Chuyện Nước Pháp

Cuộc phỏng vấn tìm lại thanh thế của Macron

Monday, 16/10/2017 - 10:32:25

Mỗi tối cuối tuần như thế, có khoảng 6.6 triệu người xem đài TF1 và con số này chiếm 28% tổng số các khán thính giả chia ra cho nhiều đài cùng chiếu tin tức.

Bài NGỌC DIỄM

Ngay từ lúc đầu, vị cầm quyền trẻ tuổi này đã muốn làm khác đi hai cựu tổng thống Sarkozy và Hollande là không qua sự phỏng vấn thông thường của ký giả đài truyền hình sau vài tháng cầm cương triều chính. Khổ thay, vì thanh thế đang từ từ tuột dốc do sự mất lòng tin của dân chúng vào những gì ông đã và đang làm hiện nay theo các phiếu thăm dò ý kiến cho biết, Macron đành phải tuân theo truyền thống.
 

Vào tháng Chín năm nay, Tổng Thống Emmanuel Macron bị mất tín nhiệm hết ba điểm chỉ còn 37%

Thế là hai nam và một nữ ký giả của hai đài tư nhân số một TF1 – và LCI đã được mời đến phỏng vấn viên sếp quốc gia tại Điện Elysée vào lúc 8 giờ tối Chủ Nhật, ngày 15 tháng 10. Ông muốn nâng cao trở lại thanh thế của mình và trả lời dư luận cho rằng chính quyền đang thực thi đường lối chính trị quá nghiêng về phe Hữu. Công chúng theo dõi tin tức truyền hình tư nhân TF1 rất đông đảo. Mỗi tối cuối tuần như thế, có khoảng 6.6 triệu người xem đài TF1 và con số này chiếm 28% tổng số các khán thính giả chia ra cho nhiều đài cùng chiếu tin tức.

Tất cả có tám chiếc máy quay phim đặt quanh chỗ ngồi của tổng thống, bên trên nền trời đã tối đen lúc qua mùa thu là chiếc drone bay lượn giữ an ninh. Ba nhân vật nổi tiếng của các đài tư nhân nói trên là David Pujadas, Anne-Claire Coudray và Gilles Bouleau cùng nhau vặn hỏi nhà cầm quyền. Chủ đề xoay quanh cung cách của tổng thống, chính sách kinh tế và xã hội, ngoại giao quốc tế.

 

Cuộc phỏng vấn trang trọng tại Điện Elysée với ba ký giả đài truyền hình tư nhân.


Từ khi lên chức TT, ông Macron -người đã dám văng tục danh từ “bordel” với ba nghĩa chính để chỉ theo thứ tự là ổ điếm, sự lộn xộn, chửi thề khi chờ đợi lâu lắc hay giận quá- đã tìm cách tránh né những cuộc phỏng vấn của báo chí hay đài truyền hình.
 

Vị Tổng Thống dám dùng chữ bình dân “bordel” (brothel) hiếm có.

Ngay cả ngày Quốc Khánh 14 tháng Bảy ông cũng dẹp luôn dù là truyền thống. Ông rất hà tiện, cho nhỏ giọt năm cuộc phỏng vấn mà thôi: hai cho báo Pháp và Châu Âu, một cho tờ Le Point (Cái Chấm), một cho đài CNN Hoa Kỳ và ngày thứ Bảy vừa qua cho tờ tuần báo Đức Der Spiegel (có nghĩa là Tấm Gương, Le Miroir).

Ảnh bìa là chân dung ông Macron với hàng chữ trắng phía trên “Tôi không là người kiêu căng” -ich bin nicht arrogant, và hàng chữ bên dưới có nghĩa là “Tôi nói và làm điều gì tôi thích” -ich sage und tue, was ich mag. Ông nói với tờ tuần báo là không kiêu căng nhưng tính tình cương quyết đổi mới tới cùng.


Hình ông Macron lên trang bìa của tờ tuần báo Đức Der Spiegel

Sở dĩ tiện tặn lời nói với báo chí là vì ông thích trò chuyện thẳng với dân chúng qua hệ thông tin xã hội, nơi đường phố hay lúc phải di chuyển gặp gỡ họ. Tuy nhiên, gặp thời thế thế thời phải thế, ông phải tùy cơ ứng biến vì chỉ còn 37% dân chúng ủng hộ mà thôi (có báo khác ghi con số 44%). Từ vài tuần lễ đã qua, ông bị phe đối lập tấn công tới tấp là các biện pháp đổi mới đưa ra chỉ để làm lợi thêm cho giới nhà giàu chủ nhân ông. Cuộc phỏng vấn được tính trước vào lúc tin tức thường lệ phát ra lúc tám giờ đêm bị thay thế bởi sự kiện này. Quảng cáo liên tục báo cho khán thính giả hay. Tổng Thống phản pháo giới chống đối và tìm cách tự bảo vệ chính sách mình đưa ra.

Ông bị chụp mũ “Tổng Thống của người giàu” - Président des riches, vì đưa ra luật thuế mới giảm cho những nhà tài phiệt kếch xù lên đến năm tỷ đồng. Ngược lại, tiền trợ cấp trả chi phí thuê nhà cho người nghèo và hợp đồng giúp kẻ học việc đồng loạt bị lấy bớt mấy chục bạc. Thật tréo cẳng ngỗng. Không riêng gì đảng Cộng Sản Pháp và phe Bất Khuất cùng nói thế mà hơn 53% dân Tây cũng cho rằng chính phủ đưa ra biện pháp kinh tế có lợi cho người giàu có rõ ràng.

Đã vậy, Macron lỡ lời dùng những chữ gây nên nhiều tranh cãi trái ngược với những gì ông phủ nhận là khinh người (dùng chữ kẻ bỏ đi, người vô lại, tên gây rối, sự ganh tỵ đầy tính chất gốc rễ sẵn có của người Pháp). Nhưng ông chủ điện vàng Elysée vẫn nói với ký giả khi bị hỏi về vấn đề dùng chữ kỳ lạ như vậy là ông không muốn hạ nhục ai cả, mà chỉ tiếp tục phát biểu ý kiến “bình dân” trong khi các vị tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh ưa dùng chữ đao to búa lớn hơn.

Để bênh vực đường lối cách mạng của mình, nhà cầm quyền gần như độc thoại cho ba ký giả thật ngoan ngoãn ngồi nghe rất ít khi cắt lời tổng thống. Một số tiền rất lớn làm người nghe rung rinh lỗ tai là 15 tỷ đồng dành cho người thất nghiệp lâu năm học nghề mới, giới trẻ vừa vào đời, kẻ ít kiến thức chuyên môn vươn lên. Kết quả tốt đẹp của mọi sự cố gắng chống nạn thất nghiệp sẽ thành sự thật từ một năm rưỡi cho đến hai năm.

Ông cũng báo tin đã vận động để tước Huy Chương Danh Dự đã lỡ ban phát cho nhà sản xuất phim ảnh Hoa kỳ tên họ Harvey Weinstein bởi trào chính cũ khi tai tiếng bùng nổ mới đây. Vị đạo diễn kiêm sản xuất Nghệ Thuật Thứ Bảy bị cả lô nữ tài tử xi nê ma Pháp và Mỹ xúm nhau tố cáo là yêu râu xanh phá hại họ bằng cách lợi dụng thanh thế khi đóng phim dưới quyền ông ta! Chuyện xảy ra đã có từ 25 năm nay mới bị vỡ lỡ gần đây thôi, thật tệ hại. Cây đại thụ này đã từng lãnh đến 81 tượng vàng Oscar trị giá $850 đô-la một cái trong suốt cuộc đời làm phim ảnh lại bị trục xuất khỏi Hàn Lâm Viện Oscar.
Tựu chung, Tổng Thống Macron tỏ ra có bản lãnh gan lỳ không sợ bị chỉ trích vì cách phát biểu khinh thị có vẻ như lỡ lời. Đáp lại câu hỏi có vẻ hóc búa của ký giả về kết quả đã năm tháng trị quốc vừa qua ra sao, ông tự tin cho rằng đã làm được nhiều chuyện lớn lao.

“Ai đã rêu rao tôi thắng cử mà không có đảng phái, đã có rồi. Ai bảo chẳng có quốc tế nghe tiếng tôi nói? Có nghe rồi. Sẽ chẳng được đa số quốc hội, được rồi. Luật lệ mới nào đâu, đây rồi. Tôi ngồi đây không phải để điều hành, hay làm mới mà là biến đổi mọi thứ một cách cứng rắn. Nếu cứ bo bo ngày tháng lo nhìn điểm số tín nhiệm thăm dò dân chúng thì tôi chỉ có nước rớt đài và kéo quốc gia Pháp rớt theo.” Ông nói như vậy trên đài TF1.
 

Bức tranh tuyệt đẹp tiêu biểu của Pháp trên tường do nghệ sĩ đường phố Obey, alias Shepard Fairey vẽ.

Với cái nhìn khách quan, chúng ta sẽ thấy ông Macron ít nhiều tỏ ra mâu thuẫn trong lời nói và hành động. Hãy còn sớm thật để xem xét kết quả cầm đầu rường cột quốc gia của một chính trị gia đi nhanh nhất trong số các vị tổng thống trước. Macron từng nói rằng ông phi tả phi hữu mà là thành phần tiến bộ. Nay những việc ông làm dần dần tố cáo khuynh hướng hữu phái, té ra cũng giống như mấy đời tông tông trước thôi. Thành ngữ ca dao ta có câu mạnh vì gạo, bạo vì tiền; phe phái nào gây ảnh hưởng lớn nhất tại nước Pháp ngoài phe tư bản. (nd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT