Đạo và Đời

Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm (kỳ 6)

Thursday, 28/08/2014 - 06:48:19

Điều rất hay của Phật giáo là lúc nào tâm ta cũng bình thường, gọi là bình thường tâm thị đạo, lúc nào tâm cũng nhẹ nhàng, không lên không xuống, vui vẻ tiếp nhận mọi chuyện tới với ta. Ta cũng sẵn sàng chấp nhận mọi việc, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện buồn chuyện vui; khi những chuyện này tới,

Như nhiên

Bài giảng của Thầy Hằng Trường do học trò ghi lại
Điều rất hay của Phật giáo là lúc nào tâm ta cũng bình thường, gọi là bình thường tâm thị đạo, lúc nào tâm cũng nhẹ nhàng, không lên không xuống, vui vẻ tiếp nhận mọi chuyện tới với ta. Ta cũng sẵn sàng chấp nhận mọi việc, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện buồn chuyện vui; khi những chuyện này tới, ta đều mở tâm ra đón nhận và rồi buông xả. Đạo Phật nằm ở ngay điểm này, lúc nào cũng giữ tâm như nhiên.

Chữ như nhiên này rất độc đáo, bao gồm hai triết lý là Lão giáo và Phật giáo. Nhiên là chữ của Lão giáo, như chữ Như là của Phật giáo ý nói tâm ta lúc nào cũng thấy như vậy, tức là”see things as they are”. Nhiên là lúc nào ta cũng thư giãn, siêu thoát. Nhiên nói lên trạng thái của các vị chơn nhơn hay đạo nhơn về cái tự nhiên, thiên nhiên của họ.

Tinh thần Lăng Nghiêm là tinh thần đạt tới trạng thái tột đỉnh, cao nhất, đó là chơn tâm mở ra để ta có nhãn quan thấy rằng mọi chuyện đều là Như. Trong kinh Lăng Nghiêm, chữ Như được lập đi lập lại rất nhiều lần. Cốt tủy của kinh Lăng Nghiêm là làm sao phát triển chữ Như này. Để phát triển chữ Như này, có bốn đoạn nổi tiếng nhất cũng như bốn trọng điểm lớn nhất trong kinh Lăng Nghiêm, mà người nào nghiên cứu kinh đều khắc sâu trong lòng. Đây cũng như là bốn tiếng sét đánh vào đầu những người tu theo kinh Lăng Nghiêm.

1/ Muốn hiểu chữ Như, ta nên đặt câu hỏi Tâm ở đâu? Về chuyện ngài Anan gặp nạn được đức Phật cứu, Anan về khóc với Phật và được ngài cho biết là vì ông không biết chữ tâm. Câu hỏi được đặt ra là tâm ở đâu. Ngài Anan nói tâm nằm bên trong thân nhưng đức Phật nói không đúng, rồi nói tâm ở ngoài thân cũng sai. Tâm ở giữa mắt là sai. Tâm nằm trong mắt lại trật. Tâm nằm trong duyên cũng không phải. Nói chung, Anan muốn nói tâm có một vị trí. Có vị trí là sai, đức Phật nói tâm không có vị trí. Tâm tức là chơn tâm không thể có một vị trí nào được. Bởi có một vị trí là có một chỗ dựa, có một lập trường tức là có một cái để ta có thể nắm bắt được. Như vậy là lúc nào ta cũng có một điểm tốt và ta nhìn tất cả mọi người đều ra điểm xấu. Cho nên nếu cho chơn tâm một vị trí là trật với chơn tâm. Lúc ta có vọng tâm, là khi ta ngồi lý giải chuyện này chuyện kia, có lập trường này nọ, ai đúng ai sai.

Phần lý luận khó nhất nơi phần đầu của kinh Lăng Nghiêm là lúc đức Phật nói là không tìm được chơn tâm. Đó là lý do tại sao thiền tông của ngài Huệ Năng sau này cực kỳ độc đáo, vì ngài Huệ Năng tuy không học hành, nhưng lại rất hợp với kinh Lăng Nghiêm. Một ngày nọ trong lúc đi giao củi, ngài Huệ Năng nghe được câu “chơn tâm không dựa vào đâu cả” (ưng vô sở trụ như sanh kỳ tâm), ngài đạt giác ngộ. Câu nói trên giống như trong kinh Lăng Nghiêm nói “chơn tâm không dựa vào đâu cả”. Nhưng cách mà ngài Huệ Năng hiểu cũng như trong kinh Pháp Bảo Đàn đề cập tới là con đường trực tâm, trực chỉ, trực nhãn. Còn con đường của Lăng Nghiêm là con đường của lý luận. Người học giả biết rằng mình không thể dựa vào sự suy tư, suy nghĩ để đưa ta về con đường đạo. Đó là lý do tại sao kinh Lăng Nghiêm chiếm một vị trí rất độc đáo, và được rất nhiều bậc trí thức học giả thời đó ưa chuộng. Có những học giả ngồi lại với nhau, cùng nhau mổ xẻ câu kinh này, đấu lý với nhau để xem thử người nào trực nhận được chơn tâm. Nhưng sau 3 ngày, ai cũng mệt mỏi và chẳng ai trực nhận ra được chơn tâm, cuối cùng đành phải ngừng cuộc bàn luận tranh cãi. Đây là một trong nhiều câu chuyện lý thú thời đó, cho biết lý trí không thể sử dụng được vì đây là phần mà đức Phật muốn nói về chơn tâm, nếu dùng lý trí là sai.

2/ Phần độc đáo thứ hai là khi đức Phật đưa bàn tay lên và hỏi Anan mặt nào là trên, mặt nào là dưới. Anan trả lời bàn tay đưa lên thì phần lòng bàn tay là chính. Khi ngài úp tay xuống thì lưng bàn tay là chính. Đức Phật mới nói: “Đây là chỗ kẹt của các con”. Chúng ta kẹt ở chỗ đúng với sai, chính với đảo, trên với dưới. Vì bàn tay làm gì có chính với sai, khi đưa tay lên hoặc lật ngược tay xuống cũng không có chính với đảo. Chúng ta kẹt ở chỗ đúng sai, nhất định tranh giành, chứng minh là ta đúng; chê người khác sai, không phải. Có trăm ngàn lập trường, nhưng ta chỉ có hai lập trường mà thôi. Hai chữ đúng và sai được đức Phật dùng là Căn và Trần. Căn là bên trong thân thể, Trần là bên ngoài, cả hai đồng nguyên, tức là cùng một nguồn gốc. Đúng với sai cũng đồng thể, giống nhau nhưng tướng trạng khác nhau. Vì vậy chuyện chúng ta còn kẹt trong sanh tử và việc ngài đã đạt giải thóat cũng như nhau, là bất nhị, không khác gì.

Chúng ta cứ nghĩ mình là phàm phu, còn ngài thì khác, tốt hơn; hai bên khác nhau. Nhưng đức Phật nói “không khác nhau, cũng giống nhau” vì cùng một thể, nhưng có điều chúng ta chưa tu mà thôi. Quan niệm này rất là cách mạng bởi trong một xã hội được phân chia giai cấp rõ ràng: đây là giai cấp Bà La Môn, đây là giai cấp làm việc, cùng đinh... mà đức Phật lại nói tất cả mọi người đều giống nhau. Đó là một sự cách mạng về xã hội. Còn cách mạng về văn hóa là như vầy, thời đó nếu có ai muốn xin uống trà với đức Phật, ngài vui vẻ mở tay ra đón chào, nhưng với ông vua thì họ lại không thể làm như vậy được. Không ai dám tới ngồi uống trà với vua, nhưng với đức Phật thì được. Từ vua cho đến dân đều có thể ngồi cùng uống trà với ngài.

Có một câu chuyện rất đẹp như sau: Có một bà mẹ kia bồng một đứa con khoảng 5 tuổi tới gặp đức Phật. Bà quỳ xuống lạy ngài. Lúc bà đang kể về ông chồng, thì đứa con bò tới leo lên mình đức Phật. Ông Anan đứng cạnh thấy vậy muốn tới bồng đứa bé đi, nhưng đức Phật nói không sao vì ngài nhìn chúng sanh như là những đứa trẻ. Sự việc này cho thấy đức Phật không có đầu óc phân biệt. Nhưng sự phân biệt lại xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, không phải chỉ chuyện lớn nhỏ, mà trong đầu chúng ta đã sắp đặt trước. Nhìn người nào ta sắp đặt người đó. Nếu ta là nhà kinh doanh, ta sắp đặt người đó theo kiểu kinh doanh. Nghĩa là người đó có thể cộng tác với ta thì có lợi gì cho ta. Nếu là bác sĩ, ta sẽ nhìn người đó xem họ có bệnh gì. Nếu là nhà khí công thì nhìn xem năng lượng chạy ra sao? Nếu là thầy tu, ta sẽ nghĩ người đó thuộc căn cơ bồ tát hay gì đó.v.v.. Ta đã định vị mọi người xung quanh ta trong đầu. Việc này khiến ta bị kẹt bên trong, không thể thoát ra ngoài được.

Khi đức Phật nói đến bài học này là ngài muốn chúng ta hãy phá vỡ những thành kiến trong đầu mình. Cuốn kinh của ngài hay vì ngài đã phá vỡ thành kiến bên trong bằng một triết lý cao: Căn với Trần là đồng nguyên, buộc với giải chỉ là một, tốt với xấu không có hai. Triết lý đó ở sâu trong nhân gian mà chúng ta gọi là triết lý của Đạo giáo hay Khổng giáo. Rất nhiều người khi nghe xong kinh Lăng Nghiêm đã thay đổi rất nhiều. Kinh này là một viên ngọc rất quý trong thiền viện. Những người tu theo thiền tông cũng phải nhờ vào kinh điển. Nếu không nhờ vào kinh, họ sẽ thấy đối tượng và chủ thể, đúng với sai; như vậy là bị kẹt.

Vào thời đó, chế độ phân giai cấp rất cao và rất phong kiến, quân thần phải rõ ràng. Ý tưởng đề ra trong kinh Lăng Nghiêm là một cuộc cách mạng cực kỳ lớn trong đạo Phật. Nhờ vậy rất nhiều thiền viện bắt đầu thay đổi. Thiền viện có những hệ thống rất khác với hệ thống của các chùa chiền. Hệ thống thiền viện là một hệ thống cho những người vào tu thiền mà thôi. Trong lúc hệ thống chùa chiền là có ngôi chùa cho mọi người tới lạy Phật, lễ bái. Còn thiền viện lúc đó chỉ để cho các vị tăng, không có ni, chỉ tu thôi. Chúng ta không tìm thấy một thời khóa để mọi người tới cúng kiếng. Không có, chỉ thiền mà thôi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT