Thể Thao

Đằng sau trận thân hữu giữa Hòa Lan và Bỉ

Wednesday, 09/11/2016 - 10:44:14

Một Messi đấu cho đội tuyển Argentina không hẳn đã là một Messi khi đứng trong hàng ngũ đội Barcelona. Ronaldo khi đấu với với Real Madrid thì khác và khi đấu với đội tuyển Bồ Đào Nha thì lại khác.


Thủ môn Marteen Stekelenburg của đội Hòa Lan đỡ quả banh với đám đồng đội áo vàng của mình bên cạnh những cầu thủ áo xanh của đội Bỉ trong trận thân hữu tại sân Amsterdam ngày 9 tháng 11.

 

Vincent Janssen của Hòa Lan tranh banh với Christian Kabasele của đội Bỉ trong trận thân hữu tại Amsterdam ngày 9 tháng 11 với kết quả đôi bên hòa 1-1.

 

Đằng sau trận thân hữu giữa Hòa Lan và Bỉ

Bài THANH NGUYỄN

Sau ngày Chủ Nhật bên Âu châu không có trận nào đáng kể thuộc năm nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu. Thứ Tư, sau ngày bầu cửu tại Mỹ mà tất nhiên là hệ thống truyền thông khắp Âu châu cùng toàn cầu đặc biệt theo dõi thì có trận thân hữu tại sân bên Amsterdam, Hòa Lan, giữa hai đội tuyển láng giềng là Hòa Lan và Bỉ. Trận đông đảo khán giả, rất hấp dẫn với tỷ số hòa 1-1 cho đôi bên. Hòa Lan ghi bàn thắng vào phút thứ 38 với cú phạt đền trước khung thành Bỉ, và Bỉ gỡ hòa vào phút 82 với bàn thắng của Carrasco vẫn thường đấu cho đội Atletico Madrid bên Tây Ban Nha.

Thứ Sáu mới bắt đầu nổi đình nổi đám với những trận cho vòng loại World Cup 2018 bên Nga.

Ta để ý thấy điều này: Ít có mấy khi mà tự dưng tự lành các đội quốc gia kéo nhau đi đấu giao hữu với nhau. Các trận thân hữu bao giờ cũng có một mục đích rất cụ thể là chuẩn bị cho một trận quốc tế thuộc loại quan trọng nào đấy.

Trong nội bộ một nước, thường với tổng số 20 đội như bên Âu châu thì đội này có điều kiện để nghiên cứu đấu pháp cùng thế trận của những đội mình sẽ đụng độ một cách dễ dàng. Ai nấy đều chỉ việc chờ đến dịp cuối tuần xem một đội nào đấy đấu với một đội nào đấy để từ đó tha hồ mà nghiên với cứu.

Thời nay lại còn khỏe gấp trăm lần so với thời cách đây chừng ba bốn chục năm. Bây giờ người ta có đầy đủ những cuộn phim video của từng trận từ đầu đến cuối với những cặp này cặp kia đấu đá với nhau. Huấn luyện viên cùng ban bệ và toàn đội chỉ việc châu đầu lại mà xem đi xem lại, cho ngưng lại ở đoạn phim này, chơi lại đoạn phim trước, v.v. để mà phân tích , nghiên cứu lối đá của từng địch thủ mà trước sau gì mình cũng sẽ gặp.

Thế nhưng đội tuyển quốc gia thì lâu lâu mới đụng trận với nhau một lần ở các giải lớn quốc tế. Ngày thường thì hầu như không một cầu thủ thuộc diện quốc tế nào trong một nước mà lại ở nhà. Nếu là cầu thủ tiếng tăm thì họ đã bỏ nhà qua đấu cho những đội lớn bên các nước khác. "Khi đất nước cần đến" thì họ mới lục tục kéo nhau về làm "bổn phận cầu thủ công dân"!

Bởi vậy mà cách duy nhất để có thể nghiên cứu phân tích đấu pháp của nhau trên tinh thần đôi bên cùng có lơi, lợi luôn cho các thành phần đệ tam là rủ nhau đi đấu một trận thân hữu!

Trường hợp như Bỉ đấu thân hữu với Hòa Lan trong ngày thứ Tư 9/11 thì để chuẩn bị cho thứ Sáu Bỉ sẽ đấu với Estonia và Hòa Lan sẽ đấu với Luxembourg ở vòng loại World Cup. Tất nhiên ngoài cặp Bỉ-Hòa Lan đấu thân hữu hôm nay, các đội tuyển quốc gia khác cũng đã có dịp thân hữu với nhau chán chê.

Ai nấy đều có dịp quy tụ cầu thủ nước mình để họ "làm quen trở lại với nhau," sao cho việc phối hợp được đồng bộ, nhịp nhàng theo như đấu pháp mà huấn luyện viên quốc gia đề ra. Chính vì khía cạnh tái phối trí các cầu thủ từ khắp nơi trở về nước như thế này mà những cầu thủ danh tiếng khi đấu thường xuyên cho các đội ngoài nước thì lại rất xuất sắc ở chỗ quen phối hợp với những cầu thủ khác, nhưng một khi quay về đấu cho đội tuyển quốc gia thì phần đóng góp lại không giống như khi mình đấu với câu lạc bộ bóng đá thường xuyên của mình ở nước ngoài. Một Messi đấu cho đội tuyển Argentina không hẳn đã là một Messi khi đứng trong hàng ngũ đội Barcelona. Ronaldo khi đấu với với Real Madrid thì khác và khi đấu với đội tuyển Bồ Đào Nha thì lại khác. Giản dị ở chỗ bóng đá là một môn chơi tập thể; khác tập thể là phần đóng góp của mỗi cầu thủ nhất thiết phải có chỗ khác biệt.

Từ khía cạnh vừa nêu, ta lấy trường hợp trận thân hữu giữa Hòa Lan với Bỉ trong ngày thứ Tư để làm rõ thêm khía cạnh vừa nêu ở trên.

Ta bắt đầu với đội Hòa Lan trong trận này. Trong số đội ngũ có mặt ở sân Amsterdam ngày thứ Tư thì đã có ngần này người với phần mở ngoặc cho biết cầu thủ đó thường xuyên đấu cho đội nào ngoài nước  :

Thủ môn Stekelenburg (đội Everton bên Anh)

Blind (Manchester United)

Van Dijk (Southampton bên Anh)

Bruma (Worlfsburg bên Đức)

Vijnaldum (Liverpool, Anh)

Sneijder (Galatasaray, Thổ Nhĩ Kỳ)

Janssen (Tottenham Hotspur, Anh)

Lens (Fenerbahce, TNK)

Depay (Manchester United , Anh)

Vorm (Cầu thủ cho Tottenham Hotspur, Anh)

Phía đội Bỉ :

Mignolet (thủ môn, cũng là thủ môn cho Liverpool)

Meunier (Paris Saint Germain, Pháp)

Kabasele (Watford, Anh)

Ciman (Montrel Impact, Canada)

Vertonghen (Tottenham Hotspur, Anh)

Defour (Burnley, Anh)

Witsel (Zenit , Nga)

De Bruyne (Manchester City, Anh)

Mertens (Napoli, Ý)

Carrasco (Atletico Madrid , Tây Ban Nha)

Hazard (Chelsea, Anh)

Telemans (Anderlecth, Đức)

Lukaku (Everton, Anh).

Muốn biết những cầu thủ nổi tiếng của bất kỳ một nước nào mà có chịu ở lại trong nước để đấu cho các đội trong nước mình thì hẵng tạm xét hai tiểu chuẩn rất giản dị và phổ cập để có thể biết dễ dàng :

1. Có đội nào trong nước có được một dàn cầu thủ đủ tài ba lỗi lạc ngang vớ một số cá nhân nào đó để cho đội ấy nổi tiếng về mặt quốc tế, đoạt được giải này giải nọ hay không?

2. Cho dù trong nước có được dàn cầu thủ như vậy thì liệu tiền lương của họ có ngang bằng với mức lương ở những đội lớn các nước giàu có người ta tuyển mộ hay không?

Trường hợp thành phần cầu thủ hai đội giao đấu thân hữu trong ngày thứ Tư cho thấy là khác với những nước có ít cầu thủ xuất sắc trênhàng quốc tế, Hòa Lan với Bỉ đều đồng bộ có được các tên tuổi thuộc loại "thứ dữ" đi làm ăn xa, khi quay về với đội tuyển quốc gia thì cho dù có vấn đề cần phối hợp sao cho ăn ý, đồng bộ với nhau, nhưng họ đều là dân "nhà nghề" cùng chân nghề ngang ngửa với nhau, cho nên ở những trận quốc tế họ vẫn làm rạng danh màu cờ sắc áo của mình.

Chỉ buồn cho những nước lẻ loi có được dăm ba cầu thủ xuất sắc tầm vóc quốc tế nhưng các "chiến hữu" của mình không ngang ngửa với mình cho nên khi họ quay về với đội nhà thì kết quả không được như ý. Các đội quốc gia khác mà thấy họ ra quân ở các trận thân hữu thì biết ngay là nếu như có đụng trận với họ thì trước sau gì họ cũng sẽ không còn có mặt ở những chặng sau của bất kỳ vòng loại giải quốc tế lớn nhỏ nào!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT