Thế Giới

Cựu thủ tướng Malaysia bị bắt

Wednesday, 04/07/2018 - 12:31:11

Cựu thủ tướng được tuyên vô tội trong cuộc điều tra trong nước thời điểm đó. Trong cuộc điều tra vừa được mở lại, cảnh sát Malaysia đã khám xét 3 căn nhà do gia đình cựu thủ tướng sở hữu, thu giữ nhiều tài sản có giá trị hơn $270 triệu Mỹ kim.

KUALA LUMPUR - Cựu Thủ Tướng Malaysia Najib Razak đã bị bắt vào thứ Ba và sẽ bị truy tố vào thứ Tư, không lâu sau khi thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 5. Theo truyền thông, ông Najib Razak bị các viên chức chống tham nhũng bắt giữ tại nhà riêng. Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, ông Najib và vợ Rosmah Mansor bị cấm rời khỏi Malaysia. Chính quyền mới đã mở lại cuộc điều tra vụ tham nhũng liên quan đến quỹ đầu tư 1MBD, tai tiếng lớn nhất trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Najib.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi đó cáo buộc ít nhất $4.5 tỷ Mỹ kim đã bị lấy khỏi quỹ này và chuyển đến Mỹ, nơi chúng được sử dụng để mua mọi thứ từ các tác phẩm nghệ thuật đến bất động sản cao cấp và cả một chiếc du thuyền xa hoa. Ông Najib bị nghi chiếm dụng ngân sách chính phủ. Cả ông Najib và 1MBD đều phủ nhận các cáo buộc. Cựu thủ tướng được tuyên vô tội trong cuộc điều tra trong nước thời điểm đó. Trong cuộc điều tra vừa được mở lại, cảnh sát Malaysia đã khám xét 3 căn nhà do gia đình cựu thủ tướng sở hữu, thu giữ nhiều tài sản có giá trị hơn $270 triệu Mỹ kim.

Thêm 1 thị trưởng Philippines bị ám sát
MANILA – Vào thứ Ba, Thị Trưởng Ferdinand Bote của thành phố General Tinio, thuộc tỉnh Nueva Ecijia, ở phía bắc thủ đô Manila, đã bị các tay súng đi trên xe máy ám sát. Đây là vị thị trưởng thứ 2 bị giết hại chỉ trong vòng 2 ngày tại Philippines. Ông Bote, 57 tuổi, cũng là viên chức dân cử thứ 12 bị ám sát kể từ khi Tổng Thống Rodrigo Duterte tung ra chiến dịch chống ma túy đầy bạo lực vào 2 năm trước, dù ông Bote không có liên hệ gì với việc buôn bán ma túy.
Các tay súng đi trên xe máy đã áp sát chiếc SUV chở Thị Trưởng Bote và bắn chết nạn nhân, khi ông Bote và tài xế đang rời một văn phòng chính phủ. Cảnh sát trưởng Adrian Gabriel cho biết, ông Bote đã bị bắn nhiều phát đạn bằng súng ngắn, còn người tài xế thoát chết trong vụ tấn công. Cảnh sát thu được ít nhất 18 vỏ đạn tại hiện trường. Vị thị trưởng được đưa vào bệnh viện gần đó, nhưng được xác định đã chết khi đến nơi. Ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng Thống Duterte, tuyên bố chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để truy tìm thủ phạm.
Trước đó vào thứ Hai, ông Antonio Halili, 72 tuổi, thị trưởng thành phố Tanauan, tỉnh Batangas, cũng bị bắn chết khi đang dự một lễ chào cờ hàng tuần. Ông Halili trước đây từng thu hút chú ý khi cho áp giải tội phạm ma túy đi diễu trên đường phố ở Tanauan. Tổng Thống Duterte cáo buộc ông Halili có liên quan đến các băng đảng ma túy, nhưng ông Halili luôn bác bỏ các cáo buộc này. Cảnh sát Philippines đã bắn chết hơn 4,200 người trong chiến dịch chống ma túy kể từ tháng 7, 2016, và hơn 2,500 nghi can ma túy khác bị giết bởi các sát thủ cũng trong cùng giai đoạn này.

Phà Indonesia chìm trên biển, 12 người chết
SULAWESI – Ít nhất 12 người đã chết và một chiến dịch cứu nạn đang diễn ra tại Indonesia vào thứ Ba, sau khi một chiếc phà chở khách bị chìm gần đảo Sulawesi. Thuyền trưởng, trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu hành khách, đã cố gắng cho phà chạy vào bờ khiến phà mắc cạn. Nhà chức trách cho biết, phà Lestari Maju nằm cách bờ khoảng 200 mét, với 139 hành khách trên khoang, theo danh sách của phà, cùng nhiều xe hơi, xe tải, và xe máy. Cũng theo nhà chức trách, 12 người đã thiệt mạng, bao gồm 2 trẻ em 2 tuổi và 3 tuổi.
Được biết, thuyền trưởng đã lái chiếc phà dài 48.5 mét về hướng bờ biển, sau khi phà bắt đầu chìm trên đường từ cảng Bira tới đảo Selayar, phía nam đảo Sulawesi. Quyết định của thuyền thưởng được cho là đã giúp ích cho công việc cứu nạn. Hơn 30 người đã được cứu và được đưa vào các bệnh viện địa phương. Các hình ảnh từ truyền thông địa phương cho thấy vẫn còn rất nhiều người mặc áo phao đeo bám trên thành tàu.
Các tai nạn tàu thuyền rất thường xảy ra ở Indonesia, quốc gia có hơn 17,000 hòn đảo, trong khi nhà chức trách lại không kiểm tra kỹ việc thực hiện các quy định về an toàn. Cũng trong ngày thứ Ba, nhà chức trách đã ngừng việc tìm kiếm trên hồ Toba, thuộc đảo Sumatra, sau khi một phà gỗ chìm tại đây vào 2 tuần trước. Sự việc trở thành thảm họa đường thủy thảm khốc nhất tại Indonesia, với 164 người được cho là đã thiệt mạng. Ngày 21 tháng 6, cảnh sát đã bắt ông Tua Sagala, người điều khiển chiếc tàu gặp nạn ở Toba để thẩm vấn. Con tàu bằng gỗ được cho là hoạt động không có giấy phép và cũng không có danh sách hành khách.

Trung Quốc sắp hủy mua 1.1 triệu tấn đậu nành Mỹ
BẮC KINH – Các công ty Trung Quốc dự kiến sẽ hủy phần lớn số đơn đặt hàng mà họ đã hứa mua từ Hoa Kỳ, trong năm kinh doanh kết thúc vào ngày 31 tháng 8, sau khi các khoản thuế đánh lên hàng Hoa Kỳ nhập cảng bắt đầu có hiệu lực vào thứ Sáu. Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu nành hàng đầu, và vẫn chưa nhận 1.1 triệu tấn đậu nành đặt hàng cho năm kinh doanh hiện tại. Theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, vào tuần trước, Trung Quốc đã bán lại đơn hàng của khoảng 123,000 tấn đậu nành cho Bangladesh và Iran.
Theo giới chuyên gia, các đơn hàng đậu nành sẽ bị hủy hoặc sẽ bị bán lại nếu thuế nhập cảng có hiệu lực, do khoản thuế này quá cao, sẽ khiến các nhà nhập cảng bị thiệt hại. Tuy nhiên, một số chuyến hàng sẽ vẫn được nhập cảng, vì đây là hàng dự trữ quốc gia và được miễn thuế. Trung Quốc luôn duy trì một lượng dự trữ nhất định bao gồm cả đậu nành nội địa và nhập cảng. Lượng đậu nành dự trữ của Trung Quốc trong năm kinh doanh 2018 dự kiến là 97 triệu tấn. Giới phân tích tin rằng các chuyến hàng đậu nành từ Hoa Kỳ sẽ ngừng lại sau ngày thứ Sáu, do các hãng nhập cảng đều đã yêu cầu ngừng gởi hàng. Các công ty Trung Quốc đã mua thêm đậu nành từ Brazil từ tháng 4 năm nay, và lượng đậu nành tồn kho tại các nhà máy chế biến của Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi vào quý 4 năm nay, khi Brazil hết mùa và các hãng Trung Quốc phải mua đậu nành từ Hoa Kỳ, ngay cả khi bị đánh thuế 25%.

Sri Lanka đặt căn cứ tại cảng Trung Quốc kiểm soát
COLOMBO - Chính phủ Sri Lanka hôm thứ Hai cho biết nước này đang chuyển một căn cứ Hải quân về một hải cảng được xây dựng và kiểm soát bởi Trung Quốc. Hành động này được cho là nhằm tăng cường an ninh tại cảng Hambantota, nơi nhiều nước đang lo ngại có thể bị Bắc Kinh dùng cho mục đích quân sự. Căn cứ của Sri Lanka, hiện đặt tại quận Galle, sẽ được dời 125 cây số dọc theo bờ biển phía nam để đến cảng Hambantota, nơi khá gần với một tuyến đường hàng hải lớn nối từ châu Á đến châu Âu.
Cảng Hambantota có vai trò quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Cộng, và hiện đang được hãng China Merchants Port thuê lại trong thời hạn 99 năm với chi phí $1.12 tỷ Mỹ kim. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Nhật đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể dùng cảng Hambantota làm căn cứ quân sự. Chính phủ Sri Lanka và tòa đại sứ Trung Quốc tại Colombo bác bỏ thông tin này, cho biết hợp đồng thuê cảng có điều khoản quy định địa điểm này không được dùng cho mục đích quân sự. Đại diện Hải quân Sri Lanka cho biết, một đơn vị Hải quân hiện đang đóng quân tại Hambantota, và việc xây dựng căn cứ đang được tiến hành. Lên tiếng từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng, dự án cảng Hambantota là để giúp Sri Lanka đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm vận chuyển tại Ấn Độ Dương, đem lại lợi ích cho cả quốc gia và khu vực.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT