Thế Giới

Dân Nam Hàn: Trung Cộng là mối đe dọa cho hòa bình

Wednesday, 03/10/2018 - 11:19:36

Việc Bắc Kinh gây áp lực kinh tế với Seoul vì hệ thống THAAD đã khiến người Nam Hàn có ấn tượng xấu với Trung Quốc. Trong khi đó, các cuộc họp liên Triều và cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã giúp cải thiện đáng kể hình ảnh của Bình Nhưỡng trong mắt người Nam Hàn.

SEOUL - Theo một cuộc thăm dò mới đây đối với người dân Nam Hàn, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Bắc Hàn để trở thành nước bị coi là rào cản lớn nhất cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo kết quả thăm dò được công bố hôm thứ Ba bởi Viện hòa bình và hợp nhất IPUS thuộc Đại học quốc gia Seoul, 46% người được hỏi ý kiến cho rằng Trung Quốc là quốc gia đe dọa nhiều nhất cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đây là mức tăng đáng kể so với tỷ lệ 17% vào năm 2016. Ngoài ra, chỉ có 33% người dân cho rằng Bắc Hàn là nước gây nguy cơ lớn nhất, giảm nhiều so với 64% vào năm ngoái và lần đầu tiên xếp sau Trung Quốc, kể từ khi cuộc thăm dò được thực hiện lần đầu vào năm 2007.
Cuộc thăm dò đã lấy ý kiến của 1,200 người cả nam và nữ, tuổi từ 19 đến 74, được thực hiện bởi Viện Gallup Korea từ ngày 12 tháng 7 đến 3 tháng 8. Trong số này, có 91% tin rằng Trung Quốc không muốn hai miền Triều Tiên hợp nhất, so với 90% chọn Nhật, 88% chọn Nga, và 53% chọn Hoa Kỳ. Một nhà nghiên cứu của IPUS cho rằng các con số này có thể bắt nguồn từ vụ tranh chấp liên quan đến hệ thống THAAD, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ được đặt tại Nam Hàn vào năm 2016. Việc Bắc Kinh gây áp lực kinh tế với Seoul vì hệ thống THAAD đã khiến người Nam Hàn có ấn tượng xấu với Trung Quốc. Trong khi đó, các cuộc họp liên Triều và cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã giúp cải thiện đáng kể hình ảnh của Bình Nhưỡng trong mắt người Nam Hàn.

Maldives: Đảng của tân tổng thống giành đa số
MALE – Tổng thống đắc cử của Maldives đã giành thêm một chiến thắng quan trọng vào thứ Tư bằng cách chiếm thế đa số trong Quốc Hội, sau khi Ủy Ban Bầu Cử phục chức cho 12 nhà lập pháp trước đó đã bị cho là mất ghế. Ông Ibrahim Mohamed Solih chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng trước, và dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới. Việc phục chức cho các nhà lập pháp là dấu hiệu cho thấy ông Solih đang củng cố quyền lực trước Tổng Thống thất cử Yameen Abdul Gayoom, người đang mất dần quyền kiểm soát quốc hội.
Liên minh đối lập của ông Solih nay sẽ có 43 ghế trên tổng số 85 thành viên Quốc Hội, trong khi đảng của ông Yameen chỉ có 40 ghế. Chiến thắng của ông Solih được coi là cơ hội thứ 2 cho nền dân chủ non trẻ của đảo quốc Maldives, vốn chỉ mới hình thành vào 10 năm trước. Sau khi thắng cử vào năm 2013, Tổng Thống Yameen đã xóa bỏ nhiều thành tựu dân chủ. Ông nắm quyền kiểm soát tòa án, cảnh sát, quân đội, các cơ quan hành chính, và cả Ủy Ban Bầu Cử. Ông Yameen cũng bỏ tù các đối thủ chính trị mà không qua xét xử. Một số tù nhân chính trị này hiện đã được cho tại ngoại sau chiến thắng của ông Solih.
Trong khi đó, ông Mohamed Nasheed - tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách tự do của Maldives, người đang phải sống lưu vong vì sự đàn áp của ông Yameen - đã thông báo sẽ quay về quê hương vào tháng tới, dù ông đang đối mặt với án tù 13 năm vì tội khủng bố, một bản án ban hành dưới thời Tổng Thống Yameen và bị thế giới chỉ trích là không trải qua quá trình xét xử công bằng.

Malaysia: Vợ cựu thủ tướng bị bắt vì rửa tiền
KUALA LUMPUR – Bà Rosmah Mansor, vợ cựu Thủ Tướng Malaysia Najib Razak, đã bị bắt giữ với nhiều cáo buộc, bao gồm tội rửa tiền và một số tội danh khác. Ủy Ban Chống Tham Nhũng Malaysia MACC vào thứ Tư thông báo đã bắt giữ bà Rosmah Mansor tại trụ sở của cơ quan này. Bà được MACC mời đến thẩm vấn vào sáng cùng ngày, trong quá trình điều tra vụ tham nhũng tiền trong Quỹ đầu tư quốc gia 1MDB. Một nguồn tin nội bộ MACC cho biết vụ bắt giữ được thực hiện vào buổi chiều. Trong tuần qua, các điều tra viên chống tham nhũng cũng dành gần 13 tiếng để thẩm vấn bà Rosmah về các vấn đề liên quan đến 1MDB.
Đơn vị chống rửa tiền và tội phạm tài chính của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia vào thứ Tư cũng mời thẩm vấn cựu Thủ Tướng Najib Razak. Ông Najib đã bị bắt tạm giam, đối diện với 32 cáo buộc từ tội rửa tiền, lạm dụng quyền lực khi còn lãnh đạo chính phủ, đến lạm dụng tín nhiệm và tham ô quỹ 1MDB. Ngân quỹ quốc gia 1MDB được cho là đã bị bòn rút khoảng $4.5 đến $10 tỷ Mỹ kim, và chuyển đi một cách tinh vi để số tiền này nằm rải rác ở ít nhất 10 nước, khiến việc thu hồi vô cùng khó khăn.
Bà Rosmah từ lâu đã chịu nhiều chỉ trích từ truyền thông và người dân Malaysia vì lối sống xa xỉ. Bà nổi tiếng với những đợt vung tiền mua sắm túi xách hàng hiệu và nữ trang đắt tiền. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ từng tố cáo ông Najib dùng một phần tiền trong quỹ 1MDB để mua nữ trang cho bà Rosmah,với $27 triệu Mỹ kim cho một viên kim cương hồng quý hiếm và $1.3 triệu Mỹ kim cho 27 dây chuyền vàng.

Ấn Độ tố Trung Cộng xây hầm chứa chiến đấu cơ
NEW DELHI – Chính phủ Ấn Độ đang rất lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng hầm ngầm chống bom tại phi trường Gonggar thuộc Lhasa, thủ phủ Khu tự trị Tây Tạng, vì cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách biến phi trường này thành căn cứ có thể điều động chiến đấu cơ. Các nhà kho chứa máy bay mới được đào sâu trong dãy núi gần phi đạo. Các viên chức Ấn Độ tin rằng Trung Quốc đang biến phi trường Gonggar thành một căn cứ Không quân với sức chứa khoảng 3 phi đội gồm 36 chiến đấu cơ. Phi trường này chỉ cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ khoảng 1,350 cây số.
Một viên chức Ấn Độ cho biết, Không quân Trung Quốc từ lâu đã sở hữu những hầm chứa tương tự tại khu vực dọc biên giới với Nga, còn các hầm tránh bom gần biên giới Ấn Độ lần này là "hành động mới" của Bắc Kinh. "Bạn cần hầm tránh bom cho máy bay chỉ khi có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Các chiến đấu cơ đậu ngoài trời dễ bị tấn công khi giao chiến. Do đó, chúng được cất giấu trong hầm để điều động khi cần,” một viên chức khác nói.
Trung Quốc cũng được cho là đang mở rộng các căn cứ hỏa tiễn phòng không và trực thăng tại một số phi trường ở gần biên giới hai nước. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ bùng phát năm ngoái khi xảy ra tình trạng đối đầu tại cao nguyên Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ hai nước gần đây có dấu hiệu khá lên sau chuyến thăm của Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thành phố Vũ Hán vào tháng 4, nhằm thảo luận cách giải quyết các mâu thuẫn tại biên giới.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT