Thế Giới

Đám cưới Harry - Meghan Markle diễn ra trong thời buổi chủng tộc còn gây tranh cãi

Saturday, 19/05/2018 - 12:26:17

Ở Anh, tin tức truyền thông về lễ đính hôn của cô Markle, với vị hoàng tử hồi đó đứng thứ năm trong hàng chờ kế vị ngai vàng nước Anh, đã tạo ra những lời nghe như diễu cợt.


Đến phiên em
Hoàng Tử anh William (trái) đã có vợ và đang đi bộ cùng Hoàng Tử em Harry trong lúc đám đông reo hò tại Windsor ngày thứ Sáu, một ngày trước khi Harry lên xe hoa cùng cô Meghan Markle. Hoàng Tử Harry đã cầm một con thú nhồi bông do một người ái mộ tặng. (Shaun Botterill/Getty Images)

WINDSOR - Hôn lễ vào thứ Bảy cuối tuần này có thể được xem là một biến cố giao tiếp công chúng tốt cho Hoàng Gia Anh, khi mà đám cưới đưa một người Mỹ gốc Phi Châu vào trong một dòng dõi toàn da trắng của hoàng gia, và đưa hoàng gia tiến tới gần hơn với một đất nước đa chủng mà họ đang cai trị.

Nhưng lễ cưới cũng diễn ra vào một thời điểm hỗn loạn hơn trong các quan hệ chủng tộc ở nước Anh.
Khi thành phố Windsor đang được điểm trang để chuẩn bị cho đám cưới, để quốc gia này mở rộng vòng tay dành cho một người phụ nữ Mỹ da màu, thì nền chính trị Anh Quốc đang phải vất vả đối phó với một vụ bê bối không đẹp về di trú, mà theo nhiều người Anh da đen bị trục xuất.

Trong tuần này, Bộ Trưởng Nội Vụ Sajid Javid xác nhận rằng 63 thành viên của “Thế Hệ Windrush” đã bị trục xuất không đúng cách, căn cứ theo chính sách di trú mới của nước Anh. Thế Hệ Windrush là làn sóng di cư ồ ạt của những người từ vùng Caribbean-Phi Châu tuôn đến đây bằng thuyền, từ các nước thuộc khối Thịnh Vượng Chung, để lấp đầy tình trạng thiếu hụt công nhân lao động ở Anh, sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.
Được khởi xướng bởi Thủ Tướng Theresa May khi bà làm bộ trưởng nội vụ, chính sách tạo “môi trường thù địch” bắt buộc các chủ nhà, chủ nhân hãng xưởng, và nhân viên y tế, phải kiểm tra tình trạng di trú của khách và nhân viên, tạo ra một mạng lưới gồm các viên chức di trú mới không chính thức.

Thậm chí các nạn nhân của tội phạm có thể bị trục xuất, nếu tình trạng di trú của họ không ổn. Có người nói rằng nếu là người Canada đến Anh để lao động thì có lẽ ít có nguy cơ bị trục xuất hơn là người da đen từ Caribbean.

Theo ông Nels Abbey, tác giả của một cuốn sách sắp được xuất bản, với nhan đề là Think Like A White Man (Hãy Suy Nghĩ Như Một Người Da Trắng), cuộc tranh cãi về di trú trở thành một hình thức đại diện cho chủng tộc, và các nhà bình luận sẽ “thề với trời cao rằng khi họ nói về di trú, thì họ không nói về chủng tộc, khi rõ ràng họ nói về chuyện đó, họ không bao giờ nói về những người da trắng từ nước Úc.”

“Nếu bạn chấp nhận rằng cuộc tranh luận về di trú là một cuộc tranh luận về chủng tộc, thì nước Anh nói về chủng tộc nhiều hơn bất cứ thứ gì khác.” Ông Abbey nói với báo Washington Post như vậy, trong những lời phát biểu được công bố đầu tuần này.

Cô Meghan Markle sinh năm 1981, có mẹ là người da đen và cha là người da trắng. Họ kết hôn vào năm 1979, chỉ mười năm sau khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, trong vụ kiện Loving chống Virginia, phán quyết rằng việc các cặp hôn nhân dị chủng là hợp pháp.

Cho đến thời điểm đó, việc hôn nhân dị chủng vẫn bị cấm ở 16 tiểu bang của nước Mỹ.
Trong đợt gia tăng những cuộc hôn nhân “hỗn hợp,” trong những năm sau khi tòa án phán quyết như vậy, tại California, có cuộc kết hôn của Thomas Markle với Doria Ragland (có dòng dõi từ lực lượng lao động nô lệ trên các đồn điền trồng bông gòn của miền Nam nước Mỹ), và con gái của họ là Meghan được sinh ra hai năm sau đó.

Ở Anh, tin tức truyền thông về lễ đính hôn của cô Markle, với vị hoàng tử hồi đó đứng thứ năm trong hàng chờ kế vị ngai vàng nước Anh, đã tạo ra những lời nghe như diễu cợt.

“Đó, đó mới là tiến lên giai cấp xã hội cao hơn!” Nhật báo Daily Mail cười vui viết tựa như vậy, nêu ra rằng gia đình của cô Markle đã đi từ thân phận nô lệ lên bậc vương giả trong vòng 150 năm.

Bình luận gia Melanie McDonagh của báo Spectator nói rằng “cách đây bảy mươi năm, Meghan Markle sẽ là loại phụ nữ chỉ được phép làm tình nhân cho Hoàng Tử, chứ không phải làm vợ.”

Thật ra sự xuất hiện của cô Markle đang được chào đón trong một số tầng lớp, coi đó là một bước tiến bộ mạnh mẽ ở nước Anh.

Afua Hirsch, tác giả của cuốn Brit(ish): On Race, Identity and Belonging (Anh: Về Chủng Tộc, Căn Tính và Sự Thuộc Về), viết trên báo The Guardian, “Tôi gặp khó khăn khi lớn lên với cảm giác rằng chế độ quân chủ là nền tảng của tính cách Anh, nhưng tính cách Anh mà họ đại diện là tính cách Anh loại trừ tôi. Việc loại trừ này là điều quan trọng. Nó làm cho những người khác tri nhận rằng việc là người Anh thực sự, và là người da đen, là hai căn tính không thể nào tương thích. Nó là một điều cấm kỵ rất lớn. Mỗi chính phủ mà tôi có thể nhớ đã làm một số nỗ lực, để thừa nhận và bảo vệ sự đa dạng chủng tộc. Gia đình để tuyệt đỉnh của xã hội chúng ta đang chỉ làm điều đo mà thôi.”
Khi đám cưới của cô đến gần, Meghan Markle sẽ được huấn luyện kỹ càng về những cách giao thức hoàng gia.
Bà Joanna Abeyie, nhà hoạt động ủng hộ tính cách đa dạng và là người sáng lập công ty cố vấn tuyển mộ Hyden, cho rằng hôn lễ này sẽ không thay đổi những điều căn bản về nước Anh. Nhưng sự có mặt của cô Markle sẽ rất hữu ích.
Bà nói, “Đối với dân London và các thành phố khác ở nước Anh, đó là đa văn hóa. Vì vậy, việc nhìn thấy những mối quan hệ dị chủng - chính tôi xuất thân từ một mối quan hệ dị chủng - không phải là điều hoàn toàn lạ lùng. Nhưng tôi nghĩ rằng vẫn còn những vùng của nước Anh, nơi mà việc đại diện của nhóm thiểu số vẫn còn chưa đúng mức,” theo bà nói với chương trình 7.30.
“Vì vậy, tôi nghĩ đối với họ đây là một thông điệp lớn thực sự – nói rằng tình yêu không nhìn thấy ranh giới, và thực sự chúng ta sắp cho phép một người nào đó trong hoàng gia kết hôn với bất cứ người nào mà họ thương yêu. Tôi nghĩ đó là một chuyện quan trọng và là một điều gây ấn tượng lớn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT