Người Việt Khắp Nơi

Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót được cử hành trong cơn đại dịch Covid-19

Monday, 20/04/2020 - 04:08:16

Kể từ khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong hiển thánh cho Thánh nữ Faustina Kiowaska


Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Saigon, cử hành thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót và ban phép lành của Chúa cho các tín hữu. (Ảnh chụp lại)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Kể từ khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong hiển thánh cho Thánh nữ Faustina Kiowaska, người Ba Lan vào ngày 30 tháng Tư năm 2000 và công bố Sắc Chỉ cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo lấy ngày Chủ Nhật thứ 2 sau lễ Phục Sinh là ngày đại lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Từ đó đến nay, mỗi năm trên khắp thế giới các Giám Mục, Linh Mục đều long trọng cử hành thánh lễ và giáo dân sốt sắng tham dự để suy tôn Lòng Chúa Thương Xót.

Riêng năm 2020 vì đại dịch Covid-19, Giáo Hội cho phép giáo dân tham dự thánh lễ trực tuyến trên các phương tiện truyền thông bất cứ thánh lễ được cử hành tại đâu, và tại Tổng Giáo Phận Saigon, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận đã dâng thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót cùng với một Linh Mục duy nhất đồng tế tại Vương Cung Thánh Đường Saigon vào sáng Chúa Nhật ngày 19.4.2020.
Trước khi cử hành thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse nói, “ Kính thưa anh chị em, Như vậy đã là 4 tuần, bốn ngày Chúa nhật anh chị em không được đến nhà thờ để tham dự thánh lễ. Đó là sự thiệt thòi rất lớn đối với chúng ta! Để bù lại, giờ phút này tại các gia đình, xin anh chị em hiệp thông trong thánh lễ này như lời chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến và chúc bình an cho các môn đệ . Hôm nay, từ thánh lễ này Chúa Kitô Phục Sinh cũng gửi tới tất cả anh chị em lời chào bình an. Bình an của Chúa ở cùng anh chị em, ở với từng người và từng gia đình của chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta được sốt sắng cử hành mầu nhiệm Phục Sinh và chúng ta cảm nhận được chính Chúa đang sống, đang ở giữa chúng ta. Ngày hôm nay cũng là ngày cử hành Lòng Thương Xót của Chúa. Chúng ta xin Chúa thương xót nhân loại chúng ta, cả thế giới đang trong những ngày đau thương vì nạn dịch. Chúng ta tha thiết cầu nguyện xin Chúa là Cha giầu lòng thương xót ban cho cơn dịch mau qua và xin Chúa chữa lành tất cả những đau đớn, tật nguyền của chúng ta.

Xin Chúa ban ơn cho các bệnh nhân có sức mạnh để chịu đựng những cơn bệnh và được ơn chữa lành. Xin Chúa ban cho các nhà lãnh đạo cũng như các Y, Bác sĩ, các nhà khoa học tìm ra những giải pháp tốt nhất để giúp cho các bệnh nhân được ơn chữa lành. Và chúng ta cũng nhớ cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đi trong nạn dịch này. Mỗi ngày có biết bao nhiêu người nằm xuống, ra đi trong lặng lẽ không người thân tiễn đưa. Xin Chúa là Cha giầu lòng thương xót ban cho những người đã qua đời được hưởng tình yêu thương muôn đời của Chúa, và giờ đây với tất cả tâm tình khiêm tốn, chúng ta cậy trông vào lòng Chúa yêu thương, xin Chúa thương tha thứ tất cả mọi tội lỗi để chúng ta có thể xứng đáng hiệp thông trong thánh lễ này.”
Thánh lễ được cử hành và trong bài giảng, sau khi nhắc lại những điểm chính yếu của Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh và hiện ra với các Tông đồ qua thân xác đã phục sinh, thân xác của một thế giới khác mà thánh Phaolo gọi là “thế giới thần thiêng”, Đức Tổng Giám Mục Giuse nói tiếp, “Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật của Lòng Thương Xót. Đáng lẽ ngày hôm nay chúng ta cử hành rất long trọng để chúng ta tôn sùng lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta, để chúng ta tưởng nhớ tình yêu thương của Thiên Chúa vô bờ, tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Chính Chúa đã yêu thương tha thứ tội lỗi cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ những lỗi lầm cho nhau, chúng ta quảng đại với nhau, thương xót, giúp đỡ những người nghèo khổ, những người ốm đau bệnh tật. Lòng thương xót là như thế! Cho nên, ngày hôm nay, kết thúc tuần cửu nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cần uốn nắn lại mình một chút để trở về với trái tim yêu thương của Thiên Chúa, Nhờ cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu, Xin Cha thương cứu độ chúng ta và toàn thế giới. Ơn cứu độ trước hết ở sự tha thứ và ngày hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa cứu chúng ta khỏi cái nạn dịch này, và khỏi đau khổ trong cuộc sống. Chúng ta tin tưởng và phó thác cho Chúa. Chúng ta không chỉ cầu xin Chúa chữa lành tật bệnh phần xác mà thôi mà còn xin Chúa chữa lành tâm hồn của chúng ta, chữa lành cho cá nhân chúng ta và cho mọi người nữa. Đó là điều hết sức quan trọng.

“Trong những ngày này anh chị em có một cơ hội rất thuận lợi và rất qúy để chúng ta biểu lộ lòng thương xót của chúng ta đối với những người nghèo khó, giúp đỡ lẫn nhau. Không biết trong anh chị em có ai lợi dụng cơ hội để làm hàng giả, bán hàng lên giá không? Lương tâm không cho phép đâu! Không được làm như vậy, nhất là lương tâm Kitô hữu, chúng ta lại càng phải giúp đỡ những người nghèo khó, chia sẻ cơm áo cho nhau. Anh chị em đọc báo thấy có những cửa hàng không đồng, những máy ATM phát gạo miễn phí cho người nghèo. Là người Kitô hữu, chúng ta phải sống như thế và tốt hơn thế nữa, cho nên trong cuộc sống hàng ngày trong những ngày này, chúng ta quan tâm đến nhau đi. Mở mắt ra xem chung quanh có những ai nghèo khó, chúng ta quảng đại giúp đỡ, chia sẻ; đó là dấu chứng tỏ chúng ta tin vào Đức Giêsu, Đấng đã chịu chết, đã sống lại. Chúng ta cử hành thánh lễ để tưởng niệm Chúa đã chết và nay đã Phục Sinh, đang ở giữa chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận được điều đó, tin vào điều đó để niềm tin thực sự biến đổi chúng ta. Cầu chúc cho anh chị em được bình an của Đức Kitô Phục Sinh. Amen”.

Thánh lễ được tiếp tục qua phần tuyên xưng đức tin, và trong những lời cầu nguyện của các tín hữu, có lời cầu nguyện: “ Đời sống đức tin không phải là không có những khó khăn, người Kitô hữu gặp biết bao nhiêu là hoài nghi, tăm tối cũng như nghe không ít những lời xuyên tạc và bôi nhọ đầy ác ý. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho ánh lửa đức tin soi sáng tâm hồn mọi Kitô hữu, luôn hướng dẫn họ sống xứng đáng là con cái Chúa – Xin Chúa nhậm lời chúng con.”
Sau lời nguyện giáo dân, thánh lễ được tiếp tục qua phần phụng Vụ Thánh Thể. Các giáo dân được rước lễ cách thiêng liêng và sau lời nguyện kết lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Saigon đã ban phép lành của Chúa cho mọi tín hữu tham dự qua màn ảnh trực tiếp truyền hình. Được biết, trong cơn đại dịch này, các gia đình Công giáo tối tối quây quần bên nhau tham dự thánh lễ qua màn ảnh truyền hình, cầu xin Chúa cho nạn dịch qua đi để mọi người trên thế giới sớm trở lại cuộc sống bình thường.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT