Tiêu Thụ

Đánh giá dược thảo

Friday, 27/04/2018 - 11:13:09

Được xác nhận GMP, cơ sở bào chế phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao cấp, tương đương với những tiêu chuẩn do cơ quan FDA (Cơ Quan Kiểm Định Dược Phẩm của chính phủ Hoa Kỳ) dành cho những cơ sở bào chế thuốc tây.

Bài ERIC TRẦN

Mặc dầu không được giám sát chặt chẽ về phẩm chất như thuốc tây, nhưng dược thảo vẫn có một vị trí đáng kể không thể phủ nhận được trong thị trường. Có nghĩa là, nó vẫn được nhiều người tin dùng. Không kể giới tiêu thụ bình dân thường cả tin, ngay cả một số nhà chuyên môn, như bác sĩ, dược sĩ, chuyên viên dinh dưỡng…… cũng cổ động việc sử dụng dược thảo, vitamin... như một liệu pháp thay thế thuốc tây. Điều đó nói lên rằng dược thảo có một giá trị thực sự nào đó, với điều kiện người tiêu thụ phải biết chọn lựa dựa vào một số tiêu chuẩn khách quan.

Khi dùng thuốc tây, chúng ta không mấy đắn đo vì “trăm sự nhờ cậy” bác sĩ. Nhưng sử dụng dược thảo thì chúng ta chỉ có thể nhờ cậy vào chính mình. Vậy mà khi chọn lựa, chúng ta thường chẳng có biết dựa vào đâu ngoài những lời... quảng cáo của chính người bán hàng. Dựa vào những lời người bán để quyết định về việc mua hàng thì chẳng khác gì “nạp mạng,” chứ không thể nói là chọn lựa được.


Dược thảo? Biết đánh giá thế nào đây?

Để bù đắp lại sự hẫng hụt đó và giúp giới tiêu thụ có cơ hội thực sự chọn lựa, các nhà chuyên môn khuyên chúng ta nên để ý những tiêu chuẩn sau đây khi nhắm mua dược thảo, vitamin….

- Pharmaceutical Grade
- Good Manufacturing Practices (GMP)
- Certificate of Analysis
- NSF International
- US Pharmacopeia
- Consumer Lab
- Informed Choice
Trên đây là những những dấu hiệu cho thấy phẩm chất của sản phẩm được kiểm nghiệm bởi một cơ quan đệ tam nhân. Nếu sản phẩm đạt được những tiêu chuẩn này, chắc chắn nhà sản xuất sẽ hãnh diện ghi rõ trên bao bì. Ý nghĩa của những tên gọi trên xin được trình bày như sau:

I. Pharmaceutical Grade: Phẩm chất cao

Phẩm chất của sản phẩm được phân chia thành bậc. Trên hết là Pharmaceutical Grade, nghĩa là “Bậc Dược Phẩm.” Đây là thứ bậc cao nhất, cho thấy sản phẩm được bào chế với những chất liệu tốt nhất, và sẽ được hấp thụ tối đa vào cơ thể con người. Do thành phẩm là sự phối hợp của nhiều chất liệu khác nhau, không nhà sản xuất nào có thể nói được rằng “hàng” của mình là 100% tinh chất. Nhưng để được xếp hạng Pharmaceutical Grade, sản phẩm phải vượt qua mức 99% tinh chất (từ nguồn thiên nhiên), không pha thêm phụ chất để tạo sự kết dính (được gọi là binders, fillers, excipients), phẩm màu (dyes) để tạo sự hấp dẫn con mắt khách hàng; hoặc các chất tạp nhạp khác.


Ngoài ra, giới tiêu thụ cũng có thể tìm những chữ sau đây trên nhãn hiệu để có đôi chút an tâm về phẩm chất của dược thảo.

Đa số các sản phẩm dược thảo đều không đạt được thứ bậc này. Trong khi thuốc tây thường phải đạt Pharmaceutical Grade thì chưa tới 3% sản phẩm dược thảo được như vậy. Vì thế, nếu tìm gặp một hộp dược thảo có ghi Pharmaceutical Grade, bạn có thể tin chắc rằng mình đã tìm được thứ thiệt, và đương nhiên nó sẽ đắt hơn so với những sản phẩm không đạt tới bậc này.

Tóm lại, phẩm chất (grade) của sản phẩm được phân làm ba bậc:
- Pharmaceutical Grade (bậc dược phẩm) là bậc tốt nhất.
- Food Grade (bậc thực phẩm cho người): Sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn cho con người tiêu thụ.
- Feed Grade (bậc thực phẩm gia súc): Sản phẩm đủ tiêu chuẩn cho thức ăn gia súc.
Trong thực tế, ít khi chúng ta gặp được các chữ trên đây trên bao bì dược thảo. Bởi vì, ít có sản phẩm nào đạt được Pharmaceutical Grade, nếu chỉ đủ tiêu chuẩn làm đồ ăn (cho người, hoặc tệ hơn, cho súc vật) thì chẳng ai ghi ra làm gì.


Chữ Pharmaceutical Grade được in rõ trên nhãn hiệu - dấu chỉ dược phẩm tốt.

II. Cơ quan kiểm định

Nếu biết rằng sự phân loại phẩm chất là như vậy, tại sao các nhà sản xuất không tự in thêm chữ Pharmaceutical Grade trên bao bì để nâng cấp sản phẩm của mình? Là vì điều đó là bất hợp pháp nếu không được một cơ quan kiểm định khách quan xác nhận như vậy. Ở đây, xin mở ngoặc một ý: Mặc dầu là bất hợp pháp, nhưng chuyện tự ghi, tự phong, “tự nổ” mà không qua kiểm định vẫn xảy ra trong thị trường.
Giả sử không quá xui đến nỗi gặp phải những kẻ làm ăn theo kiểu “điếc không sợ súng”, bất chấp hệ lụy pháp luật, thì việc quan trọng kế tiếp là phải xét xem, sản phẩm có được kiểm định bởi một cơ quan đệ tam nhân nào không?

Trong số những dấu hiệu kiểm định được kể ra trước hết là GMP (Good Manufacturing Practices), nghĩa là nhà sản xuất “đã sử dụng những phương pháp bào chế tốt”. Đương nhiên chữ GMP sẽ được ghi rõ trên bao bì, đôi khi được viết dưới dạng cGMP (current, hoặc certified GMP).

Được xác nhận GMP, cơ sở bào chế phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao cấp, tương đương với những tiêu chuẩn do cơ quan FDA (Cơ Quan Kiểm Định Dược Phẩm của chính phủ Hoa Kỳ) dành cho những cơ sở bào chế thuốc tây.

Dùng sản phẩm có dấu GMP, giới tiêu thụ có thể yên tâm rằng nội dung ghi trên bao bì là chính xác, chứ không phải do nhà sản xuất tự ý ghi qua mắt khách hàng và sản phẩm thì được bào chế từ những nguyên liệu sạch, không ô nhiễm. Ngoài ra, bạn có thể tìm những dấu hiệu sau đây:
- Certificate of Analysis (COA)
- NSF International
- US Pharmacopeia
- Consumer Lab
- Informed Choice..
Những dấu hiệu trên đây là một bảo đảm phần nào về phẩm chất của món hàng bạn sẽ sử dụng. Nếu không có chúng thì sao? Chắc đành …. “trong nhờ đục chịu”, và chỉ còn tin vào uy tín của nhà sản xuất.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT