Du Lịch

Cuộc sống ở nơi khắc nghiệt nhất thế giới

Tuesday, 14/02/2017 - 07:26:52

Trong thời gian hạn hán, nơi đây la liệt những xác chết của các loài chim và lạc đà chết vì mất nước. Sức nóng khủng khiếp tại sa mạc làm nước bốc hơi nhanh chóng và để lại những lớp muối kết tinh.



Các hồ axít và đá nóng chảy.

ETHIOPIA - Vùng lòng chảo Danakil, Ethiopia, nằm ở độ sâu 100 mét so với mực nước biển, được National Gepgraphic coi đây là địa điểm khắc nghiệt nhất thế giới. Với nhiệt độ giao động từ 37 đến 62 độ C, Danakil được xem là nơi thần chết không bao giờ ngủ quên.



Vùng trũng Danakil.

Vùng trũng Danakil (Danakil Depression) nằm trong sa mạc Danakil ở Ethiopia - một quốc gia thuộc châu Phi, được xem là nơi nóng nhất thế giới. Sa mạc Danakil thuộc vùng Tam giác Afar, bao gồm đông bắc Ethiopia, phía nam Eritrea, Djibouti và tây bắc Somalia. Nơi đây thấp hơn mực nước biển khoảng 100 mét, chứa nhiều đá đỏ, quặng lưu huỳnh và mỏ muối. Các nhà địa chất cho rằng những mỏ muối được tạo nên theo thời gian từ những trận lũ gần Biển Đỏ tràn qua.

Vùng trũng này là nơi sinh sống duy nhất của người Afar. Ở vùng trũng Danakil, muối đồng nghĩa với tiền, vì toàn bộ nền kinh tế nơi đây phụ thuộc vào hoạt động khai thác và buôn bán muối khoáng. Người dân trong vùng sử dụng phương pháp và công cụ truyền thống như cuốc, dây thừng để khai thác muối, như tổ tiên họ đã làm trong hàng trăm năm qua. Họ cắt muối thành từng tảng, đóng gói và chuyên chở muối ra khỏi sa mạc bằng lạc đà.


Đoàn lạc đà chở muối.

Với diện tích bao phủ một vùng rộng lớn khoảng 100,000 cây số vuông, đây là vùng có địa hình khô cằn bậc nhất thế giới. Bên dưới lòng chảo là dòng dung nham sôi sục chỉ cách bề mặt 20 cây số. Lớp đất ở đây cũng đang ngày một mỏng đi do những chuyển động của các mảng địa chất kiến tạo.

Trong thời gian hạn hán, nơi đây la liệt những xác chết của các loài chim và lạc đà chết vì mất nước. Sức nóng khủng khiếp tại sa mạc làm nước bốc hơi nhanh chóng và để lại những lớp muối kết tinh.


Thợ mỏ cột các khối muối để chất lên lạc đà.


Đất ở vùng trũng Danakil không giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới, bởi nó được bao bọc bởi lưu huỳnh, muối và khoáng chất nên có mùi khó chịu giống mùi trứng thối. Người ta ví Danakil giống như một miếng vá phồng rộp của trái đất. Tại Danakil, nước ngọt cực kỳ khan hiếm và là mặt hàng quý giá. Nơi đây có rất ít hồ chứa nước ngọt và hầu như lượng mưa trong năm là rất ít.


Một người lính Ethiopia canh gác từ xa.

Vùng trũng Danakil có những đặc điểm địa lý thuộc hàng độc đáo nhất thế giới, với núi lửa, hồ axit nhiều màu, đá nóng chảy và các mỏ muối rộng lớn. Suối nước nóng tại đây thường được các nhà khoa học nghiên cứu, để xem bằng cách nào các vi sinh vật lại sống được trong điều kiện khắc nghiệt như vậy.
Sản lượng muối tại Danakil lên tới 1 triệu tấn mỗi năm. Mỗi khối muối ở đây đem lại cho thợ mỏ khoảng 20 cent. Các bộ tộc địa phương đã theo nghề này từ nhiều thế kỷ qua. Nhiều công ty muốn khai thác muối ở đây đều bị chính quyền địa phương từ chối.


Mọi vật rơi xuống nước ở đây đều bị bám muối kết tinh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT