Văn Nghệ

Đam mê âm nhạc và không ngừng sáng tạo của nhạc sĩ Bee Uyên Phương

Friday, 15/09/2017 - 08:25:18

Còn với nghệ thuật trình diễn và hòa âm, phối phí, Uyên Phương nói, “Một số khán giả trong cộng đồng cứ nghe đến Bee Uyên Phương là cho rằng em chỉ chơi nhạc Jazz, nhưng thật ra, em yêu tất cả các dòng nhạc từ cổ điển, Jazz….”

Bài BĂNG HUYỀN

Tiếng đàn và tài hòa âm, phối khí của Bee Uyên Phương

Nếu ai đã từng có dịp thưởng thức đêm nhạc Jazz Night do nhạc sĩ, dương cầm thủ, cô giáo dạy piano Uyên Phương (Bee Uyên Phương) tổ chức trong cộng đồng người Việt tại vùng Little Saigon, sẽ dễ dàng bị Uyên Phương chinh phục khi nhìn cô lướt những ngón tay thanh thoát trên phím dương cầm và cách cô sống hết mình trong thế giới của giai điệu vừa là lạ, vừa rất riêng do chính cô hòa âm phối khí lại, khoác chiếc áo mới cho những tác phẩm cũ vốn đã rất quen thuộc với nhiều người, thành một tác phẩm mới, đầy sáng tạo.
Những đêm nhạc Jazz Night do Uyên Phương tổ chức, cô không chỉ tôn vinh được những nghệ sĩ đồng hành cùng mình mà cô còn tạo ra điểm nhấn tuyệt vời riêng cho cá nhân với khả năng làm chủ sân khấu và dẫn dắt khán giả tài tình. Từ cách Uyên Phương tạo hòa âm cho tác phẩm, hay khi cô chơi cùng ban nhạc Berklee Jazz Band do Uyên Phương làm trưởng nhóm, hay chỉ độc tấu một mình, đều được Uyên Phương thể hiện thật khéo léo trong từng nốt nhạc đầy cảm xúc, mang hơi thở mát lành của cảm hứng, giúp khán giả cảm nhận được sự sáng tạo vô bờ của người nghệ sĩ trẻ.


Nhạc sĩ Bee Uyên Phương bên phím đàn. (Face book)

Hòa âm, phối khí của các tác phẩm do Uyên Phương thực hiện và cùng trình tấu với các thành viên của ban nhạc rất lạ, rất mới, khiến nó mang nhiều tầng lớp, đa sắc thái và ý nghĩa.



Uyên Phương đem đến cho người nghe điều mới mẻ về nhiều khía cạnh âm nhạc như: hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, cách thể hiện.

Ở mỗi một đặc điểm đều cho khán giả thấy những nét đặc trưng riêng biệt của Uyên Phương. Cô đã biến những ca khúc dù quen thuộc cũng trở nên không còn đơn điệu mà có nhiều cung bậc cảm xúc hơn, lúc buồn vui, khi trầm lắng sôi động, khiến khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.


Cô giáo Uyên Phương tại trường nhạc Bee Music School do Uyên Phương làm hiệu trưởng. (Face book)

Trong đó, sự tung hứng giữa tiếng đàn dương cầm của Uyên Phương với các nhạc cụ trống, bass và guiare đậm phong cách ngẫu hứng Jazz của các thành viên ban nhạc. Họ không chỉ tập trung vào kỹ thuật với sự tung hứng về phách điệu hết sức điệu nghệ, mà còn tạo ra sự hòa điệu của những âm giai, có sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả. Cách thức diễn tấu linh hoạt của từng nhạc sĩ trong ban nhạc với những sáng tạo riêng đầy màu sắc, nhưng cũng quyện chặt nhịp nhàng, đã mang lại sự thích thú cho người nghe. Tiếng trống, tiếng guitar, tiếng bass, tiếng dương cầm với các tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, đầy ma lực, thậm chí có lúc họ còn dừng lại tạo một khoảng không gian tĩnh lặng trong sự chờ đợi, hồi hộp của khán giả để rồi chỉ ít phút sau đó đưa khán giả đến một trạng thái cảm xúc vỡ òa thăng hoa tột độ với những tiếng huýt sáo khen ngợi, vỗ tay không ngớt.

Học piano vì bị bắt buộc

Kể về mình, Uyên Phương cho biết cô là con gái duy nhất của gia đình và tên đầy đủ của cô do ba mẹ đặt là Thân Trọng Uyên Phương, cô xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, là cháu nội của đạo diễn điện ảnh Thân Trọng Kỳ và có ba, mẹ đều theo đuổi con đường âm nhạc. Mẹ của Uyên Phương là ca sĩ Ánh Minh chuyên hát nhạc ngoại quốc trong các phòng trà tại Sài Gòn và ba là hiệu trưởng trường âm nhạc tư thục Suối Nhạc ở Sài Gòn.

Cô tâm sự, “Ba mẹ Uyên Phương lạ hơn những phụ huynh khác, những phụ huynh khác chỉ cho con học nhạc như một thú vui giải trí, thì ngay khi Uyên Phương 4, 5 tuổi ba mẹ cho Uyên Phương học đàn piano và hướng Uyên Phương theo chuyên nghiệp luôn. Nhiều gia đình Việt Nam thường muốn con trở thành bác sĩ, kỹ sư…, còn ba Uyên Phương thì muốn Uyên Phương trở thành nghệ sĩ biểu diễn piano. Ba luôn dạy Uyên Phương là bất cứ con học gì từ nhạc, hay vẽ, thể dục thể thao thì khi đã học rồi phải theo cho đến cùng, chứ không phải học cho có.”

Vì sự nghiêm khắc của ba không được học cho có, cộng với khả năng trời phú, nên Uyên Phương đã thi đậu thủ khoa vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn (Nhạc Viện Sài Gòn) năm 7 tuổi, và trong suốt thời gian học trong trường, cô đã đoạt được rất nhiều giải thưởng âm nhạc cho Sai Gòn cũng như miền Nam nói chung (7 lần Huy Chương Vàng toàn quốc cuộc thi Piano do Yamaha va Kawaii tổ chức, top 3 pianist toàn Châu Á năm 2006). Năm 18 tuổi, Uyên Phương tốt nghiệp xuất sắc Thủ Khoa piano trung cấp dài hạn 11 năm trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.

Khi mới làm quen với cây đàn piano, Uyên Phương có mê thích ngay cây đàn này không?
Uyên Phương nói, “Bây giờ Uyên Phương theo nghề dạy piano rồi, mới biết rằng không có đứa con nít nào mê học piano từ nhỏ hết, các bé chỉ mê chơi thôi. Từ nhỏ Uyên Phương bị ba mẹ ép học, đi học văn hóa, rồi phải học đàn, về nhà lại phải luyện đàn, nên lúc nhỏ ghét học đàn lắm. Nhưng có lẽ ba thấy Uyên Phương có năng khiếu nên đã ép Uyên Phương theo. Đến giờ đi dạy rồi, mới thấy là năng khiếu trời cho chỉ là một phần, phần còn lại là sự giúp đỡ của phụ huynh rất nhiều và sự rèn luyện của chính mình. Lúc nhỏ bị ép học, nhưng đến năm Uyên Phương 11- 12 tuổi, thì thật sự rất mê thích piano. Vì bấy giờ ba mẹ Uyên Phương mời mấy nghệ sĩ chơi đàn trong các quán bar nơi mẹ hát, dạy thêm đàn cho Uyên Phương. Những nghệ sĩ này là người ngoại quốc qua Việt Nam du lịch kiểu Tây ba lô, có khả năng âm nhạc rất giỏi nên họ chơi trong các quán bar vừa kết hợp dạy đàn thêm để kiếm tiền. Nếu học chính quy trong trường Quốc Gia Âm Nhạc thì chủ yếu là học nhạc cổ điển, còn học những nghệ sĩ này Uyên Phương được học rất nhiều dòng nhạc khác nhau, nhạc Jazz, nhạc Blues…. Với lại lúc đó đang nổi lên những nhóm nhạc boy band như Backstreet Boys (BSB) là một ban nhạc của Hoa Kỳ đã từng được đề cử giải Grammy và rất nổi tiếng tại Việt Nam. Uyên Phương rất thích, nên đàn theo những bài nhạc của Backstreet Boys, và thấy chơi piano thú vị hơn những bài nhạc cổ điển bài bản mình học trong trường. Đó là nhiều yếu tố cộng lại, giúp Uyên Phương mê học piano hơn.”


Nhạc sĩ Bee Uyên Phương bên phím đàn (Face book)

Mê say với piano và đạt nhiều giải thưởng, vậy mà có lúc Uyên Phương đã bỏ hẳn cây đàn, để chuyển sang ngành học khác. Sau khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc, Uyên Phương đã du học tại Singapore về ngành Thương Mại, để tìm một nghề phòng thân nếu lỡ mai này không thể sống được bằng âm nhạc. Sau khi học xong 2 năm rưỡi bên Singapore, Uyên Phương qua định cư tại Mỹ do ông bà nội bảo lãnh năm 2007. Hồi mới qua, sống cùng ông bà nội tại tiểu bang Maryland, Uyên Phương đã ghi danh học đại học tại đây những lớp để hoàn tất bằng cử nhân thương mại, “nhưng học vài tháng thì Uyên Phương muốn bay nhảy rồi, vì vậy đã xin ông bà nội cho qua California, lúc đó có bạn thân là ca sĩ Vân Quỳnh đang sống tại Nam California (khi còn ở Việt Nam là bạn thân chung xóm từ nhỏ). Vân Quỳnh rủ qua đây, nói bên này phong trào âm nhạc rất vui, ông bà nội đồng ý cho đi. Uyên Phương qua California có đi đàn vài nơi vào buổi tối, trong lúc chờ tìm trường ghi danh học tiếp ngành Thương Mại, thì ba gọi qua khuyên Uyên Phương quay lại con đường âm nhạc.”


Cô giáo Uyên Phương đang hướng dẫn học trò tại trường nhạc Bee Music School do Uyên Phương làm hiệu trưởng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cũng vì nghe theo lời khuyên của ba, nên “Uyên Phương đã mạnh dạn thi vào trường Berklee College of Music (Boston), trường âm nhạc nổi tiếng của Mỹ và được học bổng theo học 4 năm tại đây. Với background là âm nhạc cổ điển học tại Việt Nam, Uyên Phương quyết tâm thay đổi ngành học và đã chọn chọn chuyên ngành Jazz Performance, Uyên Phương luôn được Dean List trong suốt 4 năm học và tốt nghiệp xuất sắc vào năm 2011. Đầu năm 2012, Uyên Phương lại tiếp tục đi audition tại trường New England Conservatory (Boston) và nhận được học bổng Master program môn học Contemporary Improvisation ((Biến tấu âm nhạc đương đại) chuyên ngành piano. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc và là người Việt Nam duy nhất trong niên học 2014, Uyên Phương trở lại California, hoạt động âm nhạc tại quận Cam.

“Tại đây, Uyên Phương là giáo viên bán thời gian tại trường Santa Ana College, dạy nhạc tại trường Santiago Canyon College, và là accompanist và assistant cho Choral class tại trường El Modena High School (Orange). Đó là thời gian làm việc vào buổi sáng đến trưa. Còn chiều từ 3 giờ đến tối, Uyên Phương vừa là hiệu trưởng và là giáo viên dạy piano của trường nhạc Bee Music School (địa chỉ 3621 W Mac Arthur Blvd, Ste 117, Santa Ana, CA 92704) với nhiều bộ môn khác nhau trong âm nhạc.”

Cô giáo dạy đàn

Uyên Phương nói rằng cô không chỉ là nghệ sĩ piano trình diễn đơn thuần, mà cô muốn đem những kiến thức đã học truyền lại cho các em, đặc biệt là trong cộng đồng Việt Nam tại đây. Cô rất yêu thích cơ hội được truyền cảm hứng cho các học trò và chia sẻ những kiến thức của mình sau nhiều năm được học hỏi từ những thầy cô giỏi mà cô may mắn được học. Với Uyên Phương, làm cô giáo dạy đàn đem đến cho cô niềm hạnh phúc tuyệt vời khi được chia sẻ những kinh nghiệm học tập cũng như tình yêu âm nhạc của mình với các học trò, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội đa dạng tại Hoa Kỳ, mà ở đó có sự trao đổi, tiếp xúc và hợp tác giữa những người thuộc mọi chủng tộc khác nhau, tôn giáo, tín ngưỡng hay học vấn khác nhau. Âm nhạc chính là chiếc cầu nối để gắn kết những cá nhân xa lạ và âm nhạc cũng là một phương tiện để đưa mọi người đến với nhau trong tình yêu thương.

Cô cho biết trường nhạc của cô ngoài dạy piano, có dạy hát, dạy guitar, dạy violin, có lớp dạy vẽ, có lớp dành cho các em lập thành một ban nhạc về nhạc jazz…


Cô giáo Uyên Phương đang hướng dẫn học trò tại trường nhạc Bee Music School do Uyên Phương làm hiệu trưởng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cô kể, “Uyên Phương từng tổ chức những buổi trình diễn của các học trò, tổ chức tại hội trường Việt Báo, và có lần tổ chức tại Santa Ana College… Phần trình diễn của học trò luôn có 3 phần, phần 1 cho các em trình tấu bài nhạc cổ điển, phần 2 là cho các em trình diễn với violin, piano những bài nhạc hiện đại, nhạc Pop… và phần 3 là cho các em chơi với ban nhạc Jazz. Uyên Phương muốn các em học tại đây có khả năng chơi được nhiều thể loại nhạc, vừa có nhạc cổ điển, vừa nhạc Pop và nhạc Jazz. Khi mở trường nhạc dạy cho các em nhỏ, căn bản bước đầu vẫn dạy cho các em nhạc cổ điển, để các em học những kỹ thuật khi trình tấu nhạc cụ, nhưng ngoài những bài cổ điển vẫn có những thể loại nhạc hiện đại khác nhau.”

Hòa âm, phối khí và trình diễn

Còn với nghệ thuật trình diễn và hòa âm, phối phí, Uyên Phương nói, “Một số khán giả trong cộng đồng cứ nghe đến Bee Uyên Phương là cho rằng em chỉ chơi nhạc Jazz, nhưng thật ra, em yêu tất cả các dòng nhạc từ cổ điển, Jazz….”

Uyên Phương bảo cô không ngừng cố gắng khám phá các cảm hứng sáng tạo rất đa dạng giữa các thể loại nhạc khác nhau. Khi hòa âm, phối khí, cô luôn phối nhiều loại khác nhau như funky, Ambient and Underground music, Blues, Contemporary style, Bossa Nova, Pop, Rock, Rock and blues, Rock ballad… nhưng vẫn tôn trọng hồn cốt của tác phẩm gốc.

Theo Uyên Phương, muốn làm một nhà soạn hòa âm phối khí thành công, đặc biệt là với chuyên ngành mà cô được đào tạo bài bản bậc cao học ngành Contemporary Improvisation (Biến tấu âm nhạc đương đại), thì cần phải nghe nhiều dòng nhạc khác nhau, phải luôn tiếp thu cái mới và không ngừng học tập. “Thời gian gần đây em chú tâm dạy nhạc nhiều hơn là soạn hòa âm và đi trình diễn, nên thấy mình đang dừng lại. Em vẫn luôn muốn tiếp tục học, học bằng cách nghe nhạc và tìm thầy cô giỏi học thêm và tiếp tục thực hiện những bài nhạc hòa âm mới để gửi đến khán giả.”

Nhắc về người bạn đời luôn bên cạnh, đỡ đần cô từ khi cả hai kết hôn đến nay, Uyên Phương nói, “Chồng em là kiến trúc sư, những lần em tổ chức show, anh là người thực hiện các poster cho em. Anh chỉ biết chơi đàn guitar tài tử thôi, anh không có học hành bài bản về nhạc, tuy anh không biết nhiều về nhạc, nhưng là khán giả rất hiểu nhạc và là người đầu tiên nghe tác phẩm em soạn hòa âm, phối khí để góp ý. Vì anh qua Mỹ từ nhỏ, ít nghe nhạc Việt Nam, nên khi em phối những bài nhạc Việt Nam với bản hòa âm phối khí mới, anh cho em nhiều gợi ý rất hay, giúp em hoàn thành bản nhạc mới lạ hơn. Anh luôn hỗ trợ cho em trên con đường nghệ thuật mà em đang đi.”

Đã hơn một năm nay, khán giả quận Cam vẫn chưa thấy Uyên Phương trở lại trình diễn show nhạc Jazz Night mà cô đã thực hiện khá đều đặn mỗi 2 tháng một lần vào năm 2015 và show vào tháng 7 năm 2016 đã rất thành công. Vì cô đang tận hưởng niềm hạnh phúc bên thiên thần nhỏ của mình, cùng với việc bận rộn với các học trò nhỏ mà cô nhận giảng dạy, nên việc biên soạn tác phẩm mới để gửi đến khán giả một đêm nhạc vẫn chưa thể thực hiện.

Dẫu vậy, những khán giả yêu thương Uyên Phương vẫn có thể đặt niềm tin rằng, với năng khiếu bẩm sinh, với sự học hành bài bản chuyên nghiệp và đam mê nghệ thuật cùng cách cô cẩn thận với âm nhạc của mình, nuôi dưỡng và hình thành nó một cách chuyên nghiệp, sáng tạo, thì lần trở lại trong tương lai của cô trong một show diễn mới, hứa hẹn sẽ có thêm những góc cạnh khác lạ, hấp dẫn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT