Hoa Kỳ

Đâm trong trường, 1 học sinh thiệt mạng

Wednesday, 27/09/2017 - 08:20:05

Lần cuối cùng một vụ án mạng như vậy xảy ra là vào ngày 24 tháng 2, 1993, khi một học sinh 15 tuổi bị đâm chết trong một trường cấp 2 ở Manhattan.



NEW YORK – Vào sáng thứ Tư, một nam sinh 15 tuổi đã thiệt mạng và 1 nam sinh 16 tuổi khác đang trong tình trạng nguy kịch, sau khi cả hai bị một bạn học đâm dao vào ngực ngay trong lớp học, tại một trường trung học ở New York. Nghi can 18 tuổi đã bị giam và đang bị thẩm vấn. Nhà chức trách cho biết, vụ tấn công có vẻ như là hậu quả của một vụ tranh chấp giữa ba học sinh này, vốn đã kéo dài trong khoảng hai tuần. Hung khí là một con dao có lưỡi dài 3 inch, và tay cầm 4 inch, đã được tìm thấy tại hiện trường. 
Theo lời cảnh sát, trường học không có máy dò kim loại, và loại dao này rất dễ mua được ở bất cứ đâu. Nhà chức trách vẫn chưa liên lạc được với mẹ của nghi can, vì bà được cho là đang ở Puerto Rico và hoàn toàn không có tin tức gì từ sau bão Maria. Sự kiện hôm thứ Tư là lần đầu tiên 1 học sinh bị giết trong một trường công lập ở New York trong gần 25 năm qua. Lần cuối cùng một vụ án mạng như vậy xảy ra là vào ngày 24 tháng 2, 1993, khi một học sinh 15 tuổi bị đâm chết trong một trường cấp 2 ở Manhattan.

Trump giới hạn 45,000 người tị nạn, thấp lịch sử
Vào ngày thứ Tư, chính phủ Trump xác nhận Hoa Kỳ dự định sẽ giới hạn số người tị nạn nhận vào là 45,000 người trong năm tài chính 2018. Con số này giảm bớt so với 50,000 người vào năm ngoái, và thấp hơn rất nhiều so với số lượng 110,000 người mà ông Obama từng hứa sẽ thu nhận trong những tháng cuối nhiệm kỳ. Đây là con số thấp nhất kể từ khi chương trình nhận người tị nạn bắt đầu vào năm 1975, và đã bị chỉ trích bởi một số chính trị gia Dân Chủ và các tổ chức hỗ trợ người tị nạn định cư.
Theo kế hoạch mới, chính phủ dự định sẽ nhận 19,000 người từ châu Phi; 5,000 từ Đông Á, 2,000 từ Châu Âu và Trung Á; 1,500 từ Mỹ Latinh và Caribbean; và 17,500 từ vùng Cận Đông và Nam Á. Viên chức Hoa Kỳ nói rằng sự thay đổi này là cần thiết, vì Bộ Nội An phải tính đến lý do an ninh và những người xin ở lại Hoa Kỳ tị nạn.
Bộ Nội An giải thích, số hồ sơ xin tị nạn còn tồn đọng sẽ đạt mức 300,000 hồ sơ vào cuối năm nay, và Bộ Nội An phải điều một số nhân viên từ chương trình nhận người tị nạn để giải quyết hồ sơ cũ. Ngoài ra, chính phủ sẽ áp dụng các tiêu chuẩn xét duyệt mới, kỹ lưỡng hơn nhưng cũng mất nhiều thời gian hơn. Do đó, con số 45,000 người là số lượng thích hợp mà Bộ Nội An có thể giải quyết hiện nay.

Mỹ cấm Trung Quốc mua cổ phần trong hãng xe tự lái
Nhiều hãng đầu tư, bao gồm cả tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc Tencent Holdings, đã buộc phải từ bỏ kế hoạch mua cổ phần trong một hãng phát triển bản đồ chuyên dùng cho xe tự lái, do không được nhà chức trách Hoa Kỳ phê chuẩn.
Liên doanh giữa hãng Tencent, công ty bản đồ Trung Quốc NavInfo, và quỹ đầu tư Singapore GIC, đã thu hồi hồ sơ đấu thầu mua 10% cổ phần của hãng công nghệ HERE, sau khi không được Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài của Hoa Kỳ chấp thuận. Đây là khoản đầu tư mới nhất có liên quan đến Trung Quốc bị từ chối dưới thời Tổng Thống Donald Trump. Tuy hãng HERE là công ty châu Âu có trụ sở chính ở Hòa Lan, nhưng việc mua cổ phần của hãng này vẫn cần được sự chấp thuận từ Hoa Kỳ, do HERE có tài sản ở Chicago, tiểu bang Illinois.
Thành viên trong nhóm liên doanh châu Á, hãng NavInfo, không cho biết vì sao ủy ban Hoa Kỳ từ chối đề nghị mua cổ phần của nhóm này. NavInfo đã có công ty liên doanh với hãng HERE ở Trung Quốc. Vụ mua bán thất bại này diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Tổng Thống Trump ngăn cản một thương vụ khác, trong đó một nhà đầu tư được Trung Quốc hậu thuẫn đã định mua lại hãng sản xuất mạch điện Lattice, hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng. Giới quan sát cho biết, từ lâu nay, Hoa Kỳ rất cẩn thận trước các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, và chính quyền hiện tại ở Washington được cho là sẽ càng khó khăn hơn nhiều so với trước đây.

3 cá nhân, 2 công ty bị kết tội buôn lậu san hô sống

LOS ANGELES – Ba người đàn ông và hai công ty đã bị kết tội đối với các cáo trạng liên bang, về việc buôn lậu san hô sống – loài thủy sinh được bảo vệ bởi hiệp ước quốc tế, nhưng lại thường được dùng để trang trí bồn cá kiểng. Các bị cáo Jose Torres, 42 tuổi, cư dân Gardena, và Jose Vazquez, 39 tuổi, cư dân Garden Grove, bị cáo buộc đã tìm cách xuất cảng khoảng 20 loại san hô còn sống, giấu trong các ống chip khoai tây hiệu Pringles. Số san hô được đặt trong hành lý của mẹ Vazquez để bà này đưa về Mexico, và bị phát hiện khi viên chức quan thuế kiểm tra hành lý.
Trong một vụ án tương tự, hai công ty ở Inglewood, gồm Renaissance Aquatics và Lim Aqua-Nautic, và bị cáo Chet Bryant, 37 tuổi, cư dân Houston, Texas, cũng bị truy tố các tội buôn lậu san hô sống lấy từ Việt Nam, và làm hồ sơ giả để che dấu hoạt động buôn lậu. Các tội trạng của các bị cáo có hình phạt tối đa lên đến 10 năm tù. Riêng Bryant còn bị truy tố thêm 7 tội buôn lậu động vật hoang dã, có hình phạt tối đa đến 20 năm tù.

Apple được coi là thương hiệu giá trị nhất thế giới
CALIFORNIA – Hãng tư vấn tài chính Interbrand vừa công bố bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu. Trong đó, vị trí đầu bảng thuộc về Apple, với thương hiệu được định giá hơn $184 tỷ Mỹ kim. Tiếp đó là Google. Microsoft, Coca-cola, Amazon lần lượt giữ vị trí số 3, 4 và 5.
Cũng trong bảng xếp hạng này, Toyota rơi xuống thứ 7, chỉ 1 năm sau khi hãng này trở thành công ty châu Á đầu tiên lọt vào top 5. Doanh thu của Toyota đã sụt giảm tại thị trường quan trọng là Hoa Kỳ. Cùng thời điểm này, hãng xe Nhật phải đối mặt với tình trạng gia tăng chi phí khi phát triển xe tự lái – lĩnh vực mà các hãng công nghệ Hoa Kỳ như Tesla và Google đang dẫn đầu. Danh sách của Interbrand chỉ gồm các công ty hoạt động trên toàn cầu và tập trung vào các hãng có niêm yết cổ phiếu. Bảng danh sách này cho thấy, các công ty Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế vượt trội về công nghệ và sự đổi mới để theo kịp thị trường.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT