
(Phóng viên AP Đặng Văn Phước ngoài mặt trận - ảnh tư liệu
của Ô. Phước)
"Vì lương tâm nghề nghiệp, với cái máy ảnh trong tay, tôi
đã cùng các chiến sĩ Quân lực Hoa Kỳ và VNCH lao vào các mặt trận trên khắp bốn
vùng chiến thuật, 13 lần bị thương, trong đó có lần bị hư một con mắt nhưng vẫn
muốn được ra ngoài mặt trận ghi hình”.
Thanh Phong/Viễn Đông
Cuối tuần vừa qua, tại Studio của Nhiếp ảnh gia Thái Đắc
Nhã, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Đặng Văn Phước, một người đã từng làm việc cho
hãng Thông tấn AP (Associated Press) tại Việt Nam trước năm 1975. Tuy đã ngoài
thất tuần, trông ông vẫn còn rất khỏe mạnh, một nét khỏe mạnh rắn chắc của người
từng xông pha trận mạc tại 4 vùng chiến thuật của VNCH, mang lại cho độc giả
khắp nơi trên thế giới những hình ảnh sống động, những cảnh tàn phá, giết chóc
trong cuộc chiến, những lần di tản chiến thuật, những cuộc lui binh từ Quảng
Trị, Thừa Thiên đến Cao nguyên Trung phần và cuối cùng, những lớp người chen
chúc nhau trốn chạy khỏi miền Nam Việt Nam trên những chiếc trực thăng, trên
các tàu Hải quân và trên con tàu Trường Xuân... Tất cả những hình ảnh quý giá
này, một phần do ông chụp, một phần lấy ra từ các tờ báo, tạp chí của Mỹ trong
thời chiến tranh Việt Nam được ông lưu giữ cẩn thận trong ba cuốn album. Ông Đặng
văn Phước đã mang đến cho chúng tôi xem, đây quả là những bức hình quý giá,
mang tính trung thực nhất mà sau này ai muốn viết quân sử cũng phải cần đến.
Trước khi đặt câu hỏi, chúng tôi được ông Đặng Văn Phước cho
biết vài nét về mình như sau: “Tôi sanh vào tháng 10 năm 1935 tại Quảng Ngãi,
là con út trong gia đình mà ba tôi là một viên chức tại địa phương và tôi mồ
côi cha năm 11 tuổi. Vào Sàigòn năm 1954 để kiếm việc làm. Năm 1956, tôi xin được
một chân phụ tá cho một nhà quay phim, và đây là bước đầu tôi đi vào ngành điện
ảnh và nhiếp ảnh. Năm 1960 – 1964 tôi làm phụ tá quay hình cho Alpha Film.
Trong thời gian làm tại đây có một người Mỹ làm cho hãng AP tên là Horst Faas
hay đến hãng phim thăm người bạn là anh Cung làm chung với tôi. Năm 1965 anh
Horst đưa tôi đến giới thiệu với sếp của anh, lúc đó tôi chẳng biết tiếng Anh,
không hiểu ông sếp nói gì mà lát sau họ đưa mùng, mền và tiền bạc cho tôi; thế
là tôi bắt đầu làm cho hãng Thông tấn AP từ năm 1965 đến khi Sàigòn thất thủ,
sau đó tôi được đưa qua Hồng Kông tiếp tục làm cho hãng AP. Một thời gian sau
tôi xin nghỉ để qua đoàn tụ với gia đình tại California. Trong suốt 20 năm sau đó,
tôi chụp ảnh chân dung và làm kỹ thuật viên cho một phòng tối của một công ty
chuyên về nhiếp ảnh thương mại. Tôi cũng tình nguyện giúp cho sở Cảnh Sát Los
Angeles ở Walnut, California...”

(Cựu phóng viên AP Đặng Văn Phước hiện nay (tại Studio Thái Đắc
Nhã) - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông)
Sau khi nghe chính ông nói sơ qua về mình, chúng tôi bắt đầu
đặt câu hỏi.
Viễn Đông: Trong thời
gian làm việc cho hãng thông tấn AP, ông đi theo quân đội Mỹ hay Việt Nam Cộng
Hòa để làm phóng sự?
Ô. Đặng văn
Phước: Có lúc tôi được cử đi theo cuộc hành quân của Mỹ, có lúc
theo cuộc hành quân của VNCH và cũng có trường hợp theo cuộc hành quân hỗn hợp
Việt-Mỹ.
Viễn Đông: Trong
những lần đi theo quân đội hành quân, ông có được mang súng, đạn?
Ô. Đặng văn
Phước: Không, luật không cho phép phóng viên mang súng ra trận,
chúng tôi chỉ mang theo máy ảnh, cây viết và cuốn sổ tay. Tuy nhiên luật thì
vậy, chứ anh em chúng tôi ai cũng phải thủ một cây súng ngắn trong người để tự
vệ, và chỉ khi nào thật cần thiết mới móc nó ra.
Viễn Đông: Lúc ra mặt
trận, ông thường ở vị trí nào? Trong tuyến đầu, đi theo Bộ Chỉ Huy hay ở toán
hậu cần?
Ô. Đặng văn
Phước: Luôn luôn chúng tôi đi tuyến đầu, nếu mình đi giữa hay đi
sau làm sao có được những tấm ảnh như thế này. (Nói đến đây ông Phước mở album
cho chúng tôi xem nhiều tấm ảnh ông chụp các người lính VNCH đang gần như sáp
lá cà với Cộng quân, khói lửa mịt mù, có những tấm ảnh một người lính đang kéo
một đồng đội bị thương trong khi các đồng đội khác đang nhả đạn). Ngày xưa máy
ảnh đâu có tối tân như bây giờ, nếu đứng ở xa, không thể chụp được những tấm
hình như thế này.
Viễn Đông: Khi đi
theo quân đội VNCH và Mỹ hành quân, ông thấy hai bên có gì khác biệt?
Ô. Đặng văn
Phước: Quân đội VNCH có kinh nghiệm nghe tiếng đạn bay, họ dặn
tôi khi nghe tiếng đạn kêu như thế nào thì biết đạn ở xa hay gần, đường đạn đi
cao hay thấp, tôi thấy anh em dặn rất đúng nên khi tôi đi theo quân đội Mỹ, khi
nghe tiếng đạn, biết ở trên cao tôi cứ bình tĩnh đi, còn lính Mỹ thì nằm xuống
hết và họ kêu tôi “xuống hố, xuống hố”, thấy tôi tỉnh bơ họ bảo tôi ngu. Lính
VNCH đi hành quân mà không đụng địch, nhiều anh em chửi thề, họ mong đụng địch
lắm, nếu đi mà không gặp địch thì họ có vẻ chán.
Viễn Đông: Trong
những lần ra mặt trận, khi đối đầu với tử thần, ông có cảm thấy sợ không?
Ô. Đặng văn
Phước: Mới đầu thì có nhưng đi riết rồi quen, mình thấy xác
lính Mỹ, VNCH và Việt Cộng chết hàng ngày, thấy anh em bị thương xảy ra như cơm
bữa nên hết sợ. Vả lại vì lương tâm nghề nghiệp, chỉ với cái máy ảnh, một cuốn
số tay và cây viết, tôi đã cùng các anh em quân nhân Hoa Kỳ cũng như quân đội
VNCH lao ra các mặt trận khắp bốn vùng chiến thuật, bị thương cả thảy 13 lần,
trong đó tôi bị hư một con mắt, nhưng vẫn muốn được cùng các chiến sĩ ra trước
tuyến đầu lửa đạn.
Viễn Đông: Xin ông kể
cho nghe lần bị thương hư một con mắt tại mặt trận nào?
Ô. Đặng văn
Phước: Năm 1969, Cộng quân tấn công phi trường Đà Nẵng hôm mùng
5 Tết, tôi bị một mảnh lựu đạn ghim vào mắt phải khi đang đi cùng một anh lính
Biệt Động quân, và tôi bị mù một mắt.
Viễn Đông: Khi đi
theo các đơn vị hành quân Mỹ hoăïc Việt, có khi nào ông bị các vị chỉ huy từ
chối không cho đi?
Ô. Đặng văn
Phước: Có, nhiều lần các vị Chỉ huy mặt trận biết sẽ có đụng độ
lớn, các vị đó thương anh em phóng viên không có súng đạn, không học tác chiến
nên muốn chúng tôi đừng đi, nhưng chính những trận lớn, chúng tôi lại mong được
đi, và có khi năn nỉ quá, mấy ông chỉ huy cũng cho đi. Có một lần tôi và anh
Khiêm làm cho hãng Thông tấn CBS, hai chúng tôi là phóng viên người Việt Nam
vào mặt trận Khe Sanh trước tiên, nhưng khi chiến trận xảy ra quá ác liệt, Đại
tá Chỉ huy trưởng ra lệnh tôi và anh Khiêm phải ra khỏi chiến trường ngay, nếu
không tính mạng không bảo toàn.
Viễn Đông: Hai anh có
tuân lệnh không và ra khỏi đó bằng cách nào?
Ô. Đặng văn
Phước: Dĩ nhiên chúng tôi phải tuân lệnh, tuy là phóng viên nhưng
khi ra chiến trường, chúng tôi được mặc quân phục y như lính tác chiến, chỉ
không mang súng đạn mà thôi. Chúng tôi theo máy bay trực thăng tải thương ra
khỏi đó theo lệnh của ông Đại Tá.
Viễn Đông: Ông làm
việc cho AP, một hãng thông tấn nổi tiếng của Mỹ, ông thấy lối làm việc của họ
như thế nào? Có giống Việt Nam không?
Ô. Đặng văn
Phước: Tôi chưa làm cho Việt Tấn Xã nên chỉ nói về AP mà thôi.
Họ rất quý trọng phóng viên, vì nhờ phóng viên mà báo họ có những bức ảnh “nóng
hổi”, do đó, mỗi lần có cuộc hành quân nào của Mỹ, mình chỉ cần gửi tấm ảnh về
ngay cho họ. Thí dụ tấm ảnh chụp một quân nhân vừa hy sinh, phóng viên chỉ cần
ghi chú sơ sài là tên người lính tử thương đó và đơn vị nào là họ biết ngay
trận đó đang xảy ra ở đâu; nên không thể có chuyện lừa họ được, không có chuyện
chụp đại một tấm ảnh ở đâu đó mà họ tin đâu. Nếu phóng viên nào làm kiểu đó hay
mang súng ngoài mặt trận là họ sa thải ngay.
Viễn Đông: Đang ở
ngoài mặt trận, làm cách nào ông gửi được ảnh về hãng AP nhanh nhất?
Ô. Đặng văn
Phước: Trong cuộc chiến Việt Nam, các hãng thông tấn ngoại quốc
như CBS, ABC, NBC, AP, UPI và một hai tờ báo riêng rẽ như Newsweek chẳng hạn đều có phóng viên đưa
tin. Họ gửi một cái thùng có nhiều ngăn, mỗi ngăn cho một hãng. Tôi làm cho AP
thì bỏ hình vào hộp AP, máy bay sẽ chuyển về hậu cứ ngay và có người của hãng đến
lấy liền.
Viễn Đông: Kỷ niệm
nào đáng nhớ nhất trong đời làm phóng viên cho AP của ông?
Ô. Đặng văn
Phước: Một lần tôi theo quân đội ra mặt trận, hôm đó quân nhân
mang rất nhiều thuốc nổ TNT để làm bãi đáp cho trực thăng; tôi được chỉ định
lên chiếc trực thăng số 6 là chiếc dọn bãi đáp; khi lên máy bay rồi lại có lệnh
kêu xuống để qua chiếc số 9, tôi buồn lắm, vì chiếc số 9 là chiếc đi làm lều
chứ có gì nguy hiểm đâu mà chụp ảnh. Nhưng khi về lại đơn vị, ông Chỉ huy trưởng
vỗ vai tôi chúc mừng, ông nói “Anh lucky lắm, chiếc số 6 đã rớt và không ai
sống sót”.

(Phóng viên AP Đặng Văn Phước trên bìa tạp chí AP - ảnh tư
liệu của Ô. Phước)
Viễn Đông: Với những
lần lăn lộn ngoài mặt trận, can đảm và hy sinh như thế, ông được AP đền bù gì?
Ô. Đặng văn
Phước: Cái đền bù lớn nhất của tôi là những bức ảnh tôi chụp được
cả thế giới biết đến, không phải biết cá nhân tôi nhưng thế giới họ biết rõ hơn
về cuộc chiến đang xảy ra tại Việt Nam, quê hương tôi. Tuy nhiên, dù muốn dù
không, tôi cũng được vinh danh trên trang bìa tạp chí “The AP World”, phát hành
khắp thế giới. Tôi cũng được tuyên dương bởi US Ninth Division vì đã cứu sống
một người lính Mỹ. Tôi cũng được Sở Cảnh sát Los Angeles tuyên dương là một
thiện nguyện viên tiêu biểu trong năm 1994 vì những đóng góp của tôi cho cộng đồng,
và tôi được giải thưởng cao quý nhất là
giải thưởng Pictures of the Year (Những Bức Ảnh Trong Năm) năm 1968 do National
Press Photograpers Association (Hiệp Hội Phóng Viên Ảnh Quốc Gia) bình chọn.
Tấm ảnh có tựa đề “Situation In Hand” được giải tưởng lệ trong số 8.000 bức ảnh
do 669 nhiếp ảnh gia gửi vào dự thi khắp Hoa Kỳ.

(Bức ảnh của phóng viên Đặng Văn
Phước trong một cuộc hành quân)
Viễn Đông: Cuộc sống
hiện nay của ông ra sao?
Ô. Đặng văn
Phước: Hiện tôi đã nghỉ hưu. Tôi với vợ tôi là Hoa Phạm sống
rất hạnh phúc bên hai đứa con là Diễm và Toan.
Viễn Đông: Ông có cảm
thấy hối hận khi bị mất một con mắt, bị thương khắp thân thể vì nghề nghiệp?
Ô. Đặng văn
Phước: Không.
Viễn Đông: Xin cám ơn
ông Phước đã dành cho Viễn Đông cuộc phỏng vấn rất lý thú này.
Ô. Đặng văn Phước: Cám ơn nhật báo Viễn Đông, chúc Ban Giám đốc
và toàn thể nhân viên nhật báo Viễn Đông mạnh khỏe, nhật báo Viễn Đông mỗi ngày
mỗi thăng tiến.
SPONSORED LINKS - LIÊN KẾT TÀI TRỢ