Đạo và Đời

Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm (kỳ 7)

Thursday, 04/09/2014 - 12:52:00

Khi triết lý Lăng Nghiêm thâm nhập, các vị thiền sư thay đổi: nên tiếp đón mọi người, nên nhẹ nhàng với mọi người, không nên nghĩ ta là người tu cao, còn người khác thì không tu. Rất dễ cho những người tu thiền nghĩ rằng mình tỉnh mà mọi người mê, mình chính còn mọi người sai.

Bài giảng của Thầy Hằng Trường do học trò ghi lại

Khi triết lý Lăng Nghiêm thâm nhập, các vị thiền sư thay đổi: nên tiếp đón mọi người, nên nhẹ nhàng với mọi người, không nên nghĩ ta là người tu cao, còn người khác thì không tu. Rất dễ cho những người tu thiền nghĩ rằng mình tỉnh mà mọi người mê, mình chính còn mọi người sai. Kinh Lăng Nghiêm đã phá trừ thái độ trong hệ thống thiền viện, phá vỡ quan niệm thời nhà Đường cho rằng thiền viện là cao siêu. Các vị thiền sư, nhờ kinh Lăng Nghiêm, đã thay đổi rất nhiều. Số thiền sư theo học kinh Lăng Nghiêm nhiều cỡ nào? Chúng ta không có con số rõ ràng, nhưng chắc chắn một điều rằng sự ảnh hưởng của kinh Lăng Nghiêm thấm vào các vị thiền sư rất nhiều, vì họ đã lấy kinh này làm chủ, sau đó là kinh Pháp Bảo Đàn. Hai bộ kinh này được nhiều người ưa chuộng nhất trong dòng thiền.

Người học kinh Pháp Bảo Đàn chỉ cần trực nhận, không cần lý luận. Còn người hay lý luận như các vị quan, những người có bằng cấp, các trạng nguyên, lại thích đi vào lý luận của kinh Lăng Nghiêm. Tuy nhiên cách hành văn của kinh Lăng Nghiêm cực kỳ hay, thâm thúy vô cùng và đi vào lòng người. Mặc dù danh từ rất sâu sắc nhưng lại rất thuận nhĩ, cho nên người Trung Hoa thời đó rất thích.

Thầy vừa trình bày hai điểm nổi bật nhất của kinh Lăng Nghiêm: Một là tâm không định vị được, tâm là vô ngã. Thứ hai là sự tương đối của cảnh và trần. Ta phải siêu thoát hai cảnh này để đừng bị kẹt.

3/ Kỹ thuật để làm sao đạt giác ngộ. Đây là một đặc điểm hoàn toàn ra ngoài phạm trù suy nghĩ của những người thời đó. Thời đó người ta hiểu tu thiền là ngồi xuống điều hòa hơi thở. Sau đó phân biệt chỉ với quán..v.v... Nhưng kinh Lăng Nghiêm cho biết không phải chỉ có một, hai con đường để tu tập, mà có rất nhiều đường lối. Làm sao chứng minh được điều này? Đức Phật kêu 25 người đệ tử và chỉ cho mỗi người một cách tu hành chứng đạo. Có người chứng đạo nhờ con mắt, có người chứng đạo nhờ lỗ mũi, người chứng đạo nhờ lỗ tai, người thì nhờ sự suy tư, người thì nhờ cảm xúc của bàn tay. Tức là nhờ lục căn mà chúng ta chứng đạo. Lục căn là nhãn nhĩ tỷ thân thiệt ý hay mắt mũi lưỡi tai thân và sự suy nghĩ. Có những người lại nhờ lục trần, tức sáu cảnh bên ngoài, thí dụ sắc trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần..v.v..., nhờ cảnh bên ngoài mà họ giác ngộ. Có những người lại nhờ lục thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thân thức, thiệt thức và ý thức; nhờ vào sự nhận thức hiểu biết (awareness) mà nhận biết bên ngoài, nhận biết nội tâm.

Cuối cùng là nhờ thất đại. Thất đại ở đây là một sáng tác cực kỳ cao của đức Phật thời đó. Địa thủy hỏa phong không là năm đại. Đại thứ sáu là Kiến, tức là cái nhìn; và đại thứ bẩy là Thức, một đại tổng quát nhất. Nói chung thì đây là phương thức để làm sao nhìn được vũ trụ bên ngoài. Những địa thủy hỏa phong không hay đất nước gió lửa nhìn một cách rất thực tế. Thấy được bản tánh đó là đạt giác ngộ.

Đây là một bước quan trọng nhất của Phật giáo nói rằng tu hành không còn bị kẹt trong một chỗ. Trong 25 vị thánh đó, có một vị rất quan trọng là đức Quan Thế Âm bồ tát. Ngài dùng lỗ tai để nghe, tức là tu bằng lỗ lai. Ngài Quan Âm bồ tát ngồi im lặng quán sát, vì vậy ngài mang tên là Quan Âm, tức là quan sát âm thanh. Đây là một phương thức kỹ thuật độc đáo nhất. Khi kinh Lăng Nghiêm xuất hiện thì đây là một cuộc cách mạng bùng nổ trong tâm thức của người tu, vì chúng ta không còn hạn chế trong một, hai phương pháp mà thể hiện qua nhiều phương pháp để tu. Phương pháp niệm Phật được diễn tả rõ ràng trong phương pháp tu của ngài Đại Thế Chí bồ tát. Ngài tu tâm niệm, niệm Nam Mô A Di Đà Phật.

Cũng như ngày xưa chúng ta nói đức Bồ Đề Đạt Ma chế ra 72 thế võ Thiếu Lâm, thì bây giờ kinh Lăng Nghiêm có 25 môn võ. Nhưng kinh Lăng Nghiêm không dạy người ta mà chỉ nói đây là những phương pháp luận mà mọi người có thể sử dụng. Đó là một đặc thù cực kỳ to lớn, một cống hiến rất lớn của kinh Lăng Nghiêm cho sự tu hành của thời đó.

Hỏi: Thưa thầy, tại sao có những nguồn nói rằng Kinh Lăng Nghiêm không phải do chính đức Phật nói?

Thầy: Cho đến bây giờ người ta không tìm được bản chính của kinh Lăng Nghiêm bằng tiếng Phạn. Họ chỉ có bản tiếng Trung Hoa mà thôi. Chính người dịch, một người rất giỏi, ông Bạc Lặc Mật Đế, đã xẻ thịt từ cánh tay, nhét bộ kinh này vào để đem ra khỏi Ấn Độ. Chúng ta không tìm được bản này. Bây giờ chúng ta chỉ biết rằng những người đã tu cả ngàn năm nay đã nghĩ gì, cảm nhận gì về những chuyện đã được biên chép xuống trong kinh. Có rất nhiều thế hệ thiền sư đã dùng và người cuối cùng, rất nổi tiếng, là thiền sư Hư Vân. Ngài hoàn toàn dùng kinh Lăng Nghiêm trong việc dạy thiền, tham thiền, tham thoại đầu...v.v... Ngài khuyên tất cả mọi người nên học theo kinh này. Sau này hòa thượng Tuyên Hóa cũng tiếp tục theo con đường đó. Mỗi thời đại đều cho thấy nhiều người dính nối nhau đều nhờ vào đó. Vì vậy cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn sử dụng kinh Lăng Nghiêm như là một cẩm nang tu thiền. Câu hỏi Phật nói hay không nói không còn quan trọng bằng sự xác nhận của tất cả các vị thiền sư đạt giác ngộ từ xưa cho đến nay.

Thầy xin tóm tắt lại là kinh Lăng Nghiêm cũng như những bộ kinh khác, khi ngồi tụng, chúng ta cũng vui với những gì hiểu biết được. Chúng ta cũng nên học thuộc vài ba đoạn hay làm gì đó để gây hứng thú cho chúng ta. Học kinh là một trong những điều khó khăn vì người nào cũng bị kẹt vì tiếng Hoa, tiếng Hán trong kinh. Những từ ngữ Hán văn trong kinh Lăng Nghiêm lại khó cực kỳ. Cho nên đọc chú giải, hay nghe chú giải nhiều lần, bởi nhiều người, chúng ta sẽ từ từ thấm nhuần kinh.

Trong việc tu học, không những chúng ta phải trực ngộ, nhận biết được giá trị ra ngoài tư tưởng, là cao nhất, nhưng ta cần đọc một đoạn thấp hơn một chút cho thấm. Ngộ rồi nhưng phải có thấm, nghĩa là cầm cuốn kinh đọc tới đọc lui, cho từ từ thấm nhuần những đạo lý trong kinh. Dưới cái thấm, ta còn phải hành, thí dụ đi chùa, cúng kiếng, công đức, công quả làm căn bản cho tâm mở ra. Khi tâm mở ra chúng ta mới đọc kinh cho thấm. Thấm một thời gian rồi thì ngộ. Từ thấm không đưa tới ngộ, nhưng thấm nhiều thì dễ ngộ. Căn bản nữa là phải hành. Có người nói không muốn làm. Thì nên chơi. Chơi là sao? Nghĩa là Tết lên chùa lạy Phật . Đi một lần như vậy cũng được; rồi sau này đi thành hai ba lần, thêm ngày Thanh Minh v.v.. Chỉ là đi chơi, nghe cái này việc kia chơi chơi, học chơi, nghe nhạc Phật giáo vậy thôi. Chơi là trạng thái nhẹ nhàng nhất để đi vào đạo. Chúng ta đi nghe thuyết pháp, làm thiện nguyện.v.v.. tất cả đều là Phật pháp. Không có gì mà không được gọi là Phật pháp. Nhưng tất cả từ đầu đến cuối đều nằm trong một chữ gọi là Tín. Tín là lòng tin tưởng vào ai và vào khả năng ta sẽ tiến hóa. Ta phải tin tưởng là ta sẽ tiến hóa và thay đổi. Nếu không thay đổi, ta không cách chi có được Đạo. Kinh Lăng Nghiêm đòi hỏi chúng ta không phải chữ Ngộ mà là chữ Thấm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT