Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần 7 chuẩn bị khai mạc tại Quận Cam

Saturday, 15/03/2014 - 04:30:26

Trong tương lai đều sẽ theo ngành điện ảnh hết, nhưng qua khóa học chúng tôi muốn kéo các em về gần với cộng đồng hơn. Ngay cả việc mỗi Chủ Nhật các em đến với chương trình, cũng là gần với cộng đồng rồi.


Y Sa Lê đang nói về chương trình Viet Film Fest.

Bài và hình: Băng Huyền/Viễn Đông

Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Bắt đầu từ năm nay đổi tên tiếng Anh thành Viet Film Fest, thay vì Vietnamese International Film Festival hay ViFF) là một đại hội điện ảnh của người Việt hải ngoại, mang tầm cỡ quốc tế, hỗ trợ và quảng bá những tác phẩm của các đạo diễn gốc Việt. Đại hội cũng hỗ trợ và quảng bá phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam, do hai tổ chức bất vụ lợi Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và Hội Văn Hóa Ngôn Ngữ Việt Nam (VNLC) tổ chức, bắt đầu từ năm 2003. Bắt đầu từ năm nay, đại hội sẽ diễn ra mỗi năm và kéo dài 4 ngày, từ ngày 10 đến 13-4- 2014. Địa điểm của đại hội cũng được dời về gần với Litle Saigon hơn, tại UltraLuxe Anaheim Cinemas, Anaheim Gardenwalk 321 W. Katella Ave., thành phố Anaheim và Viện Bảo Tàng Bowers, thành phố Santa Ana
Tối Thứ Bảy, 8 - 3- 2014 tuần qua, tại Ultra Luxe Anaheim Cinemas, ban tổ chức Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế tổ chức họp báo công bố những phim được tuyển chọn, trình chiếu tại Đại Hội, với phần chụp hình trên thảm đỏ cùng các tài tử, đạo diễn và nhà sản xuất, tiệc trà và chương trình văn nghệ với sự góp mặt của các nghệ sỹ danh tiếng như Thanh Lan, Trúc Lam, Trúc Linh, Giana Nguyễn, Fawng Daw, Koboei. Ban tổ chức và ban giám khảo tuyển chọn phim cũng đã giới thiệu vài nét về đại hội sắp tới. Trong buổi họp báo đã trình chiếu đoạn phim ngắn trailers giới thiệu Viet Film Fest 2014 và một số phim tại đại hội điện ảnh. Cũng trong buổi họp báo, ban tổ chức thông báo:
”Năm nay Viet Film Fest tuyển chọn 29 phim, gồm 8 phim dài và 21 phim ngắn do các nhà đạo diễn và sản xuất gửi về từ khắp nơi trên thế giới như Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, và (lần đầu tiên) có phim đến từ Hàn Quốc. Trong đêm khai mạc, đại hội điện ảnh sẽ trình chiếu phim Âm Mưu Giày Gót Nhọn (How to Fight in Six Inch Heels) của đạo diễn Hàm Trần, một phim hài lãng mạn đầy quyến rũ với nội dung về thế giới thời trang cao cấp của New York và Sài Gòn. Phim đoạt Giải Trống Đồng năm nay là phim dài đầu tiên của đạo diễn Thiện Đỗ, tựa đề Tiền Chùa, một phim trào phúng châm biếm đời sống vật chất trên thế giới hiện đại. Đêm Spotlight của đại hội sẽ khởi chiếu một cuốn phim sản xuất vào thập niên 1970 và mới được phát hành trong thời gian gần đây, Number 10 Blues/Goodbye Saigon của đạo diễn Norio Osada. Nữ diễn viên ca sĩ được nhiều người yêu quý, Thanh Lan, là ngôi sao chính của phim. Cuốn phim này sẽ đưa khán trở lại không gian của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Trong đêm bế mạc, đại hội điện ảnh sẽ trình chiếu phim của đạo diễn kỳ cựu Charlie Nguyễn, Tèo Em, một phim hài đã làm “cháy vé” tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Viet Film Fest năm nay sẽ cho khán giả thấy sự trưởng thành và đa dạng của nền điện ảnh Việt Nam trên toàn thế giới.”



Chị Y Sa Lê, Giám Đốc Điều Hành VAALA, đồng sáng lập và đồng Giám Đốc Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế phát biểu trong buổi họp báo


Được biết ngay từ buổi đầu tổ chức Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế đã có một loạt phim phẩm chất cao tham gia, như Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng - Trần Anh Hùng, Buổi Sáng Đầu Năm - Victor Vũ, Ngày Giỗ - Hàm Trần, Ba Mùa - Tony Bùi, Đầm Lầy - Kim Nguyễn, Họ Việt Tên Nam - Trịnh Thị Minh Hà... Nếu Đại Hội 2003 ban đầu chỉ có 45 phim, thì mỗi lần tiếp theo, Đại Hội lại nhận thêm nhiều phim hơn, phẩm chất cao hơn.
Đại hội giống như một đòn bẩy cần thiết, giúp các nhà làm phim người Việt ở ngoài nước và trong nước có cơ hội tiếp xúc. Viet Film Fest đang càng ngày càng lớn mạnh, sự tuyển chọn phim được làm tốt hơn, nâng cao giá trị lên rất nhiều. Những thành viên trong ban tổ chức, ban giám khảo tuyển lựa phim, đều làm việc rất nhiệt tình, có sự hiểu biết cao, cống hiến nhiều cho hoạt động điện ảnh ý nghĩa này. Để có được một hoạt động điện ảnh tầm cỡ quốc tế như Viet Film Fest, thật không dễ dàng gì, nếu thiếu những bàn tay, khối óc và trái tim nhiệt thành của những người đứng ra tổ chức, người tham dự và cả khán giả đến để ủng hộ sự kiện này.

Chia sẻ của ban tổ chức

-Tiến sĩ Đặng Võ Thúy là đồng Giám Đốc Giao Tế của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế Viet Film Fest, dù chỉ mới là thành viên trong ban tổ chức lần này là lần thứ hai, nhưng cô đã gắn bó với đại hội ngay từ năm 2003 trong vai trò khán giả, cô cho rằng:
“Theo dõi Đại Hội Điện ảnh Việt Nam Quốc Tế trong thời gian qua, tôi nhận thấy sự thay đổi của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần này đánh dấu sự phát triển của điện ảnh người Việt chúng ta tại hải ngoại. Cộng đồng Việt Nam có nhiều người tham gia trong nhiều lĩnh vực từ đạo diễn, tài tử, hóa trang..., càng ngày những câu chuyện của chúng ta được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh càng có sức mạnh hơn. Đây là đại hội điện ảnh rất giá trị, thu hút được nhiều người tham dự, nhất là những bạn trẻ, như các sinh viên của trường UCI, UCLA... Khi nhìn thấy các đạo diễn trẻ gốc Việt tại hải ngoại thuộc thế hệ thứ 2, 3, ghi nhận những câu chuyện của mình qua điện ảnh, thì tôi thấy rằng lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của mình sẽ tồn tại lâu dài hơn. Thế hệ này là you tube, là facebook, nên mình cần có những cách mới mẻ để giữ gìn văn hóa.”

-Cô Y Sa Lê, Giám Đốc Điều Hành VAALA, đồng sáng lập và đồng Giám Đốc Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế ngay từ đầu Đại Hội này ra đời vào năm 2003, đã dành cho phóng viên nhật báo Viễn Đông buổi phỏng vấn về những nét mới của Đại Hội năm nay:

VĐ: Thưa chị Y Sa, đây là Đại hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ 7, và là năm thứ 11 tổ chức Đại Hội, chị hãy cho biết những khó khăn và áp lực nào của cá nhân chị và của ban tổ chức đã phải trải qua?
Y Sa: Những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong nhiều năm qua, do đây là công việc thiện nguyện, chứ không phải công việc chính, là không có ai được trả lương hết, từ các thiện nguyện viên, các thành viên ban quản trị VAALA. Ai cũng đều có nghề nghiệp khác, nên tất cả mọi việc chuẩn bị cho Đại Hội đều phải làm sau giờ làm việc, chúng tôi phải cố gắng làm cho kịp thời gian. Đây là một trong những thử thách của chúng tôi từ nhiều năm nay.
Những năm trước, do cách năm mới tổ chức Đại Hội một lần, nên nhiều khi chúng tôi đã huấn luyện các thiện nguyện viên xong, đến 2 năm sau trở lại, có khi thiện nguyện viên đó bận việc khác, hoặc họ đã ra trường (các sinh viên), đi làm xa, thành ra phải gầy dựng lại một ê kíp thiện nguyện viên khác, đó cũng là một trong những lý do vì sao lần này chúng tôi quyết định tổ chức mỗi năm một lần để những thiện nguyện viên dễ dàng trở lại giúp cho đại hội hơn.

VĐ: Chị vui lòng cho biết việc chuẩn bị cho Đại Hội lần này diễn ra như thế nào?

Y Sa: Việc chuẩn bị đại hội năm nay đã khởi động ngay khi Đại Hội phim Việt Nam quốc tế 2013 kết thúc, chúng tôi phải thực hiện những buổi hội thảo, chương trình gây quỹ…. May mắn là năm nay Wells Fargo Tiếp Tục Làm Nhà Tài Trợ Chính, và chúng tôi cũng phải tự gây quỹ qua trang indiegogo, người đóng góp sẽ nhận được quà tặng cám ơn của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn bắt đầu từ buổi họp báo cho đến ngày khai mạc Đại Hội, qua trang indiegogo sẽ thu được 7 ngàn mỹ kim để chúng tôi có tiền thực hiện ngày Community Day, với hai suất chiếu miễn phí cho sinh viên học sinh và quý vị cao niên.

VĐ: Lần Đại Hội này thay đổi từ tên gọi cho đến thay đổi về thời gian tổ chức, sẽ đều đặn diễn ra hằng năm, chị hãy giới thiệu cụ thể hơn còn những đổi mới nào nữa không? Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần này có được kỳ vọng đánh dấu bước ngoặt mới cho những Đại hội thường niên trong tương lai hay không?

Y Sa: Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều với những thay đổi mới này.
Chúng tôi quyết định đổi tên tiếng Anh của Đại hội để tránh nhầm lẫn với các đại hội điện ảnh khác, vốn có cùng một tên tắt 'VIFF'. Thời gian đại hội Viet Film Fest diễn ra trong vòng 4 ngày sẽ tiện cho các đạo diễn, nhà sản xuất, và tài tử đến từ xa được gặp nhau trong cùng một cuối tuần.
Một lý do nữa chúng tôi quyết định tổ chức Đại Hội mỗi năm một lần vì hiện nay, những nhà sản xuất điện ảnh gốc Việt sản xuất phim nhanh hơn và nhiều hơn, thành ra chúng tôi muốn giới thiệu những bộ phim mới cho cộng đồng. Tổ chức mỗi năm một lần thì mọi người dễ nhớ hơn, sẽ chờ đợi đến tháng tư hằng năm để dự Đại Hội. Những lần Đại Hội trước, mỗi lần tổ chức, chúng tôi phải khởi động lại, từ việc nhắc nhở cơ quan truyền thông báo chí, nhắc nhở khán giả. Nếu làm mỗi năm một lần thường niên đều đặn, thì mọi người đều nhớ.
Một thay đổi lớn nữa là chúng tôi quyết định rời khỏi 2 khuôn viên đại học UCI, UCLA. Ngay từ đầu của đại hội vào năm 2003 cho đến nay, 2 đại học này hỗ trợ rất nhiều cho Đại Hội, chúng tôi rất mang ơn 2 đại học này. Những lần đại hội trước tổ chức trong khuôn viên đại học, nhiều khán giả tìm đến nơi, đã đi lạc trong khuôn viên trường cả tiếng đồng hồ mà vẫn không tìm ra nơi xem phim. Nên chúng tôi cố gắng đưa Đại Hội về gần hơn với cộng đồng và đây là năm đầu tiên tổ chức đại hội tại rạp chiếu phim. Hệ thống rạp UltraLuxe Cinemas tại Anaheim Gardenwalk là rạp chiếu phim rất khang trang, lịch sự, tối tân, có máy móc hiện đại. Khán giả trên 21 tuổi có thể dùng rượu trong rạp, có thể mua vé trước để chọn chỗ ngồi mình muốn. Rạp lại nằm ở vị trí rất tiện lợi, gần với khu giải trí Disneyland, gần với Little Saigon. Dễ dàng cho mọi người đến với đại hội điện ảnh, sẽ tạo được thu hút cộng đồng hơn.
Chúng tôi rất hy vọng sẽ được làm việc dài lâu với rạp UltraLuxe Cinemas.
Đặc biệt trong đêm bế mạc Đại Hội, chúng tôi sẽ khai trương trang mạng Việt Film Fest Channel để chiếu trên mạng một số phim được tuyển chọn qua những kỳ Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế trước đây. Hiện nay phim ảnh của cộng đồng Việt Nam phổ biến qua DVD rất hạn chế, vì nạn sao chép băng đĩa lậu, thành ra nhiều nhà sản xuất không muốn phát hành phim dạng DVD nữa, do đó thị trường DVD phim Việt bị vắng bóng tại hải ngoại, nếu có thì cũng rất ít. Vì vậy chúng tôi muốn phổ biến phim Việt trên hệ thống channel, mọi người Việt khắp nơi dễ dàng xem trên máy điện toán, laptop hoặc ipad của mình, giá để download một phim dài chỉ có 1 mỹ kim, phim ngắn là 50 xu, dễ dàng cạnh tranh với băng đĩa lậu. Từ việc phổ biến phim trên channel, sau khi thu được phí, chúng tôi cũng sẽ trả lại cho nhà sản xuất phim để có thêm chi phí làm phim tiếp tục.
Đại hội điện ảnh nay chỉ có 4 ngày, phòng chiếu dù có đầy hết, cũng chỉ có vài ngàn người xem được bộ phim đó, còn khi phổ biến phim trên channel, thì sẽ phổ biến được nhiều người xem hơn. Đặc biệt là với cộng đồng chúng ta sống rải rác ở khắp nơi trên thế giới như Úc, Anh, Pháp, Canada... hay ngay tại Mỹ, ở các tiểu bang khác, mọi người không thể đến dự đại hội điện ảnh tại quận Cam được, có nhiều khán giả không muốn xem phim lậu đâu, nhưng do bên này không phổ biến băng đĩa gốc của những phim đó, thành ra họ phải xem phim lậu.
Chúng tôi rất cần nhiều bạn bè hãy giúp chúng tôi, quảng bá trang nhà này để mọi người biết nhiều hơn. Hy vọng mọi người sẽ thấy việc quan trọng của việc ủng hộ cho các nhà sản xuất phim, để mọi người có được những sinh hoạt phim ảnh lành mạnh hơn, thị trường phim ảnh của chúng ta sẽ lành mạnh hơn trong tương lai.
Ngoài ra Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) có một chương trình mới bắt đầu từ 2-2-2014, tổ chức một khóa học làm phim miễn phí mang tên “Youth in Motion” nhằm giúp các em thanh thiếu niên từ 16 đến 22 tuổi những kỹ thuật căn bản về cách thực hiện phim ngắn, tạo điều kiện cho các bạn trẻ kể chuyện, tìm tiếng nói riêng của mình qua phim. Chương trình học vào mỗi sáng Chủ Nhật, kéo dài 10 tuần ngay tại trụ sở của VAALA. Đại hội sẽ chọn 1 phim hay nhất của các em để trình chiếu cùng với những phim ngắn của các đạo diễn khác vào ngày Community Day (Thứ Sáu, ngày 11-4-2014).
Không chắc tất cả các em theo học “Youth in Motion” trong tương lai đều sẽ theo ngành điện ảnh hết, nhưng qua khóa học chúng tôi muốn kéo các em về gần với cộng đồng hơn. Ngay cả việc mỗi Chủ Nhật các em đến với chương trình, cũng là gần với cộng đồng rồi.

VĐ: Chị có nhận xét gì về sự thay đổi của phim qua kỳ Đại Hội này?

Y Sa: Qua các phim trong các kỳ Đại Hội, các đề tài phim rất đa dạng từ cộng đồng người Việt ở nhiều nơi trên thế giới gửi về. Riêng năm nay có nhiều phim dài thuộc dạng phim hài, rất lạ, vì những năm trước chúng tôi thắc mắc sao phim Việt Nam ít phim hài quá, câu chuyện nào cũng rất nghiêm trọng. Còn về đời sống, thì phim ngắn năm nay đến từ cộng đồng người Việt nhiều nước trên thế giới có nội dung rất hay, sâu sắc, đa dạng, mong là khán giả sẽ đến xem, đến từ cộng đồng người Việt nhiều nước trên thế giới. Do Đại Hội năm nay chỉ có 4 ngày chiếu, nên phẩm chất phim phải chọn lọc và cao hơn, và qua hệ thống channel, chúng tôi hy vọng sẽ đưa phim đến gần với cộng đồng hơn.

VĐ: Chị có nhắn gửi thêm điều gì đến với mọi người trước ngày khai mạc Đại Hội không?

Y Sa: Nếu không có nhà tài trợ, không có thiện nguyện viên, không có khán giả đến dự, thì chúng tôi không thể tiếp tục được Đại Hội, chúng tôi xin gửi lời chân thành cám ơn đến mọi người. Xin cám ơn 2 đại học UCI, UCLA, là 2 nơi hỗ trợ chúng tôi nhiệt tình trong những đại hội vừa qua. Chúng tôi rất mong Đại Hội năm nay sẽ có nhiều người đến tham dự và ủng hộ đại hội.
Hy vọng sẽ có một ngày nào đó phim của đạo diễn gốc Việt đoạt giải Oscar hay Quả Cầu Vàng, năm ngoái đạo diễn Kim Nguyễn cũng đã có phim được đề cử Oscar rồi. Nhưng quan trọng chính của chúng tôi vẫn luôn mong là những câu chuyện rất phong phú và đa dạng của cộng đồng Việt Nam sống nhiều nơi trên thế giới được kể qua ngôn ngữ điện ảnh, vì sức hút của điện ảnh rất mạnh, có thể chia sẻ được với nhiều cộng đồng khác một cách dễ dàng qua phần phụ đề.
Để biết thêm chi tiết về Việt Film Fest cũng như toàn bộ thời khóa biểu chiếu phim vào trang nhà: www.VietFilmFest.com
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT