một nhà thầu tư nhân chuyên cung cấp các bình oxy cho bệnh viện cắt nguồn cung cấp, bởi bệnh viện chưa trả nợ cho công ty này.
Bác sĩ R.S Shukla, giám đốc y khoa bệnh viện, phủ nhận nguyên nhân này. Trong khi đó, các viên chức chính phủ cho biết vẫn đang điều tra. Sự việc đặt Ấn Độ vào căng thẳng chính trị, khi các đảng đối lập quy trách nhiệm cho đảng cầm quyền của thủ tướng, còn chính phủ cáo buộc phe đối lập cố gắng làm chính trị hóa vấn đề.
Ấn Độ chi khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội cho y tế công cộng. Đây là tỷ lệ thấp nhất thế giới. Các đời tổng thống nước này đã liên tiếp phải đối mặt với chỉ trích vì không cải cách hệ thống y tế công cộng, vốn luôn quá tải mà còn thiếu bác sĩ và cơ sở hạ tầng. Những năm gần đây, chính phủ của Thủ Tướng Modi đã tăng chi tiêu cho y tế và cam kết giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Qatar miễn visa cho công dân 80 nước trong lúc bị cô lập
DOHA - Qatar, quốc gia vùng Vịnh đang bị cô lập bởi các nước láng giềng trong cuộc khủng hoảng ngoại giao, đã đưa ra chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 80 quốc gia, để phát triển ngành hàng không và du lịch. Bộ Trưởng Nội Vụ Qatar Mohamed Rashed al-Mazrouei cho biết, công dân của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách chỉ cần xuất trình hộ chiếu hợp lệ để nhập cảnh vào Qatar, nơi sẽ tổ chức World Cup năm 2022. Chính sách này có hiệu lực ngay lập tức.
Lebanon là nước Ả Rập duy nhất trong danh sách được công bố vào cuối buổi họp báo, mặc dù Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, gồm 6 quốc gia mà Qatar là thành viên, trước đó đã cho phép công dân được tự do đi lại trong khối. Danh sách này chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 33 nước và công dân từ những nước này được ở lại Qatar trong 180 ngày. Công dân đến từ 47 nước còn lại được lưu trú trong 30 ngày, nhưng có thể xin gia hạn một lần. Bộ Trưởng Nội Vụ Mazrouei cho biết, danh sách được lựa chọn trên cơ sở an ninh, kinh tế và sức mua của người dân.
Ả Rập Saudi, Bahrain, các tiểu vương quốc Ả Rập, và Ai Cập đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar từ ngày 5 tháng 6, do cho rằng quốc gia này hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan và có quan hệ thân thiết với Iran. Tuy nhiên, Doha đã bác bỏ tất cả các cáo buộc này. Đầu tháng 8, Qatar đưa ra chính sách cư trú mới cho một số nhóm công dân nước ngoài, bao gồm những người đã từng “phục vụ vì lợi ích” của nước này. Quy định mới mang lại nhiều quyền lợi cho trẻ em có mẹ là công dân Qatar và cha là người nước ngoài, cũng như những người từng làm việc tại Qatar hoặc có thể mang lại lợi ích cho quốc gia giàu dầu mỏ này. Họ sẽ được cung cấp các dịch vụ công cộng miễn phí như y tế và giáo dục. Qatar hiện có 2.4 triệu dân, với 90% là người nước ngoài, trong đó có nhiều công dân các nước Nam Á làm việc trong ngành xây dựng

Bắc Hàn: 3.5 triệu người xin nhập ngũ để chống Mỹ
BÌNH NHƯỠNG – Truyền thông quốc gia Bắc Hàn hôm thứ Bảy nói rằng, gần 3.5 triệu người cả người trẻ và những quân nhân về hưu của nước này, đã xin nhập ngũ hoặc tái nhập ngũ để đáp trả lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động Bắc Hàn, nói rằng, chỉ trong 3 ngày trở lại đây, tổng cộng có 3.475 triệu người, bao gồm cả sinh viên, công nhân trẻ và quân nhân về hưu của nước này đã đề nghị nhập ngũ hoặc tái nhập ngũ.
Theo Rodong Sinmun, đề nghị nhập ngũ, tái nhập ngũ tăng vọt sau khi chính phủ Bắc Hàn cảnh báo đáp trả Hoa Kỳ vì ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Hôm 9 tháng 8, khoảng 100,000 người Bắc Hàn đã tuần hành ủng hộ tuyên bố đáp trả Hoa Kỳ của chính phủ.

Lào tuyên bố rút quân khỏi biên giới Cambodia
VIENTIANE - Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith hôm thứ Bảy đã chỉ đạo cho binh sĩ nước này rút quân khỏi khu vực biên giới với Cambodia, sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Thủ Tướng Cambodia Hun Sen hôm thứ Sáu đã kêu gọi Lào rút quân khỏi tỉnh Stung Treng, Cambodia - khu vực giáp biên giới với Lào, đồng thời đưa ra hạn chót cho việc rút quân vào ngày 17 tháng 8. Ông Hun Sen cũng lệnh cho quân đội đưa binh sĩ cùng các hệ thống phóng rocket đa nòng tới khu vực biên giới với Lào.
Nhà lãnh đạo Cambodia sau đó đã đáp chuyến bay tới thủ đô Vientiane, Lào và có cuộc hội đàm với Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith hôm thứ Bảy. Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Thủ tướng Thongloun cho biết ông đã ra lệnh cho binh sĩ nước này rút quân khỏi khu vực biên giới với Cambodia. Đồng thời, Thủ Tướng Hun Sen cho biết ông cũng đã chỉ thị các binh sĩ được điều tới biên giới hôm thứ Sáu quay về nơi đồn trú.
Giữa Lào và Cambodia đã xảy ra một số bất đồng ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Stung Treng, Cambodia từ tháng 2. Hai nước có chung 540 cây số đường biên giới, nhưng phần lớn vẫn chưa được phân giới chính thức, do vậy thường xảy ra bất đồng. Đầu năm nay, khoảng 400 binh sĩ Lào đã vượt qua khu vực biên giới giữa hai nước và tiến vào đất của Cambodia, yêu cầu một nhóm kỹ sư quân đội Cambodia ngừng xây dựng một con đường mà Lào cho rằng thuộc lãnh thổ Lào. Sau đó, Cambodia đã ngừng làm đường, nhưng cáo buộc lực lượng Lào không chịu rút quân.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT