Thế Giới

Đại học y khoa Tokyo bị kiện vì hạ điểm thi của nữ sinh

Sunday, 24/03/2019 - 09:53:25

Những người đưa đơn kiện là 33 thí sinh nữ từng tham gia thi tuyển vào trường đại học y khoa Tokyo trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2018. Theo luật sư, các nguyên đơn đang đòi bồi thường thiệt hại 130 triệu yen ($1.182 triệu Mỹ kim).

TOKYO - Trường Đại học y khoa Tokyo của Nhật Bản đã bị kiện vì việc hạ điểm thi của các thí sinh nữ trong kỳ thi tuyển sinh, để ưu tiên nhận thêm nam sinh. Đây là vụ kiện đầu tiên của các nữ thí sinh, kể từ khi vụ tai tiếng giáo dục của Nhật bị phát hiện vào năm ngoái.
Những người đưa đơn kiện là 33 thí sinh nữ từng tham gia thi tuyển vào trường đại học y khoa Tokyo trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2018. Theo luật sư, các nguyên đơn đang đòi bồi thường thiệt hại 130 triệu yen ($1.182 triệu Mỹ kim).
Hiện Đại học Y khoa Tokyo chưa đưa ra bình luận nào về sự việc này. Tháng 8 năm ngoái, Đại học Y khoa Tokyo đã thừa nhận giảm điểm của các nữ thí sinh thi tuyển vào trường, kể từ năm 2006. Điểm của các thí sinh nam từng thi rớt cũng bị thay đổi. Việc đối xử bất công này là nhằm mục đích tăng số lượng các bác sĩ nam, do trường này tin rằng các bác sĩ nữ dù có tốt nghiệp và đi làm, nhưng sau này họ vẫn thường có xu hướng nghỉ việc để kết hôn và sinh con.

Đặt ống nước, vô tình tìm ra mộ cổ 4,000 năm
ANH QUỐC – Khi đập vỡ một phiến đá to để lấy chỗ đặt ống nước, những người thợ phát hiện họ vừa đập trúng nắp đá của một ngôi mộ cổ thời đồ đồng. Ngôi mộ cổ - được phát hiện một cách hy hữu tại sân khách sạn Tankerville Arms, Northumberland County - có hình dáng một chiếc bồn nhỏ, với 4 phiến đá lớn làm vách và một tấm đá làm nắp đậy.
Một nhóm thợ ống nước đã đập vỡ một khối đá từ lâu đã nằm trong khuôn viên khách sạn, để lấy chỗ đặt đường ống. Tuy nhiên, khi vừa đập vỡ một phần, họ nhận thấy một khoang rỗng bên dưới, và khi di chuyển tấm che, họ nhìn thấy một thi hài nằm nghiêng trong tư thế co người, bên cạnh con dao bằng đá.
Các nhà khảo cổ địa phương được mời đến để kiểm tra hiện trường. Nhà khảo cố Roger Miket cho biết, thi hài trong mộ cổ có tuổi khoảng 4,000 năm. Việc xác định gốc gác của người chết khá khó khăn, do quá nhiều năm đã qua đi, thi hài này cũng chỉ được chôn cất bình thường, không được ướp xác. Tuy nhiên, ước tính người này đã mất vào khoảng năm 2,200 đến 1,750 trước Công Nguyên. Dựa theo yếu tố văn hóa thời kỳ đó, các chuyên gia tin rằng đó là thi hài một phụ nữ, vì bà được đặt nằm nghiêng về bên phải, đầu hướng về phía Tây.
Con dao được chôn cùng thi hài được làm bằng đá núi lửa, là một vật quý giá với người cổ đại. Một số biểu tượng trong mộ cho thấy những người chôn cất bà thể hiện niềm tin vào thế giới bên kia. Hiện các nhà khảo cổ vẫn đang phân tích phần còn lại của bộ hài cốt. Họ cũng tiếp tục tìm kiếm khu vực xung quanh với hy vọng phát hiện được thêm một vài cổ vật. Bà Charlotte Lowery, quản lý khách sạn, tỏ ra không phiền toái gì về điều này, thậm chí cho rằng ngày phát hiện ra bộ hài cốt là một ngày tuyệt vời và đó là một khám phá thú vị.

Nga khoe hỏa tiễn Sarmat có thể xé nát mọi hệ thống phòng thủ
MOSCOW – Người đứng đầu Cơ quan không gian Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cuối tuần trước cho biết, hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat mới của Nga có thể "xé nát" mọi hệ thống phòng thủ. "Đây là một hỏa tiễn đạn đạo hạng nặng có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ, bất kể hiện tại hay tương lai,”ông Rogozin nói.
Theo người đứng đầu ngành không gian Nga, các nhà thầu sẽ tuân thủ chặt chẽ lịch trình đặt hàng từ Bộ Quốc Phòng Nga. Hỏa tiễn Sarmat được phát triển từ năm 2011. Năm 2018, trong thông điệp liên bang, Tổng Thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ nỗ lực đưa Sarmat vào giai đoạn thử nghiệm và dự kiến phóng thử vào đầu năm 2019. Loạt hỏa tiễn Sarmat đầu tiên sẽ được giao cho quân đội Nga năm 2021.
Hỏa tiễn Sarmat có tầm bắn tới 11,000 cây số, là loại vũ khí chiến lược mới nhất có thể mang tới 24 đầu đạn hạt nhân hoạt động độc lập (MIRVs). Chúng có thể tự đổi hướng để tránh bị đánh chặn. Đây là bằng chứng cho nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Moscow nhằm ổn định chiến lược toàn cầu, trong bối cảnh Washington lên kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ hỏa tiễn mới. Cũng theo ông Rogozin, một khi hoạt động, Sarmat sẽ là trụ cột chính của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Ông khẳng định "sát thủ" chiến lược này có thể tiêu diệt toàn bộ Hoa Kỳ. Hỏa tiễn Sarmat có thể đe dọa các sáng kiến hiện nay của Ngũ Giác Đài, bao gồm nỗ lực chế tạo lá chắn phòng thủ hỏa tiễn tối tân và chương trình loại bỏ các vũ khí dẫn đường chính xác khác của đối thủ.

Chính trị gia Ý bị thủy đậu sau khi phản đối luật bắt buộc chích ngừa
MILAN – Ông Massimiliano Fedriga, một thành viên thuộc đảng Liên Minh cánh hữu của Ý, đã phải nằm viện 4 ngày hồi đầu tháng này để theo dõi bệnh thủy đậu, theo truyền thông địa phương đưa tin. Điều mỉa mai là chính trị gia này là một trong những người phản đối luật Lorenzin, áp dụng từ ngày 10 tháng 3, quy định trẻ em dưới 6 tuổi ở Ý không được đến trường nếu chưa được chích ngừa một số bệnh cơ bản như thủy đậu, sởi, quai bị, bại liệt và rubella. Phụ huynh có thể bị phạt đến $560 Mỹ kim nếu không cung cấp được giấy chứng nhận chích ngừa của con.
Ông Fedriga cho rằng phụ huynh không nên "bị ép buộc" cho con đi chích ngừa. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Fedriga gọi đảng Dân Chủ cầm quyền là độc tài, vì đã cố tình thi hành đạo luật này. Luật chính ngừa bắt buộc ở Ý được soạn thảo từ năm 2017, nhưng bị hoãn vào năm 2018, và đến đầu tháng 3 năm nay, thời hạn trì hoãn mới kết thúc. Sau khi bị nhiễm thủy đậu, chính trị gia Fedriga tuyên bố trên tài khoản Facebook rằng ông không chống lại việc chích ngừa và các con của ông đều đã chích ngừa. "Tôi luôn nói rằng tôi ủng hộ vaccine, nhưng chúng ta cần có sự đồng thuận của các gia đình chứ không phải bắt buộc họ,” ông nói.
Ông Robert Burioni, một nhà vi sinh học người Ý, viết trên mạng xã hội rằng ông hy vọng việc chính trị gia Fedriga bị nhiễm thủy đậu sẽ khiến các bậc cha mẹ đang nghi ngờ tác dụng của vaccine thay đổi suy nghĩ. "Nếu ông ấy lây bệnh cho một phụ nữ mang thai, có thể cô ấy sẽ bị sẩy thai hoặc đứa trẻ sẽ bị dị tật,” nhà khoa học Burioni viết. "Cách duy nhất để tránh bi kịch đó là chích ngừa cho tất cả mọi người để ngăn chặn sự lây lan của virus.”

Bào thai song sinh trong bụng em bé mới chào đời
COLOMBIA – Một em bé ở Colombia đã ra đời cùng với một bài thai song sinh, và được bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức để loại bỏ phôi thai không hoàn chỉnh này. Các bác sĩ đã phát hiện sự bất thường từ lúc bé gái Itzamara còn ở trong bụng mẹ là cô Monica Vega. Kết quả siêu âm cho thấy ở tuần thai thứ 35, bé Itzamara dường như mang một khối u, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, các bác sĩ nhận ra đó là một bào thai khác.
Vào cuối tháng 2, bé Itzamara chào đời ở tuần thai thứ 37 bằng phương pháp sinh mổ, nặng 3.2 ký. Một ngày sau, các bác sĩ ở Bệnh viện La Merced đã phẫu thuật loại bỏ bào thai song sinh bên trong Itzamara. Khi đó, bào thai này vẫn đang phát triển nhưng không hoàn chỉnh. Bác sĩ Miguel Parra Saavedra tiết lộ "người chị em" của Itzamara chỉ dài 14 mm, không có tim, não, và các chi mới bắt đầu phát triển. Sau khi cắt dây rốn gắn kết hai bé, bào thai này dần chết đi.
Hiện tượng em bé sơ sinh mang bào thai trong bụng còn được gọi là "thai trong thai.” Đến nay, y văn thế giới ghi nhận chưa đầy 100 ca tương tự. Các nhà khoa học chưa giải thích được vì sao xuất hiện tình trạng “thai trong thai.” Một số ý kiến cho rằng nó xảy ra ở vài tuần đầu của thai kỳ khi một phôi thai quấn quanh và bao bọc phôi thai còn lại. Phôi thai bên trong ký sinh và sống nhờ nguồn máu nuôi dưỡng từ phôi thai "vật chủ.” Hiện sức khỏe của Itzamara đã ổn định và dự kiến sẽ sớm hồi phục. "Bé có một vết sẹo nhỏ trên bụng và hoàn toàn bình thường, ngoại trừ việc bé được cả thế giới biết đến,” Bác Sĩ Parra-Saavedra hài hước nói.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT