Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế: Còn Thêm Một Tuần Hào Hứng

Bài và ảnh: Anvi Hoàng Saturday, 13/04/2013 - 08:30:07

Mà chuyện về các cuốn phim Việt Nam được trình chiếu tại Đại Hội thì thật hấp dẫn, nói hoài không hết.

Bài và ảnh: Anvi Hoàng

Hai tuần chiếu phim của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Vietnamese International Film Festival gọi tắt là VIFF) quả là một dịp lễ lạc vui nhộn cho cộng đồng người Việt tại Quận Cam. Tuần thứ nhất bắt đầu vào Thứ Năm, Sáu, Bảy, Chủ Nhật tức ngày 4 đến ngày 7 tháng 4 vừa rồi. Từ Santa Ana tới Irvine, hàng trăm khách xem phim và hàng trăm người tình nguyện làm việc điều hành, tổ chức và thực hiện Đại Hội đã gặp nhau qua một ngôn ngữ chung: ngôn ngữ điện ảnh. Chuyện trò về đại hội và những cuốn phim làm cho các mối giao tiếp đã thân lại càng thân hơn, và những người lạ thì trở nên thân tình hơn. Mà chuyện về các cuốn phim Việt Nam được trình chiếu tại Đại Hội thì thật hấp dẫn, nói hoài không hết.


Cảnh bên trong và bên ngoài rạp Edwards Cinemas trong khuôn viên trường đại học UC Irvine tại buổi khai mạc Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế ngày 4/4/2013

Phim truyện dài
Có thể chia các phim được chiếu tuần rồi thành hai nhóm: phim truyện dài và phim ngắn nghệ thuật.
Ai thích giải trí nhẹ nhàng, muốn cười thư giãn, không muốn suy nghĩ nhức đầu, hoặc muốn xem chuyện tình éo le đầy máu me, xin mời xem các phim truyện dài. Beyond the Mat - đạo diễn Van Phạm, Thiên Mệnh Anh Hùng (Blood Letter) - đạo diễn Victor Vũ, Cưới Ngay Kẻo Lỡ (Love Puzzle) - đạo diễn Charlie Nguyễn, Lấy Chồng Người Ta (In the Name of Love) - đạo diễn Lưu Huỳnh, Đó... Hay Đây? (Here... or There?) - đạo diễn Síu Phạm, Vũ Điệu Đường Cong (Instant Noodle) - đạo diễn Khoa Trọng Nguyễn, đều là phim truyện dài. Những phim này đều do các đạo diễn Việt Kiều thực hiện, phim nói tiếng Việt nhưng mức độ tình cảm, cách ăn mặc, cách ăn nói, cách cư xử kiểu Việt Nam thì thay đổi ít nhiều tùy theo từng đạo diễn và từng phim.

Phim ngắn nghệ thuật
Đối với những người muốn biết và thích suy nghĩ về các vấn đề văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, các phim ngắn sẽ làm hài lòng quý vị. Những phim ngắn này từ 8 phút đến 22 phút. Chúng mang tính nghệ thuật cao. Các chi tiết đều được suy nghĩ và tính toán kỹ, và mang ý nghĩa tượng trưng cao. Về nội dung, chúng miêu tả từ cảnh nghèo của cai nghiện trong Chung Sống (Living Together) - đạo diễn Đặng Đức Lộc, đến nghèo đơn chiếc trong Sữa Mẹ (Mother's Milk) - đạo diễn Andy Dejohn. Phim mang tựa “16:30” của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy lại là câu chuyện bất ngờ, và có thể là mới biết lần đầu đối với nhiều người, về cuộc sống của các trẻ em mồ côi lăn lộn bán vé dò (là tờ kết quả số đề) kiếm cơm hàng ngày. Một bức tranh thực tế sống động, tội nghiệp, cảm động và đẹp.

Băng rôn VIFF bên ngoài Bowers Museum, Santa Ana


Tình cảm con người với những thách thức trong cuộc sống hàng ngày là một mảng đề tài khác. Một người cha già đơn chiếc lo lắng cho con gái lớn như thế nào, đạo diễn Lê Hà Nguyên miêu tả nó trong Những Mùa Đông Khác (The Other Winters). Nhưng một đứa con trai lớn thì suy nghĩ lại và thay đổi cách sống và cách biểu hiện tình cảm đối với mẹ (đã mất) nhờ vào cái gì đây? Phim hoạt hình Năm Điều Phạt (Five Punishments) của đạo diễn Dương Minh Lộc cho anh chàng nhân vật chính cơ hội vô tình này. À, đừng quên tình yêu zombie (ma sống) trong Một Ngày của đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức.
Hai ông bán hàng trong Bán Sách Và Bán Giày (Bookseller and Shoe Seller) - đạo diễn Nguyễn Trí Viễn, thì có gì chung? Họ đều là buôn gánh bán rong kiếm cơm qua ngày. Ngồi sát nhau trên một vỉa hè, cùng bị du côn bắt nạt mà không giúp đỡ lẫn nhau thì chỉ làm cho cuộc sống của nhau thêm khốn khổ. Chi bằng bắt tay cười trừ làm bạn cho vui tháng vui ngày. Phim kết thúc với một chi tiết mang tính triết lý sâu sắc: ông bán giày dạy cho ông bán sách một điều ông học được trong sách!

Tư tưởng mới tiến bộ
Xét tới xét lui, một điểm chung được tìm thấy trong nhiều phim ngắn và một số phim dài là cách miêu tả hình tượng nhân vật đàn ông trong các phim. Ở đây, ông nào ông nấy lo làm ăn hết mình. Có lười như anh bán đá lạnh trong Chở Đá Đi Chơi (Go Playing with Ice) của đạo diễn Trần Ngọc Sáng cuối cùng cũng phải thay đổi để trở thành người chồng người cha có trách nhiệm.
Ngoài ra, thật vui là các vấn đề xã hội bức xúc như bắt nạt trong trường học (bully), hoặc vấn đề đồng tính đã được các phim ngắn Việt Nam xử lý rất hay và nghệ thuật. Trực Nhật Với Thư Kỳ (On Duty with Shi Qi) của đạo diễn Đỗ Quốc Trung làm khán giả vừa tức giận với bọn ỷ đông ăn hiếp lẻ, vừa cảm thương với Hoa, cô bé mơ mộng và ăn diện khác người.
Dawn của đạo diễn Leon Lê dựng cảnh sống ồn ào ở New York, và Hai Chú Cháu (Uncle and Nephew) của đạo diễn Nguyễn Đình Anh nhẹ nhàng đưa khán giả qua con sông yên lành đến với cảnh nhà quê thơ mộng của Việt Nam. Tuy nhiên, sự bạo hành trong cảnh trấn lột ở Dawn kết thúc với sự bình an khi có sự nhận thức về mối quan hệ đồng tính. Trong khi đó, cuộc sống an lành của hai chú cháu Hùng ở quê lại chấm dứt một cách đau lòng với tính bạo lực trong lời nói châm chọc của những người hàng xóm nhiều chuyện.


Trao đổi với đạo diễn Khoa Trọng Nguyễn (ngồi chính giữa) về phim Vũ Điệu Đường Cong (Instant Noodle)

Hứa hẹn của tuần hai
Thứ Năm, Sáu, Bảy, Chủ Nhật tuần này, tức từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 4, VIFF tiếp tục tuần thứ hai. Vào ngày nào cũng có những loạt phim ngắn xen kẽ các phim truyện dài được chiếu hoặc ở trường đại học UCLA, trường đại học UC Irvine, hoặc Bowers Museum ở Santa Ana. Liên hoan phim VIFF kết thúc vào Chủ Nhật với bộ phim War Witch (Phù Thủy Chiến Tranh) của đạo diễn Kim Nguyễn. Đây là bộ phim đã nhận được đề cử tranh giải Oscar 2012 vừa qua. Với chất lượng các phim tham gia liên hoan phim kỳ này, tuần 2 rõ ràng cũng đầy hứa hẹn. Nó sẽ rất thú vị và hấp dẫn.
Đi xem phim vừa giải trí tinh thần lành mạnh, vừa ủng hộ sinh hoạt cộng đồng! Xem thêm chi tiết về phim cho tuần 2 (cũng có thể mua vé tại rạp) và mua vé trên mạng tại: www.vietfilmfest.com.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT