Bình Luận

Cựu tổng thống Nga Mikhail Gorbachev báo động

Saturday, 27/10/2018 - 07:52:15

“Thỏa ước đó là bước thứ nhất; kế tiếp là thỏa ước Giảm Thiểu Vũ Khí Chiến Lược, Nga Sô ký với Tổng Thống George H.W. Bush; thỏa ước này cắt giảm vũ khí nguyên tử chiến thuật, được tiếp nối bởi nhiều thỏa ước khác, do nhiều vị tổng thống của cả hai nước ký kết.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Ông Gorbachev đã gửi đến tờ The New York Times một bài bình luận quan trọng; tôi xin dịch lại dưới đây:

“Tổng Thống Trump nói ông ta dự tính rút ra khỏi Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Nguyên Tử mà tôi đã ký với Tổng Thống Ronald Reagan. Dự tính đó tạo ra một hiểm họa mới -quân sự hóa liên hệ trên thế giới.
“Ngoài 30 năm trước, Tổng Thống Reagan và tôi đã ký tại Hoa Thịnh Đốn thỏa ước Mỹ-Nga Sô Viết về việc loại bỏ những hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung; đó là lần đầu tiên hai loại vũ khí nguyên tử bị loại và hủy bỏ.
“Thỏa ước đó là bước thứ nhất; kế tiếp là thỏa ước Giảm Thiểu Vũ Khí Chiến Lược, Nga Sô ký với Tổng Thống George H.W. Bush; thỏa ước này cắt giảm vũ khí nguyên tử chiến thuật, được tiếp nối bởi nhiều thỏa ước khác, do nhiều vị tổng thống của cả hai nước ký kết.


Tổng Thống Mỹ Reagan và Tổng Thống Nga Gorbachev ký thỏa ước tài giảm vũ khí nguyên tử.


Tổng Thống Mỹ Obama và Tổng Thống Nga Medvedev ký thỏa ước tài giảm vũ khí nguyên tử.

“Thế giới hiện đang có quá nhiều vũ khí nguyên tử, nhưng số vũ khí nguyên tử của Mỹ và Nga lại giảm đi so với con số vũ khí nguyên tử của hai nước này trong thời chiến tranh lạnh.
“Năm 2015, tại 'Hội Nghị Kiểm Điểm Thành Quả Không Phổ Biến Vũ Khí Nguyên Tử' Nga và Mỹ báo cáo với cộng đồng thế giới họ đã loại bỏ được 85% kho vũ khí nguyên tử của họ; đa số vũ khí loại bỏ đều được phá hủy.
“Thành quả vĩ đại khiến hai nước chúng ta -Mỹ và Nga- hãnh diện, đang bị đe dọa vì tuần trước Tổng Thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ dự định rút lui ra khỏi Hiệp Ước Giới Hạn Vũ Khí Tầm Trung, và Hoa Kỳ có ý định sản xuất thêm loại vũ khí đó.
“Nhiều người hỏi tôi có cảm thấy cay đắng khi chứng kiến thành quả mà tôi tận tụy tạo ra đang sụp đổ không. Sự sụp đổ đó không chỉ liên quan đến cá nhân tôi, mà nó còn liên quan đến nhiều việc khác, quan hệ hơn.
“NÓ là một cuộc thi đua võ trang mới; hiệp ước I.N.F. không phải là hiệp ước tài giảm vũ khí đầu tiên bị hủy bỏ; trước đó, năm 2002, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Hiệp Ước Chống Hỏa Tiễn (Antiballistic Missile Treaty), năm nay Hoa Kỳ lại rút ra khỏi hiệp ước chống nguyên tử ký với Iran. Việc sản xuất vũ khí chiến tranh phát triển đến mức tối đa, và vẫn còn đang phát triển thêm nữa
“Để biện minh cho nỗ lực phát triển kỹ nghệ chiến tranh, Hoa Kỳ nêu lên việc chính Nga cũng đang vi phạm thỏa ước giới hạn vũ khí.
“Nga cũng khiếu nại ngược lại, và đề nghị một cuộc hội nghị song phương để tìm một giải pháp có thể thỏa mãn cả đôi bên, nhưng Mỹ lảng tránh không muốn thảo luận.
“Tôi thiết nghĩ với đầy đủ thiện chí, hai nước chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề không tuân hành cam kết; tuy nhiên trong hai năm vừa rồi tổng thống Mỹ nhắm một chủ đích khác. Chủ đích đó là tháo gỡ Hoa Kỳ ra khỏi mọi cam kết, mọi trói buộc, chứ không chỉ trên địa hạt hỏa tiễn nguyên tử mà thôi.
“Hoa Kỳ đang đánh phá toàn bộ hệ thống những thỏa thuận, những hiệp định quốc tế tạo nền móng cho nền hòa bình và cuộc sống an toàn sau cuộc Đệ Nhị Thế Chiến.
“Tuy nhiên tôi tin là những người muốn trục lợi trong tình trạng toàn thế giới đồng hưởng tự do đang sai lầm trầm trọng. Sẽ không ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh 'mọi người chống mọi người' (a “war of all against all”) -nhất là khi cuộc chiến tranh toàn diện đó lại chấm dứt bằng chiến tranh nguyên tử.
“Giả thuyết 'chiến tranh nguyên tử' lại là điều không loại bỏ được. Một cuộc thi đua võ trang, một tình trạng thế giới căng thẳng, thù nghịch, một không khí nghi kỵ lẫn nhau, ... chỉ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh.”
Mikhail Gorbachev

Người viết bài báo này không tin là Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, chủ trương một cuộc thế chiến, mặc dù những điều tổng thống Gorbachev nêu ra đều có thật.

Hãy thử tìm hiểu quan điểm của một chính khách lỗi lạc -cựu ngoại trưởng George P. Shultz- qua bài báo ông viết ngày thứ Năm, 25 tháng Mười, 2018.

Ông Shultz giữ chức vụ ngoại trưởng trong suốt 6 năm rưỡi, dưới trào tổng thống Reagan, và bản thỏa ước Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty được ký kết tại Bạch Cung năm 1987, là một trong những công trình ông góp phần tạo ra.

Một ngày sau ngày tổng thống Nga Gorbachev viết bài bình luận đăng ở đoạn trên, ngoại trưởng Shultz nhận định, “Thỏa ước đó vẫn đang còn hiệu lực, mặc dù cả hai vị tổng thống Mỹ Obama và Trump tố cáo là người Nga vi phạm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần duy trì thỏa ước đó, chứ đừng hủy bỏ như tổng thống Trump muốn hủy bỏ.

“Không những không hủy bỏ mà Hoa Kỳ còn nên mời nhiều nước khác tham dự, chứ đừng nỗ lực tạo thêm những loại vũ khí có khả năng tàn sát khủng khiếp hơn. Bước đầu cần làm là tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa các chuyên viên nguyên tử Mỹ và Nga để họ đánh giá mọi vi phạm, và đề nghị giải pháp hóa giải.”
Ông Shultz khẳng định, “Thỏa ước gồm nhiều biện pháp kiểm soát đặc biệt - như đến tận nơi, chứng kiến tận mắt việc phá hủy vũ khí nguyên tử. Nhiều người không tin, nhưng việc kiểm soát thật sự hữu hiệu. Tính đến năm 1992 đã có đến 2,700 hỏa tiễn nguyên tử được phá hủy. Công cuộc kiểm soát thỏa ước giảm thiểu vũ khí nguyên tử chấm dứt năm 2001.”

Tổng thống Gorbachev và ngoại trưởng Shultz -hai nhân chứng sống của nỗ lực ký kết thỏa ước giới hạn khí giới nguyên tử- cùng đồng ý là 'nó cũ thì sơn sửa nó lại' đừng vứt nó đi, vì các chính khách hiện đang nắm giữ tình hình thế giới không đủ thành thật và thiện chí để tạo ra một thỏa ước mới hoàn thiện hơn, hoặc chỉ bằng với thỏa ước mà ông Shultz nhấn mạnh là 'vẫn còn hiệu lực'.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT