Người Việt Khắp Nơi

Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chùa Hương Tích, Santa Ana

Tuesday, 29/08/2017 - 08:03:45

Trước khi ban đạo từ, HT Thích Nhật Minh cho biết, “Bài giảng của Sư Cô vừa rồi là giảng theo lối ở Đại học, vì Sư Cô tốt nghiệp tại Đại Học Mỹ. Đây là bài giảng theo cách mới giúp các Phật tử mở mang thêm kiến thức mà Ni sư đã bỏ công nghiên cứu.”

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Chùa Hương Tích, một trong hai ngôi chùa xuất hiện sớm nhất tại Quận Cam, Nam California (trước đó là chùa Trúc Lâm Yên Tử) ở địa chỉ 4821 W. Fifth Street, Santa Ana, CA 92703 do Ni Sư Thích Nữ Minh Từ làm viện chủ, đã long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan, Phật Lịch 2561 vào sáng Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017.


Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh và Ni Sư Viện Chủ Thích Nữ Minh Từ đang tụng kinh cùng các Phật tử trong đại lễ Vu Lan được tổ chức tại chùa Hương Tích sáng Chủ Nhật, 27 tháng Tám, 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Khác với phần lớn các chùa và tự viện trong vùng Quận Cam, chùa Hương Tích tổ chức đại lễ Vu Lan một cách đơn giản, không có nhiều chư tôn đức Tăng, Ni tham dự nhưng không vì thế mà kém phần trang nghiêm, long trọng; và qua bài thuyết giảng của Ni Sư cũng như đạo từ của Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh đều chú trọng vào việc hướng dẫn Phật tử am hiểu và thực hành chữ Hiếu đối với ông bà, cha mẹ, những bậc đã có công sinh thành, dưỡng dục mình.


Các Phật tử trước giờ làm lễ Vu Lan tại chánh điện chùa Hương Tích. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Thay vì thuyết giảng về Phật pháp, về gương Đức Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ, năm nay Ni Sư Thích Nữ Minh Từ trình bày khái niệm về chữ Hiếu trong các tôn giáo: Nho Giáo, Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo. Trước tiên Ni Sư Minh Từ định nghĩa chữ Hiếu: Hiếu là hết lòng phụng dưỡng cha mẹ hay đạo lý phụng thờ cha mẹ. Lòng hiếu thảo được phát âm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau qua các nước. Việt Nam gọi là “Hiếu”. Trung Hoa gọi là “Xiao”. Trong Nho học Hàn Quốc, nhân vật có hiếu được phát âm là “Hyo”. Trong tiếng Nhật, thuật ngữ nói chung được sử dụng trong ngôn ngữ nói “Oyakoukou” chỉ người có hiếu với cha mẹ.


Các Phật tử đang theo dõi bài giảng của Ni Sư Thích Nữ Minh Từ tại chánh điện chùa Hương Tích. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau khi nói khái niệm về chữ Hiếu, Ni Sư trình bày chi tiết hơn về chữ Hiếu trong các tôn giáo:
Hiếu trong Nho Giáo: Hiếu thảo hay sự thương mến cha mẹ chính là cội nguồn của Nhân. Do vậy, Hiếu và Nhân không thể tách rời nhau. Người có hiếu thì dễ dàng phát triển lòng Nhân. Một khi đã có Nhân thì hạnh hiếu càng sáng tỏ. Chỉ khi nào con người biết bắt đầu sự hiếu thảo với cha mẹ, từ sự gắn bó với thân quyến thì người ấy mới có thể thương yêu người khác. Đó là lộ trình tu đạo của người quân tử.

Trong quan niệm Nho giáo, Hiếu là gốc của đức, là nguồn của lễ giáo như thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cho cha mẹ, đó là nền tảng của Hiếu. Đức Khổng Tử nói về đạo hiếu: “Người con có hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm.
Hiếu trong Do Thái Giáo: Theo truyền thống, con cái phải có trách nhiệm sanh con đẻ cháu để nối dõi tông đường, nhất là phải có sự kính trọng cha mẹ. Tôn kính cha mẹ không những có sự gắn bó về mặt huyết thống mà còn là cách tôn vinh Chúa. Nhiệm vụ con cái phải lo cung cấp thức ăn, nước uống, chăn mền và ngay cả phương tiện di chuyển cho cha mẹ. Không đứng hay ngồi nơi dành riêng cho cha mẹ. Không được chống đối cha mẹ bằng lời nói hay hành động khi có sự tranh chấp. Theo Kinh Thánh, sự tôn vinh cha mẹ là tôn vinh Thiên Chúa và ngược lại.


Ni Sư Minh Từ thuyết giảng về Hiếu trong các tôn giáo. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Hiếu trong Cơ Đốc Giáo (Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo): Kinh Thánh dạy rằng lòng hiếu thảo là vô cùng quan trọng. Yêu cha mẹ là yêu mến Thiên Chúa. Nên phụng dưỡng cha mẹ khi các ngài còn sống, chớ đợi khi cha mẹ mất mới làm mâm cơm cỗ đầy. Phải cầu nguyện cho cha mẹ khi họ qua đời để cha mẹ được cứu rỗi. Tuy nhiên, quan niệm của Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa là đấng dựng nên mọi sự, mọi loài trên trời và dưới đất nên phải tôn thờ và vâng lời Ngài là chính. Do đó, khi các yêu cầu hiếu thảo của cha mẹ xung đột với ý muốn của Thiên Chúa, điều quan trọng là tuân theo ý Đức Chúa Trời hơn là ý muốn của cha mẹ.
Hiếu trong Hồi Giáo: Đối với Hồi giáo, tất cả con người đều là sáng tạo của Allah, và cha mẹ là những người được tôn vinh nhất trong tất cả các sáng tạo. Trẻ em phải tuân theo cha mẹ, Vợ phải nghe lời chồng. Không được nói những lời khinh thị, xua đuổi cha mẹ, phải cầu nguyện cho cha mẹ khi còn sống và khi đã chết. Vai trò của người mẹ trong Hồi Giáo rất quan trọng Phải yêu thương và chăm sóc cha mẹ. Nếu vi phạm điều này là tội lỗi.

Hiếu trong Ấn Giáo: Con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ già của mình, cung cấp cho họ phương tiện sinh sống phong phú và đầy đủ. Trong Manusmriti (một văn bản pháp luật cổ đại viết bằng tiếng Sanskrit vào niên kỷ thứ nhất trước Tây lịch đã đánh giá lòng tôn trọng của người con đối với cha mẹ như sau: “Người Thầy được tôn kính gấp 10 lần phụ giáo,người Cha được tôn kính gấp 100 lần người Thầy, nhưng người Mẹ đáng tôn kính gấp hàng ngàn lần người Cha.”

Hiếu trong Phật Giáo: Đức Phật dạy người con phải Cung kính và vâng lời cha mẹ, Phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu, Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình, Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại. Việc báo hiếu cha mẹ về tinh thần và vật chất là việc làm cần thiết trong đạo Phật. Người con hiếu thảo ngoài việc phải làm tròn bổn phận làm con, sống đời đạo đức và trí tuệ, còn phải vận dụng nhiều phương cách để hướng dẫn cha mẹ tu tập theo lời dạy của Đức Phật một cách chân chánh.

Trước khi ban đạo từ, HT Thích Nhật Minh cho biết, “Bài giảng của Sư Cô vừa rồi là giảng theo lối ở Đại học, vì Sư Cô tốt nghiệp tại Đại Học Mỹ. Đây là bài giảng theo cách mới giúp các Phật tử mở mang thêm kiến thức mà Ni sư đã bỏ công nghiên cứu.”

Hòa Thượng Thích Nhật Minh ban một đạo từ ngắn, nhắc nhở các Phật tử, một là phải luôn nhớ mình là con người đang hiện diện trong vũ trụ này, và trong vũ trụ có sự sống. Sự sống đó rất cần thiết cho chúng ta. Trong tất cả vạn vật thì con người là con vật quý báu nhất, tốt đẹp nhất và có thể trở thành một vị thánh nhân; ai cũng bởi cha mẹ sinh ra, dòng máu của mình đã có sẵn dòng máu của mẹ cha, do đó nếu mình biết giữ cho thân thể mình thật khỏe mạnh, thật nhẹ nhàng là mình đã có hiếu cha mẹ mình rồi, ngược lại, thân thể mình là viên ngọc quý của cha mẹ sinh ra mà mình để cái thân này bệnh hoạn, đau ốm thì chúng ta đã sử dụng cái thân này không đúng; không xứng với công ơn sinh thành của cha mẹ, nên chúng ta phải giữ cái thân được khỏe mạnh, cường tráng thì tinh thần mình mới tinh tấn, mới sáng suốt được.


Hòa Thượng Thích Nhật Minh ban đạo từ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Hòa Thượng cũng khuyến cáo những người con không bao giờ cãi lại ông bà, cha mẹ và các bậc trưởng thượng, vì đó là hành động bất hiếu. Hòa Thượng nhấn mạnh rằng, lời nói rất quan trọng. Nên nói nhẹ nhàng, lễ phép với cha mẹ, với ông bà. Một khi cãi lại cha mẹ, ông bà thì cái tâm mình nó bất an. Người xưa đã nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Muốn có hiếu với cha mẹ, ông bà, chúng ta phải có tư tưởng lành mạnh, trong sáng và luôn giữ tư tưởng đó để nó thăng hoa tốt đẹp và đẹp lên mãi. Đó là ba điều kiện chúng ta có hiếu với cha mẹ chúng ta. Nếu chúng ta không hoàn thành được ba điều căn bản này thì chúng ta là những người con bất hiếu mà chúng ta không hay.

“Đôi khi, trước mặt người đời, chúng ta có những hành động, cử chỉ tỏ ra mình có hiếu với cha mẹ, ông bà nhưng để khoe khoang mà trong lòng chúng ta không thực sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Cho nên, chúng ta phải làm sao quay về với bản thân chúng ta, lời nói của chúng ta để cấu tạo thành một sức mạnh thực sự đối với cha mẹ; đó là điều quan trọng mà Phật giáo gọi là tâm hiếu, đạo hiếu và hạnh hiếu.”

Hòa Thượng kết luận đạo từ, “Hôm nay nhân mùa Vu Lan, tôi cầu chúc quý vị còn cha mẹ hiện tiền lúc nào cũng được thân tâm thường an lạc. Còn cha mẹ quá khứ của quý vị được nghe những gì báo hiếu chính trong lương tâm quý vị, trong lời nói nhẹ nhàng của quý vị để lúc nào cũng xứng đáng là người con, người cháu đích thực. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Sau đạo từ, Hòa Thượng và Ni Sư, Sư Cô ra quỳ trước chánh điện cử hành lễ Vu Lan, Các Phật tử nghiêm trang cùng chắp tay tụng kinh Vu Lan. Sau lễ có phần văn nghệ do nhạc sĩ Tâm Nguyên Trí đóng góp, và chùa thiết đãi cơm chay và phát quà cho các Phật tử tham dự. Đại lễ Vu Lan tại chùa Hương Tích hoàn mãn vào buổi trưa cùng ngày.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT