Người Việt Khắp Nơi

Đại Lễ Phật Đản tại Thiền Viện Sùng Nghiêm

Wednesday, 10/05/2017 - 07:53:41

Có phải rằng chúng ta ai ai cũng sợ cái vô thường phải không? Cho nên chúng ta thường đi kiếm cái thường hằng, vĩnh cửu sau khi chết!”

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Khác với quang cảnh thanh tịnh hàng ngày của Thiền Viện Sùng Nghiêm, vào trưa Chủ Nhật, ngày 7 tháng 5, 2017, nhằm ngày 12 tháng Tư âm lịch năm Đinh Dậu, một số đông quan khách và đồng hương Phật tử đã tới Thiền Viện ở địa chỉ 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA 92683 tham dự đại lễ mừng ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Lịch 2561.



Nghi thức chào cờ khai mạc đại lễ Phật Đản tại Thiền Viện Sùng Nghiêm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Buổi lễ có hai phần rõ rệt, một tại hội trường với lời chào mừng và nói về ý nghĩa lễ Phật Đản của Ni Sư Viện Chủ, các nghi thức chào cờ, mặc niệm, Phật tử trình bày quan niệm về lễ Phật Đản, ý nghĩa của Tắm Phật. Phần 2 diễn ra tại chánh điện với nghi thức Đản Sinh. Và sau đó, Phật tử trở lại hội trường dự tiệc mừng, thưởng thức văn nghệ.

Trong phần đầu, sau lời chào mừng và cảm tạ quan khách và quý đồng hương Phật tử, Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền, Viện Chủ Thiền Viện Sùng Nghiêm nói về ý nghĩa Phật Đản Sinh, “Nói đến Phật Đản Sinh là phải nói đến Chân Lý Giác Ngộ của Đức Phật, và đặc biệt là Ngài đã trực tiếp trao truyền Chân Lý ấy, qua bao phương pháp và một kho tàng Kinh Điển, để chúng ta cũng được Giác Ngộ như Ngài, thì mới thoát được mọi khổ đau và sinh tử luân hồi. Có phải rằng chúng ta ai ai cũng sợ cái vô thường phải không? Cho nên chúng ta thường đi kiếm cái thường hằng, vĩnh cửu sau khi chết!”


Quý Ni Sư và Phật Tử dâng hương, tụng Bát Nhã Tâm Kinh trước bàn thờ tại chánh điện Thiền Viện Sùng Nghiêm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Ni Sư dẫn chứng những lời Đức Phật dạy trong Kinh Bát Nhã để xác quyết rằng, “Toàn thể vũ trụ vạn vật đều vô thường mới là không diệt, không mất. Toàn thể vũ trụ vạn vật đều vô thường mới là bất sinh, bất diệt.
“Tại sao vậy? Tại vì nếu toàn vũ trụ vạn vật và thân thể của chúng ta mà cứ tồn tại mãi mãi, một ngàn năm, một vạn năm thì chúng ta và vạn vật là đá, là plastic, không tươi mát và không có sự linh động!”
Sau khi trích dẫn và giải thích một số lời dạy của Đức Phật, Ni Sư Chân Thiền kết luận, “Tất cả vũ trụ vạn vật mà chúng ta đã gán ghép là vô thường tại thế gian này, lại chính là sự hóa hiện của Phật Tính! Mà đã là sự hóa hiện thì đương nhiên phải thiên biến, vạn hóa, chứ làm sao chúng ta lại chấp sự hóa hiện là tồn tại cho được! Nên nhớ Phật Tính là mẹ, sự hiện hóa là vũ trụ vạn vật, là con. Vậy, mẹ và con đều là Phật Tính cả thì đương nhiên là đều cứ vận hành, tuyệt diệu không ngừng nghỉ như thế đó, dù muốn hay không muốn cũng vậy mà thôi.”

Sau đó, Trưởng Tuệ Linh lên điều khiển lễ chào cờ và phút mặc niệm. Tất cả các “member” của Thiền Viện đều mặc tu phục màu nâu tiến lên sân khấu hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Riêng chào cờ Phật Giáo, mọi người tham dự đều phất cờ Phật Giáo và miệng hát bài “Cờ Phật Giáo Tung Bay,” thơ của Ni Sư Chân Thiền tức thi sĩ Thanh Tịnh Liên, nhạc sĩ Tuấn Khanh phổ nhạc.


Phật Tử dâng hương, tụng Bát Nhã Tâm Kinh trước bàn thờ tại chánh điện Thiền Viện Sùng Nghiêm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Kế tiếp, bác sĩ Hùng và Phật tử Minh Hồng đọc bài “Phật Đản Sinh” trong đó có đoạn: “Chúng ta mười phương tụ về quy tụ nhau đây để mừng đại lễ Phật Đản Sanh, để nhớ ơn, để kỷ niệm và để noi gương Đấng Cha Lành Thích Ca Mâu Ni đã ra đời với hình dạng y hệt chúng ta. Ngài đã từ bỏ cuộc đời của một con người y như chúng ta, nghĩa là cũng ăn cơm, đi đứng, nói năng, học hành. Ngài cũng đã lập gia đình có vợ, có con sau đó mới đi tu, và sự tu hành rất là gian lao khổ cực rồi mới đắc đạo. Đức Phật hay còn gọi là Phật Tính, là gương thanh tịnh sáng ngời, là kho tàng vô biên, là trí tuệ tuyệt diệu, Ngài dạy hãy tu hành cho đến Giác Ngộ là tự động giải thoát được sinh tử. Giác Ngộ là tự nhận ra tính của mình. Cái giây phút giác ngộ ấy là giây phút mừng Đản Sinh Đức Phật mà cũng chính là mừng đản sinh của chúng ta.”


Nhạc sĩ Tuấn Khanh (giữa) đang phát biểu. Bên phải là Ni Sư Chân Thiền, Viện Chủ Thiền Viện, bên trái là bác sĩ Hùng MC buổi lễ và Ni Sư Chân Diệu. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Để hiểu ý nghĩa của việc Tắm Phật, Thiền Viện không có nghi thức Tắm Phật như ở các chùa khác. Thay vào đó, Ni Sư Viện Chủ cho đọc bài “Tắm Phật” với quan niệm đáng cho mọi Phật tử phải suy nghĩ:
Tôi tắm ai đây? hay tôi tắm tôi
Phật tuyệt thanh tịnh! tôi toàn thân tội thôi!
Ôi tham sân si, mạn nghi đầy đủ
Vậy tôi tắm ai đây/ Tôi tắm tôi
Tôi tắm Phật hay tôi tắm tôi?
Phật thường tích quang, tội tôi ngập trời
Gan sao tập khí tận, vô minh hết
Bật tiếng ai cười “ồ! Phật hay tôi”
Bài thơ trên được ca sĩ Kiều Loan ngâm với tiếng sáo điêu luyện của nghệ sĩ Ngọc Nôi.
Sang phần hai, tất cả Phật tử vào chánh điện, mỗi người được phát một ngọn nến. Trưởng Lê Đức Lợi hát bài “Trầm Hương Đốt.”

Sau đó qúy Ni Sư dâng hương lên Tam Bảo và cùng tụng Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh. Tiếp theo là Tam Quy và Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Sau lễ nghi trên, ban tổ chức mời trở lại hội trường dùng tiệc chay và thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc do CLB/Tình Nghệ Sĩ phụ trách.

Đại lễ Phật Đản có sự tham dự của cựu Đại tá Lê Bá Khiếu, nhạc sĩ Tuấn Khanh và phu nhân, nhạc sĩ đã phổ trên 50 bài thơ của thi sĩ Thanh Tịnh Liên thành những bản nhạc thiền; có sự hiện diện của Dược sĩ Vũ Văn Tùng (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại), nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu (Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ), nhà báo Phan Tấn Hải, chủ bút Việt Báo, nhạc sĩ Cao Minh Hưng và CLB/Tình Nghệ Sĩ, thi sĩ Quỳnh Giao, một số cơ quan truyền thông và đồng hương Phật Tử. Đại lễ hoàn mãn vào buổi chiều cùng ngày.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT