Bình Luận

Cuộc tranh luận quanh co

Saturday, 29/12/2018 - 08:03:08

Trump trả lời, “Khỏi cần.” Ông đã lên tiếng cảnh cáo Hạ Viện Dân Chủ là ông sẽ đóng cửa chính phủ, đóng rất dài ngày, và quy trách cho Hạ Viện không cung cấp $5 tỉ cho ông, để ông xây trường thành chống Mễ - việc mà ông gọi là ƯU TIÊN MỘT.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Tư, 26 tháng Chạp, 2018, Tổng Thống Donald Trump đến căn cứ không quân Al Asad Air Base tại Iraq, thăm lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại đây; lần này là lần đầu ông ra tiền đồn thăm binh sĩ trong suốt thời gian trên hai năm ông nắm giữ vai trò tổng tư lệnh quân đội.

Thăm viếng quân sĩ -những người tận tụy phục vụ đất nước, không được hưởng mùa lễ hội cuối năm trong khung cảnh gia đình đoàn tụ- dĩ nhiên là một hành động rất đẹp, đáng ca ngợi.

Ông cũng nói với họ điều ông ưu tư về họ: ông muốn đem họ về nước để cùng những người Mỹ khác sống đoàn tụ với gia đình, vui hưởng cảnh đất nước thanh bình.

Nhưng, tổng thống than thở, "Một số người đã diễn dịch sai lầm quan điểm của tôi." Ông cho cử tọa quân nhân đang nghe ông nói, biết thêm là ông đã khước từ đề nghị của một số viên chức quân sự, xin giữ đơn vị mà ông ra lệnh rút ra khỏi chiến trường Syria, được ở lại đó thêm 6 tháng nữa.

Tổng thống bảo cho những quân nhân Mỹ trú đóng tại Al Asad Air Base biết là, tính đến giờ này, quá nhiều binh sĩ Mỹ đã gánh vác nhiệm vụ viễn chinh từ quá lâu, và hôm nay là thời điểm người Iraq, người Syria, người A Phú Hãn phải tự bảo vệ lấy họ.

Cử tọa nồng nhiệt hoan hô tổng thống về thái độ ưu ái của ông đối với họ, không quan tâm đến việc ông chỉ mượn họ làm đối tượng để trả lời dư luận chỉ trích ông, và đồng ý với lời chỉ trích của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis nhắm vào ông.

Ông Mattis phản đối việc tổng thống rút toàn bộ 2,000 quân Mỹ đang tác chiến tại Syria, phối hợp với dân quân Kurd truy kích quân khủng bố Hồi Giáo ISIS; trên chiến trường Syria còn có quân Nga, yểm trợ quân chính phủ Syria, cũng với mục tiêu tấn công ISIS.


Cho đến giờ này, quân Mỹ không tấn công quân Syria -đồng minh của Nga; đổi lại quân Nga cũng không tấn công quân Kurd -đồng minh của Mỹ.

Quan điểm về sức mạnh quân sự của Tổng Thống Donald Trump và của Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis hoàn toàn không giống nhau, và sự khác biệt đó giải thích việc ông Mattis từ chức hôm thứ Năm, 20/12/2018.

Ông Mattis đánh giá Nga không phải là đồng minh của Mỹ, trong lúc tổng thống tin là liên minh Nga-Mỹ là giải pháp chế ngự hiểm họa Trung Cộng.

Trong lá thư từ nhiệm, ông Mattis giải thích quan điểm của ông về sức mạnh quân sự; ông viết, “Một trong những niềm tin cốt lõi của tôi là sức mạnh của một quốc gia gắn bó chặt chẽ với sức mạnh của hệ thống liên minh và đối tác độc đáo và toàn diện của nước mình.

"Mặc dù Mỹ vẫn là 'quốc gia không thể thiếu' trong thế giới tự do, nhưng người Mỹ chúng ta không thể bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ hoặc phục vụ vai trò 'quốc gia không thể thiếu' đó một cách hiệu quả mà không duy trì các liên minh mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng với các đồng minh đó."
Một trong những liên minh mà ông Mattis mô tả là 'liên minh mạnh mẽ', phải là Liên Minh Phòng thủ Bắc Âu -NATO (the North Atlantic Treaty Organization) mà Tổng Thống Trump đã đến tham dự cuộc đại hội diễn ra hôm 15 tháng Bảy 2018, để đòi toàn bộ thành viên NATO trả nợ cũ cho Mỹ, và đóng góp thêm vào ngân sách phòng thủ, chứ không để Mỹ phải tốn kém quá đáng để bảo vệ Bắc Âu.

Ngay sau khi nhục mạ các quốc gia thành viên NATO, Tổng Thống Trump bay thẳng đến Helsinki, họp kín, và tay đôi với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Năm tháng sau, Trump quyết định rút toàn bộ 2,000 quân Mỹ ra khỏi chiến trường Syria vào lúc 6:29 sáng thứ Tư, 19 tháng Chạp, 2018. Giải thích quyết định của mình bằng tweet, tổng thống viết: “We have defeated ISIS in Syria, my only reason for being there during the Trump Presidency.” (chúng ta đã đánh bại quân ISIS tại Syria - việc đánh bại chúng là lý do duy nhất của chính phủ Trump để hiện diện tại đó)

Bốn chữ việc đánh bại chúng do người dịch thêm vào cho rõ nghĩa hơn.

Quyết định đột ngột đó khiến toàn bộ cố vấn của tổng thống và viên chức Ngũ Giác Đài chưng hửng. Họ không hiểu tổng thống căn cứ vào đâu để cho là quân Mỹ đã chiến thắng quân ISIS; họ cũng không quan niệm chiến thắng là phải chấm dứt chiến tranh, vì sau chiến thắng, thường khi, quân Mỹ vẫn ở lại chiến trường để yểm trợ những công tác dân sự khác, như tái thiết đường sá, nhà cửa bị tàn phá trong chiến tranh.

Nhưng tổng thống muốn rút quân nhanh chóng hơn, ông ra kỳ hạn 30 ngày; quyết định đó khiến các chính khách Cộng Hòa bất bình.
Trưởng khối đa số Cộng Hòa tại thượng viện -Nghị Sĩ Mitch McConnell- thường khi nhu nhược, lần này cũng viết tuyên ngôn rất dứt khoát. Ông viết, "Hoa Kỳ cần duy trì và tăng cường tình đồng minh do quý vị lãnh tụ lưỡng đảng xây dựng từ những năm sau Thế Chiến Thứ Nhì. Chúng ta còn cần sáng suốt nhận định nước nào là bạn, nước nào là thù; Nga không đứng trong hàng ngũ bạn.

“Tôi rất tiếc việc Bộ Trưởng Mattis từ nhiệm; ông ta là một trong những viên chức chính phủ có quan điểm dứt khoát trong nhận định bạn và thù. Tôi lại càng lo hơn nữa, vì chính quan điểm đó là nguyên nhân khiến ông từ nhiệm."

Việc ông 'ba phải' McConnell phải xa gần nói là tổng thống không 'sáng suốt nhận định được nước nào là bạn, nước nào là thù'quả là một tiêu chuẩn mới của thái độ Trump thân Nga.

Nghị Sĩ Trẻ Marco Rubio, tiểu bang Florida, dẫn chứng lời lẽ trong lá thư từ nhiệm của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis, rồi nhận định, “Ai cũng phải thấy là chúng ta đang cắm đầu lủi vào một loạt những sai lầm chính trị gây tổn thương cho đồng minh, tạo thắng thế cho thế lực đối nghịch, và đưa Hoa Kỳ vào thế yếu nhược hơn.”

Nghị Sĩ Lindsey Graham -một trong những 'tay trong' được tổng thống tín nhiệm nhất cũng lên tiếng báo động, “Không chỉ rút quân ra khỏi Syria, mà tổng thống còn đang cho rút quân tại A Phú Hãn; và nếu chúng ta không chấn chỉnh lại đường lối quốc phòng, thì con đường 9/11 đang được mở rộng.”
Nghị Sĩ Cộng Hòa Ben Sasse, tiểu bang Nebraska, mệnh danh ngày từ chức của Tướng Mattis là a “sad day for America” (ngày đáng buồn cho Hoa Kỳ), ngày tổng thống không biết nghe một lời can gián đúng.
Ông hỏi tổng thống "chúng ta thắng trận đánh tan quân khủng bố Hồi Giáo từ lúc nào? Tại sao lại dựng chuyện đó lên?"

Nhưng Putin không để ông bạn Trump đơn độc chịu trận với những áp lực của các chính khách Cộng Hòa: ngày 20/12/2018, Putin lên tiếng bênh vực quyết định rút quân của Trump. Putin nói Mỹ đã đánh tan quân ISIS thì rút quân về nghỉ ngơi là phải, mà lại còn tránh được cái rủi ro va chạm với quân Nga.
Putin nêu lên quyền ở lại chiến trường của quân Nga, vì họ được chính phủ Syria mời đến đánh giặc giùm, trong lúc quân Mỹ không được mời mà vẫn cứ tới.

Sự xuất hiện nhanh chóng của Putin, và lời khuyên bảo miễn phí của ông ta có giúp thiện chí hòa bình của Trump hay không?

Trump trả lời, “Khỏi cần.” Ông đã lên tiếng cảnh cáo Hạ Viện Dân Chủ là ông sẽ đóng cửa chính phủ, đóng rất dài ngày, và quy trách cho Hạ Viện không cung cấp $5 tỉ cho ông, để ông xây trường thành chống Mễ - việc mà ông gọi là ƯU TIÊN MỘT.

Khác biệt quan điểm giữa ông và người Mỹ về việc Nga là bạn hay là thù là chuyện 'để đó, tính sau'. Cứ rút quân về nghỉ khỏe cái đã.
Chuyện Syria đã có Nga lo.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT