Người Việt Khắp Nơi

Đại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo

Tuesday, 26/06/2018 - 07:10:23

Sau khi công khai mở đạo, chỉ trong vòng vài năm đầu đã có khoảng hai triệu tín đồ tại miền tây Việt Nam tin theo và gia nhập đạo, và từ ngày đó, các tín đồ xưng tụng ngài là Đức Thầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ, Thân phụ Ngài được gọi là Đức Ông và thân mẫu được gọi là Đức Bà.

Rước chân dung vị Giáo Chủ PGHH vào lễ đài. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Sáng Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018 Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California đã long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Vì là một đại lễ quan trọng nhất và có đông đảo quan khách cùng đồng đạo tham dự, nên hàng năm Ban Trị Sự đều tổ chức tại hội trường South West Senior Center, 2201 McFadden Ave, Santa Ana.


Bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng Ban Tổ Chức đại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo PGHH. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Buổi lễ bắt đầu với đoàn rước chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ từ Hội Quán Ban Trị Sự sang hội trường. Đoàn lân Thanh Niên Đoàn PGHH với bốn đầu lân dẫn đầu đoàn rước, kế đến là giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng Ban Trị Sự và ông Trần Văn Kiệm, Phó Hội Trưởng cung nghinh chân dung vị Giáo Chủ, theo sau có gần một trăm nữ đồng đạo mặc đồng phục áo dài màu nâu. Đoàn rước tiến vào hội trường được quan khách, trong đó có Hòa Thượng Thích Minh Mẫn (Viện Chủ chùa Huệ Quang), Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Châu Đạo Cao Đài Nam Cali, đại diện HĐLT); các Sư Cô Huệ Vân, Diệu Thường (chùa Dược Sư); Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Nghị Viên Phát Bùi (Chủ Tịch Cộng Đồng Ngườii Việt Quốc Gia Nam Cali), cô Christy Linh Lê (đại diện Dân Biểu Lou Correa), Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa (Chủ Tịch Hội Đền Hùng Hải Ngoại) và phu nhân, BS Mindy Hà (Hội Trưởng Hội Cựu Học Sinh PTG,ĐTĐ) và phu quân; ông Nguyễn Hoàng và Thái Hòa (Đại Việt Quốc Dân Đảng); GS Trần Đức Thanh Phong; Ông Ngô Thiện Đức và phái đoàn Đại Đạo Thanh Niên Hội Cao Đài cùng hàng trăm tín đồ PGHH đồng loạt đứng lên nghiêm chỉnh đón chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ lên lễ đài.

Sau nghi thức chào cờ Việt - Mỹ và phút mặc niệm, bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc. Sau khi cám ơn quý vị lãnh đạo tôn giáo, quý dân cử, các cơ quan truyền thông và thân hữu, bà Kim Liên nói, “Hàng năm cứ mỗi lần ngọn gió nam thổi mạnh, nước đồng bằng sông Cửu Long mang phù sa ngập tràn bờ, bồi đắp đồng ruộng bao la làm cho ngọn mạ non mượt mà trườn mình trên sóng nước sông Tiền, sông Hậu là mỗi lần tín đồ PGHH ở miền Tây nói riêng và toàn thể tín đồ trên thế giới nói chung đều xôn xao chào đón ngày đại lễ vì Tháng Năm mười tám rõ ràng – Cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo.”


Các vị chức sắc trong Ban Trị Sự PGHH cử hành nghi thức tôn giáo. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau khi đề cập đến tiểu sử và công đức cao vời của Đức Huỳnh Giáo Chủ, bà Trưởng Ban Tổ Chức kết luận, “Hôm nay dù xa cách quê hương, ở nơi hải ngoại nhưng với tinh thần thương Thầy, mến đạo, cùng hòa mình với toàn thể tín đồ PGHH và người Việt trên khắp thế giới, Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH miền Nam Cali thành kính long trọng tổ chức ngày đại lễ Khai Đạo để tưởng nhớ công ơn vô lượng của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dày công khai sáng nền đạo PGHH, hoằng hóa chúng sanh vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Trong ý nghĩa đó, tôi tuyên bố khai mạc đại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo PGHH.”

Sau tiếng vỗ tay vang dội hội trường, đồng đạo Mai Chân, điều hợp chương trình buổi lễ mời GS Nguyễn Thanh Giàu và quý ông Lưu Văn Kiệm, Phan Thanh Nhàn, Ngô Văn Ẩn, Bùi Văn Huấn lên trước bàn thờ cử hành nghi thức tôn giáo. Các tín đồ PGHH cung kính chắp tay cùng đọc theo những lời khấn nguyện do ông Hội Trưởng khởi xướng.

Tiếp theo chương trình, GS Nguyễn Thanh Giàu và ông Trang Văn Mến lần lượt trình bày về Sứ Mệnh của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Ý Nghĩa Ngày Đại lễ 18 tháng 5. Cách nay đúng 79 năm, ở một làng quê hẻo lánh có tên gọi là làng Hòa Hảo, ông bà Huỳnh Công Bộ và Lê Thị Nhậm, cả hai vị là những người phúc hậu được dân làng kính trọng và yêu mến, vào một ngày của năm Kỷ Mão 1939 hai ông bà sinh một con trai đầu lòng đặt tên là Huỳnh Phú Sổ. Trong suốt thời gian thơ ấu, người trẻ Huỳnh Phú Sổ luôn bị đau ốm liên miên nên chỉ học hết bậc Tiểu Học thì cha mẹ không muốn ép con mình học lên bậc cao hơn vì sợ không đủ sức khỏe chuyên cần học tập. Sau khi nghỉ học, ngài vẫn đau ốm kéo dài, chạy chữa đủ phương thuốc Đông, Tây nhưng không hiệu quả, rồi một hôm có ánh từ quang chiếu rọi khắp mình ngài làm ngài bất tỉnh.

Khi tỉnh lại, ngài hoàn toàn biến đổi trạng thái, trở nên quán thông vạn vật, tự chữa bệnh cho mình và cho đồng bào chỉ bằng nước lạnh và những lá cây có sẵn tại địa phương cũng như giấy báo xé nhỏ ra cho uống mà tự nhiên hết bệnh, khoa học không giải thích được. Với trình độ học vấn thấp như vậy nhưng ngài lại tỏ ra thông minh đĩnh ngộ, nhiều vị Nho học như thầy Ba Thận, ông Hương Lễ Ướng, ông Huỳnh Hiệp Hòa muốn thử tài nghệ văn chương của ngài, họ làm những bài thơ ẩn từ, chiết tự đến bắt bí ngài nhưng ngài họa lại ngay một cách dễ dàng và thâm thúy hơn những gì các vị kia muốn nói.

Đặc biệt, ngài đã dùng Thi Văn làm Sấm Giảng để bộc lộ tiền thân của ngài mà những người tu theo Đức Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, ông Sư Vãi Bán Khoai đều nhận ra Ngài là hiện thân tái lâm của đấng Chơn Sư của họ. Đồng thời qua Sấm Giảng Thi Văn, ngài dạy dỗ tín đồ và khuyên răn mọi người ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, tránh những mê tín dị đoan, giảm thiểu những nghi thức rườm rà không cần thiết trước đây mà ngài cho biết ngài xuống trần để hoàn thành sứ mạng chấn hưng Phật pháp.

Sau khi công khai mở đạo, chỉ trong vòng vài năm đầu đã có khoảng hai triệu tín đồ tại miền tây Việt Nam tin theo và gia nhập đạo, và từ ngày đó, các tín đồ xưng tụng ngài là Đức Thầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ, Thân phụ Ngài được gọi là Đức Ông và thân mẫu được gọi là Đức Bà.

Để đối phó với Việt Minh, ngài hợp tác với một số các đảng phái quốc gia thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp và Mặt Trận Dân Xã Đảng, lập quân đội Nguyễn Trung Trực để chống Việt Minh, tiền thân của Việt Cộng.
Để hãm hại Ngài, trong một cuộc họp ngụy trang là để dàn xếp với Ngài vào đêm 16.4.1947 tại làng Tân Phú ở Đốc Vàng, Long Xuyên. Đang buổi họp bọn Việt Minh đã bố trí sẵn cho tắt đèn và nổ súng có ý giết Ngài, nhưng lạ thay, Ngài không hề hấn gì và sau đó viết giấy gửi cho các tướng lãnh của ngài đang đóng quân tại Phú Thành dặn hãy án binh bất động chờ Ngài quay về. Nhưng từ đó đến nay, Ngài vẫn bặt tin. Tuy nhiên, đối với các tín đồ PGHH, mọi người đều tin vị giáo chủ của họ không chết, Ngài đang ở một chỗ nào đó chờ thời cơ xuất đầu lộ diện để cứu giang sơn Việt Nam, cứu đạo, cứu đời và đó là lý do tại sao PGHH không đội trời chung với Việt Cộng, và các chức sắc, tín đồ PGHH tại quê nhà luôn bị đàn áp dã man từ ngày miền Nam VN rơi vào tay Việt Cộng.

Đại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo PGHH diễn tiến hết sức tốt đẹp, trang nghiêm, long trọng. Sau các lời phát biểu, nghi lễ tôn giáo và diễn ngâm sấm giảng, đại lễ kết thúc với một bữa cơm chay do Ban Trị Sự GHPGHH Miền Nam Cali khoản đãi.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT